Tòa Thánh quyên góp cho Tổ chức y tế thế giới, tài trợ cho nhân viên y tế tuyến đầu
Tòa Thánh quyên góp cho Tổ chức y tế thế giới, tài trợ cho nhân viên y tế tuyến đầu
Đức tổng giám mục Ivan Jurkovic, Quan sát viên thường trực của Tòa Thánh tại các tổ chức Liên Hiệp quốc ở Genève, Thụy Sĩ, nói rằng Tòa Thánh đã cam kết đóng góp cho quỹ khẩn cấp của Tổ thức Y tế thế giới, cung cấp thiết bị bảo vệ cho các nhân viên y tế chống lại virus corona.
Phát biểu tại Hội đồng Y tế thế giới lần thứ 73, được tổ chức online tại Genève, từ ngày 18-19/05, Đức tổng giám mục Jurkovic nhấn mạnh đến những nỗ lực và dấn thân của Giáo hội trong việc cung cấp chăm sóc sức khỏe và những nhu yếu phẩm căn bản, đặc biệt là cho những người thiếu thốn nhất, kể cả trong trường hợp khẩn cấp Covid-19.
Nỗ lực của Giáo hội
Đức tổng giám mục Jurkovic nói: “Trên khắp thế giới, khoảng 5.000 bệnh viện theo tinh thần Công giáo và hơn 16.000 trạm xá của Giáo hội, đang bổ sung và củng cố các nỗ lực của chính phủ để cung cấp dịch vụ chăm sóc sức khỏe cho tất cả mọi người, bằng cách đảm bảo rằng những người nghèo nhất và bị thiệt thòi nhất không bị thiếu những nhu cầu cơ bản… như thuốc men và đặc biệt là cơ hội chăm sóc sức khỏe đầy đủ.” Ngài nói tiếp rằng ở nhiều nơi, Giáo hội đã cung cấp các cơ sở của mình để hỗ trợ cho phản ứng toàn cầu đối với đại dịch Covid-19. Bên cạnh đó, nhiều dòng tu, giáo xứ và linh mục đã ở tuyến đầu, chăm sóc cho những người bị nhiễm bệnh và gia đình họ.
Giúp những người dễ bị tổn thương
Quan sát viên thường trực của Tòa Thánh cho biết: “Bên cạnh cam kết đóng góp cho Quỹ khẩn cấp của Tổ thức Y tế thế giới để cung cấp thiết bị bảo hộ cá nhân cho các nhân viên y tế tuyến đầu, Tòa Thánh đã quyên góp cho các khu vực cần sự giúp đỡ khẩn cấp.” Ngài nói về việc Đức Thánh Cha thành lập Ủy ban Covid-19 của Vatican và Giáo hội để đưa ra một số dự án nhằm giúp đỡ những người dân bị ảnh hưởng nặng nề nhất bởi đại dịch.
Sức khỏe là lợi ích chung đầu tiên
Đức tổng giám mục Jurkovic cũng lưu ý rằng tình trạng đại dịch chưa từng có cho thấy rõ hơn sự phục thuộc lẫn nhau giữa các quốc gia và đặc biệt, về sự cần thiết phải xem sức khỏe như lợi ích chung đầu tiên; nó đòi sự liên đới và phối hợp hành động ở mức độ toàn cầu.
Ngừng bắn, viện trợ nhân đạo, vắc-xin ngừa Covid-19
Đức tổng cũng ủng hộ lời kêu gọi của Tổng Thư ký Liên Hiệp quốc về việc ngừng bắn trên toàn thế giới. Ngài kêu gọi chấm dứt mọi hình thức thù địch, thúc đẩy việc lập các tuyến viện trợ nhân đạo, cởi mở với ngoại giao và chú ý đến những người ở trong tình cảnh dễ bị tổn thương. Ngài hy vọng việc tìm ra thuốc chủng ngừa và chữa trị Covid-19 được dành cho tất cả mọi bệnh nhân nhiễm virus, bất kể họ ở vị trí địa lý nào. (CSR_3794_2020)
Hồng Thủy