Tinh Thần Khoan Nhượng
19.9 Thứ Năm trong tuần thứ Hai Mươi-Tư Mùa Quanh Năm
1 Cr 15:1-11; Tv 118:1-2,16-17,28; Lc 7:36-50
Tinh Thần Khoan Nhượng
Tin Mừng hôm nay có thể gợi lên cho chúng ta một vài suy nghĩ về tinh thần khoan nhượng đích thực. Chúa Giêsu là hiện thân của tinh thần ấy. Trong những quan hệ xã hội của Ngài, Ngài vốn dành ưu tiên cho người nghèo, những người tội lỗi, những kẻ bị xã hội đẩy ra bên lề. Ngài tìm đến với họ và nhất là ngồi đồng bàn để ăn uống với họ, nhưng Chúa Giêsu không khơi dậy cuộc đấu tranh giai cấp. Ngài không bao giờ đi với người nghèo để kêu gọi chống lại những người giàu có. Ngài đến với những người nghèo và những kẻ tội lỗi nhưng không loại trừ những người giàu có và những người đạo đức thánh thiện. Ngài chia sẻ cơm bánh với những người tội lỗi nhưng cũng không ngại ngồi đồng bàn với những người công chính.
Chúng ta thấy người biệt phái Simon được Tin Mừng hôm nay nhắc tên là một người giàu có và đạo đức, ông có thể là đại biểu cho những người giàu có và thánh thiện mà Chúa Giêsu không hề muốn loại trừ ra khỏi những quan hệ xã hội của Ngài. Chúa Giêsu kết thân với những người nghèo khổ và tội lỗi nhưng không xa cách những người giàu có và đạo đức.
Đức Giêsu được ông Pharisees tên là Simon mời ăn tiệc; đây là dấu chứng tỏ ông tôn kính Người, vì ông nghĩ Đức Giêsu có thể là một ngôn sứ (x. câu 39), hoặc ít ra Người cũng là một vị thầy du thuyết, đã có lần lên tiếng trong hội đường.
Tuy nhiên, hoàn cảnh vẫn có tính hàm hồ. Ông chủ nhà nghĩ mình là người quan trọng, ông nắm hoàn cảnh trong tay, ông không phải đánh liều gì cả: ông đã tiếp đón Đức Giêsu nhưng với một mức lịch sự tối thiểu bởi vì ông mong muốn làm vui lòng mọi người. Bằng cách mời Đức Giêsu đến ăn tiệc, ông chứng tỏ ông có tâm trí cởi mở, có khả năng để ý đến các tư tưởng mới, một con người có một trí thông minh nào đó; tuy nhiên, bằng cách bỏ qua những cách tiếp khách quen thuộc (“Tôi vào nhà ông: nước lã, ông cũng không đổ lên chân tôi… Ông đã chẳng hôn tôi một cái”, câu 44-45), ông luôn luôn có thể nói rằng ông đã giữ khoảng cách và chỉ làm một chuyện là ngó tới Người để nghe xem Người nói gì mà thôi.
Thái độ của ông chủ như thế hẳn đã làm cho bầu khi ra căng thẳng và nặng nề rồi; những người khác lại cũng đang trông chừng nhau và hẳn là cũng nói những chuyện chung chung để khỏi làm mất lòng ai.
Giữa tình thế ấy, một người phụ nữ đi vào, lại là “một người tội lỗi trong thành”, ai cũng biết (câu 37). Bà này bất kể các quy ước xã hội, bà không sợ hãi gì cả, bà tiến đến. Rồi bằng một cử chỉ thú nhận tội lỗi công khai, bà bày tỏ với Đức Giêsu những dấu chỉ diễn tả là quý mến, lòng biết ơn và tôn kính mà không một ai đã bày tỏ với Người trước đó: “lấy nước mắt mà tưới ướt chân Người” (câu 38; x. câu 44), “lấy tóc mình mà lau” (câu 38; x. câu 44), “hôn chân Người” (câu 38; x. câu 45), “và lấy dầu thơm mà đổ lên” (câu 38; x. câu 46). Lòng biết ơn của bà chan hòa đến độ bà không ngại xõa tóc ra để lau chân Đức Giêsu, cho dù bỏ khăn và xõa tóc ra trước mặt phái nam là một sự ô nhục cùng cực. Bà đã làm như thế, vì bà quá sợ khi thấy nước mắt mình làm hoen ố chân Đức Giêsu, sợ đến mức quên những người đang ở chung quanh.
Không một ai đã dám làm một cử chỉ đánh liều; người phụ nữ này đã liều một bước lớn: Đức Giêsu sẽ làm gì, Người đứng về phía nào? Đức Giêsu lại chứng tỏ sự khéo léo mà lật ngược các hoàn cảnh. Người không bắt đầu với một lời trách; Người hành động cách cẩn thận. Người kể một dụ ngôn cho Simon: “Một chủ nợ kia có hai con nợ…” (câu 41tt), rồi đến cuối, Người hỏi ông một câu để ông nhận định. Ông đã “xét đúng” về câu chuyện, theo hình thức (câu 43): Kẻ được tha nhiều hơn, thì yêu mến nhiều hơn.
Thật ra đây là một lý luận theo số lượng. Nhưng từ đó Đức Giêsu đưa ông đến chỗ biết rằng theo cái nhìn của Thiên Chúa, và cũng từ quan điểm của sự thành thật con người, hoàn cảnh này hoàn toàn ngược lại với những gì mỗi người đang nghĩ. Ông “xét đúng” câu chuyện, nhưng ông lại xét sai những con người (người phụ nữ và Đức Giêsu). Ông có một cái bên ngoài đúng đắn, có học thức và lịch thiệp, và có một cái bên trong đối lập với người phụ nữ và Đức Giêsu. Kẻ không mời mà đến, kẻ phải thật sự xấu hổ về chính mình, kẻ không đã biết cách cư xử, chính là Simon; còn người đã xử sự đúng như hoàn cảnh đòi hỏi, đáp trả theo một cách đúng là người, đó là người phụ nữ: bà là người đã hiểu và đã nắm lấy đúng hoàn cảnh.
Nói cho cùng, từ ngữ “tình yêu” tuy không được viết ra, lại là từ ngữ trung tâm: “Tội của chị rất nhiều, nhưng đã được tha, bằng cớ là chị đã yêu mến nhiều” (câu 47). Thật ra, những người tội lỗi, những người không tin nên không mở ra với ân sủng của Đức Giêsu cũng là những người tưởng mình công chính. Đức Giêsu vẫn tiếp tục đồng bàn với họ. Như thế, có một sự lật ngược tình thế, đó là: Đức Giêsu mà người Pharisees chỉ trích vì “đồng bàn” với người thu thuế và kẻ tội lỗi, cũng là Đức Giêsu không ngại đồng bàn với những kẻ vẫn tưởng mình đàng hoàng, nhưng thật ra có con tim khép kín với tình yêu và sự tha thứ. Với cả hai bên, Đức Giêsu đều có thể nói: “Tôi không đến để kêu gọi người công chính, mà để kêu gọi người tội lỗi sám hối ăn năn” (Lc 5,32).
Cuộc gặp gỡ được ghi lại trong Tin Mừng hôm nay là điển hình của thái độ khoan nhượng của Chúa Giêsu. Chính trong một bữa tiệc được một người giàu có và đạo đức khoản đãi mà Chúa Giêsu đã gặp gỡ một người đàn bà tội lỗi nổi tiếng trong thành phố, Ngài luôn có thái độ khoan nhượng đối với mọi người.
Sự khoan nhượng là thái độ cần thiết cho mọi người bởi vì xã hội nào cũng gồm những thành phần khác biệt nhau bởi vì nhân loại gồm những con người khác biệt mà họ cần đối xử với nhau bằng thái độ khoan nhượng. Hai chìa khóa để mở cánh cửa của khoan nhượng là sự chấp nhận và cảm thông. Chấp nhận thường đi trước sự cảm thông. Chấp nhận sự khác biệt nơi người khác để dễ dàng cảm thông với họ hơn, nhưng dĩ nhiên khoan nhượng không hề đồng nghĩa với đồng lõa.
Chúa Giêsu tỏ ra cảm thông và tha thứ với những người tội lỗi nhưng Ngài không bao giờ nhân nhượng trước tội lỗi; Ngài khoan dung tha thứ bao nhiêu với tội nhân thì lại càng cương quyết bấy nhiêu với tội lỗi. Chính vì thế mà sự tha thứ của Ngài luôn đi kèm với mệnh lệnh: “Con hãy đi về và đừng phạm tội nữa”. Với người biệt phái tên là Simon, Ngài đã kêu gọi với thái độ khoan nhượng khi để cho người đàn bà tội lỗi đến thể hiện lòng sám hối của mình bằng việc xức dầu thơm cho Ngài. Với người đàn bà tội lỗi, Ngài cho cảm nhận được ơn tha thứ. Ngài kêu gọi chúng ta: “Hãy học cùng Ta vì Ta hiền lành và khiêm nhường trong lòng”. Lời ấy bảo đảm cho chúng ta ơn tha thứ và sự bình an của Ngài, đồng thời cũng mời gọi chúng ta hãy sống khoan nhượng và tha thứ đối với mọi người.