TIN VÀO CHÚA
21 12 X Thứ Tư Tuần XVI Thường Niên.
(Tr) Thánh Lô-ren-xô Bơ-rin-đi-xi (Brindisi), Linh mục, Tiến sĩ Hội Thánh.
Xh 16,1-5.9-15; Mt 13,1-9.
TIN VÀO CHÚA
Dụ ngôn là một hình thức giảng dạy dùng tỉ dụ từ phong tục trong dân chúng hay cuộc sống thường nhật để rút ra bài học, hay làm sáng tỏ một chân lý đạo đức hoặc tôn giáo. Trong bài Tin Mừng hôm nay Chúa Giêsu dùng dụ ngôn người gieo giống đi gieo giống lúa tại Galilêa thời Chúa Giêsu: Galilêa là một xứ nhỏ, nhiều đồi núi, ít ruộng đất, đông dân cư, nên ruộng đất phải chia nát ra thành nhiều phần nhỏ, phần đất nào cũng có đường bờ làm cương giới. Phần nhiều đất không đủ màu mỡ, có nhiều chỗ pha trộn đá sỏi, đất đã xấu lại hỗn độn đầy cỏ, nhất là cỏ gai.
Tuy nhiên cũng có nhiều chỗ đất phì nhiêu, người ta chỉ cày bừa kỹ rồi gieo vãi đợi đến mùa là gặt lúa về. Hiểu như thế giúp chúng ta dễ dàng hiểu lời Chúa hôm nay.Dụ ngôn người gieo giống cũng thuộc nhóm dụ ngôn liên hệ về Nước Trời như các dụ ngôn:
Hạt cải và nắm men ( Mt 13, 31 – 32 ).
Dụ ngôn kho báu và đá ngọc ( Mt 13, 44 – 46 )
Dụ ngôn các lưới cá ( Mt 13, 47 – 50 )
Dụ ngôn cỏ lùn ( Mt 13, 24 – 30 ).
Chúa Giêsu thường giảng bằng dụ ngôn ( Mt 13, 34 ). Với các môn đệ Ngài nói rõ sự thật, với người ngay lành, Ngài dùng dụ ngôn làm cho người nghe dễ hiểu, dễ nhớ các chân lý Ngài trình bày, và khám phá dần dần sự phong phú chứa đựng trong chân lý ấy. Với người không tiếp nhận thì chân lý không tỏ ra cho họ, và nếu lời giảng nhắm thẳng vào người nghe thì lời nói không làm cho họ quá đột ngột hay khó chịu, như khi Chúa muốn nói về nhóm Biệt Phái Luật sĩ. Hàng Tư tế Dothái sẽ giết Chúa, Ngài đã dùng dụ ngôn các tá điền làm vườn nho để đến mùa nộp huê lợi cho chủ. Hơn nữa, Chúa Giêsu dùng dụ ngôn để thực hiện những lời tiên tri báo trước về việc dùng dụ ngôn: “mở miệng ra tôi sẽ nói dụ ngôn công bố điều huyền bí thuở xa xưa” ( Tv 78, 2 ).
Chúa Giêsu dùng dụ ngôn về Nước Trời, để giác ngộ người Dothái khỏi lầm lẫm về Nước Trời mà Ngài thiết lập không theo kiểu trần thế như họ tưởng nghĩ và mong muốn. Chúa Giêsu dùng dụ ngôn về người gieo giống: người gieo giống trước tiên chính là Thiên Chúa, hạt giống là Chúa Giêsu được Chúa Cha sai xuống thế gian để cứu chuộc thế gian, đất được gieo là nhân loại, đất khác nhau vì thái độ đón nhận khác nhau của từng người. Đồng thời người gieo giống là Chúa Giêsu, và tiếp tục là Giáo Hội qua muôn thế hệ, hạt giống là lời Chúa, đất được gieo là toàn thể nhân loại nói chung, và từng người nói riêng, đất khác nhau là thái độ đón nhận của người nghe khác nhau.
Khi dùng những hình ảnh quen thuộc với thính giả Galilêa, Chúa Giêsu trình bày số phận của hạt giống tuỳ theo vùng đất tiếp nhận nó, đất sỏi, bụi gai, vệ đường, lại thêm những chướng ngại bên ngoài như chim trời, nắng gắt, nhưng có hạt rơi nhằm đất tốt thì sinh hoa kết quả nhiều, hạt được gấp trăm, hạt sáu mươi, hạt ba mươi.
Lời Chúa được giảng dạy cũng vậy, nó phát sinh hiệu quả cho người nghe tuỳ theo thái độ đón nhận của họ, và tuỳ thuộc vào cách họ sống. Chúa Giêsu đưa ra bốn loại: vệ đường, đá sỏi, bụi gai và đất tốt. Chỉ có đất tốt mới có hiệu lực sinh hoa kết quả. Xét về hình thức thì việc rao giảng thất bại vì chỉ thành công với tỉ lệ ¼ nhưng về tính chất thì loại đất thứ tư lại gấp bội ba mươi, sáu mươi, một trăm, có nghĩa là hạt giống lời Chúa luôn là tốt có một tiềm năng hiệu lực, lúc đầu xem ra thất bại nhưng cuối cùng là vào ngày cánh chung sẽ thành công vì Nước Chúa sẽ trị đến. Hạt ba mươi, hạt sáu mươi, hạt một trăm trong dụ ngôn này, Chúa Giêsu không áp đặt mà chỉ đề nghị và mời gọi mọi người hiểu được thái độ cần phải có để đón nghe lời Chúa cho sinh kết quả phần rỗi linh hồn mà tạo cho tâm hồn nên một mảnh đất tốt.
Chúng ta cần nhận thức giá trị thiêng liêng của lời Chúa mà tha thiết lắng nghe và chăm chú thi hành, chúng ta cần có tinh thần khao khát lời Chúa như một nhu cầu của sự sống, cần gạt bỏ những chướng ngại, nhất là các thành kiến, khuynh hướng xấu trong tâm hồn chúng ta, chúng ta cần từ bỏ những sự lo lắng ham mê những sự thế gian xác thịt để có một tâm hồn thanh thoát, trong sạch đón nhận lời Chúa. Chúng ta cần tu luyện cho có một tâm hồn khiêm nhường biết tin tưởng cậy trông, và yêu mến lời Chúa để cho lời Chúa biến đổi đời sống chúng ta, dẫn đưa chúng ta đến ơn cứu độ, đến sự sống đời đời. Từ đó chúng ta trở nên một tông đồ đem lời Chúa đến cho mọi người cách hăng say nhiệt thành vì phần rỗi của mọi anh em chúng ta.
Hạt giống “sinh hoa kết quả”, có thể nói, là niềm mong ước của tất cả mọi người đi gieo. Song, để đạt được điều đó, thì có hạt giống tốt mà thôi vẫn chưa đủ, nhưng còn cần đến một mảnh đất tốt. Thực tế đó cũng được áp dụng đúng trong trường hợp của chính Lời Chúa là “hạt giống tốt” được Chúa Giêsu gieo vãi vào trong những mảnh đất là tâm hồn của con người. Chỉ có những mảnh đất tâm hồn tươi tốt, phì nhiêu mới làm cho hạt giống Lời Chúa được trổ sinh hoa trái dồi dào. Song, một mảnh đất tâm hồn tươi tốt là thế nào nếu không phải là một tâm hồn luôn biết mở rộng để lắng nghe, để suy niệm và đem ra thực hành.
Cuộc sống giữa trần thế, với biết bao bận tâm chi phối, dễ làm cho chúng ta lãng quên, coi nhẹ việc lắng nghe và suy niệm Lời Chúa. Điều đó khiến mảnh đất tâm hồn của chúng ta dần dà trở nên khô cằn, sỏi đá và gai góc. Vì thế, hơn bao giờ hết, bạn và tôi được mời gọi chăm lo mảnh đất tâm hồn mình cho tươi tốt bằng việc gắn bó với Lời Chúa mỗi ngày. Có như thế, hạt giống Lời Chúa mới bám rễ sâu và sinh hoa kết trái dồi dào.
Chúng ta hãy suy niệm ý nghĩa chung của dụ ngôn. Chúa Giêsu dạy cho các đồ đệ của Ngài ngày xưa và cho chúng ta hôm nay một bài học về tinh thần lạc quan trong đời sống đức tin. Cuối cùng, ơn Chúa sẽ thắng, Lời Chúa sẽ được đón nhận và sinh hoa kết quả tốt đẹp. Những hoa trái đó có thể bù cho những thiệt mất trong thời gian chờ đợi chiến thắng cuối cùng và vĩnh viễn của Lời Chúa và ân sủng cứu rỗi của Ngài.
Ta hãy dừng lại chiêm ngắm hạt giống trổ sinh hoa trái. Chúng ta hãy tin tưởng vào sức mạnh của Lời Chúa, không ngã lòng thất vọng trước những nghịch cảnh, những môi trường không thuận lợi cho Lời Chúa. Những người Do Thái chống đối khước từ Chúa đã không làm hư chương trình cứu rỗi của Ngài. Ngày hôm nay cũng không thiếu những hoàn cảnh đối nghịch với Lời Chúa nhưng chắc chắn sẽ không diệt bỏ được sức mạnh trổ sinh hoa trái của Lời Chúa. Ðây là điểm tựa cho niềm hy vọng của người môn đệ.