Sửa lỗi trong tình bác ái
6.9 Chúa Nhật XXIII
Bài đọc I Ez 33, 7-9
Bài đọc II Rm 13, 8-10
Tin Mừng Mt 18, 15-20
SỬA LỔI TRONG TÌNH BÁC ÁI
Con người ai cũng có lầm lỗi. Vậy mà thái độ ứng xử trước lầm lỗi của người khác lại không giản đơn. Đối với lỗi lầm của người khác, ta thường có hai thái độ, hoặc quá khắc nghiệt loại trừ, hoặc quá thờ ơ lãnh đạm. Cả hai thái độ đó đều thiếu xây dựng. Quá khắc nghiệt loại trừ sẽ khiến ta can thiệp thô bạo vào đời tư, sẽ gây ra bất mãn, đổ vỡ. Quá thờ ơ lãnh đạm sẽ buông thả mặc cho sự xấu tràn lan, sẽ làm cho xã hội suy thoái.
Giáo Hội là một cộng đoàn những con người. Lầm lỗi là không thể tránh khỏi. Vì thế muốn cộng đoàn phát triển, việc sửa lỗi là cần thiết, nhất là đối với những lầm lỗi công khai ảnh hưởng đến đời sống cộng đoàn.
Giáo Hội là một cộng đoàn huynh đệ, trong đó mọi người là anh em với nhau vì đã được làm con cùng một Cha trên trời trong Đức Giêsu Kitô. Vì thế, mỗi Kitô hữu đều có trách nhiệm nâng đỡ nhau, sửa lỗi nhau để sống xứng đáng là con cái của Chúa trong đại gia đình của Ngài. “Chị ngã, em nâng”; “Nếu người anh em của anh trót phạm tội, thì anh hãy đi sửa lỗi nó”. Chúa Giêsu nhắc nhớ chúng ta trách nhiệm đó. Ở đây không có ý nói về việc ai đó xía vô đời tư của người khác, nhưng có ý nói về một người anh em ý thức trách nhiệm phải giúp đỡ người anh em khác sống tốt hơn, vì ích chung của Giáo Hội.
Đây là một việc làm tế nhị, khó khăn, đòi hỏi phải nhẫn nại, bởi vì người ta làm việc trên sự tự do và nhân vị của mỗi con người. Chúa Giêsu đề ra ba giai đoạn: Trước hết cá nhân đối diện với cá nhân. Nếu người phạm lỗi không chịu nghe nhưng lời góp ý để sửa chữa lỗi lầm, người ta sẽ đem theo một hoặc hai người nữa cho việc góp ý được thấu lý đạt tình và có sức mạnh hoán cải hơn. Nếu người mắc lỗi ngoan cố thì sự việc sẽ được đưa ra trước cộng đoàn, tức là một thứ Giáo Hội địa phương và nếu người mắc lỗi cũng không chịu nghe cộng đoàn, lúc đó người ta mới kể nó như người ngoài cộng đoàn, như người ngoại giáo.
Đó quả là một biện pháp khôn ngoan. Nó làm cho người có trách nhiệm sửa lỗi luôn luôn giữ được sự bình tĩnh, nhẫn nại, đồng thời thể hiện tấm lòng từ bi và thái độ tôn trọng nhân vị, tự do của người phạm tội có dịp hồi tâm, phản tỉnh để nhận ra sự sai quấy của mình. Lúc đó, không một tội nhân nào còn có lý do để quy trách nhiệm về tội mình, về cách xử lý mình cho anh em.
Ta cần phân biệt các hành vi sai trái mang tính cá nhân và hậu quả của hành vi lỗi phạm thì hạn chế với những sai lầm mang tính tập thể và hậu quả di hại cho xã hội là rộng lớn hoặc hành vi lỗi phạm của cá nhân trở thành gương xấu gương mù cho xã hội, cho những kẻ bé mọn.
Cung cách hành xử của Chúa Kitô thật rõ ràng. Nguời từ tâm, nhân hậu với những trường hợp đầu mà trái lại rất thẳng thắn và cương quyết với những trường hợp sau. Người tỏ lòng nhân hậu với chị phụ nữ phạm tội ngoại tình. Người thật khoan dung với sự yếu hèn của Phêrô khi chối Người, nhưng Người lại nghiêm khắc trước sự sai trái cũng của chính Phêrô khi ông ngăn cản Người lên Giêrusalem để thực thi công trình cứu độ bằng sự khổ nạn. Và với nhiều vị lãnh đạo Do Thái giáo hay các bậc vị vọng thời bấy giờ là Biệt Phái, Luật sĩ…thì thái độ của Chúa Kitô là rất thẳng thừng và cương quyết. Tuy nhiên dù cương quyết hay nhân hậu, dù nghiêm khắc hay dịu dàng thì các hành vi của Chúa Kitô đều ắp đầy lòng xót thương. Đến trần gian, một sứ mạng của Đức Kitô là mạc khải cho nhân trần chân dung của Thiên Chúa, Đấng từ bi và hay thương xót, Đấng không muốn bất cứ một ai phải hư mất.
Trong đời sống thực hành hằng ngày, cụ thể qua việc sửa sai cho nhau, phải thực sự là một việc giúp đỡ chứ không phải là cuộc xét xử, chỉ trích, lên án nhau. Để được như thế, mỗi người chúng ta phải hiểu rằng, con người được Chúa dựng nên không phải để xét xử, chỉ trích, lên án anh chị em mình, nhưng để sống đời sống làm con Thiên Chúa và để giúp đỡ anh chị em khác trở thành con Chúa và cùng chung sống đời sống gia đình mà có Thiên Chúa là Cha. Đó chính là đức bác ái Công Giáo mà Chúa Giêsu đã dạy trong Tin Mừng.
Chúa Giêsu yêu cầu chúng ta luôn yêu thương ngay cả khi đó là điều rất khó, nếu không thì “yêu thương” có nghĩa là gì? Chúng ta có lẽ sẽ phải đóng khung những điều rất khó khăn gay go. Tất cả các bậc cha mẹ và những người có trách nhiệm đều nói điều đó. Giờ đây, khi chúng có nguy cơ bị lưu ý, chúng ta băát đầu tấn công: “Bạn rao giảng, nhưng bạn có thực hành đạo đức của bạn hay không?” Hãy thử nói vui (nếu có thể được!): “Bạn có lý, tôi thấy cọng rơm của bạn chứ không phải cái xà nhà của tôi. Nhưng dầu sao thì chúng ta cũng hãy nói về cọng rơm của bạn”.
Những lời khiển trách thì khó mà được tiếp nhận và chúng ta cần đến an bình đến nỗi chúng ta sẽ cố gắng tránh né bổn phận khó nhọc này. Ít ra chúng ta không phải là một kẻ hay la rầy bẳm sinh, và thế là ở đây phải xem xét kỹ vấn đề! Thường thì chúng ta cho qua, nhưng ý muốn yên lành bằng bất cứ giá nào chắc chắn không phải theo tinh thần Tin Mừng. Biết bao lần một lời nói thông minh, yên lành và yêu thương đã cứu được một kẻ nào đó? Có chung quanh họ những người bạn là những người thấy rõ ràng và than vãn mà không dám tiến bước: “Phải nói với họ…”. Thế thì bạn hãy nói đi. Bạn hãy để cho Chúa Giêsu thúc đẩy. Đấng đã nói với bạn: “Hãy cố gắng chinh phục”.
Trước những sai lỗi của kẻ khác, chúng ta hãy có can đảm nói cho họ biết trong tình thương và tế nhị. Đồng thời, khi được người khác nhắc bảo, chúng ta hãy có can đảm lắng nghe. Nếu sai thì chúng ta sẵn sàng bỏ qua, còn nếu đúng, thì chúng ta hãy coi đó như một tiếng chuông báo động Chúa gửi đến để cảnh tỉnh chúng ta. Vì như tục ngữ Tây phương đã bảo: Ai khen ta mà khen phải, ấy là bạn ta còn ai chê ta mà chê phải ấy là thầy ta.