Tín hữu Hy Lạp và đảo Síp hy vọng và chờ đợi chuyến viếng thăm của ĐTC
TÍN HỮU HY LẠP VÀ ĐẢO SÍP HY VỌNG VÀ CHỜ ĐỢI
CHUYẾN VIẾNG THĂM CỦA ĐTC
Hồng Thủy
Chuyến viếng thăm Hy Lạp và đảo Síp của Đức Thánh Cha sẽ hiện thực mong muốn nối kết với Giáo hội hoàn vũ của tín hữu Hy Lạp và mang lại những giờ phút hy vọng và đức tin cho các tín hữu đảo Síp, để hòn đảo này có thể giữ vai trò đặc biệt trong việc thúc đẩy đối thoại và hợp tác.
Mong muốn của Đức Thánh Cha đến Hy Lạp, theo bước thánh Phaolô tông đồ, được bắt đầu vào ngày 18/11 năm ngoái, sau khi nhận được lời mời chính thức từ tổng thống Hy Lạp Katerina Sakellaropoulou.
Thực tế của người tị nạn tại đảo Lesbos
Trong lần đầu tiên đặt chân đến Hy Lạp vào tháng 4/2016, với cuộc viếng thăm vài giờ đảo Lesbos, Đức Thánh Cha đã đến thăm những người tị nạn chạy trốn chiến tranh và bạo lực, những nạn nhân của thảm họa nhân đạo lớn nhất sau Thế chiến thứ Hai.
Theo Đức Tổng Giám mục Theodoros Kontidis của Athens, khi viếng thăm Lesbos một lần nữa, “có lẽ Đức Giáo hoàng muốn cho thấy và đánh thức sự nhạy cảm, không chỉ của Hy Lạp, mà còn của cộng đồng quốc tế về thực tế của người tị nạn”.
Kỳ vọng của tín hữu Hy Lạp
Theo Tổng Giám mục của Athens, các tín hữu Hy Lạp kỳ vọng rất nhiều vào chuyến viếng thăm của Đức Thánh Cha, bởi vì ngài giúp họ cảm thấy “được kết nối với Giáo hội hoàn vũ”, bởi vì “cảm giác thuộc về Giáo hội của Chúa Kitô” được sống động qua sự hiện diện của ngài. Đức Tổng Giám mục cho biết thêm, tình huynh đệ phổ quát mà Đức Phanxicô thể hiện thậm chí còn quan trọng hơn, bởi vì nó thể hiện sự thống nhất trong một quốc gia như Hy Lạp, đại diện cho “sự tổng hợp của các cộng đồng khác nhau”.
Chuyến thăm của hy vọng
Đức cha Salim Sfeir, Tổng Giám mục Công giáo Maronite tại Síp, cũng nói về niềm vui tiếp đón Đức Thánh Cha: “Tất cả chúng tôi đều vui mừng vì chuyến thăm này sẽ là một chuyến thăm của hy vọng, của đức tin. Nó sẽ là sự tiếp nối của chuyến thăm của Đức Giáo hoàng Biển Đức XVI (ngày 4-6/6/2010). Khi đó ngài đã nói rằng: Síp là một hòn đảo có thể đóng một vai trò đặc biệt trong việc thúc đẩy đối thoại và hợp tác.
Đức Tổng Giám mục đảo Síp nói thêm rằng: quốc gia này, như là miền đất của hòa bình và đối thoại, là miền đất thuật lại “sự dấn thân mục vụ của Đức Giáo hoàng đến các miền ngoại biên”. Theo ngài, khẩu hiệu của chuyến viếng thăm: “Xin củng cố chúng con trong đức tin” cho thấy mục đích của chuyến viếng thăm. Đức Tổng Giám mục đảo Síp mong ước rằng chuyến viếng thăm có thể tỏ cho Đức Thánh Cha thấy thực tại của đảo Síp. Đó là thời điểm, trong đó Đức Thánh Cha có thể gặp gỡ các Kitô hữu, bởi vì “cuộc viếng thăm của Đức Giáo hoàng luôn luôn là một cuộc viếng thăm hòa bình, đối thoại, một cuộc viếng thăm quan trọng đối với tất cả mọi người”.
Nguồn: vaticannews.va/vi/