“Tôi không khấn mình là linh mục cho một thể chế, nhưng cho mọi người”
Theo linh mục Dòng Tên, nhà xã hội học người Bỉ Charles Delhez, khi đối diện với những vụ tai tiếng của các giám mục, giáo dân có thể bị cám dỗ rời bỏ Giáo hội. Thể chế này luôn là “một điều xấu, nhưng đó là điều xấu cần thiết”, vì nếu không có nó, Chúa Giêsu và Tin mừng của Ngài sẽ rơi vào quên lãng.
Quá, và quá lắm rồi! Chúng ta nghĩ bản báo cáo của Ủy ban Độc lập về các vụ Lạm dụng tình dục trong Giáo hội Pháp (báo cáo Sauvé) đã làm cho các giám mục Pháp nhận thức được thảm kịch của các vụ tai tiếng ấu dâm và đưa ra những cải cách cần thực hiện. Và bây giờ chúng ta được biết cựu giám mục Michel Santier, giáo phận Créteil đưa ra lý do từ chức vì sức khỏe, nhưng thật ra là bị Rôma trừng phạt vì “lạm dụng thiêng liêng trong mục đích tình dục” và hồng y Ricard xác nhận mình đã phạm tội nghiêm trọng cách đây hơn ba mươi năm. Làm sao chúng ta lại ngạc nhiên khi có nhiều người đang bỏ Giáo hội?
Nhưng Phúc âm dạy tôi phải dám tin vào tha thứ. Đó là phần của Chúa, nhưng tất nhiên cũng là phần của chúng ta, chúng ta thường đọc mỗi ngày: ‘Xin tha nợ chúng con, như chúng con cũng tha kẻ có nợ chúng con.’ Chúa Kitô mời gọi chúng ta luôn hướng về tương lai, để giải phóng người khác và giải phóng chính mình khỏi quá khứ, vì Thiên Chúa là Đấng giàu lòng thương xót. Nhưng đây không phải là cách chúng ta nhắm mắt hay để bảo vệ thể chế. Mọi người có quyền được chúng ta thương xót – và đây là đấu tranh thường xuyên mới có được – tuy nhiên, các thể chế đôi khi xứng đáng có những cuộc cách mạng.
Hệ thống
Báo cáo Sauvé nói đến một khủng hoảng mang tính hệ thống. Ôi, lại thêm một minh họa. Chúng ta có nên rời tàu không? May mắn thay, vẫn còn đó bóng dáng của giáo hoàng Phanxicô. Lý tưởng của ngài rất mạnh: chữa căn bệnh quyền lực của Giáo hội, đưa các tôn giáo vào đối thoại, đón nhận những người bị tổn thương nhất trong nhân loại, đặc biệt là những người di cư, v.v.
Nhưng trên tất cả, tất nhiên, có hình ảnh của chính Chúa Giêsu. Tôi không thể quên, chính nhờ Giáo hội, dù tội lỗi đến đâu, thông điệp của Giáo hội đã đến với tôi và rằng Giáo hội vẫn còn sống với tôi. Linh mục Éloi Leclerc viết: “Luôn có một nguồn ẩn giấu dưới ngưỡng cửa của ngôi đền, dù Giáo hội này được trang hoàng bằng những hào nhoáng của thế giới này.”
Vì tình yêu của nhân loại
Giáo hội là một cộng đồng của những người thợ khiêm tốn, trong số này cũng có hàng trăm ngàn linh mục, giám mục! Chúng ta không nên để tất cả bị nghi ngờ. Dân tộc đang trên đường đi không tránh được thời của nó, nhưng dân tộc này nhận được một hơi thở, đó là Tin Mừng, qua bao nhiêu thế kỷ đã giúp nó vượt qua trong đức tin, hy vọng và tình yêu cùng với dân tộc này, nhưng cũng một phần nhờ vào nó, đang tiến lên, với những bước tiến và bước lùi, hướng tới con người hơn.
Tôi không khấn cho một thể chế, nhưng khấn cho con người. Những người này chính là nhân loại – “Thiên Chúa yêu thế gian”, Chúa Giêsu nói trong Phúc âm Thánh Gioan (3: 16) – và Giáo hội là một phần của nhân loại. Đó là trọng tâm của thế giới này, một ước mơ nào đó của nhân loại, một lý tưởng không bao giờ đạt được, mà Đức Kitô đã đến để phục sinh. Và, giống như tất cả thực tại của con người, nếu muốn tồn tại, nó phải được tổ chức. Theo triết gia Jean-Louis Schlegel, vấn đề không phải là bỏ mọi thể chế, nhưng làm cho nó phù hợp với xã hội chúng ta, đồng thời giữ khoảng cách với ‘sự hiện đại đang đi chệch hướng trên nhiều chủ đề’.
Heinz Zahrnt, thần học gia tin lành đã viết, thể chế luôn là một “điều xấu, nhưng đó là điều xấu cần thiết” liên tục đi sau Nước Trời. Tuy nhiên, nếu không có nó, Chúa Giêsu và Tin mừng của Ngài sẽ rơi vào quên lãng. Nhân loại chúng ta không thể bỏ qua lời đề nghị về tình huynh đệ, nhân hậu, rộng lượng và tha thứ này. Phúc âm giống như hạt giống phải nảy mầm và kết trái. Nó chỉ mới gieo được hai ngàn năm!
Tôi sẽ không rời con thuyền dù nó đang chìm, điều này không ngăn cản tôi không nhận ra nó đang chìm, và rằng cần phải có một cuộc cải tổ toàn diện và sâu sắc. Con thuyền nhỏ của các ngư dân Galilê đã trở thành một con tàu lớn rất khó quay đầu. Nhưng chính Chúa Giêsu đã táo bạo khi nói rằng “quyền lực tử thần sẽ không thắng nổi” (Mt16:18). Vì thế với hy vọng vẫn còn ở trên boong, tôi chiến đấu để có một tương lai mà không biết nó sẽ như thế nào.
Linh mục Dòng Tên Charles Delhez, tác giả sách Giáo hội công giáo, tái sinh hoặc biến mất, (Église catholique, renaître ou disparaître, nxb. Dòng Tên, 2022.
Giuse Nguyễn Tùng Lâm dịch