Thiên Chúa làm người để con người làm con Thiên Chúa
31 28 Tr Thứ Sáu. Ngày thứ bảy trong Tuần Bát Nhật Giáng Sinh.
(Tr) Thánh Xin-vet-tê I (Sylvester I), Giáo hoàng.
Ga 1, 1-18
Thiên Chúa làm người để con người làm con Thiên Chúa
Lúc trưởng thành, thánh nhân đã có lòng rộng rãi cứu giúp mọi người, nhất là những người nghèo khổ, bệnh tật, khách đi đường. Nhà ngài là nơi trú ngụ của những người Công giáo ngoại kiều; ngài chăm sóc chu đáo, lo cho họ ăn uống nghỉ ngơi vì lòng kính mến Chúa. Thánh nhân thực hành đúng theo Lời Chúa phán:
“Ta đói, các ngươi đã cho ăn, Ta khát, các ngươi đã cho uống; Ta là khách lạ, các ngươi đã tiếp rước; Ta trần truồng, các ngươi đã cho mặc; Ta đau yếu, các ngươi đã chăm nom; Ta ngồi tù, các ngươi đã viếng thăm” (Mt. 25, 35-36).
Một hôm, thánh nhân gặp nhà truyền giáo Ti-mô-tê thành An-ti-ốt. Ngài rước vào nhà nuôi dưỡng và giúp đỡ mọi phương tiện cho ông giảng đạo. Và khi Ti-mô-tê bị nhà vua bắt giết vì rao giảng đạo Chúa, đang đêm ngài lén lấy xác ông ta về chôn cất tử tế.
Chính nhờ lòng đạo đức, và đức bác ái của thánh nhân mà Đức Giáo Hoàng Men-si-át đã phong chức phó tế cho ngài. Và năm 314, khi Đức Men-si-át băng hà, ngài được hàng giáo sĩ và giáo dân chọn lên kế vị. Ngài làm Giáo Hoàng được 21 năm. Trong thời gian nầy, ngài làm rất nhiều việc giúp ích Hội thánh.
Tương truyền Hoàng đế Rô-ma lúc đó là Công-tăn-tin còn ngoại đạo, ông không thích gì đạo Công giáo, ông ta mắc bệnh phong hủi. Thánh nhân đã chữa ông ta khỏi bệnh, nên xin vào đạo. Ngài đã dạy dỗ và Rửa tội cho nhà vua. Từ đó, ông ta có nhiều thiện cảm với thánh nhân và dành mọi sự dễ dàng cho Hội thánh. Cuộc trở lại đạo của nhà vua kéo thêm nhiều cuộc trở lại khác trong triều đình cũng như ngoài dân gian. Đạo Chúa được rao truyền khắp nơi, các thánh đường được xây dựng thêm; trong số đó có đại thánh đường Thánh Gio-an, Thánh Phê-rô và Thánh Phao-lô.
Ngoài ra, trong triều đại thánh nhân làm Giáo Hoàng, còn một biến cố đặc biệt quan trọng nữa là đại hội Công đồng chung Ni-xê năm 325. Ở đại hội nầy, ngài cùng với hội đồng Giám mục đã kết án lạc thuyết A-ri-ô, và định tín rõ ràng thiên tính của Chúa Giê-su, Người là Thiên Chúa làm người: Người là Thiên Chúa thật và là người thật như chúng ta, ngoại trừ tội lỗi.
Như thế, nhờ thánh nhân mà các lạc giáo phải lùi bước. Hội thánh Chúa được bình an phồn thịnh. Chính Đức Êu-xi-ni-ô, Giám mục Xê-sa-rê, đã ca tụng thời gian hưng thịnh của Hội thánh dưới triều đại của Ngài:
“Ngày quang minh trong sáng, không vẩn chút mây, đã chiếu giải ánh sáng bởi trời xuống trên mọi giáo đoàn của Đức Ki-tô rải rác khắp địa cầu. Cả những kẻ khác đạo với chúng ta, mặc dầu không được hưởng tất cả như chúng ta, nhưng chắc chắn cũng được tiếp nhận phần nào những ơn lành mà Thiên Chúa ban cho chúng ta”.
“Nhất là chúng ta, những kẻ đã đặt mọi hy vọng vào Đức Ki-tô, chúng ta được vui mầng khôn tả; một nỗi hoan lạc thiêng liêng đã chiếu giải trên khuôn mặt mọi người, vì những nơi mà ít lâu trước đây, bị lòng độc dữ của những kẻ tàn bạo phá đổ, thì chúng ta thấy như đang sống lại giữa cơn đổ nát lâu dài và tàn tệ, các đền thờ lại được xây lên thật cao và trang trọng huy hoàng, khác xa những nhà đã bị phá hủy trước đây”.
“Quang cảnh chúng ta đang chờ đã được thực hiện, nghĩa là trong mỗi thành lại có những buổi lễ cung hiến và thánh hiến những nguyện đường mới được xây cất”.
“Trong những cuộc lễ như thế, có các Giám mục sum họp, có những khách hành hương từ ngoại quốc, từ những nơi thật xa xôi tuôn đến, có các dân, các nước tỏ tình tương thân tương ái, vì các chi thể thân mình Đức Ki-tô cũng hòa hợp trong một đoàn thể”.
“Một sức mạnh Thánh Thần đã chảy tràn trong mọi chi thể; mọi người một lòng một niềm tin nhiệt thành, một cung hát ngợi khen Thiên Chúa…”
“Sau hết, mọi lớp tuổi đông đúc, cả nam lẫn nữ, đã hết lòng cầu nguyện tạ ơn, và hết sức hoan hỷ thờ lạy Thiên Chúa, Đấng ban mọi ơn lành”.
Thánh nhân qua đời ngày 31 tháng 12 năm 335.
“Ngôi Lời đã trở nên người phàm và cư ngụ giữa chúng ta” đó là lời xác quyết của thánh sử Gioan, là lời xác quyết của các tông đồ, của Giáo Hội và cũng là lời xác tín của mỗi người Kitô hữu chúng ta. Ý nghĩa của câu Lời Chúa này diễn tả mầu nhiệm nhập thể, một Ngôi vị của Thiên Chúa đã được sinh ra và ở giữa chúng ta, để nhờ Người chúng ta trở nên con cái của Thiên Chúa và hưởng trọn lời hứa cứu độ.
Nhìn ngắm Hài Nhi Giêsu dưới dáng dấp của một Hài Nhi đơn sơ nằm trong máng cỏ, quả là một mầu nhiệm cao cả tuyệt vời của đức tin. Sự ra đời của Chúa Giêsu đánh dấu “thời viên mãn” đã tới. Vì tội lỗi của ông bà nguyên tổ, con người mất đi sự hiệp thông với Thiên Chúa. Nhưng nay Thiên Chúa đầy lòng từ bi đã xót thương đến sự buồn tủi của con người mà sai Chúa Con hằng có đời đời, sinh ra bởi Đức Trinh Nữ Maria, làm người để cứu chuộc chúng ta khỏi nô lệ tội lỗi.
Bằng cách sử dụng các công thức có chiều kích thần học sâu xa, thánh Tông đồ Gioan đã giải thích cho chúng ta : “Từ nguyên thủy đã có Ngôi Lời, và Ngôi Lời ở với Thiên Chúa, và Ngôi Lời là Thiên Chúa” (Ga 1, 1). Gioan gọi ngôi vị thứ hai trong Chúa Ba Ngôi là “Ngôi Lời”, Con Thiên Chúa. Ngài còn thêm: “Và Ngôi Lời đã nhập thể làm người, và ở giữa chúng ta” (Ga 1, 14). Ngôi Lời đã hóa thành xác thịt nơi cung lòng của Mẹ. Đấng vĩnh cửu đã bước vào thời gian. Thiên Chúa đã đến cắm lều và cư ngụ giữa con người.
Ngay từ câu đầu tiên của Tin Mừng thánh Gioan đã khẳng định căn tính và nguồn gốc của Ngôi Lời (Logos). “Lúc khởi đầu đã có Ngôi Lời. Ngôi Lời vẫn hướng về Thiên Chúa, và Ngôi Lời là Thiên Chúa”. Lúc khởi đầu là một kiểu nói gợi lên sự khởi đầu tuyệt đối theo sách Sáng thế: “Lúc khởi đầu Thiên Chúa tạo dựng trời và đất”. Điều này cho thấy nguồn gốc của Đức Giêsu không phải bởi thụ tạo mà bởi Thiên Chúa. Ngôi Lời ấy là Thiên Chúa thật, Đấng được sinh ra mà không phải được tạo thành. Hay nói cách khác, Ngôi Lời đã có từ trước khi tạo dựng, nên Người hiện hữu mà không phải do tạo dựng.
Thánh Gioan còn khẳng định thêm: “Nhờ Ngôi Lời, vạn vật được tạo thành, và không có Người, thì chẳng có gì được tạo thành. Điều đã được tạo thành ở nơi Người là sự sống, và sự sống là ánh sáng cho nhân loại”.
Chính Ngôi Lời ấy đã trở nên người phàm và cư ngụ giữa chúng ta, như Đức Chúa hứa qua lời ngôn sứ I-sai-a trong Cựu Ước “Này đây người thiếu nữ mang thai, sinh hạ con trai và đặt tên là Em-ma-nu-en”. Ngài đã đến thế gian từ cung lòng Thiên Chúa Cha, và từ nay sự hiện diện của Ngôi Lời Nhập Thể là sự hiện diện của Thiên Chúa giữa nhân loại. Quả thế, “Ngôi Lời là Thiên Chúa” (1,1c) “đã trở nên xác phàm” (1, 14) và sống thân phận làm người với sự mong manh, lệ thuộc vào không gian và thời gian. Đó là một con người đã được sinh ra và lớn lên trong một gia đình, một dân tộc và một nền văn hóa riêng như mỗi người chúng ta. Đó là một vị Thiên Chúa đã xuống thế mang thân phận làm người, để đưa con người lên với Thiên Chúa.
Mầu nhiệm nhập thể ấy thật thâm sâu, Ngôi Lời là nguồn Ân Sủng (Đức Giêsu) tái tạo sự sống cho nhân loại, một “mắt xích” nối kết con người với Thiên Chúa và con người với con người. Nhờ đó, trong sự thông hiệp chúng ta được nên một trong Đức Kitô và nên một trong Thiên Chúa. Như vậy, Ngôi Lời nhập thể là niềm vui, là niềm hạnh phúc viên mãn mà con người luôn khát khao. Chúng ta kỷ niệm ngày Chúa Giáng Sinh cũng với tâm tình như vậy, một niềm vui rộn rã vì Hài Nhi Giêsu đã và đang ở giữa chúng ta.
Ước gì trong cuộc sống, chúng ta luôn ý thức sự hiện diện của Thiên Chúa, nhất là mùa giáng sinh này. Lạy Ngôi Lời nhập thể, chúng con chúc tụng ngợi khen và tạ ơn Ngài vì tình yêu huyền nhiệm Ngài dành cho nhân thế. Xin cho mỗi người chúng con luôn được ân sủng và niềm vui của Ngài chiếu tỏa, để trong sự cuộc sống chúng con biết mang niềm vui ấy đến cho người khác. Không phải là niềm vui hời hợt của những cuộc chung vui mừng lễ, nhưng là niềm vui có Chúa nơi tâm hồn