Tôi Nên Đọc Bản Thánh Kinh Nào?
Tôi Nên Đọc Bản Thánh Kinh Nào?
Người Kitô hữu Tin Lành muốn có một cuốn Thánh Kinh của Tin Lành, trong khi người Kitô hữu Công Giáo muốn có một cuốn Thánh Kinh của Công Giáo.
Tục ngữ Ý nói: “traduttorre traditore,” nghĩa là “dịch giả là kẻ phản bội.” Điều này có thể hiểu đơn giản như sau: bạn càng đi xa ngôn ngữ gốc của bản văn bao nhiêu, bạn càng dễ bị mắc sai lỗi bấy nhiêu. Chỉ có những bản văn gốc của các thánh ký được bảo đảm là linh hứng và không thể sai lầm. Nhưng nếu bạn không thể nói và chẳng có thể đọc được tiếng Hy Lạp, Do Thái hoặc Latin thì cách tốt nhất là sử dụng bản Thánh Kinh đã được dịch sang ngôn ngữ bản xứ của bạn. Những bản dịch có thể giúp ích nhưng cũng có thể gây trở ngại về một số phương diện nào đó.
Sự tương đương có tính uyển chuyển [hay năng động] và sự tương ứng về hình thức là hai phương pháp dịch bản văn thánh kinh từ ngôn ngữ gốc sang một ngôn ngữ bản địa. Sự tương đương có tính uyển chuyển nhấn mạnh vào điều tác giả muốn nói và có ý định nói, rồi sử dụng cách diễn đạt đương thời để trình bày chứ không dùng ngôn ngữ theo nguyên bản; mục đích là để độc giả đương thời có thể hiểu tốt hơn. Tiếng Hy Lạp cổ sử dụng cụm từ “en gastri echousa” (in utero habens trong tiếng Latin) vốn được tìm thấy trong Matthêu 1,18. Theo nghĩa đen, cụm từ này có nghĩa là “có ở trong bụng,” một số người ngày nay, cũng có thể hiểu cụm từ đó như vậy. Vì thế, kiểu dịch tương đương có tính uyển chuyển sử dụng một cách diễn đạt phù hợp để truyền tải sứ điệp tương tự; do vậy mà cụm từ “đã có thai” đã được sử dụng và có ý nghĩa hơn đối với chúng ta. Tiếng Do Thái cổ cũng không có hình thức so sánh hơn hay so sánh nhất. Tiếng Anh hiện đại có thể nói “yêu ít hơn” hoặc “yêu nhiều hơn,” nhưng tiếng Do Thái cổ chỉ có thể dùng một kỹ thuật của ngôn ngôn Sê-mit là lối nói cường điệu [hay phép ngoa dụ] mà thôi.
“Ai đến với tôi mà không dứt bỏ cha mẹ, vợ con, anh em, chị em, và cả mạng sống mình nữa, thì không thể làm môn đệ tôi được” (Lc 14,26). Phải chăng Đức Giêsu có ý nói, theo nghĩa đen, chúng ta phải “ghét” cha mẹ của chúng ta? Liệu kiểu nói như thế không vi phạm đến những giới răn sao? Một lối dịch theo kiểu tương đương có tính uyển chuyển sẽ đọc cùng một trích đoạn ấy như sau: “Nếu ai đến với tôi mà yêu mến cha mẹ, vợ con, anh chị em và ngay cả mạng sống mình hơn yêu tôi, người ấy không thể là môn đệ tôi được.” Ở đây, ý nghĩa được diễn đạt là người tin phải yêu mến Chúa Giêsu hơn tình yêu mà người ấy dành cho cha mẹ, chứ không có ý nói người ấy phải ghét cha mẹ mình. Bản Thánh Kinh Giêrusalem cũng như của New English Bible (NEB) là những bản dịch theo kiểu tương đương có tính uyển chuyển.
Kiểu dịch tương ứng về hình thức không nhấn mạnh vào việc sử dụng các kiểu diễn đạt [hay cách dùng những thành ngữ]. Kiểu dịch này tìm dịch từng từ một, từ ngôn ngữ gốc sang ngôn ngữ hiện đại. Luca 21,2 là trích đoạn mô tả Chúa Giêsu thấy “một bà góa nghèo bỏ 2 đồng tiền nhỏ” vào trong thùng quyên góp. Từ “đồng tiền nhỏ” là leptos trong tiếng Hy Lạp; và lối dịch từ- sang- từ vẫn giữ nguyên điều đó. Lối dịch theo kiểu diễn tả đổi đồng tiền nhỏ (mite, leptos) thành xu (“penny”) hoặc đồng xu (“copper coin”). Các phiên bản Revised Standard Version, Catholic Edition (RSVCE), The Douay-Rheims, New American Bible (NAB), và King James Version (KJV) là những bản dịch theo kiểu tương ứng về hình thức.
Chuyển ngữ: Nhóm Maiorica, Học viện Dòng Tên
Nguồn: Rev. John Trigilio JR., Ph.D., and Rev. Kenneth D. Brighenti, Ph.D., The Catholicism Answer Book- The 300 Most Frequently Asked Question, (Naperville, Illinois: Sourcebooks, Inc., 2007), 39-40.