Tỉnh Thức Trong Phục Vụ
19/10 Thứ Tư
Thánh Isaac Jogues và Gioan de Brebeuf và các bạn tử đạo
Ep 3:2-12; Is 12:2-3,4,5-6; Lc 12:39-48
Tỉnh Thức Trong Phục Vụ
Là nhà thừa sai dòng Tên, Isaac Jogues tới Quêbéc, nước Canađa. Ở đó, thánh nhân làm việc giữa những người Huron, giải thích cho họ biết về sứ điệp Tin mừng của Đức Chúa Giêsu và rửa tội cho những người xin gia nhập Công giáo.
Thánh Gioan de Brebeuf trở thành tu sĩ dòng Tên sau một cơn lao phổi dữ dội. Ngài và thánh Gabriel Lallơmông là những thành viên thuộc nhóm các tu sĩ dòng Tên can đảm bị những người Irôquơ bắt giữ và giết chết.
Tất cả các vị anh hùng của Chúa Kitô này đã can đảm hiến dâng mạng sống mình vì những người dân bản địa vùng Bắc Mỹ.
Thánh Isaac Jogues sinh năm 1607 tại thành phố Ôlins, nước Pháp. Thánh nhân gia nhập dòng Tên năm 1624. Là nhà thừa sai dòng Tên, Isaac Jogues tới Quêbéc, nước Canađa. Ở đó, thánh nhân làm việc giữa những người Huron, giải thích cho họ biết về sứ điệp Tin mừng của Đức Chúa Giêsu và rửa tội cho những người xin gia nhập Công giáo. Năm 1642, một số chiến binh thuộc bộ tộc Irôquơ đã bắt giữ ngài cùng với 5 tu sĩ dòng Tên người Pháp và 2 tông đồ giáo dân Pháp khác.
Trong suốt một năm, Thánh Isaac Jogues và các bạn của ngài đã bị tra tấn kinh khủng. Nhưng một người Hà Lan đã giúp Isaac Jogues trốn thoát và ngài đã trở về Pháp. Đến năm 1644, Isaac Jogues lại xin được tới Quêbéc. Đang lúc trên đường đến với những người Irôquơ, sau một hiệp ước hòa bình ngài đã ký với bộ tộc ấy, Isaac Jogues đã bị những người Mahawk bắt giữ và giết chết.
Thánh Gioan de Brebeuf trở thành tu sĩ dòng Tên sau một cơn lao phổi dữ dội. Ngài và thánh Gabriel Lallơmông là những thành viên thuộc nhóm các tu sĩ dòng Tên can đảm bị những người Irôquơ bắt giữ và giết chết. Cha Antôn Đanien vừa mới cử hành xong thánh lễ cho những tân tòng thuộc làng Huron thì những người Irôquơ tới tấn công ngôi làng. Những người tín hữu Anhđiêng năn nỉ cha bỏ trốn, nhưng cha Đanien đã ở lại để rửa tội cho tất cả những người đang khóc lóc xin cha ban bí tích Thanh tẩy cho họ trước khi tất cả đều bị giết. Những người Irôquơ đã thiêu sống cha trong nguyện đường nhỏ bé của ngài.
Thánh Carôlô Garniê, tuy bị bắn bởi phát súng hỏa mai Irôquơ trong một vụ tấn công đột xuất, vẫn cố gắng bò tới giúp một người bạn đang hấp hối. Sau đó, ngài bị chém chết bởi một nhát rìu. Cha Nôel Cabanel cảm thấy cuộc sống truyền giáo tại Tân Thế Giới thật khó khăn, nhưng cha đã thề nguyền sẽ ở lại Bắc Mỹ. Cha bị một kẻ phản bội thuộc bộ tộc Huron giết hại. Hai vị tông đồ giáo dân, Rênê Gupin và Gioan Laland, đều bị giết bởi những nhát rìu của người da đỏ. Tất cả các vị anh hùng của Chúa Kitô này đã can đảm hiến dâng mạng sống mình vì những người dân bản địa vùng Bắc Mỹ. Người ta thường gọi các ngài là các thánh tử đạo tại Bắc Mỹ. Các ngài được Đức Thánh Cha Piô XI tôn phong lên bậc Hiển thánh năm 1931.
Ngày nay người ta phạm rất nhiều tội nghịch lại với nhân phẩm con người. Chúng ta hãy xin các thánh tử đạo hôm nay chia sẻ cho chúng ta tình yêu thương lớn lao và lòng kính trọng đặc biệt đối với tất cả mọi người. Chúng ta hãy nài xin các ngài ban cho chúng ta quả tim truyền giáo của các ngài.
Trong Tin Mừng, Chúa Giêsu đã nói lên quan niệm của Ngài về quyền bính. Các Tông đồ không ngừng tranh luận với nhau về quyền bính; cái giấc mộng công hầu khanh tướng luôn ám ảnh các ông, ai trong các ông cũng muốn ngồi chỗ cao trong Vương Quốc mà họ tưởng Chúa Giêsu đã đến để thiết lập. Nhưng đối lại với tham vọng ấy, Chúa Giêsu cho thấy rằng quyền bính là để phục vụ; trong Nước Ngài, kẻ càng được trao nhiều quyền hành, càng phải là người phục vụ, mà phục vụ theo đúng nghĩa là hoàn toàn quên mình để sống cho người khác.
Đời sống chúng ta, những Kitô hữu, là một cuộc hành trình đức tin, chúng ta luôn bảo vệ ơn nghĩa cùng Chúa, biết dùng ơn Chúa mà sống tốt lành như người quản gia trung tín và khôn ngoan, luôn khao khát và chăm chú vào việc đón tiếp Chúa sắp đến cách trung thành kiên nhẫn, chờ đợi trong tư thế tỉnh thức không thiếp ngủ trong đam mê xác thịt, luôn bảo vệ phần rỗi linh hồn mình cho tới khi Chúa đến. Việc tỉnh thức sẵn sàng cần thiết cho mọi người, nhưng với những người có trách nhiệm phải trả lẽ trước mặt Chúa về phần rỗi của người khác, thì tư cách sẳn sàng và tỉnh thức là biết chu đáo bổn phận được trao phó cách trung thành và khôn ngoan nữa.
Nguyên nhân chúng ta xao lãng việc lo cho phần rỗi của mình, là quên giờ chết của mình sắp đến, nghĩ còn lâu chủ mới về, nên liều mình trong thói hư tật xấu, khiến cho giờ chết đến bất ngờ không kịp chuẩn bị. Chúng ta còn cần tìm biết ý Chúa và thi hành, chứ đừng nói mà không làm, biết ý Chúa để truyền đạt cho những người chúng ta có trách nhiệm về phần rỗi của họ, chứ không như một con chó câm. Chúng ta, những Kitô hữu, là những người quản lý ơn Chúa, phải dùng mà làm sáng danh Chúa, lo cho phần rỗi mình và anh em đồng loại, không được phung phí, hay dùng theo sự ích kỷ của mình, không theo ý Chúa. Phải biết yêu Chúa và làm mọi sự như một người quản lý trung thành và khôn ngoan, để yêu thương mọi người.
Do phép Rửa, người Kitô hữu chúng ta được tham dự vào chức vị vương giả của Chúa Kitô. Chúa Kitô là Vua, nhưng là Vua của phục vụ. Cung cách vương giả của Ngài là quì trước các môn đệ và rửa chân cho họ. Do đó, tham dự chức vụ vương giả của Chúa Kitô, chúng ta cũng được trao cho một thứ quyền bính, và quyền bính ấy tương đương với phục vụ. Người ta không thể là Kitô hữu, không thể là môn đệ Chúa Kitô mà lại khước từ phục vụ.
Lời Chúa hôm nay mời gọi chúng ta tỉnh thức. Sự tỉnh thức đích thực của người Kitô hữu chính là phục vụ. Càng phục vụ, họ càng nhận ra được Nước Chúa đang đến; càng phục vụ, họ càng nên giống Chúa trong cung cách vương giả của Ngài. Ai lãnh nhận nhiều sẽ bị đòi nhiều. Ân sủng dồi dào mà chúng ta lãnh nhận qua Bí Tích Rửa Tội là để san sẻ; tình yêu chúng ta cảm nhận được trong đức tin là để trao ban. Sự thức tỉnh đích thực của người Kitô hữu chính là ý thức rằng sống là để yêu thương và phục vụ, và đó cũng là hạnh phúc đích thực, vì “cho thì có phúc hơn là nhận”. Ước gì chúng ta luôn thức tỉnh trong hướng đi ấy.