Tiệc vui
11.2 Thứ Bảy trong tuần thứ Năm Mùa Quanh Năm
St 3:9-24; Tv 90:2,3-4,5-6,12-13; Mc 8:1-10
Tiệc vui
Ngày hôm nay, ta thấy thánh Matcô đã kể lại hành trình giảng dạy và những việc làm của Chúa Giêsu nơi vùng đất của dân ngoại, trong miền thập tỉnh, gần biển hồ Tibêria.
Ta thấy Chúa Giêsu xuất hiện như vị cứu tinh chữa lành mọi chứng đau bệnh trong dân. Đến địa hạt Tia, Người trừ quỷ cho con gái một người đàn bà Hy Lạp, gốc Phinêxi thuộc xứ Xyri (Mc 7, 24-30). Sau đó qua vùng Xiđon, Người còn chữa một người vừa điếc vừa ngọng. Tiếng lành đồn xa, đám dân ngoại nghe và chứng kiến nhiều nhiều phép lạ phi thường Chúa Giêsu đã làm thì kéo đến để nghe Người giảng dạy. Họ đi ròng rã suốt ba ngày đàng và chiều hôm ấy, Chúa Giêsu đã thực hiện phép lạ hóa bánh ra nhiều, dọn một bữa tiệc thịnh soạn giữa đồng vắng đãi bốn ngàn người ăn no nê.
Đây là lần thứ hai Chúa Giêsu làm phép lạ hóa bánh ra nhiều. So với lần thứ nhất (Mc 6, 30-44), thấy đám đông dân chúng đi theo, các môn đệ xin Chúa Giêsu cho họ giải tán vào làng mạc tìm thức ăn. Đức Giêsu đề nghị các ông hãy cho họ ăn. Sau đó Người dùng 5 chiếc bánh và 2 con cá thực hiện phép lạ cho 5 ngàn người đàn ông ăn và còn dư 12 thúng đầy.
Phép lạ lần thứ hai xảy ra là do lòng thương của Đức Giêsu khi thấy đám đông đi theo suốt ba ngày mà không có gì ăn. Từ 7 chiếc bánh và vài con cá nhỏ, Chúa Giêsu đã làm phép lạ cho 4 ngàn người ăn no và còn dư 7 giỏ bánh. Trong Kinh Thánh, số 7 tượng trưng cho sự hoàn hảo, cho đức ái và ân sủng của Thiên Chúa.
Trong cuộc sáng tạo kỳ diệu, Thiên Chúa đã hoàn tất mọi việc trong sáu ngày và ngày thứ bảy Người nghỉ ngơi. Từ đó “số 7” trở thành khuôn mẫu để quy định thời gian làm việc mà chúng ta thường gọi là “một tuần”.Vì thế phép lạ từ 7 chiếc bánh là một bằng chứng sống động cho tình thương của Thiên Chúa. Người không chỉ cho ăn qua cơn đói mà cho cách hào phóng dư thừa suốt chu trình của 7 ngày sống. Người không chỉ đáp ứng nhu cầu vật chất tạm thời mà còn hướng dân chúng đến nguồn lương thực Thần Linh để được sống muôn đời.
Lương thực, ăn uống là nhu cầu sống còn của loài người.Như đám đông dân chúng đi theo Chúa Giêsu, nhân loại hôm nay cũng mong muốn một cuộc sống no cơm ấm áo. Tận sâu trong cõi lòng, chúng ta ấp ủ khát vọng một cuộcsống hạnh phúc, công bằng và bác ái. Đáng tiếc chúng ta lại đặt khát vọng ấy nơi vật chất và nơi con người trần gian nên chỉ nhận được nỗi thất vọng ê chề. Chỉ nơi Chúa Giêsu mới có câu trả lời chính đáng cho mọi khát vọng của chúng ta. Người đã thực hiện tất cả vì yêu thương trong sự vâng phục thánh ý Chúa Cha. Người không chỉ cho ăn bánh vật chất mà còn hiến thân mình làm của ăn nuôi của uống cho loài người được sống đời đời.
Con người được ban cho hai món quà vô giá là sự sống và tình yêu. Sự sống là một huyền nhiệm và tình yêu là điều thiêng liêng cao quý. Tình yêu mang đến cho con người sự sống và sự sống duy trì được là nhờ vào tình yêu. Sự sống và tình yêu đều xuất phát từ Thiên Chúa, hay nói cách khác Thiên Chúa là cội nguồn của sự sống và tình yêu. Thiên Chúa đã biểu lộ tình yêu của Người qua cuộc sáng tạo kỳ diệu để trao ban sự sống cho muôn vật muôn loài. Sự hiện hữu của chúng ta trên cõi đời này là bằng chứng hùng hồn nhất về tình yêunhiệm mầu của Thiên Chúa.
Hẳn ta còn nhớ trong thư thứ nhất, thánh sử Gioan đã định nghĩa: “Thiên Chúa là tình yêu” (1Ga 4, 16). Chân lý này được mặc khải nhiều lần cho dân Chúa. Tình yêu Thiên Chúa hiện diện và đồng hành với dân Israeltrong mọi biến cố. Tình yêu ấy được cụ thể hóa và thành toàn viên mãn nơi Đức Giêsu, một tình yêu đã hiến dâng đã cho đi đến giọt máu cuối cùng. Tình yêu ấy biểu lộ nơi trái tim từ ái của Chúa Giêsu, một trái tim tỏa ra ngọn lửa nồng ấm thiêu đốt mọi thứ yếu hèn của loài người. Trái tim ấy đã mở ra ôm ấp những tâm hồn đau khổ, xoa dịu mọi vết thương và tha thứ mọi tội lỗi. Chỉ có Thiên Chúa mới thấu hiểu mọi nỗi khổ đau phiền lụy của kiếp người, chỉ có tình yêu mới làm cho con người được sống và sống dồi dào sung mãn.
Không có tình thương nào cao quý hơn tình thương của người đã hy sinh mạng sống vì người mình yêu, một tình yêu được ký kết bằng máu và mạng sống. Lời khẳng định ấy mở ra cho loài người tia hy vọng sau những tháng ngày đi hoang. Tình yêu có một mãnh lực kỳ diệu không chịu khuất phục trướcmột thế lực nào. Biết bao lần loài người đã phản bội, lãng quên lời giao ước để rồi chuốc lấy những đổ vỡ và đắng cay, chuốc lấy những ly tan và chết chóc. Tình thương và ơn tha thứ của Thiên Chúa đã xóa nhòa tất cả, cho chúng ta tận hưởng hạnh phúc đích thực. Nơi Chúa Giêsu, hạnh phúc vượt lên các giá trị trần gian, vượt qua những bãi bờ thác ghềnh danh vọng và quyền lực. Hạnh phúc đó được ấp ủ và dưỡng nuôi trong hạnh phúc lớn lao của người Thiên Chúa Cha – Đấng giàu lòng thương xót. Hạnh phúc ấy được kết tinh trong Người Con duy nhất, trở thành hy tế sống động dâng lên Thiên Chúa Cha.
Với con mắt đức tin, chúng ta biết rằng Thiên Chúa hằng tuôn đổ ân phúc của Người ngay cả lúc chúng ta gặp đau khổ thất bại và mang đầy những lầm lỗi. Vì thế hạnh phúc chính là nhận ra những giới hạn của thân phận con người trước tình thương vô biên của Thiên Chúa. Như bản tình ca được kết dệt bởi những nốt trầm bổng, hạnh phúc không chỉ là lúc chúng ta nhận được nhiều điều may lành nhưng cũng là lúc chúng ta dám cho đi, dám trao tặng, dám hao mòn vì tình yêu; không chỉ là lúc chúng ta sum họp mà cả những lúc chia xa đổ vỡ. Tất cả là hồng ân, không có gì của con người nằm ngoài bàn tay yêu thương quan phòng của Thiên Chúa. Bao lâu sống xa Thiên Chúa là chúng ta phải gánh chịu nỗi bất hạnh. Chỉ phút giây nào chúng ta còn sống trong ân sủng của Thiên Chúa đó là chúng ta đang có hạnh phúc đích thực. Nói như thánh Augustinô “Lạy Chúa, Chúa đã dựng nên trái tim con cho Chúa, linh hồn con còn mãi khắc khoải cho đến khi nào được an nghỉ trong Chúa”.
Chúa Giêsu đã chạnh lòng thương đám đông dân chúng, dưới ánh sáng của Lời Chúa, chúng ta cũng được mời gọi “cảm thương” trước nhu cầu của tha nhân. Xung quanh chúng ta còn biết bao người đang chịu cảnh thiếu thốn về của ăn vật chất, thiếu công bằng bác ái. Ước gì chúng ta biết trao cho nhau một cử chỉ yêu thương, một ánh mắt thân thiện, một câu nói cảm thông thể hiện tinh thần Phúc Âm, cho tình thương Chúa thẫm đẫm mọi sinh hoạt của đời sống chúng ta.