Tông du Malta: ĐTC gặp những người di dân ở Malta
Tông du Malta: ĐTC gặp những người di dân ở Malta
Gặp gỡ với khoảng 200 người di cư tại Trung tâm Thực nghiệm Hòa bình Giovanni XXIII ở Hal Far, Đức Thánh Cha mời gọi đừng nhìn họ như những con số. Lắng nghe hai chứng từ, Đức Thánh Cha nhớ đến hàng ngàn người chạy trốn khỏi Ucraina vì một cuộc chiến tranh phi nghĩa và man rợ. Sau đó, ngài cầu nguyện trước Đức Mẹ với một gia đình tị nạn và cho những người chết trong vụ đắm tàu gần đây ngoài khơi bờ biển Libya.
Sự kiện cuối cùng trong chuyến viếng thăm hai ngày của Đức Thánh Cha tại Malta là cuộc gặp gỡ người di dân tại trung tâm “Thực nghiệm Hoà bình Gioan XXIII” vào chiều Chúa Nhật 3/4/2022.
Trung tâm “Thực nghiệm Hoà bình Gioan XXIII”
Trung tâm được cha Dionysus Mintoff, dòng Phanxicô, thành lập năm 1971. Nơi này có thể đón tiếp khoảng 50 người di dân, trong đó đông nhất là những người đến từ Somalia, Eritrea và Sudan. Trung tâm cung cấp cho người di dân công việc và giáo dục họ trong lĩnh vực nhân quyền và công bằng, cũng như sự trợ giúp y tế. Trung tâm đón nhận những người xin tị nạn và cổ võ liên đới và các giá trị Kitô giáo nói chung. Tại đây người tị nạn có thể liên lạc với gia đình nhờ điểm Thông tin và quán cà phê internet.
Khi đến trung tâm Đức Thánh Cha được Giám đốc Mục vụ Di dân và Giám đốc Trung tâm dành cho người Di dân đón tiếp. Sau đó ngài đi đến nhà hát ngoài trời, nơi có khoảng 200 người di dân hiện diện tham dự cuộc gặp gỡ với ngài.
Chứng từ của Daniel
Cuộc gặp gỡ bắt đầu với chứng từ của Daniel và Siriman. Daniel, sống tại Malta từ 4 năm nay, thuật lại hành trình từ Nigeria đến Libya, rồi những lần trả tiền vượt biên vào Ý bất thành, phải đến Tunisia, rồi trở lại Libya, và từ đó cuối cùng anh đã đến được Malta, nhưng ngay tức khắc bị giam 6 tháng. Nhiều đêm anh đã hỏi Chúa “Tại sao?”. Đôi khi anh mong mình đã chết. Anh tự hỏi có phải hành trình của anh là sự sai lầm. Tại sao những người di dân bị đối xử như tội phạm và không phải như anh em?
Chứng từ của Siriman
Còn Siriman, ở Malta được 5 năm, khẳng định rằng không có người di dân nào rời quê hương của họ vì không yêu đất nước mình. Nhưng hành trình của họ bắt đầu với hy vọng tìm được nơi bình an. Chạy trốn chiến tranh bạo lực, vi phạm nhân quyền, người di dân quyết tâm sống cuộc sống tốt hơn và có nhiều can đảm để đối mặt với những thử thách. Họ tìm tự do và dân chủ. Nhưng không may, có những người bị bóc lột, trở thành nạn nhân của bóc lột và lạm dụng và không được đối xử xứng với nhân phẩm. Anh nói: “Hôm nay, chúng tôi muốn nhắc mọi người đưa ra quyết định và những người nắm quyền lực rằng các quyền và phẩm giá của con người là phổ quát và gắn liền với con người, chúng được thừa nhận và tôn trọng, chứ không được trao ban.” Anh cũng đề cập đến những người không được chấp nhận tị nạn nhưng cũng không thể trở về quê hương, không biết đi đâu và không có quyền lợi gì. “Họ không chỉ là những câu chuyện và con số, nhưng họ là chúng ta, những con người bằng xương bằng thịt, những khuôn mặt với giấc mơ bị tan vỡ.”
Diễn văn của Đức Thánh Cha
Ngỏ lời với những người di dân, Đức Thánh Cha lặp lại những điều ngài đã nói vài tháng trước ở Lesvos: “Tôi ở đây… để đảm bảo với anh chị em sự gần gũi của tôi… Tôi ở đây để nhìn gương mặt và nhìn vào mắt anh chị em” (Diễn văn tại Mytilene, 5/12/2021). Từ ngày đến thăm Lampedusa, tôi không quên anh chị em. Anh chị em luôn ở trong tim tôi và trong lời cầu nguyện của tôi.”
Malta: “bến cảng an toàn” thực sự cho người di dân
Nhắc lại ý nghĩa của logo của chuyến viếng thăm Malta, thuật lại cách người dân Malta chào đón tông đồ Phaolô và những người bạn đồng hành của ngài bị đắm tàu gần đó với “lòng nhân hậu hiếm có” (Cv 28,2), Đức Thánh Cha hy vọng rằng đó là cách Malta sẽ luôn đối xử với những người cập bến ở bờ biển của nó, mang đến cho họ một “bến cảng an toàn” thực sự.
Nạn đắm tàu của nền văn minh
Từ nạn đắm tàu của hàng ngàn người ở Địa Trung Hải trong những năm gần đây Đức Thánh Cha nói đến một loại đắm tàu khác đang diễn ra: sự đắm tàu của nền văn minh. Làm thế nào chúng ta có thể tự cứu mình khỏi vụ đắm tàu có nguy cơ đánh chìm con tàu của nền văn minh của chúng ta?
Đức Thánh Cha trả lời: “Bằng cách hành xử với lòng nhân đạo. Bằng cách xem con người không chỉ đơn thuần là những con số thống kê, nhưng như chính họ thực sự là, những khuôn mặt, những câu chuyện, đơn giản là những người đàn ông những phụ nữ, các anh chị em. Bằng cách tưởng tượng rằng những người mà chúng ta nhìn thấy trên những chiếc thuyền đông đúc hoặc trôi dạt trên biển, trên ti vi hoặc trên báo chí, có thể là bất kỳ ai trong chúng ta, hoặc con trai hoặc con gái của chúng ta … ”
Ngài nói thêm: Có lẽ chính lúc này, khi chúng ta đang ở đây, có những chiếc thuyền đang vượt biển, từ phương nam hướng về phía bắc … Chúng ta hãy cầu nguyện cho những anh chị em của chúng ta, những người liều mạng sống giữa biển khơi để tìm kiếm hy vọng. Anh chị em cũng đã trải qua thử thách này và đã đến đây.”
Đức Thánh Cha cũng nghĩ đến hàng ngàn hàng vạn người tị nạn Ucraina vì chiến tranh, đến rất nhiều người ở châu Á, châu Phi và châu Mỹ, những người đã phải rời bỏ nhà cửa và đất đai của mình để tìm kiếm sự an toàn.
Bi kịch bị tách rời nguồn cội của chính mình
Tiếp đến Đức Thánh Cha nói đến một kinh nghiệm đau khổ của người di dân, đó là bị tách rời nguồn cội của chính mình, bị nhổ rễ, khi họ rời bỏ quê hương. Đó là một trải nghiệm ma theo Đức Thánh Cha, để lại dấu ấn của nó. “Không chỉ là nỗi đau và cảm xúc của khoảnh khắc đó, mà là một vết thương sâu đậm ảnh hưởng đến hành trình trưởng thành của anh chị em như là một người trẻ tuổi.”
Kinh nghiệm về lòng tốt
Để chữa lành nó, chúng ta cần có thời gian và trên hết cần kinh nghiệm về lòng tốt của con người: “gặp gỡ những người chấp nhận anh chị em và có thể lắng nghe, thấu hiểu và đồng hành cùng anh chị em. Nhưng cả kinh nghiệm sống bên cạnh những người bạn đồng hành khác, chia sẻ mọi thứ với họ và cùng nhau mang gánh nặng…”
Đức Thánh Cha đánh giá cao những trung tâm tiếp nhận là những nơi được đánh dấu bằng lòng tốt của con người! Ngài nhận định: “Chúng ta biết điều đó có thể khó khăn như thế nào, vì luôn có những thứ tạo ra căng thẳng và khó khăn. Tuy nhiên, trên mọi lục địa, có những cá nhân và cộng đồng chấp nhận thách đố, nhận ra rằng di cư là một dấu hiệu của thời đại, nơi có liên hệ với nền văn minh. Đối với các Kitô hữu chúng ta nó cũng có liên hệ với lòng trung thành với Tin Mừng của Chúa Giêsu, Đấng đã nói: ‘Tôi là khách lạ và anh em đã đón tiếp tôi’ (Mt 25,35).” Đức Thánh Cha nói rằng “Điều này không được thực hiện trong một ngày! Cần có thời gian, sự kiên nhẫn vô cùng và trên hết là cần tình yêu thương được tạo nên từ sự gần gũi, dịu dàng và lòng trắc ẩn, giống như tình yêu của Thiên Chúa dành cho chúng ta.”
Đến lượt mình, người di dân sẽ chào đón người khác
Một ước mơ của Đức Thánh Cha dành cho anh chị em di dân, đó là sau khi được chào đón giàu với lòng nhân ái và tình huynh đệ, đến lượt họ trở thành những chứng nhân và tác nhân của sự chào đón và tình huynh đệ. Ngài nói: “Tôi tin rằng việc những người di cư trở thành chứng nhân của những giá trị nhân văn cần thiết cho một cuộc sống có phẩm giá và huynh đệ là điều rất quan trọng trong thế giới ngày nay. Đó là những giá trị mà anh chị em gìn giữ trong tim, những giá trị là một phần cội nguồn của anh chị em. Một khi nỗi đau bị nhổ rễ đã nguôi ngoai, anh chị em có thể phát huy sự phong phú nội tâm, gia sản quý giá này của nhân loại, và chia sẻ nó với các cộng đồng sẽ chào đón anh chị em và những môi trường mà anh chị em sẽ là thành phần. Đây là con đường! Con đường của tình huynh đệ và tình bằng hữu xã hội. Đây là tương lai của gia đình nhân loại trong một thế giới toàn cầu hóa.”
Bằng lòng tốt và lòng nhân đạo
Chúng ta có thể và phải bắt đầu lại từ con người và phẩm giá của họ. Đức Thánh Cha lưu ý: “Chúng ta đừng để bị lừa dối bởi tất cả những người nói với chúng ta rằng ‘không thể làm gì được’; ‘những vấn đề này là quá sức chúng ta’; ‘hãy để người khác tự bảo vệ mình trong khi tôi lo công việc của tôi’. Không. Chúng ta đừng bao giờ rơi vào cái bẫy này.” Ngài mời gọi: “Chúng ta hãy đáp lại thách đố của người di cư và người tị nạn bằng lòng tốt và lòng nhân đạo. Chúng ta hãy thắp lên ngọn lửa tình huynh đệ xung quanh để mọi người có thể sưởi ấm, trỗi dậy và khám phá lại hy vọng. Chúng ta hãy củng cố kết cấu của tình bạn xã hội và nền văn hóa gặp gỡ, bắt đầu từ những nơi như thế này. Chúng có thể không hoàn hảo, nhưng chúng thực sự là “những phòng thí nghiệm của hòa bình”.
Thông điệp Hoà bình dưới thế của Đức Gioan XXIII
Đức Thánh Cha nhắc lại lời thánh Gioan XXIII trong thông điệp nổi tiếng về hòa bình: “Xin [Chúa] loại khỏi linh hồn của những người nam nữ bất cứ điều gì có thể gây nguy hiểm cho hòa bình. Xin Người biến đổi tất cả chúng ta thành những chứng nhân của sự thật, công lý và tình yêu thương huynh đệ. Xin Người dùng ánh sáng của Người soi sáng tâm trí của những nhà lãnh đạo, để ngoài việc quan tâm đến phúc lợi vật chất của các dân tộc của họ, họ cũng có thể bảo đảm cho các dân tộc món quà hòa bình công bằng nhất. Cuối cùng, xin Chúa Kitô khơi dậy ước muốn của tất cả mọi người nam nữ vượt qua những rào cản ngăn cách họ, củng cố mối dây yêu thương lẫn nhau, học cách hiểu nhau và tha thứ cho những ai đã làm sai. Nhờ quyền năng và sự soi dẫn của Người, xin cho tất cả các dân tộc coi nhau như anh chị em, và xin cho nền hòa bình mà họ luôn mong đợi nảy nở và ngự trị giữa họ” (Pacem in Terris, 171).
Ngọn lửa đức tin
Cuối cùng Đức Thánh Cha giải thích việc ngài cùng một số anh chị em đốt những ngọn nến trước ảnh Đức Mẹ: “Trong truyền thống Kitô giáo, ngọn lửa nhỏ đó là biểu tượng cho đức tin của chúng ta vào Thiên Chúa. Nó cũng là biểu tượng của niềm hy vọng, niềm hy vọng mà Đức Maria, Mẹ của chúng ta, luôn giữ cho sống động ngay cả trong những thời khắc khó khăn nhất. Đó là niềm hy vọng mà tôi đã nhìn thấy trong mắt anh chị em ngày hôm nay: niềm hy vọng đã làm cho cuộc hành trình của anh chị em trở nên ý nghĩa và niềm hy vọng khiến anh chị em luôn nỗ lực tiến tới. Xin Đức Mẹ giúp anh chị em đừng bao giờ đánh mất niềm hy vọng này! Tôi phó thác cho Mẹ mỗi người trong anh chị em và gia đình của anh chị em. Tôi sẽ mang theo anh chị em trong những lời cầu nguyện của tôi. Và tôi xin anh chị em đừng quên cầu nguyện cho tôi. Cảm ơn anh chị em!”
Kinh nguyện
Và cuộc gặp gỡ kết thúc với kinh nguyện chung.
Lạy Thiên Chúa, Đấng Tạo dựng vũ trụ,
nguồn mạch của tất cả tự do và hòa bình,
tình yêu và tình huynh đệ,
Cha đã tạo dựng chúng con theo hình ảnh Cha,
thổi vào chúng con hơi thở sự sống của Cha
để làm cho chúng con trở thành những người chia sẻ với cuộc sống hiệp thông của Cha.
Ngay cả khi chúng con không giữ giao ước của Cha,
Cha đã không bỏ rơi chúng con cho quyền lực của sự chết,
nhưng vẫn tiếp tục, với lòng thương xót vô biên,
gọi chúng con trở về với Cha,
và sống như con cái Cha.
Xin tuôn đổ Thánh Thần Cha trên chúng con
và ban cho chúng con một trái tim mới,
nhạy cảm với những tiếng kêu xin, thường thầm lặng,
của những anh chị em của chúng con, những người đã mất đi
sự ấm áp của ngôi nhà và quê hương của họ.
Xin giúp chúng con có thể trao tặng cho họ hy vọng
bằng sự chào đón và cử chỉ nhân đạo của chúng con.
Xin biến chúng con thành công cụ của hòa bình
và tình yêu huynh đệ thiết thực.
Xin giải thoát chúng con khỏi sợ hãi và thành kiến;
xin giúp chúng con có thể chia sẻ những đau khổ của họ
và cùng nhau chống lại sự bất công,
vì sự phát triển của một thế giới trong đó mỗi người
được tôn trọng với phẩm giá bất khả xâm phạm của mình,
phẩm giá mà chính Ngài, lạy Cha, đã ban cho chúng con
và Con của Cha đã thánh hiến mãi mãi. Amen.
Hồng Thủy