THÁNH GIÁ CỨU ĐỘ
14CHÚA NHẬT IV MÙA CHAY
– Ca vịnh tuần IV.
– Chúa Nhật hôm nay cử hành Nghi Thức Khảo Hạch Các Dự Tòng lần thứ hai cho những người lớn sẽ lãnh nhận Bí Tích Khai Tâm vào đêm Vọng Phục Sinh sắp tới (Nghi Thức Khai Tâm, số 167-173).
– Thánh lễ có khảo hạch dự tòng phải dùng bài đọc năm A và Kinh Tiền Tụng về người mù từ khi mới sinh.
– Trong các Thánh lễ Chúa nhật này, xin các cha kêu gọi giáo dân quyên góp giúp người nghèo và các giáo họ nghèo vào Chúa nhật sau.
– Không cử hành lễ nào khác, kể cả lễ an táng.
– Các bài đọc Lời Chúa: 2 Sb 36,14-16.19-23; Ep 2,4-10; Ga 3,14-21.
THÁNH GIÁ CỨU ĐỘ
Thiên Chúa yêu thương thế gian đến nỗi đã ban Con Một Ngài để những ai tin vào Con của Ngài thì khỏi phải chết nhưng được sống muôn đời. Ngài sai Con của Ngài đến thế gian không phải để lên án thế gian, nhưng là để thế gian, nhờ Con của Ngài mà được cứu độ. Hay như thánh Phaolô cũng đã viết: Thiên Chúa đã yêu thương chúng ta ngay cả khi chúng ta còn ngồi trong tội lỗi.
Ta thấy Chính sự tha thứ và tin tưởng của Thiên Chúa đã khơi dậy trong lịch sử nhân loại không biết bao nhiêu tâm hồn hối cải, làm lại cuộc đời và bắt đầu sống một cuộc sống mới, cao đẹp hơn, lợi ích hơn. Thiên Chúa luôn tha thứ cho con người để khởi dậy những điều tốt đẹp, vậy thì tại sao mỗi người chúng ta lại không thể dễ dàng tha thứ cho nhau, tin tưởng lẫn nhau để xây dựng xã hội mỗi ngày một tốt đẹp hơn lên.
Ý nghĩa cứu độ bắt đầu bằng những biến cố trên đường về miền đất hứa. Trong sa mạc, người Do thái đã phạm tội thờ thần ngoại và đúc bò vàng để thờ lạy, họ hay phàn nàn kêu trách Chúa. Họ bị phạt nặng. Đức Chúa để cho rắn lửa bò ra cắn chết nhiều người. Họ sợ hãi xin ông Môsê cứu chữa. Ông Môsê khẩn cầu cho dân. Đức Chúa nói với ông : “Ngươi hãy làm một con rắn và treo lên một cây cột. Tất cả những ai bị rắn cắn mà nhìn lên con rắn đó, sẽ được sống”. Ông Môsê “làm một con rắn bằng đồng và treo lên một cây cột. Và hễ ai bị rắn cắn mà nhìn lên con rắn đồng, thì được sống” (Ds 21, 4b-9).
Rắn đồng được giương lên cao, người bị rắn cắn nhìn vào được chữa lành. Đó là cái nhìn của lòng tin. Sách Khôn Ngoan giải thích (để tránh lối giải thích ma thuật): “Hễ ai nhìn lên thì được cứu vớt, cứu không phải do vật được nhìn, mà do Chúa, Đấng Cứu Độ của mọi người” (Kn 1, 6-7). Nhìn lên con rắn đồng là biểu hiệu một lòng tin vào Thiên Chúa, niềm tin từ bên trong phát xuất ra bên ngoài bằng cái nhìn, nhờ đức tin mà Chúa đã cứu họ. Thiên Chúa yêu thương tha thứ và ban ơn. Ngài cứu sống dân dù họ đã từng bất trung, oán trách, nổi loạn chống đối.
Ngày xưa trong sa mạc dân Do Thái chẳng tìm ra được ai có thể cứu chữa họ. Họ cũng chẳng có được vị thuốc nào giúp họ khỏi chết. Họ cảm thấy mình bất lực. Họ đã phải chạy đến với ông Môisê để xin Ông cầu cứu với Thiên Chúa bởi vì họ hiểu rằng chỉ có một mình Chúa mới có thể cứu họ. Chúa bảo họ phải nhìn lên con rắn. Họ đã nghe lời Chúa và họ đã được cứu.
Người Do Thái tin rằng họ biết rất rõ bộ mặt thật của Đức Chúa; họ gọi Ngài là Gia-vê (theo ký tự YHWH), một tên vừa nói lên bản chất tự hữu mang tính triết học, lại vừa diễn tả quyền phép vô song của một đấng tạo dựng muôn loài, mang tính lịch sử. Khuôn mặt hiển hách đó, theo họ, đã lộ rõ qua các dấu lạ điềm thiêng mà Mô-sê nhân danh Ngài thực hiện trong cuộc Xuất Hành giải phóng kiêu hùng, sau khi đã hoàn toàn khuất phục quyền lực thần thánh của Pha-ra-ô được coi là vô địch thời bấy giờ. Thế nhưng Đức Giê-su lại khảng định rằng, khuôn mặt đó chưa hoàn toàn chính xác! Lý do thật đơn giản: đó vẫn chỉ dựa trên suy đoán của loài người, vì thật sự đã có ai từng sống với Thiên Chúa để biết rõ Ngài thế nào đâu; “không ai biết rõ Chúa Cha, trừ người Con và kẻ mà người Con muốn mạc khải cho” (Mt 11:27)
Ngày xưa là như vậy và bây giờ cũng thế. Càng ý thức được thân phận mình tội lỗi yếu hèn của mình, ta lại càng cảm nghiệm thấy ơn cứu độ của Chúa thật là kỳ diệu.
Với Chúa Giêsu, Thánh giá là dấu chứng tình yêu tự hiến. Với Thiên Chúa, Thánh giá còn là một dấu chứng của một tình yêu bao la và bao dung sẵn sàng hiến ban tất cả những gì cao quý nhất và cao giá nhất cho hạnh phúc của mọi tâm hồn: “Thiên Chúa yêu thế gian đến nỗi đã ban Con Một” (Ga 3, 16). Trong mầu nhiệm của Đấng chịu đóng đinh trên Thánh gía, chúng ta nhận ra độ cao, sâu, rộng, dài của một tình yêu cho đi đến cùng. Chúa Cha đã hiến ban Con Một của mình trên Thánh giá. Thiên Chúa yêu thương đã hiến ban tất cả cho nhân trần.
Chúa Giêsu chịu treo trên Thập giá là vì tội lỗi nhân loại. Thánh Phêrô viết những lời thật sâu xa: “Tất cả tội lỗi của chúng ta, Chúa Giêsu đã mang vào thân thể mà đưa lên cây thập giá, để một khi đã chết đối với tội, chúng ta sống cuộc đời công chính. ” (2Pr 2,24a ). Chúa Giêsu đã gánh lấy tất cả tội lỗi của con người. Người chịu chết cho con người được sống “Người phải mang những vết thương mà anh em đã được chữa lành” (2 Pr 2,24b). Nhìn ngắm Chúa Giêsu trên thập giá, chúng ta ý thức về thân phận yếu đuối mỏng dòn và tội lỗi của mình.
Khi nhìn lên Thánh Giá chúng ta sẽ thấy được tội lỗi của chúng ta. Thánh Phaolô đã nói rất rõ về vấn đề này: “Trước hết tôi truyền lại cho anh em điều mà chính tôi đã lãnh nhận, đó là: Đức Kitô đã chết vì tội lỗi chúng ta, đúng như lời Kinh Thánh” (1Cr 15,3) Ngài còn quả quyết: “Đấng chẳng hề biết tội là gì, thì Thiên Chúa đã biến Người thành hiện thân của tội lỗi vì chúng ta, để làm cho chúng ta nên công chính trong Ngườ” (2 Cr,5,21.) Thánh Phêrô nói rõ thêm: “Tội lỗi của chúng ta, chính Người đã mang vào thân thể mà đưa lên cây Thánh Giá, để một khi đã chết đối với tội, chúng ta sống cuộc đời công chính.” (1Pr 2,24).
Khi nhìn lên Thánh Giá chúng ta còn thấy được tình thương tha thứ bao la của Thiên Chúa. “Chính Đức Kitô đã chịu chết một lần vì tội lỗi Đấng Công Chính đã chết cho kẻ bất lương hầu dẫn đưa chúng ta đến cùng Thiên Chúa” (1Pr 3,18). Đáng lý ra khi phạm tội chúng ta đã phải chết. Nhưng vì yêu thương Chúa đã không bỏ rơi ta. Người tìm hết cách để cứu ta.