Tổng Giám mục Virgilio do Carmo da Silva: nhà giáo cho đất nước trẻ Đông Timor
Tổng Giám mục Virgilio do Carmo da Silva: nhà giáo cho đất nước trẻ Đông Timor
“Khi biết tin, tôi bị sốc đến mức gần ngất xỉu”. Đó là phản ứng của giám mục Virgilio do Carmo da Silva, giáo phận Dili khi ngài nghe tin mình sẽ là hồng y đầu tiên của Đông Timor. Với việc phong hồng y này, quần đảo Đông Nam Á nhỏ bé với 1,3 triệu dân, có khoảng 97% là người công giáo, tiến thêm một bước nữa để ra với thế giới, sau một lịch sử đầy chông gai và chiến đấu cho độc lập gần đây.
Giám mục Virgilio do Carmo da Silva nói trong cuộc họp báo ngày thứ ba, 30 tháng 5 sau khi biết tin ngài sẽ được phong hồng y: “Tôi tin Đức Phanxicô không làm điều này cho tôi mà cho Giáo hội và người dân Đông Timor. Giáo hội và người dân Đông Timor xứng đáng nhận được ơn và sự công nhận này từ Thiên Chúa, ở một nước mà Tin Mừng đến cách đây 500 năm và tổ chức kỷ niệm 20 năm độc lập ngày 20 tháng 5”.
Sinh năm 1967 tại thành phố Venilale, giám mục Virgilio do Carmo da Silva học tại các trường do Hiệp hội Thánh Phanxicô Salêdiêng, Don Bosco điều hành. Sau đó ngài vào dòng này, khấn lần đầu năm 1990 và khấn trọn năm 1997. Ngài chịu chức ngày 18 tháng 12 năm 1998.
Trong thời gian đầu làm linh mục, ngài dành thời gian để đào tạo các tập sinh và điều khiển các trường Salêdiêng ở Đông Timor, và cùng lúc này, từ năm 2005 đến năm 2007 ngài đi Rôma để lấy bằng linh đạo tại Đại học Giáo hoàng Salêdiêng. Sau đó ngài về lại quê hương và năm 2015 ngài được bầu làm Bề trên Tỉnh dòng Salêdiêng Đông Timor và Indonesia. Một năm sau, ngày 18 tháng 3 năm 2016, Đức Phanxicô bổ nhiệm ngài làm giám mục Dili, thủ đô của Đông Timor, tiếp đó Dili được nâng lên hàng tổng giáo phận và ngài là tổng giám mục năm 2019. Hồng y tương lai cũng là phó chủ tịch Hội đồng Giám mục Timorese.
Tháng 8, giám mục Virgilio do Carmo da Silva, 54 tuổi, sẽ là hồng y trẻ thứ hai, sau giám mục người Ý Giorgio Marengo, 48 tuổi, Tông tòa Ulaanbaatar (Mông Cổ).
Một đất nước trẻ, công giáo và gần với Giáo hội
Đông Timor là quốc đảo trẻ có nguồn gốc công giáo mạnh mẽ. Từ thế kỷ 17 đến năm 1975, quốc gia nhỏ bé này dưới quyền cai trị của Bồ Đào Nha, họ mang đạo công giáo đến với người dân. Năm 1975, quốc gia được độc lập, nhưng sau đó bị nước láng giềng Indonesia xâm lược, dẫn đến nhiều năm bạo lực xung đột giữa quân đội và các nhóm ly khai.
Giáo hội công giáo đóng vai trò quan trọng trong thời kỳ này để giúp người dân Timor, đặc biệt dưới sự lãnh đạo của giám mục Carlos Ximenes Belo, Giám quản Tông Tòa Dili, ngài công khai lên án các lực lượng Indonesia chiếm đóng đất nước và kêu gọi cuộc kháng chiến bất bạo động. Năm 1996, ngài nhận giải Nobel Hòa bình cho những nỗ lực của mình cùng với chính trị gia José Ramos-Horta, hiện ông là tổng thống của đất nước.
Thêm nữa, năm 1989, Đức Gioan-Phaolô II có chuyến đi gây tranh cãi tới đất nước này, lần đầu tiên ngài đưa việc Indonesia chiếm đóng Đông Timor ra chính trường quốc tế. Ngài lên án các hành vi vi phạm nhân quyền mà không nêu rõ ràng đó là các lực lượng Indonesia, ngài thận trọng không có cử chỉ nào để khẳng định chủ quyền của Đông Timor. Vatican ủng hộ các các giám mục, linh mục địa phương nhưng vẫn chính thức trung lập về vấn đề độc lập.
Hơn 5.000 giáo dân tham dự thánh lễ do giám mục Virgilio do Carmo da Silva cử hành năm 2019 để kỷ niệm 30 năm chuyến tông du của Đức Gioan-Phaolô II. Sau đó một giám mục đã tuyên bố, chuyến tông du của Đức Gioan-Phaolô II “là thời điểm thế giới bắt đầu biết về cuộc đấu tranh giành độc lập của người Timor”. Khi Đức Gioan-Phaolô II qua đời, Đông Timor đã cử hành quốc tang ba ngày.
Cuối cùng Liên Hiệp Quốc bảo trợ cuộc trưng cầu dân ý về độc lập dẫn đến việc Indonesia rút quân năm 1999. Hiến pháp có hiệu lực năm 2002 nêu rõ “nhà nước công nhận và đánh giá cao sự tham gia của Giáo hội công giáo trong quá trình giải phóng dân tộc”.
Tập trung vào giáo dục và ổn định trong thời hậu độc lập
Chính trong bối cảnh đó, giám mục Virgilio do Carmo da Silva lớn lên và đã định hướng cuộc đời ngài cho đến ngày hôm nay, trong khi đất nước mong manh này vẫn bị tình trạng chia rẽ in dấu mạnh, cố gắng tìm cách là một quốc gia độc lập. Giống như các vị tiền nhiệm của ngài, ngài duy trì mối quan hệ chặt chẽ với nhà nước.
Tổng thống Ramos-Horta và Thủ tướng Taur Matan Ruak đã nhanh chóng chúc mừng giám mục khi biết ngài sắp được phong hồng y. Nghị viện cũng ra thông báo chúc mừng, cho rằng đây là “giây phút lịch sử” của đất nước và là nguồn “tự hào của người dân Đông Timor”.
Cơ bản là nhà giáo, giám mục Virgilio do Carmo da Silva hợp tác chặt chẽ với Nhà nước để nâng cao chất lượng giáo dục và các cơ hội giáo dục của đất nước. Hơn nữa, vì Đông Timor là quốc gia rất trẻ, năm 2020 tuổi trung bình của người dân là 20,8 nên tân hồng y nhấn mạnh đến sự cần thiết phải giáo dục và đào tạo người trẻ trong đức tin công giáo.
Tháng 12 năm 2021, ngài khánh thành trường Đại học công giáo đầu tiên trong nước vinh danh Đức Gioan-Phaolô II, thực hiện mục tiêu lâu dài của tổng giáo phận. Ngài tuyên bố: “Đại học công giáo Timor phải ở tầm cao thế giới trong tất cả các lĩnh vực nỗ lực của con người, cảm hứng từ các truyền thống trí tuệ, đạo đức và tâm linh công giáo.”
Tháng 5 năm 2022, giám mục Virgilio do Carmo da Silva có mặt trong buổi gia hạn một thỏa thuận giữa Giáo hội và chính phủ Đông Timor, trong đó có phần công quỹ hỗ trợ cho công việc và hoạt động của Giáo hội. Theo hãng tin UCA News, năm 2022, chính phủ đã cấp 15 triệu đô la cho Giáo hội, 50% trong số đó là để hỗ trợ các mục tiêu giáo dục.
Dù có mối quan hệ thân thiết với nhà nước, tổng giám mục giáo phận Dili cũng không ngại lên tiếng trong các tiến trình chính trị vốn không phải lúc nào cũng suôn sẻ ở quốc gia non trẻ đang phát triển. Trong cuộc bầu cử tháng 4 năm 2022, ngài kêu gọi tổng thống tương lai “giữ lời hứa bầu cử của mình để người dân không mất lòng tin” và “gần gũi với người dân không chỉ trong chiến dịch tranh cử mà còn trong ý thức phải biết khó khăn mà người công dân gặp phải”. Ngài nói thêm: “Chúng ta phải tôn trọng Hiến pháp và tăng cường kỷ luật để đất nước chúng ta là một xã hội hòa bình, thịnh vượng và dân chủ.”
Một chuyến thăm có thể có của Giáo hoàng?
Đức Phanxicô dự kiến thăm Đông Timor, Indonesia và Papua New Guinea tháng 9 năm 2020. Chuyến đi chưa bao giờ được công bố chính thức nhưng không có lý do nào được đưa ra về việc hủy bỏ, đại dịch được cho là lời giải thích khả dĩ nhất.
Tuy nhiên, trong một phỏng vấn với hãng tin Argentina Telam tháng 10 năm 2021, Đức Phanxicô nói ngài muốn “giải quyết nợ chưa thanh toán cho chuyến đi Papua New Guinea và Đông Timor”. Nhưng chuyến đi Đông Timor dường như không nằm trong chương trình nghị sự, Đức Phanxicô 85 tuổi bị đau đầu gối sẽ có chuyến đi ở các quốc gia khác trong những tháng tới.
Giuse Nguyễn Tùng Lâm dịch