Tin Con Là Tin Cha
11/5 Thứ Tư trong tuần thứ Tư Mùa Phục Sinh
Cv 12:2413; Tv 67:2-3,5,6,8; Ga 12:44-50
Tin Con Là Tin Cha
Tin mừng theo thánh Gio-an được viết ra sau một thời gian dài cầu nguyện đến lúc chín mùi. Trước khi cho chúng ta những lời chứng, thánh nhân đã dầy kinh nghiệm sống với sức sống của Thiên Chúa, Cha, Con và Thánh Thần. Tin mừng này bày tỏ về Thiên Chúa Ba ngôi, qua con tim của một người, một người xác tín, một người tông đồ yêu dấu.
Chúa Giêsu tự định nghĩa mình là người được sai đi của Cha. Thánh Gio-an không giới thiệu Chúa Giêsu là Con Thiên Chúa, nhưng là Con Cha. Hầu như bất cứ điều quan trọng nào đều chỉ về Cha và không chỉ về Con. Tất cả đều tương quan với Cha. Chúa Giêsu thực hiện sứ mệnh do Cha ban, Người làm cho họ nhận biết sứ điệp của Cha. Chúa Giêsu chính là sứ điệp của Cha.
Thái độ của Đức Kitô luôn luôn bày tỏ sự hoàn toàn tùy thuộc, hoàn toàn vâng lời lúc nào cũng sẵn sàng đối với Cha. Nếu Người cho lời Người là quan trọng vì đó là lời của Cha: “Chính lời Tôi nói sẽ xét xử người ấy trong ngày sau hết, thật vậy, không phải Tôi tự mình nói ra, nhưng là chính Chúa Cha, Đấng đã sai Tôi, truyền lệnh cho Tôi phải nói gì và tuyên bố gì”.
Tin Mừng hôm nay có thể tóm lược cách tổng quát về những lời rao giảng công khai của Chúa. Chúa Giêsu đã nhắc đến hai điểm chính yếu là: “Tin Ngài là tin Chúa Cha và thấy Ngài là thấy Chúa Cha”.
Tin Mừng trình bày cho chúng ta phần cuối của Sách các Dấu Lạ (từ chướng đến chương 12), trong đó Thánh Sử Phúc Âm đưa ra một sự quân bằng. Nhiều người tin vào Chúa Giêsu và đã có can đảm bày tỏ đức tin của họ cách công khai. Họ lo sợ bị trục xuất khỏi Hội Đường. Và nhiều kẻ không tin: “Dù Người đã làm ngần ấy dấu lạ trước mặt họ, thế mà họ vẫn không tin vào Người. Như vậy là ứng nghiệm lời ngôn sứ Isaia: “Lạy Đức Chúa, ai đã tin lời chúng tôi rao giảng? Và quyền lực của Đức Chúa đã được tỏ cho ai?” (Ga 12-37-38).
Tin Chúa thì sẽ mang lại ánh sáng cho cuộc đời, vì đức tin là ánh sáng, không tin thì sống trong tối tăm. Từ chối không tin Con Người thì tự kết án mình, mặc dù Chúa Giêsu không đến để kết án mà để cứu rỗi. Không ai có thể thoát ra khỏi sự xét xử cuối cùng này, và sự xét xử ấy là bởi thái độ do con người tin nhận hay từ chối từ Thiên Chúa: “Ai nghe lời Ta mà không tin giữ thì không phải Ta kết án kẻ đó, nhưng chính Lời Ta sẽ xét xử nó” (Ga 12,47-48), không ai có thể thoát khỏi sự xét xử này, nhưng sự xét xử đó sẽ đến trong ngày sau hết.
Tin vào Chúa Giêsu là tin vào Đấng đã sai Người. Câu này là bản tóm tắt sách Tin Mừng của ông Gioan. Đó là chủ đề xuất hiện và tái xuất hiện theo nhiều cách. Chúa Giêsu hiệp nhất với Chúa Cha đến nỗi mà Người không nhân danh mình mà nói, mà luôn nhân danh Chúa Cha. Ai thấy Chúa Giêsu là thấy Chúa Cha. Nếu bạn muốn biết về Thiên Chúa, hãy nhìn vào Chúa Giêsu. Thiên Chúa là Chúa Giêsu!
Chúa Giêsu là sự sáng đã đến thế gian. Tại đây, ông Gioan trở lại với những gì ông đã nói trong Lời Tựa: “Ngôi Lời là ánh sáng thật, ánh sáng đến thế gian, và chiếu soi mọi người” (Ga 1:9). “Ánh sáng chiếu soi trong bóng tối, và bóng tối đã không diệt được ánh sáng” (Ga 1:5). Tại đây, ông lặp lại: “Ta là sự sáng đã đến thế gian, để bất cứ ai tin Ta, người ấy sẽ không còn ở trong sự tối tăm nữa.” Chúa Giêsu là câu trả lời sống động cho những khúc mắc lớn tác động và truyền cảm hứng cho việc tìm kiếm của nhân loại. Đó là ánh sáng chiếu rọi ở chân trời. Nó khiến cho người ta khám phá ra mặt chiếu sáng của bóng tối đức tin.
Ta đã đến không phải để xét xử thế gian. Về ngày sau hết, một câu hỏi được đặt ra: Việc luận phạt sẽ như thế nào? Trong hai câu này, Thánh Sử làm sáng tỏ chủ đề ngày phán xét. Việc luận phạt không được thực hiện theo như lời đe dọa, với sự nguyền rủa. Chúa Giêsu nói rằng: “Nếu ai nghe lời Ta nói mà không tuân giữ, thì không phải chính Ta xét xử người ấy, vì Ta đã đến không phải để xét xử thế gian, nhưng là để cứu độ thế gian. Ai khinh dể Ta, và không chấp nhận lời Ta, thì đã có người xét xử: Lời Ta đã nói sẽ xét xử người ấy trong ngày sau hết.” Việc luận phạt bao gồm cách mà người đó tự xác định mình trước lương tâm của chính mình.
Chúa Cha ra lệnh cho Ta phải nói gì. Những lời cuối cùng của Sách các Dấu Lạ là một bản tóm tắt tất cả những điều Chúa Giêsu đã nói và làm cho đến bây giờ. Người tái khẳng định những điều mà Người đã khẳng định ngay từ đầu: “Bởi vì Ta đã không tự mình nói ra, nhưng Cha là Đấng sai Ta, chính Người đã ra lệnh cho Ta phải nói gì và phải công bố gì.
Và Ta biết rằng lệnh của Người là sự sống đời đời. Những điều Ta nói, thì Ta nói theo như Cha đã dạy.” Chúa Giêsu là sự phản chiếu trung thực của Chúa Cha. Vì lý do này, Người đã không trưng ra bằng chứng hay luận cứ cho những kẻ khiêu khích Người để hợp thức hóa sự khả tín của Người. Chính Chúa Cha là Đấng hợp thức hóa Người qua các công việc Người làm.
Và nói về việc làm, Người không nói đến những phép lạ to tát, mà tất cả những điều Người nói và làm, ngay cả những điều nhỏ nhặt nhất. Chính Chúa Giêsu là Dấu Lạ của Chúa Cha. Người là phép lạ biết đi, sự minh bạch hoàn toàn. Người không thuộc về mình, mà hoàn toàn thuộc về Chúa Cha. Sự khả tín của một Sứ Giả không đến từ người ấy, mà đến từ Đấng mà người ấy đại diện. Sự khả tín đến từ Chúa Cha.
Bước theo Đức Kitô, người kitô hữu chúng ta không những được mời gọi tiến vào miền ánh sáng, mà còn có bổn phận trở thành ánh sáng. Ngài không cần chúng ta phải chiếu ánh sáng quyền năng của Ngài bằng những việc phi thường, nhưng là sẵn sàng tiêu hao chính mình để ánh sáng Đức Kitô được chiếu tỏa, và nhờ đó chính chúng ta cũng được đổi mới và nhận được vinh quang Phục Sinh của Ngài.
Trong cuộc sống, Thiên Chúa luôn kêu mời con người trở về với Ngài sau những lần sa ngã hay lúc họ chối từ Ngài, thời giờ chúng ta đang sống là thời giờ của lòng nhân từ thương xót Chúa. Ước gì mỗi người chúng ta đừng lạm dụng lòng nhân từ Chúa, đừng khinh dể bỏ qua ơn soi sáng của Ngài. Qua đoạn Phúc Âm trên, thánh sử cho thấy rõ ý Chúa muốn nói với mỗi người, đó là Ngài muốn chúng ta lắng nghe lời Ngài và sống kết hợp với Ngài “biết giới răn Cha Ta là sống đời đời” (Ga 12,50).