Thi hành thánh ý
24.1 Thứ Ba Thánh Phanxicô đệ Salê, Gmtsht
Dt 10:1-10; Tv 40:2,4,7-8,10,11; Mc 3:31-35
Thi hành thánh ý
Thánh Phanxicô Salê sinh tại Savoie, nước Pháp, ngày 21 tháng 8 năm 1567. Được tấn phong Giám mục Génève năm 1602, ngài cống hiến toàn thể hoạt động tông đồ của ngài cho việc đưa dân tộc Chablais trở về với đức tin Công giáo, vì họ đã theo Tin lành. Nhờ những hoạt động đa dạng, ngài đã giáo dục dân Kitô hữu và tỏ cho họ biết rằng linh đạo được rộng mở cho mọi tầng lớp xã hội. Ngài hiến mình hoàn toàn cho sứ mạng mục tử của ngài, trở nên đơn sơ với người đơn sơ, tranh luận thần học với Tin lành, đưa những linh hồn muốn phục vụ Đức Kitô vào “đời sống thiêng liêng”, mở ra cho họ những kho tàng tình yêu của Thiên Chúa, chăm chú trong việc đặt đời sống thiêng liêng vừa tầm với giáo dân, và biến đời sống thiêng liêng trở nên thích thú và đáng mong ước. Ngài sử dụng sách báo cách tốt đẹp, và cổ xúy lao động và văn hoá, đối xử với mọi người cách trìu mến, hiền dịu và khôn ngoan không phô trương.
Ngài qua đời tại Lyons ngày 28 tháng 12 năm 1622 và được phong thánh năm 1665. Năm 1877, Đức Piô IX công bố ngài là Tiến sĩ Hội Thánh. Được gợi hứng bởi “đức ái tông đồ” và “sự hiền lành và kiên nhẫn Phúc Âm của Thánh Phanxicô Salê, Thánh Gioan Bosco đã chọn ngài làm mẫu gương và Đấng bảo trợ cho sứ mệnh của mình giữa giới trẻ. Khi bế mạc Lễ kỷ niệm Bốn trăm năm ngày sinh của ngài, Đức Phaolô VI đã ban cho ngài tước hiệu là Tiến sĩ Đức Ái Thần linh.
Khi nghe câu trả lời của Chúa Giêsu trong Tin mừng hôm nay, thoạt nghe người ta dễ hiểu lầm là từ khi bắt đầu đời công khai, Chúa Giêsu đã mất gia đình và người thân của mình. Thật vậy, khi Chúa đang ngồi giảng giữa đám đông, có kẻ nói với Ngài: “Thưa Thầy, có mẹ và anh em Thầy tìm Thầy”. Chẳng những Chúa Giêsu không ra gặp mẹ, mà Ngài còn nói: “Ai là mẹ Ta? Ai là anh em Ta? Chính những ai thi hành ý Thiên Chúa, người ấy là Mẹ Ta và là anh em Ta”.
Thật ra qua câu nói này, Chúa Giêsu gián tiếp khen ngợi Mẹ Ngài, bởi vì Mẹ là người toàn thân theo ý Chúa, Mẹ đã hiểu rõ xứ mạng của Chúa Giêsu, con của Mẹ. Như thế câu nói của Chúa Giêsu cho thấy Ngài đặt quan hệ tình nghĩa trên nền tảng đức tin, thể hiện niềm tin của mình bằng việc thực thi ý Chúa. Chúa Giêsu là Con Một Thiên Chúa đồng bản tính với Chúa Cha; còn chúng ta được trở lên con cái Thiên Chúa nhờ Chúa Giêsu trong Chúa Thánh Thần, và nhờ tình yêu Chúa, chúng ta được kết hợp với nhau trong một quỹ đạo mới, một tình nghĩa mới, cao đẹp hơn tình nghĩa cha mẹ, chị em ruột thịt.
Chắc chắn một điều là Chúa không chối bỏ tình máu mủ ruột thịt tự nhiên của gia đình trần thế đâu, bởi vì chính Chúa đã sinh ra, lớn lên, đã sống 9/10 cuộc đời trần thế nơi một gia đình của nhân loại tại Nazareth (Lc 2,51). Và Chúa đã chết đi trong một gia đình nhân loại và được Mẹ Người đem đi an táng.
Ngoài ra trong đời tông đồ truyền giáo, Chúa Giêsu đã xác nhận giới răn thứ tư. Chúa yêu thương các trẻ em là hoa quả của gia đình, Chúa ẵm bế, ban phép lành cho trẻ em, cho trẻ em chết sống lại…(Mc 9, 33; Mt 19,13; Lc 8, 49). Chúa Giêsu đã dự tiệc cưới Cana để bảo vệ hôn nhân (Ga 2, 1-11). Chúa lập luật bất khả phân ly để bảo vệ gia đình tự nhiên (Mt 19, 3-9).
Trên đỉnh thánh giá, Chúa Giêsu còn trao gởi mẹ hiền cho Gioan (Ga 19, 27). Tất cả những chứng cứ đó nói lên rằng Chúa tôn trọng gia đình. Tình yêu gia đình máu mủ không thể xóa được. Nhưng Chúa Giêsu hôm nay cho chúng ta thấy còn có một thứ gia đình thiên quốc, mà hồi lên 12 tuổi Chúa đã minh chứng cho cha mẹ Ngài (Lc 2, 49), đó mới là tình yêu thiêng liêng cao cả phải đạt tới. Sau này Chúa Giêsu đã ra định luật cho kẻ theo Ngài : “Kẻ nào theo Ta mà không bỏ cha mẹ, vợ con, anh chị em và chính cả đời sống mình nữa thì không thể làm môn đệ của Ta” (Lc 14, 33).
Qua Tin Mừng hôm nay Chúa đã gợi mở cho chúng ta một cái nhìn mới, một lối suy nghĩ mới về gia đình. Thông thường, một gia đình hội tụ cha, mẹ và con cái. Chúa Giêsu cũng có một gia đình như thế mà chúng ta quen gọi là “Thánh Gia” : Ngài có cha (theo luật pháp) là Thánh Cả Giuse và mẹ là Đức Maria. Nhưng Chúa Giêsu không muốn nói về gia đình tự nhiên này, Ngài hướng chúng ta đến một gia đình thiêng liêng rộng lớn hơn nhiều. Đại gia đình ấy có Thiên Chúa là Cha và mọi người là anh chị em. Điều kiện để gia nhập vào đại gia đình ấy là “làm theo ý Thiên Chúa” (Mc 3, 35).
Chúng ta thuộc về đại gia đình thiêng liêng của Chúa nhờ bí tích Rửa tội. Ơn huệ này thôi thúc chúng ta đáp lại thánh ý Thiên Chúa, không chỉ bằng lời nói nhưng bằng việc làm, không phải là lắng nghe xuông nhưng là thực hành triệt để những điều Chúa truyền dạy. Hơn nữa, mỗi người và mỗi gia đình Công giáo phải trở nên những thành viên đắc lực mở rộng đại gia đình của Chúa qua việc đem Chúa đến cho mọi người không phân biệt giàu nghèo, chủng tộc. Đồng thời đừng quên giúp đỡ và yêu thương nhau như những người anh chị em trong cùng một nhà.