THEO CHÚA
03 29 X Thứ Tư Tuần XXXI Thường Niên.
Thứ Tư đầu tháng. Kính Thánh Cả Giuse.
(Tr) Thánh Mac-ti-nô Po-ret, Tu sĩ.
Thánh Phê-rô Phan-xi-cô Nê-rôn Bắc (Pierre Francois Neron), Linh mục (U1860), Tử đạo.
Rm 13,8-10; Lc 14,25-33.
THEO CHÚA
Thánh Mác-ti-nô sinh năm 1579, tại Li-ma, nước Pê-ru, con một hiệp sĩ Tây Ban Nha tên là Gio-an và một phụ nữ da đen được giải phóng tên là An-na Vê-lát-khê. Giữa hàng chư thánh, Mác-ti-nô là một chứng tá của dân da đen bị khinh miệt một cách bi thảm ở Tân Thế Giới. Đang lúc giúp việc một người thợ hớt tóc, Mác-ti-nô xin gia nhập Dòng Thánh Đa Minh và được nhận vào số các anh em trợ sĩ tại tu viện Đức Mẹ Mân Côi ở Li-ma. Cũng tại tu viện này, Mác-ti-nô đã được nhận tuyên khấn trọng thể năm 1603.
Mác-ti-nô có lòng đơn sơ, thanh bạch và đức tin phi thường, được cắt đặt làm những việc thường hèn, nhưng Chúa lại cất nhắc người lên, với nhiều hồng ân và đoàn sủng cao siêu. Người rất nhiệt thành sùng kính mầu nhiệm Thánh Thể và Khổ Nạn của Chúa Cứu Chuộc. Người hiến cả cuộc đời để làm việc bác ái đối với người nghèo, nhất là những người đau yếu, với cả súc vật nữa. Người được tôn phong làm bổn mạng các anh em trợ sĩ quả là xứng đáng. Người quý chuộng việc ăn chay, hãm mình nhiệm nhặt và cầu nguyện, nhất là cầu nguyện ban đêm, theo gương Chúa Giê-su. Từ việc cầu nguyện đó, người đã kín múc được những nguồn sáng soi dẫn người cách lạ lùng trong đường lối dạy giáo lý.
Mác-ti-nô qua đời ngày 3-11-1639 tại Li-ma. Đức Ghê-gô-ri-ô XVI tôn người lên bậc chân phước năm 1837. Thánh Mác-ti-nô được mọi người Bắc Mỹ và Nam Mỹ sùng mộ không những vì đức khiêm tốn phi thường của người, mà còn vì chính người là một dấu chứng. Ngày 6-5-1962, Đức Gio-an XXIII ghi tên người vào số các hiển thánh.
Qua những mẫu gương trong đời sống, thánh Mác-ti-nô chứng tỏ rằng chúng ta có thể đạt tới sự cứu rỗi và thánh thiện bằng con đường mà Đức Giê-su Ki-tô đã vạch ra cho ta, nghĩa là trước tiên chúng ta phải yêu mến Chúa hết lòng, hết linh hồn, hết trí khôn, rồi yêu người tha nhân như chính mình.
Thánh nhân đã thâm tín rằng Đức Giê-su Ki-tô đã chịu đau khổ vì ta, và trên thập giá, Người đã mang lấy tội ta trong chính thân xác Người. Vì thế, thánh nhân đã đặc biệt yêu mến Đức Giê-su chịu đóng đinh, và khi chiêm niệm những đau khổ của Chúa, thánh nhân không thể cầm được nước mắt. Người cũng đặc biệt yêu kính Bí tích Thánh Thể. Thông thường, Người kín đáo chầu Thánh Thể trong nhà tạm nhiều giờ liên tiếp, và mong muốn được Thánh Thể nuôi dưỡng càng nhiều càng hay.
Rồi, vâng theo lời Thầy chí thánh, thánh Mác-ti-nô đối xử với anh em bằng tất cả đức ái, một đức ái phát xuát từ trái tim không phai nhoà và một tâm hồn khiêm nhu. Thánh nhân yêu mến người khác, vì Người thật sự coi họ là con cái Thiên Chúa, và là anh em của mình. Hơn thế nữa, Người còn yêu họ hơn mình.
Thánh nhân chữa lỗi cho người khác, và tha thứ những sỉ nhục cay đắng nhất. Người xác tín rằng, do tội đã phạm, mình còn đáng phải chịu những hình phạt nặng nề hơn nữa. Người hăng say cố công dẫn đưa tội nhân về đàng ngay. Người ân cần trợ giúp người đau yếu, cung cấp cho người thiếu thốn của ăn, áo mặc, thuốc men. Với các nông dân và người da đen hoặc người lai, lúc đó bị coi như những nô lệ xấu xa, thánh nhân vỗ về giúp đỡ theo khả năng của mình, và lo lắng cho họ đến độ được quần chúng mệnh danh là “Mác-ti-nô bác ái”.
Quả thật, nhờ lời nói, gương lành và nhân đức, vị thánh này đã lôi kéo được nhiều người theo đạo. Bây giờ người còn có thể lạ lùng hướng tâm trí ta về trời. Tiếc thay không phải mọi người đều hiểu những của cải trên trời cho đúng mức, không phải mọi người đều quý chuộng những của cải ấy. Tệ hơn nữa, mọi người đều bị tật xấu lôi cuốn, coi thường hoặc chán ghét, hoặc hoàn toàn xao lãng những của cải ấy. Ước chi, vì phần rỗi của họ, gương lành của thánh Mác-ti-nô dạy cho nhiều người biết : thật êm ái và hạnh phúc biết bao, nếu họ bước theo vết chân của Đức Giê-su Ki-tô, và vâng theo các giới răn của Người.
Hành trình đáp lại lời mời gọi bước theo Chúa Giê-su để trở nên môn đệ của Người là một hành trình hết sức tự do: Thiên Chúa mời gọi, con người tự do đáp trả và con người có thể nói tiếng không với Người. Tuy nhiên, Đức Giê-su cho biết: nếu chấp nhận bước theo tiếng gọi của Chúa, con người phải từ bỏ cách triệt để, hy hiến tất cả những gì có thể là thân thương, yêu quí nhất của mình, kể cả mạng sống mình để trở nên môn đệ thực thụ của Chúa. (x. c.26). Và dĩ nhiên, phần thưởng của người biết hy sinh từ bỏ để sống cho Chúa thì không gì ở trần gian này có thể sánh được hay mua lấy được (x. Mc 10, 29 – 30).
Trình thuật Tin mừng hôm nay nối tiếp trình thuật về dụ ngôn ‘Những người khách được mời dự tiệc cưới’ (x. Lc 14, 16 – 24). Những người khách này từ chối vinh hạnh được dự tiệc với nhiều lý do: “Tôi mới cưới vợ”, “Tôi mới mua thửa đất phải đi thăm”, “Tôi mới tậu năm cặp bò phải đi thử” – Họ đã coi trọng những lợi ích bản thân, những giá trị vật chất hơn tình thân mà chủ dành cho họ, và do đó họ không bao giờ được dự bữa tiệc trọng đại mà họ đã được mời ấy nữa. Lời Chúa Giêsu dạy là một đòi hỏi triệt để: bước theo Chúa là phải hy sinh, phải từ bỏ! Không một từ bỏ nào mà không có sự lựa chọn. Chúng ta lựa chọn theo Chúa hay theo thế tục? Ở đây không có sự bắt cá hai tay, không có thỏa hiệp giữa thiện và ác, không có sự dung túng cho những thói hư tật xấu và việc bước theo con đường hẹp của Chúa Giêsu.
Chúa mời gọi chúng ta phải cân nhắc cẩn trọng, có những quyết định dứt khoát và khôn ngoan trong việc chọn lựa theo Chúa hay tinh thần thế tục. (x. c 28 – 32); bởi vì trong suốt hành trình cuộc đời, không phải chúng ta chỉ lựa chọn và quyết định một lần để ‘về phe’ với Chúa, làm môn đệ của Người mà hằng ngày, hằng giờ, trong mỗi thời khắc, chúng ta đều có những lựa chọn và quyết định. Có những lựa chọn bình thường, nhẹ nhàng không cần đắn đo suy nghĩ nhiều, nhưng cũng có những lựa chọn và quyết định đòi sự cân nhắc khôn ngoan, hay những lựa chọn đòi ý chí chiến đấu, khiến người ta đớn đau, day dứt….
Theo Chúa phải từ bỏ mọi sự và phải vác Thập giá của mình. Từ bỏ nào cũng là thập giá. Tuy nhiên, có những thập giá ngoài sự chọn lựa: Thập giá của bệnh tật, thập giá của tai họa, thập giá về những khiếm khuyết, những hạn chế của bản thân… là những thập giá dù muốn hay không ta cũng buộc phải vác. Nếu ta vác trong niềm tin, trong tự do và trong tình yêu, thì thập giá sẽ thăng hoa thành thánh giá trui rèn đức tin và nhân đức của chúng ta, giúp ta trưởng thành trong đời sống nhân linh và giúp chúng ta nên giống Chúa Giêsu hơn, trở thành môn đệ thực thụ của Người. Còn nếu chúng ta bất nhẫn, kéo lê thập giá, thập giá sẽ làm ta thất vọng, sẽ trở nên một ách nặng nề và sẽ đè bẹp chúng ta.
Câu kết Đức Giê-su nói: “Ai trong anh em không từ bỏ hết những gì mình có, thì không thể làm môn đệ tôi được” (c. 33). ‘những gì mình có ở đây có thể là của cải vật chất, nhưng cũng có thể là thì giờ, tài năng, sức khỏe, năng lực….Sự từ bỏ ở đây Đức Giê-su nhắm tới thái độ tinh thần của chúng ta qui phục Thiên Chúa; chúng ta không được để cho bất cứ sự vật gì có thể ngăn cản bước đường chúng ta thực thi thánh ý Chúa; ngăn cản chúng ta làm môn đệ của Người; hay nói như thánh Phao-lô: “Không gì có thể tách tôi ra khỏi lòng mến của Thiên Chúa trong Đức Ki-tô.