Tờ New York Times và bí tích xức dầu bệnh nhân thời đại dịch
Tờ New York Times và bí tích xức dầu bệnh nhân thời đại dịch
Trong thời gian đại dịch Covid-19, trong số các bí tích Công Giáo, người ta nhắc nhiều nhất tới bí tích xức dầu bệnh nhân vì nó là bí tích mà không một người Công Giáo nào lại không mong được lãnh nhận vào những giây phút quyết định nhất sự sống trần gian của họ.
Chính vì thế, ngày 6 tháng 6 vừa qua, tờ New York Times có bài viết khá cảm kích và chi tiết về bí tích này (nytimes.com). Xin mời độc giả cùng đọc:
“Ai trong anh em đau yếu ư?
Người ấy hãy mời các kỳ mục của Hội Thánh đến; họ sẽ cầu nguyện cho người ấy, sau khi xức dầu nhân danh Chúa.
Lời cầu nguyện do lòng tin sẽ cứu người bệnh;
và nếu người ấy đã phạm tội, thì sẽ được Chúa thứ tha”. (THƯ GIACÔBÊ)
Xức dầu Lần cuối
Bản văn của ELIZABETH DIAS
Hình ảnh của RYAN CHRISTOPHER JONES
6 tháng 6, 2020
Cả hàng thế kỷ qua, các linh mục Công Giáo vốn xức dầu cho người hấp hối. Nghi thức này đã trở nên cực kỳ khó khăn thời đại dịch coronavirus. Nhưng trong một số trường hợp hiếm hoi, các linh mục vẫn có thể cung ứng các nghi thức sau cùng này.
NGƯỜI ĐÀN ÔNG NẰM ĐÀNG SAU TẤM KÍNH, bất tỉnh dưới ánh điện mầu lam, mình đầy dây nhợ. Gia đình ông không được phép vào thăm. Không ai được đụng tới thân thể ông.
Cha Ryan Connors đứng ngoài cửa quan sát, khó nhìn rõ chiếc cổ áo Rôma dưới tấm chắn che mặt ngài.
Từ lúc đại dịch coronavirus bắt đầu, ngài đã tới cạnh giường các bệnh nhân Civid-19 khắp khu vực Boston để thực thi một trong các nghi thức tôn giáo cổ xưa nhất dành cho người hấp hối: thực hành của Công Giáo Rôma quen gọi là các phép sau hết.
Cả hàng thế kỷ nay, các linh mục đã thực sự xức dầu cho người hấp hối bằng dầu thánh để chữa lành phần xác và phần hồn, nếu không ở đời này, thì ở đời sau. Nhiều người Công Giáo đã sống trọn cuộc sống họ với niềm tin tưởng rằng trong những giờ phút khó khăn nhất của họ, một linh mục, và qua ngài, Thiên Chúa, sẽ đến cứu giúp họ.
Vào buổi sáng Thứ Ba đó, tại đơn vị chăm sóc tận tình (ICU) ở Trung Tâm Y Khoa St Elizabeth, phía tây thành phố, Cha Connors chỉ biết tên người bệnh và gia đình ông có yêu cầu một linh mục.
Cha có một túi nhựa nhìn rõ với một cục bông gòn chứa một ít giọt dầu thánh. Ngài mang theo bản sao các trang của sách phụng vụ.
Lúc 10 giờ 18 phút sáng, cha hé mở chiếc cửa ra vào. Ngài bước tới chiếc giường, cẩn thận tránh các ống dây ở dưới đất.
Ngài giơ tay ra, và bắt đầu cầu nguyện.
Cha David Barnes sau khi xức dầu cho 1 bệnh nhân Covid-19 tại Bệnh viện Newton-Wellesley.
CORONAVIRUS ĐÃ DẪN Hoa Kỳ tới thung lũng bóng đen tử thần. Chỉ trong vòng 3 tháng, cái phân tử cực nhỏ đã phơi trần tính khả tử của con người. Toàn bộ quốc gia cố gắng tránh chết, đóng cửa các thành phố, che mặt ở ngoài đường, và cô lập người hấp hối khỏi người thân yêu trong những giờ phút cuối cùng của họ. Ấy thế nhưng, hơn 100, 000 người vẫn đã chết, và thường, là chết một mình.
Nhiều nghi thức, nhằm hướng dẫn qua những thời khắc thánh thiêng nhất đời người, đã trở thành bất khả. Con cháu nói lời ly biệt sau cùng với bậc cha ông đang hấp hối qua cửa sổ hay trên FaceTime, nếu có dịp làm như thế. Chỉ thỉnh thoảng lắm, các nhà lãnh đạo tôn giáo mới được phép vào các bệnh viện hay nhà dưỡng lão. Các gia đình dự đám tang trên Zoom.
Cả nước đang giáp mặt với cuộc khủng hoảng tinh thần bản thân sâu xa, chứ không phải chỉ là cuộc khủng hoảng sức khỏe hay kinh tế. Virus buộc ta phải tính sổ các vấn đề thân thiết nhất hiện có, những vấn đề không những liên quan đến việc phải sống ra sao, mà còn là phải chết như thế nào nữa. Về việc ta có thể kiểm soát được gì và không thể kiểm soát được gì. Về việc phải nêu tên nhân phẩm, thất vọng và hy vọng ra sao. Và nhất là về việc phải dành cho những giờ sau cùng sống trên cõi đất này ý nghĩa nào.
“Tai họa lớn lao này đang thay đổi mối liên hệ của chúng ta với sự chết; tôi không biết chắc hoàn toàn, nhưng tôi biết chắc nó sẽ thay đổi”. Đó là nhận định của Shannon Lee Dawdy, giáo sư nhân học tại Đại Học Chicago. “Điều này đang xẩy tới với mọi người chúng ta, về phương diện tâm lý”.
Trước việc xuất hiện các tôn giáo lớn của thế giới hiện đại rất lâu, con người đã sử dụng các nghi lễ để xử lý cái chết. Họ đã tôn vinh sự thánh thiêng của cuộc sống bằng cách chôn cất người chết. Họ đã dâng những bùa ngải hoặc đồ vật để chuẩn bị cho người ta về đời sau.
Đại dịch này đã đến một quốc gia đang trôi dạt ra xa nhiều truyền thống đức tin của nó. Kitô giáo, tôn giáo đa số ở Mỹ, đã dần dần suy giảm trong nhiều thập niên. Trong đại dịch cúm năm 1918, nhiều nhà thờ đã đóng cửa đối với các buổi lễ, nhưng ít ai tra hỏi việc một thừa tác viên có thể đến thăm người sắp chết. Một thế kỷ trước đây, các linh mục “đáp ứng lời kêu gọi đi thăm người bệnh cả ngày lẫn đêm”, một tờ báo Công Giáo đã tường trình như thế vào thời điểm đó. Bây giờ các y tá và bác sĩ, chứ không phải các nhà lãnh đạo tinh thần hay gia đình, có xác suất nhất được mục kích sự chết.
Teresa Berger, giáo sư nghiên cứu phụng vụ tại Trường thần học Đại Học Yale cho hay: Cách nay chỉ mấy thế hệ thôi, gia đình của người quá cố mặc đồ đen trong nhiều tháng, dừng mọi đồng hồ trong nhà, đóng các cửa chớp và đặt rơm trên đường để làm nhẹ các âm thanh.
Bà nói: “ngày nay chúng ta đã kìm hãm một số khá lớn các thực hành nghi lễ xung quanh cái chết và người sắp chết. Chúng ta không biết phải đồng hành với người sắp chết bằng nghi thức, chúng ta để việc đó cho các bệnh viện”.
Một số nghi thức vẫn còn đó. Các gia đình Do Thái rửa xác sau khi chết và ngồi shiva (nghi thức tụ tập than khóc người chết). Nhiều người Hồi giáo quay giường người chết thân yêu của mình về hướng Mecca. Và trong đạo Công Giáo, có các nghi thức sau cùng.
Khi các trường hợp nhiễm coronavirus tăng mạnh ở Boston, Đức Hồng Y Sean P. O’ Malley, tổng giám mục Công Giáo Rôma, đã chỉ định một toán đặc nhiệm gồm 21 linh mục được huấn luyện để xức dầu một cách an toàn cho bệnh nhân Covid-19. Thành phố, phần đông theo Công Giáo, là một trong ít nơi trong nước, trong đó, một số bệnh viện đã cho phép các linh mục vào, trong thời gian đại dịch.
Giây phúc có ý nghĩa nhất, giây phút quyết định cuộc sống ta là chúng ta sẽ chết ra sao, Cha Barnes nói thế
Cha Barnes mặc một bộ quần áo che chở bản thân tại Trung Tâm Y Khoa St Elizabeth trước khi xức dầu cho một nạn nhân Covid-19
Diane Roberio lãnh nhận bí tích sức dầu bệnh nhân từ Cha Barnes tại Trung Tâm Y Khoa St Elizabeth.
Cha Brian Conley, một tuyên úy dòng Tên tại Bệnh viện Brigham và Phụ Nữ, đã thực hiện khoảng 100 cuộc xức dầu kể từ khi đại dịch bắt đầu, đôi khi năm cuộc một ngày khi các vụ lây nhiễm lên đến cực điểm.
Ngài nói, “Trọng điểm của toàn bộ bí tích nhắc nhở ta rằng chúng ta không đơn độc. Giáo Hội có mặt với người này và Thiên Chúa hiện diện với người này”.
CÁC NGHI THỨC SAU CÙNG THỰC SỰ LÀ BA bí tích, hoặc nghi thức mà Giáo Hội tin là máng chuyển ơn thánh của Thiên Chúa: xưng tội lần cuối cùng và ơn tha thứ tội lỗi, xức dầu cho người bệnh và phép Thánh thể, tưởng nhớ thân thể và máu thánh Chúa Kitô.
Tập tục cổ xưa phát xuất từ một Giáo Hội được hạ sinh, hoàn toàn theo nghĩa đen, từ một người sắp chết. Các câu chuyện trong Kinh Thánh kể lại việc Chúa Giêsu từng đặt tay trên người bệnh, chữa lành và tha thứ cho họ, và các môn đệ của Người xức dầu cho người bệnh bằng dầu thánh. Khi chết trên thập giá, Người đã tha thứ cho kẻ thù và phó linh hồn của Người trong tay Thiên Chúa.
Các que bông gòn được các linh mục sử dụng để xức dầu cho các bệnh nhân Covid-19
Dây stola trong túi áo Cha Barnes (trái), Dầu thánh trước đây vốn được lưu giữ trong những chiếc lọ trang trí cầu kỳ nay được đựng trong những chai nhựa để dễ lau chùi
Vào thời đó, nghi thức phổ biến của người La Mã dành cho người chết là đặt một đồng xu vào miệng người quá cố, để trả tiền vé cho cuộc hành trình qua một dòng sông đến thế giới bên kia. Giáo Hội sơ khai đã dùng bánh mì thay thế cho đồng xu, để cung cấp thực phẩm cho người quá cố trong cuộc hành trình của họ tới nhan thánh Thiên Chúa. Đó là một cuộc cử hành Thánh Thể sau cùng, được gọi bằng tiếng Latinh là “viaticum” hay “của ăn đàng”.
Nghệ thuật về người hấp hối, Đức khoảng năm 1475 A.D.
Cha Barnes rời phòng một bệnh nhân Covid-19 tại Bệnh viện Newton-Wellesley
Bà Roberio tại đơn vị chăm sóc tận tình ở Trung Tâm Y Khoa St. Elizabeth
Ở châu Âu thời trung cổ, khi bệnh dịch giết chết một trong ba người, việc xức dầu cho người sắp chết càng trở nên nổi bật hơn nữa. Tuổi thọ rất ngắn, và cái chết là điều không thể đoán trước và được coi như hình phạt của Thiên Chúa. Đó là thời đại của lo lắng, “Inferno” (hỏa hào) của thời đại Dante, khi nhiều người lo lắng linh hồn của họ sẽ phải chịu đau khổ trong luyện ngục vì tội lỗi của họ. Các nghi thức sau cùng tha tội cho người sắp chết và làm dịu nỗi sợ hãi đối với số phận vĩnh cửu của họ.
Cả một thể loại văn học, gọi là ars moriendi (Nghệ thuật về người hấp hối), đã phát triển về việc làm thế nào để chết cách tốt lành. Các sách cẩm nang được truyền bá khắp châu Âu đã phác thảo nhiều lời cầu nguyện sau cùng cho người sắp chết và gia đình của họ, và làm thế nào tránh cơn cám dỗ và sợ hãi trong những giờ phút sau cùng.
Ralph Keen, giữ ghế nghiên cứu Công Giáo và là giáo sư lịch sử tại Đại học Illinois ở Chicago, cho biết: “Rất khó để các cá nhân thế tục hiện đại hiểu rõ mức độ tuyệt vọng. Một vị Thiên Chúa công chính trừng phạt loài người đầy sợ hãi, không có điều gì đáng sợ hơn thế”.
Ông nói: “Nó vốn có nghĩa một bí tích để an ủi”.
Sau Thế chiến II, Vatican đã mở rộng việc xức dầu cho người bệnh cũng như cho người sắp chết. Các linh mục bắt đầu xức dầu cho những người sắp phải giải phẫu hoặc mắc một căn bệnh nghiêm trọng, như ung thư chẳng hạn.
Linh mục Michael Witczak, phó giáo sư nghiên cứu phụng vụ và thần học bí tích tại Đại học Công Giáo America giải thích: Bí tích là một cách thừa nhận tính tháng thiêng của mọi cuộc sống nhân bản. Người bệnh, người tội lỗi và người sắp chết đều có giá trị và quyền lợi.
Cha Connors tại sân đậu xe của Trung Tâm Y Khoa St. Elizabeth
Cha Connors chuẩn bị các vật liệu của ngài trong thùng xe của ngài trước khi bước vào bệnh viện
Chữ “bệnh nhân” (patient) phát xuất từ tiếng Latin, thoạt đầu có nghĩa “một người chịu đau khổ”. Nhưng, theo ông, giữa một căn bệnh mới đáng sợ như Covid-19, các bệnh nhân có thể bị nhìn trước hết như những vấn đề cần giải quyết hoặc các con số thống kê.
Ngài nói “Điều mà việc đem bí tích đến cho họ làm là nhắc nhở chúng ta rằng họ là những hữu thể nhân bản có quá khứ và hiện tại và hy vọng một thứ tương lai nào đó”.
BỆNH NHÂN ĐÀNG SAU TẤM KÍNH ở Trung Tâm Y Khoa St. Elizabeth là cha của Dunia Barrios. Cô nhớ chỉ vài ngày trước đây, ông đang tìm kiếm một đài tôn giáo trên chiếc radio khi ngồi chờ xe cứu thương đưa ông đến bệnh viện, hy vọng được nghe một lời cầu nguyện.
Cô ước được chạm vào tay ông, được hôn ông. Cô Barrios không phải là người Công Giáo, nhưng cha cô, một người thợ (handyman) 59 tuổi, chuyên lát gạch và làm mái nhà, vốn tham dự thánh lễ mỗi Chúa nhật. Một người bạn nói với cô về những nghi thức sau cùng, và cô đã tra cứu chúng trên mạng. Hai tuần sau khi ông được đặt máy thở, cô gọi cho một linh mục.
Cô cho hay “Tôi biết người ta đang bất tỉnh. Tuy nhiên, đôi khi bạn tự hỏi, theo khía cạnh tôn giáo, họ bất tỉnh như thế nào? Họ có thực sự nghe được bạn không? ”
Cô bảo: “Khoa học có thể nói cho bạn một điều gì đó, nhưng có điều gì đó còn hơn cả khoa học nữa. Chỉ có điều chúng ta chỉ cảm thấy, nếu chúng ta ở đó, nếu chúng ta có thể chạm vào người…”
Giọng cô lạc đi.
Việc bảo đảm có sự hiện diện thánh thiêng là một niềm an ủi không những cho người sắp chết, mà còn cho những người thân yêu bị bỏ lại. Từ chối bí tích có thể có tác dụng tàn phá. Vào tháng Tư, Elvira Arbusto, 95 tuổi, đã chết vì Covid-19 tại một trung tâm chăm sóc ở Connecticut. Con cái của cụ không thể nhờ được bất cứ ai thiết lập một video để họ có thể nói chuyện với cụ, càng không sắp xếp được một linh mục.
Con dâu của cụ, Beth Cioffoletti, nói: “ Tôi biết rằng cụ muốn điều đó và nó cũng giúp gia đình tôi nữa. Mấy ngày qua là những ngày rất đáng lo ngại, cứ nghĩ đến việc cụ bị bỏ rơi trong căn phòng để chết”.
Đối với một số gia đình, việc xức dầu mở ra niềm hy vọng sẽ có một phép lạ. Addis Dempsey đã bất tỉnh và được đặt ống dây đầy người tại Trung Tâm Y Khoa St. Elizabeth, khi một linh mục đến ban bí tích vào đầu tháng Năm. Lắng nghe qua loa điện thoại là người anh em họ của ông Dempsey, Cha Bill Williams, người đã cung ứng những lời cầu nguyện tương tự vô số lần trong suốt 52 năm làm cha chính xứ.
Sau đó, ngài giải thích rằng Bí tích là một nghi thức chữa lành, một nhắc nhở với ta rằng bất luận sự việc diễn ra như thế nào, Thiên Chúa vẫn ở bên bạn.
Cha Connors cầu nguyện trên ông Skip Dempsey, một bệnh nhân mắc Covid-19
Cha Bill Williams nói rằng “Các bí tích giống như những cái ôm của Thiên Chúa, những khoảnh khắc khi Người ôm ấp chúng ta”
Cha Williams quả quyết: “Đây không phải là ma thuật. Mà là lời khẩn cầu trung thành dâng lên Thiên Chúa, thưa với Người, “Lạy Chúa, chúng con cần một cái ôm ngay lúc này’. Tôi muốn nói các bí tích giống như những cái ôm của Thiên Chúa, những khoảnh khắc khi Người ôm ấp chúng ta. Và không ai thích những cái ôm qua loa”.
Vài ngày sau, ông Dempsey không còn cần máy thở nữa. Chẳng mấy chốc, ông được rút các ống thở và có thể nói chuyện ít phút qua điện thoại với một người chị em họ khác, là bà Peggy Golden, khi ông bắt đầu hồi phục.
Bà nói “Có rất nhiều điều được tràn đổ lên ông, và Chúa là một trong số đó. Tôi phải tin rằng tất cả những điều đó đã đóng góp một phần vào sự kiện tôi được nói chuyện với ông ấy ngày hôm qua. Ai đó đang kiểm soát việc này. Nếu Người quyết định chữa lành cho ông ấy ở đây, điều đó rất tốt đối với tôi”.
KHI CÔ BARRIOS YÊU CẦU cho cha cô được xức dầu, một tuyên úy bệnh viện gọi cho Cha Connors, người đang dạy một lớp thần học luân lý trực tuyến.
Khi số người chết bắt đầu tăng lên ở Boston, Cha Connors tự nguyện cô lập với hai linh mục khác cũng thuộc toán Covid-19 của tổng giáo phận. Trước khi một trong các linh mục rời khỏi nhà để đi xức dầu cho người bệnh, ngài đặt một đôi giày sạch ngay bên trong cửa sau. Khi vị này quay trở lại, ngài sẽ lập tức có hàng đống quần áo để giặt.
Cha Connors, bên trái, và Cha đang điện thoại hàng tuần với các linh mục khác chuyên xức dầu cho các bệnh nhân Covid-19 tại các bệnh viện Boston
Cha Barnes ở trong nhà bếp của căn nhà ngài đang cư trú, Cha Connors và Cha Thomas Macdonald sống ở chỗ kiểm dịch
Giữa các cuộc gọi, ba linh mục dành thì giờ để suy nghĩ về thừa tác vụ của họ. Cha David Barnes vừa xức dầu một bệnh nhân sắp chết tại Bệnh viện Newton-Wellesley.
Cha Barnes nói “Bạn thường nghĩ, người này sẽ ở trên thiên đường sau khi nói chuyện với mình. Điều này luôn làm người ta rất sững sờ, nhưng nó cũng là một ý nghĩ đẹp, là bạn có thể ở đó trong khoảnh khắc đó với một ai đó.
Ngài bảo “Khoảnh khắc ý nghĩa nhất, khoảnh khắc quyết định đời ta là ta sẽ chết ra sao”.
Ngài giải thích: Lúc này là cơ hội để mọi người kiểm tra lại cuộc sống của chính họ và đối diện với những câu hỏi hóc búa: Điều gì là quan trọng ở trong đời? Ý nghĩa cuối cùng của cuộc đời là gì? Đâu là Hy vọng tối hậu của bạn?
Cha Thomas Macdonald nhớ lại các y tá đôi khi tham gia việc cầu nguyện với ngài khi ngài xức dầu cho các bệnh nhân trong phòng chăm sóc tận tình.
Ngài nói “Bạn dễ dàng thành người duy tục, thành người không tin Thiên Chúa, khi bạn nghĩ rằng, trong căn bản, nhân loại có quyền kiểm soát vận mệnh và các vấn đề của họ. Để sống tốt đòi hỏi phải chuẩn bị cho cái chết, thừa nhận rằng cái chết là một phần trong số phận con người của chúng ta. Không có niềm tin vào Thiên Chúa, không có niềm tin vào một mục đích thực sự cho cuộc sống của chúng ta, tôi không biết làm thế nào việc sống tốt này được thực hiện”.
Cha Barnes, bên trái, Cha Macdonald, ở giữa, và Cha Connors, bên phải, cử hành thánh lễ tại căn gác sát mái
Cha Macdonald trong căn nhà của các ngài tại Brighton
Cha Connors đang đẩy một máy tính bảng vào phòng của thân phụ Dunia Barrios để cô có thể theo dõi nghi thức
Và Cha Connors cho rằng, dù tương lai của tôn giáo ở Mỹ là một đề tài thảo luận thú vị, ngài hoàn toàn tập chú vào công việc trong tầm tay: chăm sóc cho nhu cầu tâm linh thực sự của người ta.
Ngài nói: “Trong vòng 400 năm, bất cứ điều gì xảy ra trong một đại dịch, vẫn sẽ có những linh mục xức dầu cho Dân Thiên Chúa. Bất chấp chuyện gì xảy ra.”
TRONG CĂN PHÒNG TẠI TRUNG TÂM Y KHOA ST. ELIZABETH, Cha Connors cầu nguyện trên người đàn ông. Dù họ mới gặp nhau lần đầu, nhưng chuyện này không thành vấn đề. Họ cảm thấy gần nhau do cùng chia sẻ một phép rửa chung và do cùng một niềm tin vốn lớn hơn chính họ rằng trong những giờ phút cuối cùng này, Thiên Chúa sẽ xuất hiện.
Cô Barrios đã theo dõi từ xa trên FaceTime từ trạm xá nơi cô làm y tá. Lần đầu tiên, cô thấy cha cô nằm trên giường. Cô yêu cầu một đồng nghiệp ngồi với cô trong khi cô xem màn hình, để cô có thể nắm tay một ai đó.
Đầu tiên, là bài đọc trích từ Tin Mừng Mátthêu. Hãy đến với Ta tất cả những người đang mang gánh nặng, và Ta sẽ cho các ngươi nghỉ ngơi, Cha Connors đọc như thế. Sau đó, là việc giải tội. Một sự bảo đảm được tha thứ.
Rồi, Cha Connors nâng miếng bông gòn lên. Ngài đụng nó vào trán người đàn ông, xức dầu cho ông bằng dầu thánh.
Vị linh mục đọc “qua việc xức dầu thánh này, xin Chúa vì tình yêu và lòng thương xót của Người giúp con bằng ơn thánh của Chúa Thánh Thần. Và xin Chúa giải thoát con khỏi tội lỗi, cứu độ con và nâng con lên”.
Ngài đặt miếng bông gòn xuống. Nó sẽ được đốt cháy, phù hợp với giáo huấn Công Giáo.
Ngài nhìn người đàn ông.
Và ngài cầu nguyện “Thánh Maria, Đức Mẹ Chúa Trời, xin Mẹ ở cùng chúng con bây giờ, và trong giờ lâm tử, Amen”
Thế là hoàn tất. Toàn bộ nghi thức chỉ kéo dài vài phút, chính việc xức dầu chỉ kéo dái một vài giây. Nhưng những giây đó cô đọng cả một vĩnh cửu.
Đối với cô Barrios, cảm xúc quả đã dâng trào.
Cô nói “Là con người, chúng ta rất mỏng dòn. Tình yêu quả chữa lành”.
Ba tuần và một ngày sau, cha cô, Otto Ronaldo Barrios, qua đời.
Cô Barrios nhìn qua màn hình khi Cha Connors ban phép xức dầu người bệnh cho cha Cô
Thân phụ Cô Barrios lúc được xức dầu
Vũ Văn An