Tha thứ
17.9 Chúa Nhật thứ Hai Mươi-Tư Mùa Quanh Năm
Hc 27:30-28; Tv 103:1-2,3-4,9-10,11-12; Rm 14:7-9; Mt 18:21-35
Tha thứ
Hôm nay Chúa Giêsu nói với chúng ta: anh em đã lãnh nhận sự tha thứ của Chúa, thì cũng hãy tha thứ cho nhau. Không phải là một lần hay chỉ “quá tam ba bận” mà là tha thứ mãi mãi.
Như vậy, tha thứ đòi hỏi sự kiên nhẫn, kiên nhẫn để cho người xúc phạm đến ta có cơ hội, có thời giờ sửa đổi và làm lại cuộc đời. Đừng như ông quan độc ác kia đã đối xử quá khắt khe với những con nợ của mình. Ông đòi tính sổ với các con nợ và đòi cho đến đồng bạc cuối cùng. Đó cũng là cách đối xử chung của con người hôm nay. Người ta đòi công lý phải được báo thù. Người ta đòi mắt đền mắt răng đền răng. Người ta khó chấp nhận một sự bao dung tha thứ đối với kẻ thù của mình.
Đọc lại Tin Mừng chúng ta thấy Chúa Giêsu đã dùng nhiều câu chuyện để xác quyết rằng: Thiên Chúa tha thứ cho chúng ta một cách nhưng không. Đúng thế, khi người con hoang đàng đang kéo lê những bước chân mệt mỏi trở về, thì cha cậu, thoạt nhìn thấy, đã vội chạy tới, ôm choàng lấy cậu mà hôn, rồi lại còn truyền cho gia nhân đem áo cho cậu mặc, nhẫn cho cậu đeo, giày cho cậu đi, rồi giết con bê báo mở tiệc ăn mừng. Người cha đã tha thứ cho cậu một cách nhưng không.
Cũng thế qua đoạn Tin Mừng chiều hôm nay, tên đầy tớ mắc nợ ông chủ một món nợ khổng lồ. Hắn không có gì để trả. Thế nhưng ông chủ đã xoá bỏ tất cả cho hắn, để hắn được tự do trở về gia đình. Ông chủ đã tha cho hắn một cách nhưng không.
Trong cuộc sống của Chúa Giêsu, chúng ta cũng thấy Ngài đã tha thứ rất nhiều lần. Ngài đã tha thứ cho Madalena, cho người thiếu phụ ngoại tình, cho Phêrô và cho tên trộm vào những giây phút cuối cùng trên thập giá.
Chúa Giêsu không những tha thứ mà còn yêu thương những kẻ kết án và đóng đinh Người vì Người biết họ hành động cách mù quáng, mà mù quáng thì đáng thương hơn là đáng trách. Họ mù quáng nên không nhận ra Chúa Giêsu là Con Thiên Chúa. Họ tưởng rằng khi kết án Chúa Giêsu là họ bảo toàn vinh quang Thiên Chúa, không để cho uy danh Thiên Chúa bị xâm phạm bởi một người phàm làng Nadarét ngạo mạn xưng mình là Con Thiên Chúa.
Ngài không những sống tha thứ mà còn dạy các môn đệ và mỗi người chúng ta biết tha thứ cho mọi người. Tin mừng hôm nay cho chúng ta biết, khi Phêrô đến hỏi Ngài: Phải tha thứ mấy lần, có phải bảy lần không? Ngài đã trả lời với Phêrô rằng: “Thầy không bảo là đến bảy lần, nhưng là đến bảy mươi lần bảy” (Mt 18,22). Tha thứ bảy mươi lần bảy không có nghĩa là 490 lần, mà là tha thứ không có giới hạn, tha thứ mãi mãi. Để quảng diễn tư tưởng đó, Đức Giêsu đã kể dụ ngôn “Tên mắc nợ không biết thương xót” (x. Mt 18, 23-35). Trong dụ ngôn này, nhà vua chính là hình ảnh của Thiên Chúa. Thiên Chúa “là Ðấng từ bi và hay thương xót, chậm bất bình và hết sức khoan nhân” (Tv 102,8). Ngài không muốn kẻ gian ác phải chết, nhưng muốn nó ăn năn thống hối để được sống (x. Ez 18,23). Trong thời Cựu Ước, dân Do thái đã bao lần phạm tội, lỗi giao ước, bội thề…nhưng hễ họ ăn năn sám hối trở về, Thiên Chúa lại tha thứ cho họ. Cùng với tâm tình đó, Đức Giêsu khẳng định: “Tôi không đến để kêu gọi người công chính, mà để kêu gọi người tội lỗi sám hối ăn năn.” (Lc 5,32). Đức Giêsu còn kể nhiều dụ ngôn để nói về lòng thương xót và tha thứ của Thiên Chúa, trong đó có ba dụ ngôn (Lc 15): Con chiên bị mất, đồng bạc bị đánh mất và người cha nhân hậu. Đức Giêsu không chỉ dạy tha thứ cho kẻ thù mà còn dạy cho chúng ta phải cầu nguyện và làm ơn cho kẻ thù nữa. Ngài nói: “Hãy yêu kẻ thù và cầu nguyện cho những kẻ ngược đãi anh em” (Mt 5,44).
Tuy nhiên Chúa chỉ đòi hỏi chúng ta một điều kiện rất nhỏ mọn đó là chúng ta cũng phải biết tha thứ cho nhau. Trong kinh Lạy Cha, chúng ta vốn thường đọc: Xin tha nợ chúng con, như chúng con cũng tha kẻ có nợ chúng con. Trong câu chuyện hôm nay chúng ta thấy ông chủ đã xử trí như thế nào đối với tên đầy tớ độc ác? Vì hắn không tha cho bạn hắn món nợ cỏn con là 100 đồng, lại còn tống giam người bạn khổ sở ấy. Thì bây giờ ông chủ cũng sẽ đối xử với hắn như thế, nghĩa là tống hắn vào ngục cho đến khi trả xong món nợ kếch xù ấy. Và Chúa Giêsu đã kết luận: Thiên Chúa cũng sẽ đối xử với các ngươi như thế nếu các ngươi không biết tha thứ cho nhau. Nếu chúng ta không biết tỏ ra khoan dung tha thứ cho người khác, thì chúng ta sẽ chẳng được hưởng nhờ lòng khoan dung tha thứ của Thiên Chúa.
Qua mẫu gương và lời dạy của Đức Giêsu, và vì những lý do trên, nên mỗi người chúng ta hãy cố gắng thực hiện sự tha thứ trong gia đình, trong cộng đoàn và mỗi môi trường chúng ta sống. Tuy nhiên, để thực hiện sự tha thứ không phải là chuyện dễ dàng.
Vì thế, chúng ta hãy noi gương bắt chước Đức Giêsu. Ngoài mẫu gương của Đức Giêsu chúng ta hãy nhìn vào mẫu gương của các đấng bậc trong đạo ngoài đời: Gương của Thánh Stêphanô tha thứ cho Saolê và những kẻ giết mình; Gương của Thánh Giáo Hoàng Gioan Phaolô II tha thứ cho kẻ sát thủ Mehmet Ali Agca; Gương của Thánh Maria Goretti tha thứ cho Alessandrô là kẻ làm hại mình; Ông Gandhi vị anh hùng dân tộc Ấn Độ cũng chủ trương rằng: “Luật vàng của xử thế là sự tha thứ lẫn nhau”…