Thánh Giáo hoàng Gioan-Phaolô II đã cầu nguyện như thế nào?
fr.aleteia.org, Marzena Devoud, 2020-05-18
Tất cả những ai đã dự thánh lễ Thánh Giáo hoàng Gioan-Phaolô II dâng buổi sáng hoặc dự buổi cầu nguyện của ngài ở nhà nguyện đều nhận thấy: ngài là một khối cầu nguyện. Và những ai biết ngài đều công nhận điều này. Chúng ta sẽ không hiểu hết tầm vóc của con người ngoại hạng này nếu chúng ta không thấy ngài cầu nguyện. Nhưng ngài đã cầu nguyện như thế nào?
Đức Gioan-Phaolô II có thể cầu nguyện bất cứ lúc nào, bất cứ ở đâu. Một mình trong nhà nguyện, khi đi bộ trong rừng, khi leo núi, khi cùng với hàng triệu người trong những chuyến đi khắp thế giới… Cầu nguyện là trọng tâm đời sống của ngài, và tất cả kết quả hành động của ngài là ở đó. Khả năng tập trung cầu nguyện của ngài thật ấn tượng khi ngài cử hành thánh lễ buổi sáng ở nhà nguyện mùa hè Castel Gandolfo với một nhóm nhỏ. Trong quyển sách Đức Gioan-Phaolô II, Phêrô của thiên niên kỷ mới (Jean-Paul II, Pierre au tournant du nouveau millénaire) của hồng y Philippe Barbarin, ngài mô tả kinh nghiệm nổi bật này:
Một buổi sáng đầu hè ngày 19 tháng 8 năm 1983, tôi cùng với các bạn trẻ “nhóm Thánh Lu-i” vào nhà nguyện biệt thự nghỉ hè Castel Gandolfo. Tối hôm trước, Đức ông Dziwisz, thư ký riêng của ngài điện thoại giờ chót trả lời cho lời xin của tôi từ mấy tháng trước: “Ngày mai cha có thể đến dự thánh lễ buổi sáng. Đúng 7 giờ sáng cha có mặt ở cửa.” Khi tôi đến, tôi đã thấy ngài quỳ trước Thánh Thể. Phải nói là tôi chỉ thấy lưng hơi gù gù của ngài, biểu tượng của một người gánh hết sức nặng của thế giới trên vai mình. Dường như ngài làm một với Đấng ở đó, Đấng ngài thờ lạy trước mặt. Tôi không biết ngài nghĩ gì nhưng tôi hình dung: ngài đối thoại, lắng nghe, đặt câu hỏi, trao đổi, cầu xin, tin tưởng, van nài… Điều đánh động tôi nhất là tôi có cảm giác ngài ở đó như một khối, hay đúng hơn là với Chúa Giêsu hiện diện trước mặt ngài trên bàn thờ này. Cả hai tạo thành một khối: một tảng đá, tảng đá góc tường. Thật khó để giải thích. Một giám mục biết rõ về ngài đã viết: “Trước Thánh Thể, tôi khi nào cũng thầy ngài quỳ gối.”
Đức Gioan-Phaolô II cầu nguyện như thế nào?
Vài ngày sau khi được bầu chọn, Đức Gioan-Phaolô II ra khỏi Vatican và đến đền thánh Đức Mẹ ở Mentorella, gần Rôma để nói về cầu nguyện: “Cầu nguyện là biểu hiện đầu tiên của sự thật nội tâm con người, điều kiện đầu tiên để có tự do đích thực của tâm trí. Cầu nguyện mang lại ý nghĩa cho tất cả cuộc sống, mọi lúc, trong mọi hoàn cảnh.” Một vài năm sau trong lần ngài đến thành phố Lyon năm 1986, các người trẻ tụ họp ở sân vận động Gerland đã trực tiếp đặt câu hỏi “Giáo hoàng cầu nguyện như thế nào?” cho ngài. Đức Gioan-Phaolô II trả lời, cầu nguyện là “một cuộc trò chuyện với Chúa”:
“Khi trò chuyện với ai, chúng ta không phải chỉ nói mà còn lắng nghe. Như thế cầu nguyện cũng là lắng nghe. Là lắng nghe tiếng nói bên trong của ân sủng. Nghe lời kêu gọi. Và để trả lời câu hỏi của các con, giáo hoàng cầu nguyện như thế nào, cha xin trả lời: như một tín hữu kitô. Ngài nói và ngài lắng nghe. Đôi khi ngài cầu nguyện không lời, khi đó ngài còn lắng nghe hơn. Điều quan trọng chính xác là “nghe.” Và ngài cũng cũng tìm cách hợp nhất lời cầu nguyện với nghĩa vụ, hoạt động, công việc và kết hợp công việc của mình với cầu nguyện. Bằng cách này, ngày qua ngày, ngài tìm cách hoàn thành công việc của mình, sứ vụ của mình, đến với ngài từ ý Chúa và từ truyền thống sống động của Giáo hội.”
Nghệ thuật cầu nguyện, dấu chỉ của thời đại
Trong tông thư Vào đầu thiên niên kỷ mới cũng tựa như chúc thư của ngài, Đức Gioan-Phaolô II xem “kitô giáo được phân biệt trên hết trong nghệ thuật cầu nguyện” (số 32). Ngài nhận thấy trên thế giới có một “đòi hỏi tâm linh lan mạnh, chính xác thể hiện trong nhu cầu làm mới lại cầu nguyện” (số 33). Đức Gioan-Phaolô II đã thấy đây là dấu chỉ của thời đại. Tất cả đã được nói lên.
Marta An Nguyễn dịch