THẮC MẮC VỀ SỰ HIỆN HỮU CỦA THIÊN CHÚA
THẮC MẮC VỀ SỰ HIỆN HỮU CỦA THIÊN CHÚA
Nhìn lại những thập niên gần đây, khi mức độ thiên tai, bạo lực và tội ác gia tăng, cuộc sống con người ngày càng trở nên mong manh và thường xuyên đối diện với nhiều hiểm họa. Trong bối cảnh đó, người kitô hữu không thể không thắc mắc tại sao nhân loại hôm nay phải gánh chịu bao tội ác và khổ đau. Ra như thế giới này đang đi vào giai đoạn hư hoại nặng nề, và Đấng sáng tạo chẳng hề ngó ngàng đến công trình của Người. Chẳng lẽ trần gian hôm nay vắng bóng Thiên Chúa? Nếu Người vẫn hiện diện, chẳng lẽ Người lại bó tay trước những thảm họa? Một Đấng sáng tạo như vậy có phải là vị Thiên Chúa mà người Công giáo vẫn hằng tôn thờ hay không?
Thực ra, những thắc mắc này không có gì mới mẻ đối với nhân loại. Đứng trước vấn đề sự ác và đau khổ, con người vẫn bị thách thức chối bỏ sự hiện hữu của Thiên Chúa, hoặc coi Người chẳng can hệ gì đến cuộc sống con người. Trong phạm vi bài này, chúng tôi toát lược lại những quan điểm ủng hộ và chống lại sự hiện hữu của Thiên Chúa. Chúng tôi cũng đề cập đến vấn đề sự ác trong tương quan với ý chí tự do và tình yêu chân thực.
I. Những quan điểm về sự hiện hữu của Thiên Chúa.
1. Quan niệm tôn giáo
Niềm tin tôn giáo bao giờ cũng hàm ngụ một tương quan giữa thế giới tự nhiên với siêu nhiên. Chúng tôi xin tạm diễn giải như sau:
- Lập trường tự nhiên cho rằng ngoài thế giới tự nhiên ra, không còn điều gì khác nữa. Thế giới mà ta có thể ngắm nhìn và động chạm rồi khảo sát một cách khoa học là toàn bộ thực tại.
- Lập trường siêu nhiên nhận rằng ngoài thế giới tự nhiên, vẫn tồn tại một điều gì đó – thế giới “bên kia” mà thế giới của ta hiện nay đang bị lệ thuộc về sự hiện hữu và ý nghĩa tối hậu.
Người có niềm tin tôn giáo luôn tin rằng điều thiện tối thượng con người có được hệ tại mối tương quan với thế giới “bên kia”. Những người hữu thần tin rằng thế giới “bên kia” chính là vương quốc của Thiên Chúa. Trong thế giới này, mọi người đều có thể diện kiến Thiên Chúa cách nhãn tiền.
Trái lại, trong thế giới của chúng ta, Thiên Chúa hầu như hoàn toàn ẩn tàng. Không phải tất cả mọi người đều hiển nhiên thừa nhận là có Thiên Chúa. Tuy nhiên, các nhà thần học hữu thần đều nhất quyết cho rằng sự thiện tối thượng con người có được hệ tại mối tương quan niềm tin, tình mến và lòng sùng mộ với vị Thiên Chúa thật bí nhiệm này.
Như vậy, vị Thiên Chúa đó là ai? Và tại sao chúng ta lại phải tôn thờ Người? Thế đấy, Thiên Chúa được mệnh danh là “Hữu thể tối thượng”… Nhưng như vậy nghĩa là gì? Điều gì làm cho Thiên Chúa quyền năng như thế? Vì những đặc tính nào mà Người được kể là đấng Tối cao.
2. Lập trường hữu thần cổ điển
Dựa theo lập trường này, chúng tôi xin gợi lại những điểm người có niềm tin tôn giáo vẫn thường gán cho Thiên Chúa.
Thiên Chúa là:
- Đấng sáng tạo vũ trụ
- Đấng trường tồn, toàn năng, toàn trí và toàn thiện
- Hiện diện khắp nơi
- Đấng thánh, tức là hoàn toàn siêu việt, mầu nhiệm.
- Ngôi vị, tức là Đấng mà ai cũng cảm thấy có thể đối thoại và khẩn cầu, nhưng lại vô chất, tức là Thần khí.
- Đấng trọn lành, công chính, yêu mến, cảm thương và trắc ẩn.
Chúng ta có thể tổng hợp những ý tưởng truyền thống về Thiên Chúa bằng cách dùng lý lẽ của thánh Anselmo, “Đấng hiện hữu như một cái gì mà không một cái gì cao cả hơn có thể quan niệm được” , tức hữu thể vĩ đại nhất.
II. Nghi vấn về sự hiện hữu của Thiên Chúa
Việc thắc mắc về sự hiện hữu của Thiên Chúa có ý nghĩa gì? Ít nhất chúng ta có thể diễn giải thắc mắc này theo hai cách.
Cách 1 : Liệu có một hữu thể nào đó có được tất cả các đặc tính nêu trên không? Điều đáng ngại là trong số những người tin có Thiên Chúa, thì lại có một số không tin là Thiên Chúa có đủ các phẩm tính nêu trên. Chẳng hạn, Harold Kushner viết một tác phẩm nhan đề, “Khi điều xấu xảy ra với người tốt”. Trong tác phẩm này ông lập luận rằng cách tốt nhất để giải quyết vấn đề sự dữ là thừa nhận Thiên Chúa không toàn năng! Dù bạn có đồng ý hay bất ưng với Kushner, thì bạn vẫn không thể nào quy kết rằng vị này là một gã vô thần. Một hướng dẫn khác để tiếp cận vấn đề này là không điều gì có thể được coi là Thiên Chúa nếu không thỏa mãn những phẩm tính trên. Vậy thì nghi vấn về sự hiện hữu của Thiên Chúa cũng có nghĩa là nghi vấn về việc liệu có thể có một thứ gì đó có được tất cả các phẩm tính nêu trên không?
Cách 2 : Cách diễn giải thứ hai về nghi vấn sự hiện hữu của Thiên Chúa là xem xét bản tính chân thực của Thiên Chúa một cách hoàn toàn cởi mở. Ngay cả khi chúng ta không biết đích xác làm thế nào để cảm nhận Thiên Chúa, chúng ta vẫn có thể hỏi “Liệu có một thực tại nào đó vẫn ẩn tàng sau các thực tại tôn giáo không?” Hoặc, phải chăng thực tại đó chỉ là phát minh của nhân loại? Thiên Chúa dù có là thực tại nào đi nữa, vẫn phải chịu trách nhiệm về sự kiện chúng ta là những hữu thể tôn giáo. Chúng ta có thể cảm nghiệm chắc chắn rằng một thực tại đích thật nào đó vẫn nắm giữ vai trò này, mà vẫn không cần phải rậm lời bàn bạc xem thực tại đó đích thị là gì.
Dù hiểu được như vậy, nhưng vẫn thấy khó mà tìm ra một lập luận triết học nào đó để giải đáp thắc mắc về sự hiện hữu của Thiên Chúa.
1. Những lập luận cổ điển về sự hiện hữu của Thiên Chúa
Những lập luận triết học quan trọng nhất về sự hiện hữu của Thiên Chúa dựa trên một hay nhiều phẩm tính của Thiên Chúa.
- a. Lập luận hướng đích: xuất phát từ trật tự chúng ta cảm nhận được trong thế giới, lập luận này quy về một Đấng sáng tạo hoặc Nhà thiết kế thượng trí.
- b. Lập luận vũ trụ học: xuất phát từ sự hiện hữu của vũ trụ, lập luận này dò tìm về nguyên nhân đầu tiên.
- c. Lập luận hữu thể học: xuất phát từ ý tưởng về hữu thể hoàn hảo, lập luận này dẫn tới sự hiện hữu của hữu thể hoàn hảo này.
2. Những lập luận ủng hộ sự hiện hữu của Thiên Chúa.
Trong khi thần học coi sự hiện hữu của Thiên Chúa là hoàn toàn tất yếu dựa trên nền tảng thế giá, đức tin hoặc mặc khải, thì nhiều triết gia và một số thần học gia vẫn mong là có thể đưa ra những lý chứng chắc chắn về sự hiện hữu của Người.
Thánh Tôma Aquinô sinh thời vào thế kỷ XIII đã đề xuất ngũ đạo, ngõ hầu có thể dùng triết học chứng minh sự hiện hữu của Thiên Chúa. Chúng tôi xin tóm lược như sau:
a. Lập luận về biến căn bất động: Chúng ta biết rằng thế giới này là một sự chuyển động liên tục; bất cứ sự vật nào chuyển động được cũng đều cần phải được tác động từ một vật khác; vật khác này cũng bị tác động bởi một vật khác nữa. Và tình trạng tương tác chuyển động này không để kéo dài đến vô hạn được, vì như thế sẽ không có vật làm chuyển động ban đầu, thì cũng không có những chuyển động kế tiếp. Như thế phải thừa nhận có “biến căn đệ nhất”, tức Thiên Chúa.
b. Lập luận về nguyên nhân tác thành: Không vật nào lại có thể là nguyên nhân tác thành cho chính mình được. Chẳng hạn, cái bàn có được là nhờ người thợ mộc; người thợ mộc chào đời là nhờ song thân. Lại nữa, những nguyên nhân tác thành không thể kéo dài tới vô hạn được, vì như thế sẽ không có nguyên nhân tác thành thứ nhất, thì cũng không có hiệu quả cuối cùng. Như thế cần phải có “nguyên nhân tác thành tiên khởi”, đó chính là Thiên Chúa.
c. Lập luận vũ trụ học: Tất cả các vật thể vật lý, dù là đồi núi, đất đá hay sông ngòi, cũng đều chỉ là đang thành hình, hiện hữu rồi tan biến, dù chúng tồn tại lâu đời hay vắn vỏi. Mặt khác, vì mọi vật đều có thể không hiện hữu, nên chắc chắn phải có một thời điểm mà không vật nào tồn tại. Vì hư vô không thể là nguyên nhân cho thứ gì, và nếu không vật nào hiện hữu ở một thời điểm xác định nào đó thì làm sao lúc này lại có vạn sự? Thế nên, luôn luôn phải có ít nhất một vật tất yếu vĩnh hằng, tức Thiên Chúa.
d. Lập luận về mức độ hoàn thiện khác nhau của các vật thể trong vũ trụ: Việc so sánh mức độ hơn kém về hoàn thiện của vạn sự chỉ có ý nghĩa trong khi ngấm ngầm thừa nhận một sự thiện tối thượng, tức là Thiên Chúa.
e. Lập luận hướng đích: Mọi vật trong vũ trụ đều di chuyển về một đích nào đó. Mũi tên không thể nào trúng đích nếu người giương cung không định hướng bắn. Bởi vậy, cần phải có một nhà thiết kế thông tuệ điều hướng vạn sự di chuyển đến đích của chúng. Nhà thiết kế đó chính là Thiên Chúa.
Còn có thêm 2 lập luận nữa có tầm quan trọng trong lịch sử đó là lập luận hữu thể học và lập luận luân lý học. Lập luận thứ nhất dựa vào lời lẽ của thánh Anselmo sinh thời thế kỷ XI, và cũng được lý luận của Descartes ủng hộ, đó là, sẽ có mâu thuẫn về mặt luận lý nếu chối bỏ sự hiện hữu của Thượng đế. Thánh Anselmô đã bắt đầu bằng định nghĩa: “Thiên Chúa hiện hữu như một cái gì mà không một cái gì cao cả hơn có thể quan niệm được”. Thật vậy, nếu Thiên Chúa chỉ tồn tại trong trí tuệ, thì Người chưa hẳn là hữu thể vĩ đại nhất mà ta có thể quan niệm được, bởi chúng ta vẫn có thể nghĩ tới một hữu thể khác cao cả hơn, xét vì nó tồn tại trong cả trí tuệ lẫn thực tại, và thực tại này mới là Thiên Chúa. Thế nên, nếu nghĩ Thiên Chúa chỉ tồn tại trong lý trí, mà không có trong thực tại thì sẽ dẫn đến mâu thuẫn về mặt luận lý. Như vậy, điều này chứng tỏ Thiên Chúa vừa hiện hữu trong lý trí, vừa hiện hữu trong thực tại.
Dựa trên lý thuyết của mình, E. Kant chối bỏ cả lập luận hữu thể học lẫn lập luận hướng đích, ông cho rằng lý trí quá giới hạn đến nỗi không thể thấu triệt được điều gì vượt ra ngoài kinh nghiệm con người. Tuy nhiên, ông vẫn lập luận tôn giáo sở dĩ được thiết lập như một sự giả định là vì những hoạt động luân lý trong tâm trí con người (lý trí thực hành). Sự hiện hữu của Thiên Chúa là một giả định tất yếu để có được những phán đoán luân lý khách quan mà chúng vượt ra ngoài những khuynh chiều luân lý tương đối; những phán đoán như thế đòi phải có những tiêu chuẩn nằm ngoài trí năng nhân loại, nghĩa là, những tiêu chuẩn đó thừa nhận lý trí của Thiên Chúa (x. Samuel Enoch Stumpf, Philosophy history and Problems, Kant: Proofs of God’s Existence, 1994)
3. Lập luận chống lại sự hiện hữu của Thiên Chúa
Lập luận chống lại sự hiện hữu của Thiên Chúa hình thành là do các triết gia, các nhà vô thần, và phái bất khả trị. Một số lập luận này cho thấy sự hiện hữu của Thiên Chúa không tương hợp với những sự kiện thực tế. Số khác cho rằng Thiên Chúa không tồn tại bởi những quan niệm về Người không mạch lạc và rất mơ hồ. Số khác khẳng khái phê bình những lập luận khẳng định có Thiên Chúa.
Về chuyện phủ nhận Thiên Chúa, một trong những lập luận gây ấn tượng mạnh nhất đó là vấn đề sự ác. Lập luận này cho rằng ba câu phát biểu sau đây không thể đồng thời đúng được: (a) Sự ác tồn tại; (b) Thiên Chúa toàn năng; (c) Thiên Chúa toàn ái. Lập luận được nêu lên như sau:
- Nếu Thiên Chúa có thể cản sự ác nhưng không làm, thì Người không toàn ái.
- Nếu Thiên Chúa muốn cản sự ác nhưng không làm được, thì Người không toàn năng.
- Nếu Thiên Chúa vừa muốn cản sự ác, vừa có khả năng làm như thế, vậy tại sao lại có sự ác?
Lập luận khác lại cho rằng sự tồn tại một Thiên Chúa toàn trí không tương hợp với sự kiện ý chí tự do – tức con người có quyền chọn lựa. Nếu Thiên Chúa toàn trí, hẳn Người phải biết trước những gì con người sắp làm trong một hoàn cảnh xác định. Ở trường hợp này, người ta thực sự không còn tự do để lựa chọn những gì khi mà Thiên Chúa đã biết đương sự sẽ chọn; như vậy ý chí tự do chỉ là chuyện ảo tưởng. Mở rộng vấn đề này, nếu một ai đó phạm tội chẳng lẽ lại nói người ấy tự do phạm tội? Hà cớ gì mà buộc họ phải chịu trách nhiệm?
Hume đã đưa ra những lời phê bình sâu sắc về sự hiện hữu của Thiên Chúa. Chống lại lập luận vũ trụ học (lập luận thứ 3 của thánh Tôma Aquinô), ông cho rằng ý tưởng tồn tại một hữu thể tất yếu là chuyện vớ vẩn. Hume phát biểu: “Những gì chúng ta có thể quan niệm như là hiện hữu, thì cũng có thể quan niệm như không hiện hữu vậy. Ông cũng thắc mắc là tại sao nguồn gốc cùng đích của vũ trụ lại không là chính toàn thể vũ trụ trường tồn và vô thủy mà cứ nhất mực đòi phải là Thiên Chúa?”
Hume cũng phê bình lập luận hướng đích (lập luận thứ năm trong ngũ đạo của thánh Tôma). Đặc biệt, ông nhấn mạnh là chẳng hề có một nẻo đường hợp lý để chúng ta có thể lấy đó mà quy về các phẩm tính của Thiên Chúa, là Đấng ‘tạo dựng thế giới do bản chất sáng tạo của Người. Chẳng hạn, Hume đặt vấn đề là làm sao chúng ta lại không dám quyết rằng biết đâu vũ trụ lại được tạo dựng bởi một tập thể chứ không phải cá nhân, hoặc có khi vũ trụ là kết quả của một trong nhiều cuộc thử nghiệm sáng tạo và ngay từ đầu đã có một ít vật bị hư hoại; hoặc có thể vũ trụ ban đầu thành hình là do cuộc tranh tài đuối sức của một vị thần trẻ con, rồi vị ấy đã nông nổi bỏ rơi nó vì hình dạng khuyết tật.
4. Qua sông phải lụy đò
Ai trong chúng ta cũng đều có quyền chọn lựa. Chúng ta có thể nhìn vào bằng chứng về sự hiện hữu của Thiên Chúa và tin rằng Người hiện diện. Hoặc chúng ta có thể phi bác những bằng chứng để khẳng định không có Thiên Chúa; cách nào thì cách, chúng ta đều phải vượt qua nẻo đường đức tin, bởi không lập luận nào có thể xác minh rạch ròi nơi phòng thí nghiệm! Thế nên muốn qua sông ắt phải lụy đò. Câu hỏi chủ chốt ở đây là: giữa một bên là vấn đề thật thiết yếu cho sự sống còn của chúng ta và một bên là thắc mắc đòi phải có câu trả lời, thành thực mà nói, chúng ta phải sẽ chọn bên nào? Một lần nữa, chúng ta hãy khảo sát những chọn lựa có thể là “đò ngang” đưa chúng ta “qua sông”.
Chiếc đồng hồ đeo tay hay bộ từ điển điện tử là dấu mở cho ta nghĩ về nhà sản xuất tài ba đã sáng chế ra những sản phẩm tinh vi này. Tương tự, vũ trụ này cũng ngầm phản ánh một nhà thiết kế thông sáng khôn lường. Lương tâm con người tồn tại như một tiếng nội tâm cho phép con người tin vào Thiên Chúa, tuân theo phán quyết xác thực nhất và bản năng cao nhất của mình. Vốn là lời mặc khải của Thiên Chúa. Kinh Thánh đã đưa ra bằng chứng Thiên Chúa hiện diện trong công trình sáng tạo và lương tâm con người. Thêm vào đó, đức Kitô là bằng chứng sau cùng về Thiên Chúa và Người cũng được nhìn nhận là đấng sáng tạo (Ga 1, 3), là nguồn mạch của sự thông sáng (Ga 1, 9) và là trung tâm điểm của Kinh Thánh (Ga 5, 39).
Với các nguồn tài nguyên, tính phức hợp và một trật tự ăn khớp nhịp nhàng, vũ trụ này vẫn có đó mà không cần nguồn gốc, nguyên nhân hoặc ý định sáng tạo của một đấng nào cả. Mọi sự chỉ là tình cờ. Các định luật điều phối vũ trụ vẫn hoạt động nhịp nhàng mà không cần sự định hướng hoặc dẫn dắt nào cả. Những bước nhảy vọt vĩ đại và lạ lùng đều là do quá trình tiến hóa, chẳng hạn, đồ vật biến thành thảo mộc, thảo mộc biến thành động vật. Dù không có hướng dẫn, những hữu thể này tự hình thành nên một và các cơ quan cảm giác. Chính sự ngẫu nhiên hình thành nên một tổng hợp độc đáo và phong phú cho hành tinh này. Nhờ vậy mà ta mới khả dĩ hiện hữu trên “ốc đảo” của cuộc bể dâu, giữa hoang mạc vũ trụ bao la này. Con người không có linh hồn. Hiện hữu của nó chấm dứt khi nhắm mắt xuôi tay, chẳng hơn gì loài cầm thú. Bất kỳ luân lý nào con người cặm cụi dè giữ cũng đều do mình bày ra và bắt nguồn từ xã hội. Bởi vậy, thật trơ trẽn khi cho rằng phán đoán của mình về người khác có giá trị.
Kinh Thánh tuy được viết ra do khoảng 40 tác giả khác nhau, sinh trưởng trong quãng thời gian 1500 năm, ghi lại những sự kiện rời rạc và độc lập, những câu chuyện kỳ bí, vậy mà lại diễn tả một sự trùng hợp và thống nhất đến mức thật khó tin. Không có một kế hoạch thống nhất cho lịch sử nhân loại. Sự hiện hữu của ta chỉ là tình cờ, việc ta làm ở đời cũng chỉ là phù du chóng vánh, tương quan giữa tha nhân với ta không hề có ý nghĩa cùng đích. Tương tự như mọi sinh vật khác, chúng ta không có lý do tồn tại, có chăng chỉ là sống sót dật dờ. Và nếu sự thực đúng là vậy, đức Kitô hẳn đã không nói về chân lý rằng Người là Con Thiên Chúa đến từ trời để cứu ta khỏi chết đời đời và đưa ta về với Thiên Chúa.
Trong hai chọn lựa trên, bạn sẽ ngả theo lập trường nào để quyết định cho vận mệnh đời mình? Bạn sẽ chọn “đò” nào để “qua sông”?
III. Thần luận và Thuyết tiến hóa
1. Vấn đề sự ác và đau khổ
Nhiều Kitô hữu thắc mắc về vai trò của tiến hóa sinh học sẽ cung cấp cho các tín đồ của các tôn giáo khác một nẻo đường hợp lý, để hóa giải ý tưởng về một đấng Sáng tạo là nguồn gốc của sự sống. Vả lại, việc xây dựng thuyết tiến hóa như vậy có nguy cơ giải trừ quan-điểm-về-một-thế-giới-có trật-tự. Một khi chống lại quan điểm này, ta có thể chân thành đặt câu hỏi “Tại sao Thiên Chúa lại cho xuất hiện thuyết tiến hóa? Thử hỏi vấn đề hiện hữu của Thiên Chúa có đơn giản, sáng tỏ, hợp lý và dễ thuyết phục hơn không, nếu Thiên Chúa – Đấng sáng tạo loại bỏ thuyết tiến hóa sinh học, và không cho phép thuyết đó như một khả thể trong công trình sáng tạo?” Tuy nhiên, bằng kinh nghiệm sống, tức khắc chúng ta cũng có thể đặt ra một câu hỏi tương tự, thậm chí còn nan giải hơn nhiều, đó là “Tại sao Thiên Chúa lại để con người đau khổ? Tại sao Thiên Chúa lại để cho tội ác xâm nhập vào tạo vật?
Câu hỏi này thuộc phạm vi “thần luận”. Thử hỏi tại sao Thiên Chúa thánh thiện, công minh, chính trực và toàn năng lại cho phép tội ác và khổ đau hoành hành trong vũ trụ mà Người đã sáng tạo và hết lòng bảo tồn? Các thần học gia đã chạm trán với vấn đề nan giải này trong nhiều năm qua.
Chúng ta vẫn thấy không dễ tán thành quan điểm của những người vô thần không chấp nhận Thiên Chúa có thể tồn tại bên ngoài những giới hạn trí năng của họ, trừ phi họ toàn trí. Bởi vậy, lập trường vô thần của họ không thể đứng vững về mặt luân lý. Điều đáng ngại hơn là những người tuy đã thấu hiểu rạch ròi về vấn đề Thượng đế, nhưng vẫn chọn lập trường vô thần bởi họ không thể hiểu được một Thiên Chúa hoàn toàn thánh thiện, yêu mến mà lại cho xuất hiện tội ác và khổ đau. Chúng ta không thể làm ngơ trước những bận tâm chính đáng của họ.
Các nhà thần học đều nhìn nhận vấn đề do các nhà thần luận đặt ra thật nan giải. Giải pháp thần học cũng phải dựa trên những thành tố sau đây. Thiên Chúa tạo dựng vũ trụ với một mục đích nào đó. Từ Kinh Thánh, ta kết luận rằng Thiên Chúa đặt ta vào vũ trụ này, được tạo dựng theo giống hình ảnh Người, và vì thế có những phẩm cách giống như Người, bao gồm lý trí và ý chí. Thiên Chúa chẳng những cho ta cơ hội nhận biết sự hiện hữu, tính tối thượng, và tất yếu của Người mà còn cho ta thấy nẻo đường chuộc tội và hòa giải của Người. Đặc biệt, Thiên Chúa không áp đặt ý chí của Người trên chúng ta, vấn đề ở chỗ là Người không hủy diệt sự chọn lựa tự do của ta.
Có lẽ vì thế mà chúng ta thấy mình không đủ khả năng để đưa ra một chứng cứ chắc chắn về sự hiện hữu của Thiên Chúa. Biết đâu, với chứng cứ như thế, chúng ta có nguy cơ buộc mọi người phải tin vào Thiên Chúa. Cho nên, chúng ta chỉ tìm được những chứng cứ loại suy, còn lý chứng “hiển minh” về sự hiện hữu của Thiên Chúa thì không bao giờ có được! Bên cạnh đó, ta vẫn có thể tìm ra đủ những chứng cứ quy nạp về sự hiện hữu của Thiên Chúa và nhìn nhận Người tồn tại, rằng Người thật xứng đáng để phụng thờ, rằng chúng ta đang cần hòa giải với Người và mong Người phục hồi cuộc sống rạn vỡ của chúng ta.
Điểm then chốt là khi Thiên Chúa mặc khải chính mình, Người không buộc chúng ta tin vào Người. Người không hề có ý biến chúng ta thành những cỗ máy. Sự thực là Thiên Chúa đã cho phép con người có thể chọn lựa không tin vào Người, đây là mấu chốt dẫn đến tội ác, đau khổ và xa lìa Thiên Chúa. Một khi đã chọn lựa không tin vào Người, chúng ta cũng không thể đón nhận biến cố nhập thể và cuộc thương khó của Đức Kitô, nhờ Người mà ta được hòa giải với Thiên Chúa. Quả thực, Thiên Chúa đã phải trả một giá quá đắt để duy trì khả thể chọn lựa vô hạn của mỗi chúng ta!
Một khi Thiên Chúa đã nghiêm túc đưa ra vấn đề này, chúng ta cũng cần tìm hiểu lý do tại sao. Câu trả lời nằm ở chỗ là Thiên Chúa đã cho ta cơ hội để yêu thương chân thực, là cửa ngõ dẫn đến tình yêu huyền diệu, và là khả thể của lòng tôn thờ chân chính. Nếu không có chọn lựa, chẳng thể nào có tình yêu chân thực theo nghĩa tròn đầy nhất. Thật thế, người ta chỉ có thể vươn tới chân tính cao cả nhất của tình yêu khi được lựa chọn tự do.
2. Chọn lựa tự do và Tình yêu chân thực
Tình yêu Thiên Chúa vượt quá xa kinh nghiệm của con người đến mức để có thể hiểu được tình yêu ấy, ít là một cách lờ mờ, chúng ta cần phải hiểu tình yêu nhân loại ở mức tối đa, rồi áp dụng phương pháp loại suy. Thật vậy, tình yêu Thiên Chúa được phản ánh bởi tình yêu nhân loại qua một số hình ảnh trong Kinh Thánh, chẳng hạn như tình yêu phu phụ. Tình yêu bắt nguồn từ một phía, nhưng cần phải được đáp trả từ phía còn lại. Có như vậy, tình yêu chân thực mới đạt tới mức viên mãn, và người ta dám phó mình cho nhau. Tình yêu được đặt nền trên sự tương kính và tâm đầu ý hợp. Vì tự do là nền tảng của tình yêu, nên mỗi bên đều có quyền tự chọn. Cựu Ước cho ta nhiều ví dụ về những nét đẹp của tình yêu có chọn lựa tự do và những tấn bi kịch hòng đạt đến tình yêu bằng sức mạnh.
Kết quả sẽ ra sao nếu Thiên Chúa khiến ta chỉ vâng ý Người mà thôi? Nếu không thể ganh ghét, liệu chúng ta có được lòng yêu thương chân thực không? Thật vậy, sự chọn lựa hoàn toàn tự do là điều kiện tiên quyết dẫn đến tình yêu chân thực. Thiên Chúa quyết trao tặng chúng ta tình yêu mến Người. Thiên Chúa không buộc ta quay về với tình yêu của Người, vì khi làm như vậy, Người hủy diệt tình yêu chân thực. Khởi đi từ ý chí tự do của chính Thiên Chúa, người chịu chết để giải phóng ta khỏi tội lỗi và tái lập cho ta ơn làm nghĩa tử.
Rốt cuộc Thiên Chúa đã phải trả giá quá đắt để duy trì sự chọn lựa tự do của chúng ta, nhờ vậy, tình yêu chân thực mới khả dĩ tồn tại. Điều này bao hàm việc tự mặc khải chính mình theo cách mà Người đã chọn. Người đã cho chúng ta thấy những bằng chứng thật đầy đủ, thậm chí rất phong phú, về sự hiện hữu của Người, nhưng vẫn để cho ta có quyền “chối từ” Người. Một khi đã từ chối Người, chúng ta có nguy cơ đánh mất tình yêu chân thực. Nếu nhờ khoa học mà ta có thể đưa ra bằng chứng rạch ròi về Thiên Chúa, chúng ta cũng sẽ đánh mất sự chọn lựa tin hay không tin vào Thiên Chúa, và như vậy chúng ta cũng sẽ gián tiếp phủ nhận mục đích nền tảng của công trình sáng tạo.
3. Giới hạn của khoa học
Trong khuôn khổ của mình, phương pháp khoa học tỏ ra rất hiệu nghiệm. Tuy nhiên, những kết luận khoa học về mỗi giả thuyết, dù có được kiểm nghiệm nhiều lần ở nhiều thời điểm và không gian khác nhau, vẫn chỉ giới hạn các định luật khoa học vào những lãnh vực rất nghiêm ngặt. Cho nên không thể áp dụng định luật đó vào trong mọi hoàn cảnh được, nếu không muốn nói là không thể, khi giải quyết những biến cố đơn nhất. Về mặt khoa học, các khoa học gia sở dĩ rút ra kết luận được là nhờ thận trọng áp dụng những kiến thức đã thủ đắc vào trong từng sự kiện cụ thể. Tuy nhiên, đây không phải là một kết luận có thể đem áp dụng phổ quát, và không thể cả tin vào những giả thuyết đạt được từ phương pháp này.
Nhờ giáo huấn của Kinh Thánh soi dẫn, ta biết Thiên Chúa như là Đấng sáng tạo và bảo tồn. Một khi kitô hữu thừa nhận các định luật khoa học và các quy tắc đến từ Thiên Chúa, thì cũng nhận thấy Thiên Chúa hoàn toàn tuân theo các định luật này. Nếu Thiên Chúa có ý định phá vỡ một quy tắc nào để tạo ra một biến cố độc đáo, thì cũng cần phải hiểu chính xác rằng biến cố đó vượt ra ngoài khuôn thước của phương pháp khoa học. Trên phương diện thực nghiệm, biến cố đó không thể được kiểm chứng ở những thời điểm và không gian khác với nơi đã xảy ra. Chính xác mà nói, chúng ta phải gọi đó là “phép lạ” theo nghĩa hẹp của hạn từ.
Bởi vì mục đích của khoa học cũng chỉ là để giải thích và hiểu được phần nào vũ trụ vật lý và sinh vật ở mức tối đa trong giới hạn của nó, nên dù người ta có đầu tư cho khoa học bao nhiêu đi nữa để mong có thể đưa ra những lời giải thích về mọi biến cố, nhưng những lời giải thích ấy chỉ khả thi đối với các biến cố thuộc lĩnh vực khoa học mà thôi.
Chúng ta có thể hiểu được hành động của Thiên Chúa là sự can thiệp vào các định luật vũ trụ trong trường hợp Người muốn tạo ra những biến cố độc đáo. Tuy nhiên, nếu chỉ nại vào phương pháp khoa học, khoa học gia vẫn có thể đưa ra những lời giải thích nhưng không thể nói gì về Thiên Chúa được. Dưới cái nhìn của nhà khoa học, dù cảm nhận vũ trụ này thật đẹp và đa phức, chúng ta vẫn thấy kinh ngạc trước những cấu trúc “kỳ diệu” Thiên Chúa đã thực hiện. Không hề có phép lạ xảy ra trong lãnh vực khoa học và cũng đừng tưởng có thể dùng phương pháp khoa học để kiểm chứng phép lạ.
Có những Kitô hữu vẫn đòi bằng chứng khoa học về Thiên Chúa và những chứng cứ rạch ròi về sự hiện hữu của Người. Thực tế, các khoa học gia chỉ tìm ra những lý chứng quy nạp, còn chứng cứ rạch ròi về sự hiện hữu của Thiên Chúa nằm ngoài tầm tay của khoa học gia. Nếu tìm ra những chứng cứ như vậy, thì loài người lại bị ép buộc phải chấp nhận sự hiện hữu của Thiên Chúa và tin vào Người.
Điều này đưa ra một mâu thuẫn không thể chấp nhận được so với những gì các nhà thần học tìm thấy trong lập luận về ý chí tự do và vai trò của sự ác trong một vũ trụ được ban tặng tự do chân thực. Thiên Chúa đã đồng hành với lịch sử nhân loại, chấp nhận cuộc Vượt qua với một giá quá đắt để bảo đảm sự tự do cho ta, có thể mới nảy sinh tình yêu chân thực. Bởi vậy, thật là sai lầm khi nỗ lực đòi khoa học phải cho chúng ta một chứng cứ rạch ròi về Thiên Chúa. Điều này vô lý vì nó mâu thuẫn với chức năng và giới hạn của phương pháp khoa học. Nhưng trong sự thông sáng khôn lường. Thiên Chúa đã dự liệu một kế hoạch cho vũ trụ thoát khỏi tình trạng mâu thuẫn đó.
4. Thuyết tiến hóa nằm trong mục đích sáng tạo
Để đưa ra một ví dụ cụ thể hơn, kitô hữu nào đã từng cống hiến thời gian và sức lực chỉ để phi bác “thuyết tiến hóa” cần tự hỏi xem có cần thiết phải làm như vậy không. Những lý giải biện minh cho sự hiện hữu của thần thánh vượt ra ngoài khả năng của các phương pháp khoa học. Các khoa học gia chỉ đưa ra những giả thuyết khả dĩ trong khuôn khổ các định luật khoa học mà thôi. Trong phạm vi tri thức, phương pháp khoa học nào không bao hàm khả thể tìm kiếm Thiên Chúa thì chỉ nên hoạt động trong khuôn khổ địa hạt của mình mà thôi, để khỏi bị kết án là không tìm kiếm Thiên Chúa. Nếu khoa học có khả năng chứng thực tính tất yếu của Thiên Chúa, thì sẽ triệt tiêu mục đích sáng tạo của Thiên Chúa là trao tặng ý chí tự do cho con người. Như vậy, nhờ thần luận, chúng ta mới biết được tại sao Thiên Chúa không cho ta một phương pháp “khoa học” nào để minh giải về sự hiện hữu của Người.
Tại sao Thiên Chúa lại cho xuất hiện quan điểm tiến hóa? Xoay quanh mục đích công trình sáng tạo. Thiên Chúa chấp nhận khả thể tội lỗi và khổ đau để kiến tạo một tình yêu chân thực. Xét như là hệ quả của việc chọn lựa này, chính Thiên Chúa đã mang lấy khổ đau của toàn thể nhân loại! Cũng thế, khi cho phép tự do và tình yêu chân thực hiện hữu. Thiên Chúa cũng cho phép một hệ thống là thuyết tiến hóa xuất hiện, không bị bó buộc phải công nhận sự hiện hữu của Thiên Chúa, cũng như cần thiết để bảo tồn cùng một mục đích của công trình sáng tạo là chọn lựa tự do và tình yêu chân thực!
IV. Kết luận
Có chúng ta chẳng bao giờ chấp nhận được sự ác và khổ đau với tất cả những bóng hình dị hợm của nó, nếu chúng ta đòi tách nó ra khỏi mục đích ban đầu công trình sáng tạo, nghĩa là tách sự ác ra khỏi khả thể chọn lựa tự do và tình yêu chân thực. Tệ hơn nữa, nếu cố gắng dùng lý lẽ để vạch ra mặt xem kẻ nào là tác giả của sự ác để đấu tố và xét xử hoặc dùng lý trí để xoa dịu những nỗi đau do sự ác gây ra đều là những trò “bịt mắt bắt dê” mà thôi. Chi bằng, nếu lồng vấn đề sự ác vào trong tình yêu chân thực, hẳn tự bản chúng ta sẽ cảm nhận được một sự chuyển biến lạ lùng, đó là khúc ai ca biến thành vũ điệu và nỗi oán hận trở thành lời tạ ơn. Cội nguồn của sự chuyển biến lạ lùng này vượt ra ngoài khả năng đoán định và suy tưởng của con người cũng như không hề bị trói cột vào những định luật tự nhiên. Đấng có khả năng làm như vậy mới là vị Thiên Chúa mà người kitô hữu xưa nay vẫn tâm thành phụng thờ. Và nếu có thực lòng cố gắng vận dùng mọi lý lẽ để minh giải hay phủ nhận Người, chúng ta mãi mãi vẫn chỉ là những trẻ thơ bập bẹ trước công trình sáng tạo diệu kỳ của Người mà thôi.
Nói cách khác, thay vì rậm lời bàn bạc một cách chi li về mối tương quan giữa các trường phái tiến hóa, xuất phát do những cách hiểu khác nhau về công trình sáng tạo, chúng ta cùng tỏ lòng khiêm cung nhìn nhận bản tính tùy phụ của toàn thể thụ tạo trước kế hoạch thật vi diệu của Thiên Chúa, Đấng đã tự mặc khải và trao tặng tình yêu đích thực của Người cho toàn thể nhân loại. Có như vậy, chúng ta mới có thể thầm lặng bày tỏ lòng cung kính thuần hậu trước Thiên Chúa và tâm thành phụng sự Người.
Tài liệu tham khảo
- Karl Krienke, School of Natural and Mathematical, Seattle Pacific Univerity, WA 98119 (Perspectives on Science & Christian Faith, December 1992)
- Lê Tôn Nghiêm, Lịch sử triết học phương Tây, tập II, 1974. 3. Samuel Enoch Stumpf, Philosophy history and Problems, 1994.
-
_ Tuệ Trinh_