Tôn trọng quan điểm người khác
28 22 X Thứ Ba Tuần XXVI Thường Niên.
(Đ) Thánh Ven-xet-lao, tử đạo.
(Đ) Thánh Lô-ren-xô Ru-y và các bạn, tử đạo.
Dcr 8,20-23; Lc 9,51-56.
Tôn trọng quan điểm người khác
Câu chuyện Tin Mừng hôm nay kể thầy trò Chúa Giê-su đi từ Galilê về Giêrusalem (để hoàn tất công trình cứu độ), khi đi qua miền đất Samari, các ngài đã không được đón tiếp, nên hai vị tông đồ Giacôbê và Gio-an (mệnh danh là con của sấm sét) đã nổi nóng đòi Thầy hô biến cho lửa từ trời xuống thiêu huỷ dân Samari như lửa đã từng thiêu đốt làng Sôđôm và Gômôra xưa.
Các môn đệ ngăn cản Chúa Giê-su lên Giêrusalem chịu chết, muốn Chúa Giê-su khiến lửa xuống đốt kẻ ngỗ nghịch, Pharisiêu thách thức Chúa Giê-su xuống khỏi thập giá mới tin… nhưng Chúa Giê-su thực hiện ý Chúa Cha là đến để cứu chứ không phải để diệt. Con đường chết đi để cứu độ mới là con đường của Thiên Chúa.
Chúa Giê-su hôm nay phải quở trách hai tông đồ đừng vội nóng giận: những người Samari từ chối không đón tiếp Chúa Giê-su trong dịp này đâu đáng trách hơn những kẻ đóng cửa không tiếp một người Samari vì người này là kẻ đối nghịch.
Con đường để cứu vớt sự sống của Đức Ki-tô là con đường Thập Giá. Để mặc lấy những tâm tình của Đức Giêsu, tất yếu các môn đệ cần phải hiểu mầu nhiệm Thập Giá. Lúc này họ không hiểu và cũng không dám hỏi, nhưng sau này Đức Giêsu Phục Sinh sẽ giúp các ông hiểu. Không hiểu mầu nhiệm Thập Giá, và vì thế không thể mặc lấy tâm tình của Đức Giêsu, sẽ tất yếu bị chi phối bởi các thần loại quyền bính, độc quyền và nhất là thần loại bạo lực để phân biệt, chia rẽ và thanh toán nhau. Và chưa hiểu mầu nhiệm Thập Giá, chắc chắn cũng chính là vấn đề của chúng ta.
Với cái nhìn của các Tin Mừng, xem ra mỗi lần Chúa Giê-su gặp mặt người Samari (bờ giếng Giacóp) hay khi Người nói đến người Samari (dụ ngôn người Samari nhân hậu)… là Chúa dạy chúng ta có một cái nhìn mới về những kẻ không cùng một niềm tin như chúng ta. Những người không cùng tôn giáo thường hay gây hấn với nhau, nhiều khi có thái độ rất tàn bạo, đặc biệt nhất là những người tự xưng mình được Thiên Chúa duy nhất mặc khải cho, và người của Cựu Ước xưa đã như vậy rồi.
Người ta thường nói: “Chín người mười ý”, vì thế bất đồng ý kiến là điều tất nhiên phải có trong xã hội loài người. Vậy mà vẫn có nhiều người không chấp nhận thực tế nầy: Họ bắt buộc người khác phải thương như mình, phải ghét như mình, phải đồng quan điểm với mình trong mọi chuyện. Có người tự cho rằng ý kiến của mình bao giờ cũng đúng, quan điểm của mình lúc nào cũng phải; ai cùng quan điểm với ta thì ta hợp tác, ai khác quan điểm với ta thì ta xa lánh hoặc loại trừ. Ứng xử như thế là một sai lầm đáng tiếc.
Hai môn đệ Chúa Giê-su là Gioan và Gia-cô-bê cũng có lần vấp phạm vào lỗi lầm này. Tin mừng thánh Luca (Lc 9, 51-56) thuật lại sự việc xảy ra như sau:
Hôm ấy, các sứ giả của Chúa Giê-su đến thương lượng với dân chúng tại một thôn làng xứ Sa-ma-ri để chuẩn bị cho Chúa Giê-su đi qua làng của họ tiến về Giê-ru-sa-lem, nhưng dân làng không chấp thuận.
Họ không chấp thuận vì quan điểm của họ là phải tôn thờ Thiên Chúa trên núi Ga-ri-dim mới xứng hợp và họ bài bác những người Do-thái có quan điểm trái nghịch, chủ trương tôn thờ Thiên Chúa tại Giê-ru-sa-lem.
Thế là từ bất đồng quan điểm đưa đến chỗ bất hòa, từ bất hòa đưa đến xung đột. Hai tông đồ Gioan và Gia-cô-bê vô cùng tức tối trước hành động ngang ngược của dân làng này khi họ không thuận cho Chúa Giê-su đi qua làng. Hai anh em muốn hủy diệt dân làng ngay nên thưa với Chúa Giê-su: “Thưa thầy, Thầy có muốn chúng con khiến lửa từ trời xuống thiêu huỷ chúng nó không?”
Chúa Giê-su lập tức phản đối thái độ quá khích này. Ngài quở mắng Gioan và Gia-cô-bê về thái độ bất bao dung đó, rồi Ngài dẫn các môn đệ đi tránh qua làng khác tiến về Giê-ru-sa-lem.
Khi xem xét một sự việc hay một đối tượng nào đó, chúng ta thường chỉ đứng ở một vị trí, một góc nhìn nào đó để xem xét, nên thường chỉ thấy được một mặt, một khía cạnh nào đó của sự việc mà thôi. Vì thế, cái nhìn của chúng ta thường có tính cách phiến diện, một mặt, một chiều, không phản ánh đúng sự thật khách quan.
Đừng vội cho rằng quan điểm của mình thì đúng còn quan điểm của bạn thì sai.
Phê bình, công kích người khác khi họ có một hướng nhìn, một ý kiến, một quan điểm khác với hướng nhìn, ý kiến, quan điểm của mình thì thật là chủ quan, thiếu khôn ngoan, sáng suốt.
Tốt hơn, sau khi đã xem xét một sự việc, một vấn đề dưới góc độ này, theo quan điểm này, chúng ta hãy đứng vào những vị trí khác, những quan điểm khác để nhìn sự việc theo những chiều hướng khác.
Biết phối hợp những hướng nhìn khác nhau, nhiều ý kiến trái chiều, nhiều quan điểm đối lập… sẽ giúp chúng ta đến gần sự thật hơn và tránh được xung khắc, bất hoà vì bất đồng quan điểm.