Tin và đón nhận
Thứ Năm 2 tháng 4 2020
Ga 8, 51-59
TIN VÀ ĐÓN NHẬN
Sinh thời của Chúa Giêsu, dân chúng đã tìm cách giải thích dung mạo của Người, họ gán cho Người những hình ảnh quen thuộc: là Gioan Tẩy Giả, là ngôn sứ Êlia, hay một ngôn sứ nào đó (Mc 8, 28). Trong trình thuật Tin mừng của thánh Gioan hôm nay, Chúa Giêsu khẳng định Người là Con Thiên Chúa (Ga 8, 54) và là Đấng Hằng Hữu (Ga 8, 58).
Thuật ngữ “Ta Hằng Hữu” cho thấy Chúa Giêsu luôn hiện diện cách siêu việt thời gian và không gian như lời Thánh sử Gioan đã viết “lúc khởi đầu đã có Ngôi Lời. Ngôi Lời vẫn hướng về Thiên Chúa, và Ngôi Lời là Thiên Chúa” (Ga 1, 1). Người không những hiện diện cách siêu hình mà còn hiện diện cụ thể trong lịch sử nhân loại “Ngôi Lời đã trở nên người phàm và cư ngụ giữa chúng ta” (Ga 1, 14a).
Với biến cố Nhập Thể, Ngôi Lời là Thiên Chúa vô hình đã hiện diện cách hữu hình khi trở nên người phàm. Người nói với con người bằng ngôn ngữ nhân loại, mạc khải cho con người về Ơn Cứu Độ. Tất cả những gì con người phải làm để được Ơn Cứu Độ là tin vào Chúa Giêsu, xem những gì Người làm, lắng nghe và tuân giữ những gì Người nói.
Tuy vậy, không phải mọi người đều nhận ra sự hiện diện đích thực của Chúa Giêsu và tin vào Người. Nhiều người Do Thái trực tiếp được thấy và nghe Chúa Giêsu giảng dạy nhưng đã không tin Người và cho rằng Người bị quỷ ám. Hình ảnh những người Do Thái không tin Chúa Giêsu chính là hình ảnh của nhiều người hôm nay. Họ không nhận ra sự hiện diện của Người vì những lý do khác nhau: hoặc vì thượng tôn khoa học, hoặc vì bám víu nơi vật chất, hoặc vì theo các lý thuyết vô thần.
Người Do Thái đã bị vấp phạm khi nghe thấy Chúa Giêsu, một người chưa đầy năm mươi tuổi, tự cho mình là Con Thiên Chúa, là Đấng Hằng Hữu, đã được thấy tổ phụ Apraham. Lý trí bình thường của con người và sự khép kín cõi lòng đã trở thành rào cản khiến họ không nhận ra Chúa Giêsu là Đấng Cứu Độ Thiên Chúa sai đến. Họ từ chối tin vào Ngài.
Trong một cuộc đối thoại với người Do Thái, Chúa Giêsu càng lúc càng mặc khải thêm về thân thế của Ngài… Nhưng với cái nhìn và kiến thức cũng như kinh nghiệm cá nhân, người Do Thái không thể nhận biết thân thế của Chúa: “Ông là ai? Ông chưa được 50 tuổi mà đã trông thấy Abraham sao? Bây giờ chúng tôi mới biết rõ ông bị quỷ ám… Sự thật của Chúa đòi hỏi con người phải từ bỏ nếp sống cũ của tội lỗi, những mưu tính vụ lợi, những ghanh tị tham lam.”
Thượng tế Caipha đang mưu toan đẩy Chúa Giêsu vào con đường chết nhằm loại trừ hậu họa theo cái nhìn của con người. Hơn nữa, mưu kế khôn ngoan của ông cũng che đậy một mưu mô thâm hiểm muốn giết người vô tội để thỏa lòng ghen tương, đố kỵ. Nhưng thật trớ trêu, âm mưu thâm độc của vị thượng tế lại trở thành lời tiên tri loan báo về Chúa Giêsu, Đấng sẽ chịu chết để trở thành nguồn ơn cứu độ cho muôn dân.
Sự mưu mô, tội ác, sự bất công vẫn đầy dẫy trong thế giới con người. Người ta dễ dàng bóp méo sự thật bằng những lời hoa mỹ. Người ta dùng những mưu kế thấp hèn để lừa dối lẫn nhau, lừa dối dân chúng nhằm phục vụ lợi ích cá nhân của mình. Những người công chính, ngay thẳng, và dám lên tiếng bênh vực cho sự thật, có thể bị loại trừ bằng những thủ đoạn thấp hèn.
Những ai muốn nhận ra chương trình của Thiên Chúa thì cũng phải tập nhìn mọi sự theo cách nhìn của Ngài. Những người Do Thái không muốn nhìn như thế, họ nhìn vào Chúa Giêsu và họ chỉ thấy đó là một con người tuổi chưa đầy năm mươi mà dám khoác lác nói rằng mình đã thấy tổ phụ Abraham, lại còn dám xưng mình ngang hàng với Thiên Chúa nữa. Họ không thể chấp nhận thái độ cao ngạo và phạm thượng ấy. Họ phải ném đá kẻ ngông cuồng này.
Quả đúng như lời mở đầu Tin Mừng theo thánh Gioan: “Ngôi Lời là ánh sáng thật, ánh sáng đến thế gian và chiếu soi mọi người. Người ở giữa thế gian và thế gian đã nhờ Người mà có nhưng lại không nhận biết Người. Người đến nhà mình nhưng người nhà chẳng chịu đón nhận” (Ga 1, 9-11)
Đức tin và đón nhận Ngôi Lời là ơn ban đến từ Thiên Chúa và vượt qua sự hiểu biết của lý trí con người. Đức tin giúp con người đi vào các mầu nhiệm của Thiên Chúa và dấn bước theo Người với tình yêu và lòng phó thác. Vì đức tin, tổ phụ Apraham đã từ bỏ quê cha đất tổ lên đường đến miền Đất hứa vô định, đã sẵn sàng hy sinh đứa con độc nhất theo lệnh Chúa dù đó là mầm mống duy nhất cho một dòng dõi đông đảo mà Chúa hứa với ông. Ông trở thành “cha của những kẻ tin”.
Và ta thấy Đức Maria đã hết lòng yêu mến và tín thác cuộc đời nơi Thiên Chúa. Vì thế, Mẹ là đấng cao trọng nhất trong các loài thụ tạo. Trên hành trình về nhà Cha với biết bao trở ngại và thách đố, mỗi người cần tin tưởng và đặt trọn cuộc đời mình nơi bàn tay quan phòng của Chúa.
Nhiều người thời nay cũng không thể chấp nhận sự thật về Chúa Giêsu. Họ không tin Ngài là Đấng Cứu Thế, càng không tin Ngài là Con Thiên Chúa. Bởi vì họ đã có quá nhiều thành kiến về đạo, trong đó cũng có những thành kiến do những kẻ có đạo tạo nên.
Trong tâm tình Mùa Chay, là những người Kitô hữu, chúng ta cùng nhau suy ngắm mầu nhiệm thương khó và vượt qua của Chúa Giêsu. Vì yêu mà Đức Giêsu đã hy sinh mạng sống của mình để cứu độ muôn dân.
Vì thế, chúng ta cũng được mời gọi từ bỏ những mưu mô, những kiêu căng, đố kỵ, trù dập người khác để mang lại lợi ích cho bản thân. Mỗi khi chúng ta cư xử bất công với người anh em mình, thì chính chúng ta cũng đã tham gia vào bản án mà Đức Giêsu phải chịu. Ngoài ra, chúng ta cũng được thúc đẩy tìm kiếm và theo đuổi những phương thế phù hợp để thúc đẩy công lý và hòa bình.