Tỉnh Thức Trong Phục Vụ
25.10
Thứ Tư trong tuần thứ Hai Mươi-Chín Mùa Quanh Năm
Rm 6:12-18; Tv 124:1-3,4-6,7-8; Lc 12:39-48
Tỉnh Thức Trong Phục Vụ
Trong Tin Mừng, Chúa Giêsu đã nói lên quan niệm của Ngài về quyền bính. Các Tông đồ không ngừng tranh luận với nhau về quyền bính; cái giấc mộng công hầu khanh tướng luôn ám ảnh các ông, ai trong các ông cũng muốn ngồi chỗ cao trong Vương Quốc mà họ tưởng Chúa Giêsu đã đến để thiết lập. Nhưng đối lại với tham vọng ấy, Chúa Giêsu cho thấy rằng quyền bính là để phục vụ; trong Nước Ngài, kẻ càng được trao nhiều quyền hành, càng phải là người phục vụ, mà phục vụ theo đúng nghĩa là hoàn toàn quên mình để sống cho người khác.
Do phép Rửa, người Kitô hữu chúng ta được tham dự vào chức vị vương giả của Chúa Kitô. Chúa Kitô là Vua, nhưng là Vua của phục vụ. Cung cách vương giả của Ngài là quì trước các môn đệ và rửa chân cho họ. Do đó, tham dự chức vụ vương giả của Chúa Kitô, chúng ta cũng được trao cho một thứ quyền bính, và quyền bính ấy tương đương với phục vụ. Người ta không thể là Kitô hữu, không thể là môn đệ Chúa Kitô mà lại khước từ phục vụ.
Lời Chúa hôm nay mời gọi chúng ta tỉnh thức. Sự tỉnh thức đích thực của người Kitô hữu chính là phục vụ. Càng phục vụ, họ càng nhận ra được Nước Chúa đang đến; càng phục vụ, họ càng nên giống Chúa trong cung cách vương giả của Ngài. Ai lãnh nhận nhiều sẽ bị đòi nhiều. Ân sủng dồi dào mà chúng ta lãnh nhận qua Bí Tích Rửa Tội là để san sẻ; tình yêu chúng ta cảm nhận được trong đức tin là để trao ban. Sự thức tỉnh đích thực của người Kitô hữu chính là ý thức rằng sống là để yêu thương và phục vụ, và đó cũng là hạnh phúc đích thực, vì “cho thì có phúc hơn là nhận”.
Mở đầu Tin Mừng hôm nay, Chúa Giêsu khẳng định chủ nhà chẳng có thể biết được giờ nào, ngày nào kẻ trộm đến trộm cướp nhà mình. Nếu biết “hẳn ông đã không để nó khoét vách nhà mình”. Xưa nay Hội thánh vẫn dạy ta cái ngày giờ ấy chính là ngày Chúa gọi ta ra khỏi thế gian này, hay là ngày Chúa trở lại lần thứ hai để phán xét ta. Ông Phêrô đã hỏi Chúa: “Chúa nói dụ ngôn này cho chúng con hay cho tất cả mọi người?”.
Chúa đã lờ đi việc trả lời cho Phêrô. Người lại dạy cho các môn đệ một bài học dài về địa vị và trách nhiệm sống của mỗi người ở trần gian này. Chúa dạy cho ta biết mỗi chúng ta được sinh ra đều là những người quản gia, quản lý cho Chúa mà Người đã đặt lên, chứ ta không phải là những ông chủ sở hữu tài sản, tiền bạc.
Vì mọi sự ở trần gian này đều là của một “Ông Chủ” là chính Thiên Chúa. Tất cả những gì ta đang có: thân xác, sức khỏe, tiền của đều là của Người ban và trao cho ta quản lý cho đến ngày Chúa sẽ đòi hỏi lại. Mỗi chúng ta phải là những quản gia “trung tín, khôn ngoan” cho Chúa, để “coi sóc kẻ ăn người ở, để cấp phát đúng giở đúng lúc”.
Người quản lý là người thay quyền chủ ở chỗ được trao. Họ phải làm theo ý chủ mà bảo vệ và làm gia tăng nguồn tài sản của chủ hiện có, không được chi tiêu hà tiện, hà khắc quá mà làm hỏng việc cho chủ. Họ cũng không được chi tiêu bừa bãi làm tổn thất của cải chủ mình. Người quản lý phải có lòng yêu thương và “trung tín”với chủ cũng như mọi người cả bên ngoài cũng như bên trong, lúc có mặt chủ cũng như khi chủ vắng mặt. Có như vậy mọi công việc nơi quản gia được trao ấy mới tốt đẹp, mới được ông chủ yêu mến, mới không bị “loại ra… phải chung số phận với những tên thất tín”.
Hôm nay Chúa cũng dạy cho ta một đều quan trọng nữa là: “Đầy tớ nào đã biết ý chủ mà không chuẩn bị sẵn sàng, hoặc không làm theo ý chủ, thì sẽ bị đòn nhiều, còn kẻ không biết ý chủ mà làm những chuyện đáng phạt thì sẽ bị đòn ít”. Đây chính là sự khắt khe, quyết liệt đối với người đã được phúc tin yêu Chúa và cũng là sự cảm thông, nhân từ, tha thứ của Chúa đối với những ai chưa được hiểu biết Người.
Để chuẩn bị cho ngày Chúa đến thật bất ngờ, hôm qua Chúa nhắc nhở chúng ta cần phải tỉnh thức bằng cách chu toàn tốt bổn phận như người đầy tớ chuyên cần. Tiếp tục hôm nay, Chúa nhắc chúng ta ý thức sống tốt vai trò của người quản lý. Người quản lý tốt phải có 2 đặc tính: 1 là trung tín; 2 là khôn ngoan.
Trung tín: là trung thành và tin tưởng chủ mình. Lòng tin tưởng và trung thành phát xuất từ lòng yêu mến chân thật. Vì yêu mến chủ mình nên người quản lý không bao giờ chểnh mảng hay phản bội chủ mình. Trái lại luôn biết chuyên chăm làm việc bổn phận theo ý muốn của chủ mà không hề kêu ca hay so đo tính toán.
Khôn ngoan: là người biết phân biệt đúng-sai; tốt-xấu; lợi-hại; chóng qua-bền vững… người quản lý khôn ngoan là người luôn nhạy bén nhận ra đâu là thời điểm thuận lợi để đầu tư và phát triển của cải mà chủ trao phó để sinh lợi cho chủ cách tốt nhất.
Chúa tin tưởng đặt mỗi người chúng ta vào vai trò quản lý của Chúa bằng cách yêu thương trao ban cho chúng ta những của cải quý giá: gia đình, sức khỏe, thời gian, trí tuệ , của cải vật chất và nhiều đặc sủng khác… Chúa mong muốn chúng ta quản lý tốt những của cải quý giá ấy và nỗ lực sinh lợi ra nhiều cho bản thân, gia đình và xã hội.