Tâm Thức Thời Ðại
2/8 Thứ Sáu trong tuần thứ Mười Bảy Mùa Quanh Năm
Gr 26:1-9; Tv 69:5,8-10,14; Mt 13:54-58
Tâm Thức Thời Ðại
Chúa Giêsu trở về giảng dạy tại quê hương của Ngài là Nazareth, nhưng dân chúng tại đây không tin nhận Chúa, bởi vì họ suy tưởng và hành động theo thói quen, theo thành kiến. Họ đã quen với Chúa Giêsu như là con bác thợ mộc Giuse sống giữa họ từ bao năm nay, do đó giờ đây phải nhìn Chúa và đón nhận giáo huấn của Ngài với một tâm thức mới thì họ bị vấp phạm. Quả thật, như lời cụ già Simêon đã nói trong biến cố dâng Chúa vào Ðền thánh: Chúa Giêsu luôn luôn là dấu gợi lên chống đối; trực diện với Ngài, con người phải chọn lựa hoặc tin nhận, hoặc chối từ.
Tin Mừng chúng ta nghe hôm nay đã cho thấy, dân làng Nazareth, những người đồng hương với Đức Giêsu, mặc dầu đã nghe biết những giáo huấn khôn ngoan của Ngài và được chứng kiến những phép lạ phi thường, nhưng họ vẫn không tin Ngài là Đấng Cứu Thế; bởi lẽ, họ chỉ nhìn thấy ở nơi Đức Giêsu nguồn gốc hoàn toàn nhân loại. Họ nói: “Bởi đâu ông ta được khôn ngoan và làm được những phép lạ như thế? Ông không phải là con bác thợ mộc sao? Mẹ của ông không phải là bà Maria; anh em của ông không phải là các ông Giacôbê, Giuse, Simon và Giuđa sao? Và tất cả chị em của ông không phải là bà con lối xóm với chúng ta sao?
Đức Giêsu về thăm quê nhà Nazareth, nơi Ngài đã lớn lên, là điều thật tự nhiên; nhưng lại là một hành động can đảm. Nơi khó khăn nhất cho mọi người rao giảng chính là cộng đoàn mà người đó từng sinh trưởng và gắn bó trong một thời gian lâu dài. Dù biết là vậy, nhưng Đức Giêsu vẫn muốn trở về thăm quê hương. Trong hội đường không có một diễn giả cố định, bất cứ một vị khách nào nổi tiếng đều có thể được người trưởng hội đường mời đến nói chuyện. Không phải là Đức Giêsu không được cho cơ hội để nói, nhưng khi Ngài nói thì đã vấp phải thái độ hằn học và vô tín của những người hàng xóm láng giềng. Họ không muốn nghe bởi vì họ nghĩ rằng mình biết rõ gốc gác cũng như thân quyến của Đức Giêsu. Họ không tin nổi một người từng sống với họ, một người họ quen biết lại nói năng như Đức Giêsu, người đang thuyết giảng trước mặt họ. Đức Giêsu thừa hiểu, các ngôn sứ thường không được tôn trọng nơi quê hương của mình. Thái độ của họ đối với Chúa đã dựng lên một rào cản khiến Đức Giêsu không thể gây được chút ảnh hưởng nào trên họ. Ngài rời bỏ họ mà đi vì người ta đã không tin vào quyền năng của Thiên Chúa.
Thực ra, dân chúng ở Nazareth khinh dể Đức Giêsu cũng chẳng có gì khó hiểu. Thói tự tôn dân tộc ăn sâu vào trong máu của họ và rồi ảnh hưởng lên tính cách của mỗi người. Họ không dễ chấp nhận điều mà chúng ta quen gọi là vinh quang của Thiên Chúa. Điều đó cũng có nghĩa là khi con Thiên Chúa xuống thế gian, Ngài không hề đòi hỏi một miễn trừ nào. Ngài bằng lòng nhận lấy cuộc đời tầm thường với tất cả những công việc tầm thường. Những may rủi về thế gia thế, giàu nghèo và phổ hệ chẳng có gì quan trọng đối với nhân cách cả. Chúng ta cần cảnh giác đối với sự cám dỗ này khi đánh giá một người mà chỉ căn cứ vào bề ngoài, vào những cái tạm thời nay còn mai mất, chứ không căn cứ vào giá trị nội tại nơi chính người ấy.
Phải luôn nhớ rằng, chúng ta không nên xét đoán người khác theo lý lịch và những liên hệ gia đình của họ, mà chỉ nên phán đoán theo con người thực của họ. Nhiều sứ điệp đã bị bóp chết không phải vì nó hàm chứa điều gì đó sai lầm, nhưng vì đầu óc của người ta quá thành kiến với sứ giả đến nỗi thông điệp phát đi không bao giờ có được cơ hội đến với những người đang bưng tai bịt mắt. Khi chúng ta tụ họp lại để làm việc thờ phượng và nghe Lời Chúa, chúng ta phải đến với tinh thần thiết tha trông đợi, không phải từ những người giảng thuyết, nhưng là từ Chúa Thánh Thần, Đấng phán dạy chúng ta qua con người ấy.
Với cái nhìn đầy thiển cận, dân làng Nazareth đã không chỉ chối bỏ một con người, mà còn chối bỏ chính Đấng cứu độ mà Thiên Chúa đã hứa ban cho họ, tức là chối bỏ chính Thiên Chúa. Mỉa mai thay, như lời thánh Gioan đã nói: “Người đã đến nhà mình,nhưng người nhà chẳng chịu đón nhận” (Ga 1,11), điều đó lại vận đúng vào trường hợp của Đức Giêsu trong chuyến “hồi hương” không như mong đợi. Trong khi đó, chỉ có những ai biết nhìn mọi sự bằng đôi mắt đức tin, mới nhận ra Đức Giêsu trong thân phận làm người, là Đấng cứu độ và là Thiên Chúa thật. Hết thảy chúng ta được mời gọi hãy nhìn mọi sự trong ánh sáng của mầu nhiệm Nhập Thể, bởi vì chỉ ở nơi đó, chúng ta mới khám phá ra rằng, Thiên Chúa vẫn đang đến với chúng ta ngang qua những thứ bình thường và bất ngờ nhất của cuộc sống. Đồng thời qua đó, chúng ta cũng học để biết chấp nhận những hy sinh phục vụ tha nhân cách này cách khác mà không hề được đáp đền, thậm chí đôi khi còn nhận lại sự vô ơn.
Sứ điệp Tin Mừng hôm nay dạy cho chúng ta hiểu rằng, để được Thiên Chúa yêu thương và cứu độ, con người phải tin vào Đức Giêsu. Thật vậy, thánh Mátthêu đã ghi nhận: “Đức Giêsu đã không làm nhiều phép lạ tại đó vì họ không có lòng tin”. Điều đó cũng có nghĩa là, phép lạ chỉ diễn ra khi con người có đức tin đủ mạnh; hay nói khác đi, nếu người ta không tin thì không thể nhận ra được phép lạ mà Thiên Chúa vẫn đang thực hiện trong từng phút giây của cuộc sống. Một cách đặc biệt, chỉ khi nào có Đức tin, con người mới nhận ra được tình thương vĩ đại nhất mà Thiên Chúa đã dành cho con người, đó là việc Ngài đã chấp nhận hóa thân trở nên người nghèo khó, bị khinh miệt, chịu sỉ nhục và bị giết chết như một phạm nhân. Chẳng ai trong chúng ta có thể lý giải được hết huyền nhiệm cao siêu ấy.
Như vậy, mầu nhiệm nhập thể của Đức Giêsu là mầu nhiệm của tình thương cứu độ; bởi vì chính qua mầu nhiệm đó mà con người đã gặp được Thiên Chúa, đã tìm được sự sống đời đời và đã được trở nên con cái Thiên Chúa. Mặc dù vậy, cũng chính vì Con Thiên Chúa mang lấy thân phận con người, sống như một con người thấp hèn không có địa vị trong tôn giáo cũng như trong xã hội, nên người ta đã khước từ, không muốn đón nhận. Cũng vì lẽ đó, Đức Giêsu của ngày hôm nay vẫn tiếp tục bị con người phớt lờ và chối bỏ. Như vậy, cho dù Đức Giêsu vẫn luôn tìm đến với con người nhưng lại tiếp tục bị con người xua đuổi, bởi vì họ đã không nhận ra Ngài. Trách nhiệm của mỗi người tín hữu hôm nay là phải tìm cách để giới thiệu Chúa cho anh chị em của mình. Chúng ta không được phép giữ lấy những ân ban đã được Thiên Chúa trao tặng nhưng không; tuy nhiên, cách mà chúng ta truyền rao Lời Chúa phải dựa trên chứng tá của chính mình. Bằng không, chúng ta chỉ là một phản chứng cho Đức Giêsu mà thôi.
Thành kiến đôi lúc khoác lên mình bộ cánh có phần quái dị, nó khiến cho nhãn giới của chúng ta trở nên méo mó trong việc đánh giá về người khác. Bao lâu chúng ta chưa có thói quen nói lời tử tế với những người chúng ta không cảm phục thì bấy lâu đừng mong có được thành công hay hạnh phúc. Bởi vì khi ấy, tâm hồn chúng ta trở nên chật hẹp, còn những tị hiềm hay đố kị sẽ khiến cho tâm trí của mình ra nặng nề và lắm khi sinh lòng thù hận. Dân Do Thái năm xưa ở rất gần với ơn cứu độ, nhưng rồi chính họ đánh mất đi cơ hội khi tự tay che mặt thay vì dùng nó để lột đi những thành kiến phủ vây. Chúng ta cũng hãy nhìn vào đó để chỉnh đốn đời sống của mình. Chỉ khi nào chúng ta vượt qua được những thành kiến cố hữu thì khi ấy chúng ta mới có cơ may thiết lập được những mối tương quan thân ái. Chỉ khi nào chúng ta đủ chân thành để nhìn nhận tài năng và phẩm hạnh của người khác, thì khi đó chúng ta mới có thể khoan khoái tận hưởng những giây phút an vui.
Chúng ta hãy xét lại xem đức tin của chúng ta hiện nay đối với Chúa Giêsu có còn sống động hay đã trở thành một thói quen khô khan, nguội lạnh, chỉ vì quá quen thuộc như dân làng Nazareth ngày xưa? Phải chăng cuộc sống của chúng ta đã trở thành mù quáng hoặc nô lệ cho những thành kiến đến độ không còn tin nhận Chúa và không còn bén nhạy trước tác động của ơn Chúa?