THÂN PHẬN NGƯỜI NGÔN SỨ
30 21 X Thứ Sáu Tuần XVII Thường Niên.
(Tr) Thánh Phê-rô Kim Ngôn, Giám mục, Tiến sĩ Hội Thánh.
Lv 23,1.4-11.15-16.27.34b-37; Mt 13,54-58.
THÂN PHẬN NGƯỜI NGÔN SỨ
Thánh Phêrô kim ngôn sinh trưởng tại một thị trấn nhỏ miền Imôla, nước Ý. Ngài sống vào thế kỷ thứ 5. Giám mục Cornêliô thuộc giáo phận Imôla đã dạy dỗ và phong cho Phêrô thừa tác vụ phó tế. Ngay từ nhỏ, Phêrô đã hiểu được rằng người ta chỉ thực sự vĩ đại khi biết mặc lấy tinh thần của Chúa Kitô và làm chủ các đam mê của mình.
Khi đức tổng giám mục Ravenna, nước Ý, qua đời, đức thánh cha Sixtô III đã chỉ định Phêrô lên thay thế ngài. Lúc ấy khoảng năm 433. Với cương vị là linh mục và giám mục, thánh Phêrô đã làm việc rất có hiệu quả. Ngài đã loại bỏ hết các thói tục của dân ngoại vốn tồn tại trong giáo phận suốt nhiều năm qua. Ngài nâng đỡ niềm tin của các Kitô hữu trong giáo phận của ngài.
Thánh Phêrô nổi danh nhờ tài giảng thuyết. Từ ngữ “Chrysologos” có nghĩa là “lời vàng.” Qủa vậy, các bài giảng lễ và các huấn từ của thánh Phêrô thật vắn gọn và súc tích; và sứ điệp của thánh nhân quả thật có giá trị hơn vàng. Thánh Phêrô thuyết giảng với lòng nhiệt thành bốc lửa đến nỗi người ta phải nín thở mỗi khi nghe ngài. Trong các bài giảng của mình, thánh Phêrô khuyến khích mọi người hãy năng đón rước Chúa Giêsu Thánh Thể hơn. Ngài muốn mọi người nhận thức rằng Mình Thánh Chúa Kitô chính là lương thực hằng ngày nuôi sống linh hồn ta.
Đức tổng giám mục tốt phúc này cũng ra sức hoạt động cho sự hiệp nhất Giáo hội. Ngài đã giúp người ta phân biệt những điều thuộc và không thuộc đức tin Công giáo. Ngài cũng cố gắng gìn giữ hòa bình. Thánh Phêrô kim ngôn qua đời năm 450 tại Imôla, quê hương ngài sinh trưởng. Vì những bài giảng thuyết tuyệt vời kèm theo những giáo huấn rất mực sâu sắc, thánh Phêrô kim ngôn đã được đức thánh cha Bênêđictô XIII tôn nhận là Tiến sĩ Hội Thánh vào năm 1729. Ngày nay người ta còn giữ lại được khoảng 180 bài giảng thuyết của ngài.
Thánh Phêrô kim ngôn đã rao giảng một sứ điệp đơn sơ dễ hiểu. Chúng ta hãy nên giống ngài qua việc đem Tin mừng của Đức Chúa Giêsu ra thực hành với lòng yêu mến và quảng đại. Đó là sứ điệp mà mọi người sẽ hiểu biết và trân quý.
Chúa Giêsu trở về giảng dạy tại quê hương của Ngài là Nazareth, nhưng dân chúng tại đây không tin nhận Chúa, bởi vì họ suy tưởng và hành động theo thói quen, theo thành kiến. Họ đã quen với Chúa Giêsu như là con bác thợ mộc Giuse sống giữa họ từ bao năm nay, do đó giờ đây phải nhìn Chúa và đón nhận giáo huấn của Ngài với một tâm thức mới thì họ bị vấp phạm. Quả thật, như lời cụ già Simêon đã nói trong biến cố dâng Chúa vào Ðền thánh: Chúa Giêsu luôn luôn là dấu gợi lên chống đối; trực diện với Ngài, con người phải chọn lựa hoặc tin nhận, hoặc chối từ.
Tin Mừng theoThánh Matthêu thuật lại cho chúng ta biết, sau một thời gian bôn ba khắp nơi giảng dạy và chữa bệnh cho thiên hạ, hôm nay Chúa Giêsu cùng các môn đệ trở về quê nhà Nagiarét với hy vọng giúp ích được gì cho những người thân vì Người không muốn cảnh “làm phúc nơi nao để cầu ao rách nát”. Thế nhưng Người đã thất vọng ê chề vì thái độ khinh miệt và cứng lòng tin của người dân địa phương. Lửa nhiệt tình nơi Chúa đã bị dập bởi một gáo nước lạnh và Người không ra khỏi vòng cương tỏa của con người với quan niệm “Bụt nhà không thiêng”.
Họ tra hỏi về nguồn gốc thân thế gia đình, anh em họ hàng của Chúa Giêsu. Họ tự đặt câu hỏi và tự trả lời: “Bởi đâu ông ngày được như thế. Bởi đâu ông này được sự khôn ngoan và quyền làm phép lạ như vậy? Nào ông chẳng phải là con bác thợ mộc sao?”Sởdĩ Chúa Giêsu không được đón nhận vì gia đình cha mẹ của Người chỉ là dân lao động bình thường chẳng có gì đặc biệt. Điều đó cho thấy họ ngầm phủ nhận thiên tính của Chúa Giêsu.
Khi giảng dạy ở vùng dân ngoại, Chúa Giêsu được nhiều người ngưỡng mộ vì những lời lẽ khôn ngoan và các phép lạ kèm theo. Thế nhưng tại quê nhà, Chúa Giêsu gần như “bó tay” không thể nào làm phép lạ tại đó. Người đã bị thất bại ngay trên “sân nhà”. Số phận của Chúa Giêsu cũng không khác gì những ngôn sứ khi xưa. Người sẽ phải gánh chịu những phản ứng của người đời, bị từ chối, ganh ghét và bị sát hại. Số phận của Chúa Giêsu là số phận của một người Tôi Tớ đau khổ, sẵn sàng gánh chịu mọi sự khinh miệt của con người, nhất là người gần gũi hàng xóm láng giềng và cả những môn đệ thân tín nhất.
Giáo hội, hiện thân của Chúa ở trần gian cũng phải chịu số phận như Chúa. Giáo hội đã nỗ lực rất nhiều với công tác truyền giáo để trở thành dấu của tình thương Thiên Chúa cho nhiều người. Thế nhưng thực tế cho thấy ở những nơi được xem là xứ đạo “gốc”, hạt giống Tin Mừng lại thiếu điều kiện để nảy mầm và đơm bông kết trái.
“Gần chùa gọi bụt bằng anh”, đôi lúc chúng ta cũng có thái độ giống người đồng hương của Chúa Giêsu khi tỏ ra coi thường quyền năng, những ơn lành và tình thương của Thiên Chúa. Không có gì đau đớn bằng sự phản bội của những người thân. Chúng ta có thể trách móc những người đồng hương của Chúa, nhưng chính chúng ta cũng phải đấm ngực ăn năn vì thái độ thờ ơ của chính mình. Hàng ngày Chúa vẫn thi ân giáng phúc, Chúa vẫn bao bọc chở che, vỗ về an ủi nhưng chúng ta không nhận ra những ơn ấy mà chỉ lo chạy theo tiếng gọi của thế gian, của đam mê xác thịt. Chúng ta sống bên cạnh nhau như những người “quen biết xa lạ” để rồi đánh mất ý nghĩa cao quý của mối tương giao huynh đệ với tha nhân, đánh mất niềm tin tưởng vào Thiên Chúa.
Là môn đệ của Chúa, chúng ta cũng không thể tránh khỏi những phản ứng tiêu cực của người đời,sẽ gặp thất bại, bị bách hại, bắt bớ… Óc địa phương, óc kỳ thị, dửng dưng ích kỷ đã ăn sâu vào tâm thức khiến chúng ta không bỏ được những thói xấu ấy. Thêm nữa nhìn xã hội hôm nay, người ta chuộng “hàng ngoại”, chạy theo những gì là “đẳng cấp”, “kỹ thuật số” làm sao để được hưởng thụ vật chất cho thật nhiều mà quên rằng giá trị đích thực của cuộc sống là tin vào Thiên Chúa. Người ta dễ dàng chạy theo những phong trào, những lối sống “không ngày mai” mà quên rằng nơi Chúa Giêsu mới đem lại niềm hạnh phúc đích thực.
Có thể ở bên ngoài chúng ta không từ chối Chúa nhưng tận sâu trong đáy lòng và ước muốn, chúng ta không còn tin nhận quyền năng và tình thương của Chúa nữa. Nhân loại đang phải đối đầu với một cơn cám dỗ khốc liệt về niềm tin. Ngay trong gia đình cha mẹ và con cái không còn tin tưởng lẫn nhau. Ngoài xã hội đâu đâu cũng nhan nhản những chuyện bất công và những thói xấu cũng đang len lỏi vào cả trong Giáo hội. Với lời Chúa hôm nay, chúng ta không khỏi giật mình. “Tiên trách kỷ, hậu trách nhân”, hãy tự trách mình trước để có thái độ sống xứng hợp Tin Mừng.
Mỗi người chúng ta hãy xét lại xem đức tin của chúng ta hiện nay đối với Chúa Giêsu có còn sống động hay đã trở thành một thói quen khô khan, nguội lạnh, chỉ vì quá quen thuộc như dân làng Nazareth ngày xưa? Phải chăng cuộc sống của chúng ta đã trở thành mù quáng hoặc nô lệ cho những thành kiến đến độ không còn tin nhận Chúa và không còn bén nhạy trước tác động của ơn Chúa?