Sự Hiện Diện và Tác Ðộng của Chúa
02 26 X Thứ Năm Tuần XXII Thường Niên.
Ngày Quốc Khánh. Cầu cho Tổ Quốc được bình an thịnh vượng.
Thứ năm đầu tháng. Ngày các Linh mục.
Cl 1,9-14; Lc 5,1-11.
Sự Hiện Diện và Tác Ðộng của Chúa
Ý nghĩa của mẻ cá và ơn gọi của các môn đệ đầu tiên được Luca ghi lại trong Tin Mừng hôm nay sẽ được sáng tỏ, nếu chúng ta nắm bắt được quan niệm của người Do thái về biểu tượng của nước, nhất là của biển cả. Người Do thái tin rằng biển cả là nơi cư ngụ của Satan và những lực lượng chống đối Thiên Chúa. Trong niềm mong đợi chung, người Do thái tin rằng chỉ có Ðấng Cứu Thế được Thiên Chúa sai đến mới có đủ uy quyền để chế ngự biển cả và giải thoát tất cả những ai đang bị chôn vùi trong đó.
Chúa Giêsu muốn cho các môn đệ thấy được quyền năng giải thoát của Ngài khi thực hiện mẻ cá lạ lùng trước mặt các ông. Chiếc lưới được thả vào lòng biển khơi để vớt cá lên, đó là hình ảnh của công cuộc cứu thoát mà Ngài đang thực hiện. Ngài đến là để lôi kéo con người khỏi vực sâu của tội lỗi và sự dữ. Chính trong ý nghĩa ấy, Chúa Giêsu dùng kiểu nói “đánh lưới người” mà Ngài sẽ trao phó cho các môn đệ và Giáo Hội mà Ngài sẽ thiết lập; trở thành ngư phủ đánh lưới người có nghĩa là tham dự vào công trình cứu rỗi của Chúa Giêsu.
Qua mẻ cá lạ lùng, Chúa Giêsu muốn chứng tỏ cho các môn đệ thấy rằng tự sức họ, họ không thể làm được gì. Thánh Phêrô đã ý thức được điều đó: “Chúng con đã vất vả suốt đêm mà không bắt được gì cả”. Thánh Phêrô không chỉ nói lên cái giới hạn bất toàn của con người, mà còn nhận ra thân phận tội lỗi yếu hèn của mình: “Lạy Thầy, xin tránh xa con, vì con là kẻ tội lỗi”.
Ý thức về thân phận ấy và sống cho đến cùng thân phận ấy là cả một cuộc chiến đấu cam go. Hơn ai hết, thánh Phêrô đã cảm nghiệm được sự yếu đuối mỏng giòn của con người khi chối Thầy; cả cuộc đời ngư phủ đánh lưới người của Phêrô chỉ trở thành hữu hiệu với ý thức ấy. Càng thấy mình yếu hèn, con người càng sống gắn bó với Chúa; càng thấy mình vô dụng, con người càng trở nên hữu hiệu trong quyền năng của Chúa. Ra đi tản mát khắp nơi để trở thành ngư phủ đánh lưới người, tất cả các môn đệ đều nhớ lại bài học của mẻ cá lạ ấy và tâm niệm lời Chúa Giêsu: “Không có Thầy, các con không làm được gì”.
Chúa Giêsu tỏ ra rất tế nhị với Simon. Người không nhận định gì về tình trạng tâm hồn của ông, Người không khuyến cáo; trái lại Người để cho ông làm một hành vi đức tin. Kết quả là Simon nhận ra sự cao cả, sự tốt lành và quyền lực của Chúa Giêsu, nên ông đã dễ dàng, như theo bản năng, từ bỏ các tội lỗi của ông. Khi đó, ông trở nên hoàn toàn tự do, ông có thể hiểu lời mời gọi của Người. Lời mở đầu: “Đừng sợ!” chứng tỏ sự can thiệp của Chúa Giêsu mang màu sắc một cuộc thần hiển thực thụ. Lời hứa của Chúa Giêsu: “Từ nay, anh sẽ là người thu phục người ta như bắt cá” được thêm vào kinh nghiệm mà Simon đã có về tính vững chãi của lời Chúa Giêsu nói. Simon nhận biết Chúa Giêsu như là Đấng muốn người ta đón tiếp Tin Mừng. Trong một cách thức chưa rõ mấy, Chúa Giêsu cho ông hiểu rằng ông phải tham gia vào lối hành động này, nhưng luôn dựa vào quyền lực của Người.
Qua sự kiện mẻ cá lạ lùng, Chúa Giêsu dẫn chúng ta đi từ ngạc nhiên này đến ngạc nhiên khác. Người ngư phủ lão luyện là Phêrô lại vâng lời một bác thợ mộc để thả lưới dù suốt đêm hôm trước vất vả chẳng bắt được gì. Lạ hơn nữa là việc Phêrô vâng lời Thầy thả lưới đã đem lại kết quả nằm mơ cũng không thấy: cá nhiều đến nỗi lưới hầu như rách, hai chiếc thuyền đầy khẳm muốn chìm. Không chỉ dừng lại ở sự kiện lạ lùng đó, Ngài muốn đưa Phêrô và các môn đệ đi xa hơn nữa, đó là Ngài muốn các ông đi “thả lưới bắt các linh hồn”. Lời đầy quyền năng của Đức Kitô không chỉ làm các môn sinh “tâm phục khẩu phục” mà vâng lời Thầy một cách hoàn toàn tin tưởng phó thác, mà còn đi xa hơn, vượt lên trên những giới hạn của trần thế này để đáp lại những đòi hỏi của Nước Trời.
Khi biết nhìn đến lòng thương xót của Thiên Chúa đối với chúng ta, quyền năng cũng như lòng tốt của Ngài, chúng ta mới nhận ra sự nghèo nàn và cần ơn cứu độ của chúng ta. Simon đã nhân ra điều đó, ông không sợ hãi gì nữa; cho dù kẻ khác có nghĩ ông là một kẻ tội lỗi, điều này cũng quan hệ gì. Ông đã bước được một bước quyết liệt trong việc giải phóng bên trong. Đức Giêsu đã đào tạo môn đệ bằng phương tiện là những bước nhảy trong đức tin và bằng cách làm cho người ấy biết quyền lực thần linh của Người. Con thuyền của Phêrô chính là Hội Thánh. Chúa Giêsu vẫn tiếp tục dạy chúng ta trên chiếc thuyền này, dọc theo dòng các cuộc cử hành Phụng vụ, và nhất là trong Bí Tích Thánh Thể.
Chính Thiên Chúa ban ơn gọi cho loài người. Mọi người phải bỏ mọi sự mà đáp trả quảng đại. Như thế là thực hiện một bước điên rồ, nhưng chính bước điên rồ này làm nên con người. Simon đã thực hiện sự từ bỏ này khi thả lưới trái với kinh nghiệm thông thường, rồi sau đó, khi bỏ mọi sự mà bước theo Chúa Giêsu. Nhờ dám “đánh liều cuộc đời”, Simon trở thành người mà Thiên Chúa nhắm khi cho ông xuất hiện trong cuộc đời. Trong gia đình Kitô hữu, giáo dục con cái biết sống quảng đại là cách thức tốt nhất để chuẩn bị cho con cái sống quảng đại, để nhờ đó, chúng thực hiện được chương trình của Thiên Chúa.
Ta thấy ngư phủ Phêrô sẽ có một thị kiến giống ngôn sứ Isaia: ông sẽ được thấy một điều đáng kinh ngạc. Thị kiến và ơn gọi của Phêrô đến từ lời nói của Chúa Giêsu và kết quả của Lời ấy là một mẻ lưới đầy cá. Phêrô sẽ làm như Isaia và Giêrêmia khi các ông nghe được tiếng mời gọi. Ông trở nên sợ hãi trước Đấng phán ra lời có thể làm cho lưới đầy cá. Ông nhận thấy sự hiện diện phi thường và sức mạnh thánh thiêng của Chúa Giêsu và thấy mình bất xứng. Chúa Giêsu lại lên tiếng một lần nữa: Người mời gọi Phêrô hãy đánh cá kiểu mới. Từ nay trở đi, ông sẽ rời mắt khỏi lòng biển, luồng gió và thời tiết để quan tâm đến những người ông sẽ gặp gỡ và sẽ thấy những cơ hội để mang về cho Chúa Giêsu nhiều môn đệ hơn nữa. Ơn gọi của Phêrô không làm cho ông bớt bất xứng, nhưng nếu ông chú tâm lắng tai nghe lời của Đấng đang mời gọi ông, ông sẽ trở thành kẻ “thu phục người ta cho Chúa”
Lời Chúa hôm nay mời gọi chúng ta tin tưởng nhìn vào tác động của Chúa qua Giáo Hội. Ngài vẫn hiện diện trong con thuyền Giáo Hội, và ngoài mọi suy nghĩ, tính toán của chúng ta, Ngài vẫn tiếp tục thực hiện những điều cả thể, ngay cả những lúc Giáo Hội tưởng mình bị bó tay không làm được gì. Lời nhắn nhủ của Ðức Hồng Y Etchegaray đáng cho chúng ta suy nghĩ: Người ta dễ chú ý đến tiếng động của cây rừng ngã đổ, mà lại quên đi âm thanh nhỏ bé của những mầm non đang mọc lên.