TIN VÀO THIÊN CHÚA QUAN PHÒNG
22.6Thứ Bảy trong tuần thứ Mười Một Mùa Quanh Năm
2 Sb 24:17-25; Tv 89:4-5,29-30,31-32,33-34; Mt 6:24-34
TIN VÀO THIÊN CHÚA QUAN PHÒNG
Trong bài Tin Mừng hôm nay, Chúa Giêsu dạy chúng ta đừng quá lo lắng cho mạng sống mình: sẽ ăn gì? mặc gì? ngày mai sẽ ra sao?, mà phải tin cậy vào sự quan phòng chăm sóc của Thiên Chúa. Ngài đưa ra hai hình ảnh chứng minh sự quan phòng liên lỉ của Thiên Chúa: chim trên trời, bông huệ ngoài đồng, chúng có đáng gì đâu, thế mà Thiên Chúa vẫn hằng nuôi nấng, để ý đến, huống chi con người, vì con người được tạo dựng giống hình ảnh Thiên Chúa và được Chúa Giêsu Kitô cứu chuộc bằng chính giá máu Ngài.
Ðọc kỹ bản văn của Matthêu, chúng ta thấy có bốn lần Chúa Giêsu dạy chúng ta đừng quá lo lắng đến nỗi mất tin cậy vào Thiên Chúa. Khi nói như thế, Ngài muốn chúng ta đừng tìm bảo đảm nơi của cải nay còn mai mất, mà phải tìm cái cốt yếu cho cuộc đời trước đã, rồi mọi sự khác sẽ được thêm cho. Lo lắng quá cũng chẳng giải quyết được gì: “Dù có lo lắng đi nữa, hỏi có ai trong các con kéo dài đời mình thêm được một vài gang tấc không?”. Tín nhiệm hoàn toàn vào Thiên Chúa không có nghĩa là sống trong thụ động, mà là cộng tác với công việc của Thiên Chúa tùy ơn gọi của mỗi người: tự giúp mình thì trời sẽ giúp cho.
Khi nói đến khái niệm “Thiên Chúa là Đấng Quan Phòng”, ấy là lúc chúng ta nói đến sự can thiệp của Thiên Chúa cách nhiệm mầu, khiến con người không thể ngờ cũng như không thể hiểu được.
Tuy nhiên, sự quan phòng của Thiên Chúa không giống như kiểu quan niệm của những người không có niềm tin. Những người đó thường hay coi đó như là một định mệnh, hay số mệnh đã được ấn định trước cho mỗi người phải chịu một kiếp sống tốt hay xấu, sướng hay khổ, thành công hay thất bại giống như kiểu rút thăm, rút số ghi sẵn cái gì thì phải lãnh cái đó.
Nhưng quan phòng theo mặc khải của Thánh Kinh có hai vế: về phía Thiên Chúa, Người là Đấng Khôn Ngoan, đầy tình thương mến, hy sinh tận tụy lo toan cho con cái, luôn tìm dịp để ban phát cho con của mình những điều tốt đẹp nhất, đồng thời luôn bảo vệ để chúng được an lành; còn về phía con người, được mời gọi tin tưởng tuyệt đối vào Thiên Chúa, vì không thể nào một người con xin cá, mà cha hay mẹ của mình lại cho rắn hay bọ cạp, xin bánh lại cho đá…
Đức Giêsu kêu gọi các môn đệ và cũng là mời gọi mỗi người chúng ta: hãy tin tưởng vào một mình Thiên Chúa, không được “bắt cá hai tay”, tức là làm tôi hai chủ. Thiên Chúa, Đấng Yêu Thương luôn chăm sóc anh em mọi lúc. Hãy xem chim trời, hoa huệ ngoài đồng thì sẽ thấy được tình yêu của Thiên Chúa dành cho con người là dường nào!
Tuy nhiên, sự tin tưởng vào Chúa không có tính cách thụ động, khoanh tay ngồi chờ theo kiểu: “Trời sinh voi, Trời sinh cỏ”, không phải thái độ vô vi, yếm thế, buông trôi. “Đức tin chân chính phải thể hiện bằng việc làm”, càng tin, càng phải đem “hết sức mình, hết lòng, hết trí khôn, hết linh hồn” cộng tác vào công trình sáng tạo và cứu thế của Thiên Chúa.
Thiên Chúa luôn khuyến khích con người lao công, vì chính Ngài đã truyền cho con người ngay từ thuở tạo dựng vũ trụ: “Hãy thống trị đất và bắt nó phục tùng” (St 1,28). Đức Giêsu khẳng định của ăn có được là do lao công: “Vì thợ đáng được nuôi ăn” (Mt 10,10).
Lo lắng làm việc là trách nhiệm của con người với Thiên Chúa với anh em với vũ trụ vạn vật nhưng Chúa Giêsu nhấn mạnh: “Tiên vàn các con hãy tìm kiếm nước Thiên Chúa”, gợi lên ý nghĩa Kinh Lạy Cha mà Chúa Giêsu dạy cầu nguyện nước Chúa và danh Cha trước hiển trị trên trời và dưới đất rồi mới đến cơm bánh nhu cầu vật chất và tinh thần của con người.
“Nước Thiên Chúa và đức công chính của Người” cũng có nghĩa là một lối sống phù hợp với ý muốn của Thiên Chúa theo yêu cầu và luật lệ của nước Ngài.
Cho nên, việc tìm kiếm nước Thiên Chúa không phải là một sự chờ đợi tiêu cực, không chỉ là một thái độ tôn giáo nội tâm, nhưng là một lối thực hành đức công chính, là sự dấn thân như bài giảng bát phúc đã trình bày (x. Mt 5,1-12).
Tuy nhiên, sự nỗ lực của con người không chỉ là sự cố gắng của bản thân mà cùng đồng hành với Thiên Chúa, Đấng luôn ở với chúng ta mỗi ngày cho đến tận thế như lời hứa của Ngài (x. Mt 28,20), Đấng tỏ ra với con người qua lời ngôn sứ Isaia: “Cho dù người mẹ đó có quên, nhưng Ta sẽ không quên ngươi” (Is 49,15).
Chúa Giêsu khuyên dạy: “Đừng lo lắng cho mạng sống, lấy gì mà ăn; cũng đừng lo cho thân thể, lấy gì mà mặc…” (Mt 6,25). Tin mừng Matthêô dùng 6 lần động từ “lo lắng” cùng với lời khuyên nhủ: “đừng lo” để nói lên lời khẩn bách mời gọi từ bỏ mọi âu lo thái quá, vì cả cuộc sống của ta đã được đặt trước mặt Thiên Chúa Cha là Đấng “biết rõ điều ta cần” (x. Mt 6,8.32). Thánh Phêrô mời gọi chúng ta: Mọi lo âu, hãy trút cả cho Chúa, vì Người chăm sóc anh em (x. 1Pr 5,7).
Cuộc sống hằng ngày vốn nhiều lo lắng: Lo lắng và ám ảnh một quá khứ vất vả, thất bại khiến chúng ta không dám bước vào hiện tại và tiến tới tương lai. Lo lắng về một hiện tại chưa thành công, còn nhiều vất vả, không đủ nương tựa vào cuộc sống, khiến ta luôn mệt mỏi không dám dấn thân; lo lắng về việc cơm áo gạo tiền, khiến chúng ta rơi vào trạng thái lo âu triền miên. Vì thế, sẽ lo lắng về một tương lai mịt mù không có chút ánh sáng để tiếp tục bước đi. Giữa biển đời ngập tràn lo âu, lời thánh Âugustinô chia sẻ cho chúng ta: “Phó thác quá khứ cho lòng thương xót của Chúa, hiện tại cho tình yêu của Ngài, và tương lai cho sự quan phòng của Ngài”.
Thiên Chúa biết rõ chúng ta không phải là những con chim hay bông hoa ngoài đồng, mà là những con người phải làm việc để nuôi thân và góp phần xây dựng gia đình và xã hội. Chúa dạy chúng ta “trước hết hãy tìm” nghĩa là hẫy đặt đúng chỗ công việc: việc nào trước, việc nào sau. “Trước hết hãy lo tìm Nước Chúa và sự công chính của Ngài”, lời này đặt nền tảng cho người Kitô hữu trong việc chọn lựa: Thiên Chúa phải chiếm chỗ ưu tiên trong con người và công việc của chúng ta, rồi đến việc cứu rỗi bản thân và đưa người khác về với Chúa; đảo lộn trật tự này tức là đi ngược thánh ý và chương trình của Thiên Chúa.
Chúa Giê-su dứt khoát nói với ta: “Anh em không thể vừa làm tôi Thiên Chúa vừa làm tôi Tiền Của được”. Ai lo tìm những giá trị đời này sẽ bỏ quên Thiên Chúa. Ai tìm Thiên Chúa sẽ không màng gì những lợi lộc đời này. Vì Thiên Chúa đã ban cho ta điều cơ bản nhất: sự sống. Thế mà ta cứ lo tìm những gì phụ thuộc. “Mạng sống chẳng trọng hơn của ăn, và thân thể chẳng trọng hơn áo mặc sao?” Chúa đưa ra ví dụ cụ thể. Chim trời không gieo không gặt vẫn được Chúa nuôi dưỡng. Bông hoa ngoài đồng không dệt không may mà áo đẹp còn hơn vua chúa. Huống chi chúng ta là con cái của Chúa. “Anh em lại chẳng quý giá hơn chúng sao?” Vì thế Chúa khuyên ta cứ an tâm phục vụ Thiên Chúa. “Trước hết hãy tìm kiếm Nước Thiên Chúa và đức công chính của Người, còn tất cả những thứ kia, Người sẽ thêm cho”.