Tinh Thần Phục Vụ
28.2Thứ Tư trong tuần thứ Hai Mùa Chay
Gr 18:18-20; Tv 31:5-6,14,15-16; Mt 20:17-28
Tinh Thần Phục Vụ
Mở đầu đoạn Tin Mừng hôm nay là việc Chúa tiên báo về cái chết hy sinh chuộc tội của Chúa. Đây là lần thứ ba Chúa nói về nơi chết là Giêrusalem – cách chết: bị nộp cho lương dân, bị đòn vọt và đóng đinh – sau chết: Phục sinh. Hãy thử tưởng tượng như nếu chúng ta biết trước mình sẽ trải qua những khổ nhục và phải chết tất tưởi như thế liệu chúng ta có đủ bình tĩnh mà làm được việc gì nữa không. Có khi còn chạy trốn. Còn Chúa Giêsu, Ngài vẫn bình tĩnh lập các bí tích cũng như giảng dạy như thường việc gì tới sẽ tới. Ngài đương đầu với tử thần và Ngài đã chiến thắng chính sự chết bằng việc phục sinh.
Người ta tự hỏi chứ tại sao Chúa không phán một lời đủ để cứu chuộc nhân loại cần gì phải chết đau thương nhục nhã như thế. Phải rồi đối với Thiên Chúa toàn năng Ngài làm được mọi sự, còn việc chịu chết đóng đinh đây là ý muốn của Thiên Chúa. Ngài muốn như thế. Một lãnh tụ mà không chịu lăn lưng khổ nhục, không chịu đồng lao cộng khổ mà chỉ đứng chỉ tay năm ngón thì chẳng ai theo. Chúa Giêsu biết tâm lý ấy của nhân loại, cho nên Ngài chấp nhận cái chết đau thương. Cái chết đối với chúng ta là một chuyện bắt buộc, là hậu quả của tội tổ tông. Nhưng đối với Chúa, đó là một thứ tự do ưng thuận, là ý muốn của Thiên Chúa, chứ không là bắt buộc.
Dựa vào mạc khải chúng ta biết rằng bằng lòng chết như thế là vì tình yêu quá lớn lao của Ngài đối với loài người. “Không còn tình yêu nào to lớn hơn tình yêu của người thí mạng sống cho kẻ mình yêu” (Gio 15,13), “Một Thiên Chúa thương nhân loại quá đỗi đến nỗi ban Con Một Mình cho nhân loại” để họ giết đi làm của ăn hằng sống. Đó là Thiên Chúa yêu thương đến cùng, đến giọt máu yêu thương cuối cùng (Gio 13,1).
Ngoài ra việc Chúa chết như thế là để đền tội đầy tràn của nhân loại: “Ở đâu tội lỗi đầy tràn, ở đấy ơn lộc chứa chan” (Rm 5,20). Một trái đất chúng ta chỉ là một hành tinh bé nhỏ so với vũ trụ và những hành tinh khác. Trái đất bé hạt tiêu, trái đất nhỏ bé nhất nhưng cũng là nơi nhiều tội lỗi nhất. Từ dòng máu của Abel cho tới Gioan tiền hô, Chúa Giêsu và… tới đâu nữa, cho tận cùng phán xét.
Sau khi Chúa Giêsu tiên báo lần thứ ba về cuộc thương khó của Người, giữa nhóm mười hai đã xảy ra nhiều cuộc tranh luận. Càng gần tới thành Giêrusalem, cuộc tranh luận càng sôi nổi hơn. Họ bàn tán xôn xao: Thầy sắp thực hiện kế hoạch mà Thầy đã ôm ấp bấy lâu. Kế hoạch này xem ra khó hiểu đối với họ, nhưng thôi, đó là công việc của Thầy, hãy để Thầy lo liệu, và họ bàn luận với nhau về tương lai của họ sau khi Thầy được đăng quang. Họ phân chia nhau ngôi thứ, ai lớn ai nhỏ như thế nào đây. Ai là người có công nhiều, ai là người có công ít hơn. Và cuộc tranh luận này không chỉ gói gọn giữa nhóm Mười Hai, mà còn mở rộng ra đến cả người nhà của họ nữa. Hai ông Giacôbê và Gioan, con ông Dêbêđê, đưa mẹ đến xin Chúa Giêsu cho họ được ngồi bên tả bên hữu Chúa. Thấy mẹ con bà Dêbêđê hành xử như vậy, mười môn đệ kia tức tối ra mặt. Nhân cơ hội này, Chúa Giêsu dạy cho các ông bài học về tinh thần phục vụ mà các môn sinh của Chúa phải có.
Khác với cách thức cai trị của vua quan trần thế là những người đã dùng uy quyền để ổn định dân nước, những người lãnh đạo trong Nước Trời phải dùng quyền hạn mà Thiên Chúa ủy thác cho để phục vụ lợi ích của tha nhân. Ðịa vị càng cao càng phải hạ mình để phục vụ người khác nhiều hơn: “Ai muốn làm đầu các con thì phải làm đầy tớ các con. Cũng như Con Người đến không phải để người ta phục vụ nhưng là để phục vụ và hiến dâng mạng sống làm giá cứu chuộc muôn người.”
Lời dạy của Chúa Giêsu thức tỉnh chúng ta và mời gọi chúng ta xét mình. Chúng ta tự hào mình là người có công, là những người cộng tác vào công cuộc mở mang Nước Chúa ở trần gian. Ðôi lúc chúng ta cũng bỏ công sức, thời giờ, tiền của vào các việc tông đồ truyền giáo. Chúng ta có nhiệt tình, chúng ta lao tâm khổ tứ, chúng ta ăn ngủ không yên, nhưng thử hỏi, chúng ta dấn thân như vậy vì Chúa, vì phục vụ anh em hay vì một cái gì khác. Mỗi người chúng ta hạ cố tự vấn lương tâm mình trong mùa Chay này.
Cho đi để được cho lại, đó là tính toán thường tình của con người. Người ta làm ơn làm phúc để được đền đáp, người ta hy sinh phục vụ đã tên tuổi của mình được nhắc đến. Tiền tài, quyền bính, danh vọng là ẩn số luôn ẩn núp sau những công việc mà con người gọi là phục vụ. Tựu trung, điều con người tìm kiếm trong mọi phục vụ vẫn là cái tôi của mình. Chúa Giêsu đã mang lại cho hai chữ “phục vụ” ý nghĩa đích thực của nó : phục vụ như Chúa Giêsu đã sống là sống như một người tôi tớ. Người tôi tớ trong thời phong kiến chỉ có một hiện hữu duy nhất, đó là sống cho và sống vì người khác. Như vậy, phục vụ đích thực chính là sống trọn vẹn cho tha nhân, vì tha nhân, chứ không vì bất cứ một tính toán lợi lộc nào. Phục vụ như thế cũng đồng nghĩa với quên mình và quên mình cho đến chết. Xét cho cùng, theo mẫu gương của Chúa Giêsu, phục vụ cũng đồng nghĩa với chết đi. Đó là bài học mà Chúa Giêsu đã muốn lặp lại khi cho chúng ta lắng nghe trong Tin mừng hôm nay.
Những dân chài Galilê đã bỏ mọi sự theo Chúa Giêsu, nhưng các ông từ bỏ mọi sự với một tính toán, đó là trở thành công hầu khanh tướng trong vương quốc tương lai của Ngài. Các ông cũng không thoát khỏi cái lý luận thường tình của con người : “Tôi cho đi để được lấy lại”, “tôi từ bỏ mọi sự để được giầu sang hơn”, “tôi phục vụ để được phục vụ lại”. Quyền binh, danh vọng vẫn luôn là cám dỗ đối với Giáo Hội qua mọi thời đại. Dưới lớp áo thâm chùng của từ bỏ vẫn còn ẩn núp những tham sân si. Đội lốt tôn giáo, lời tố cáo ấy xem xét ra không phải là quá đáng, bất công đối với không biết bao nhiêu thành phần được gọi là người của Giáo hội.
Gồm những con người yếu hèn, tội lỗi, Giáo hội Chúa Kitô luôn cần được thanh luyện trong ý tưởng, cũng như trong thể hiện của mình. Trong cuộc trở về chung của toàn Giáo Hội,mọi kitô hữu đều được mời gọi để không ngừng hoán cải. Hoán cải là quay về với Chúa, là chỉ tìm kiếm và yêu mến một mình Ngài, là tham dự vào cuộc Tử nạn của Chúa Kitô bằng những hy sinh và từ bỏ chính mình mỗi ngày.
Ước gì cái chết của Chúa Giêsu trên Thập giá mà chúng ta suy niệm trong Mùa chay này luôn nhắc nhở chúng ta về ơn gọi của người môn đệ, đó là phục vụ, quên mình, và ý thức mình chỉ là đầy tớ vô dụng, chỉ làm những gì phải làm mà thôi.