Sứ điệp của Đức Thánh Cha ở Canada cũng dành cho châu Á
Sứ điệp của Đức Thánh Cha ở Canada cũng dành cho châu Á
Đức cha Thomas Menamparampil, nguyên Tổng Giám Mục Guwahati, thuộc bang Assam, đông Ấn Độ, nơi Kitô giáo có một lịch sử lâu đời gặp gỡ với các bộ lạc địa phương nhận định: “Sứ điệp của Đức Thánh Cha ở Canada trong chuyến tông du thống hối vừa qua cũng là lời mời gọi dành cho châu Á”.
Đức cha Thomas nói Đức Thánh Cha Phanxicô đang cho chúng ta một mẫu gương và khiến chúng ta phải suy nghĩ. Bởi vì mặc dù dưới những hình thức khác nhau từ quá khứ thực dân, ngày nay “những kiểu huỷ diệt xã hội và sự vô cảm mới” đang xuất hiện trong xã hội của chúng ta, ảnh hưởng đến các nhóm thiểu số và các nhóm dễ bị tổn thương.
Đức cha thật sự xúc động khi chứng kiến Đức Thánh Cha mặc dù sức khoẻ giới hạn nhưng đã ưu tiên thực hiện “cuộc hành hương thống hối” ở Canada. Ngài đến đó để xin các cộng đồng bản địa tha thứ cho thái độ cứng rắn của nhiều Kitô hữu đối họ trong thời thực dân. Chắc chắn rằng, sự tàn nhẫn đối với các cộng đồng bản địa châu Mỹ lúc bấy giờ vẫn là một trong những chương đau đớn và nhục nhã nhất trong lịch sử nhân loại. Đức Thánh Cha đã xin tha thứ với “sự xấu hổ và đau đớn sâu sắc” thay mặt cho tất cả chúng ta, những người đã tỏ ra vô cảm trước những đau khổ của những cá nhân và cộng đồng yếu đuối hơn trong nhiều bối cảnh khác nhau cho đến ngày nay. Ngài đang cho chúng ta một mẫu gương khiến chúng ta phải suy nghĩ.
Về vấn đề này tại Ấn Độ, Đức cha nói: “Chúng tôi phải cảm phục các cộng đồng đã học cách tự phê bình. Chúng ta hãy kêu lên ‘Không bao giờ như thế nữa’, nhưng trong những tình huống gần chúng tôi, chúng tôi nhận thấy sự hà khắc đối với ngời Dalit, những người thiểu số và những người yếu đuối nhất. Những hình thức nghèo cùng cực mới nảy sinh, những kiểu hủy diệt xã hội mới với những hình thức tàn nhẫn và vô cảm hơn. Những điều này không còn xảy ra dưới danh nghĩa các cuộc chinh phục thuộc địa hoặc lợi ích của đế quốc, nhưng là để đạt được kết quả kinh tế hoặc để trở thành người chiến thắng trong các cuộc chiến thương mại. Đôi khi, chúng ta phải cúi đầu bày tỏ ‘sự xấu hổ và đau đớn sâu sắc'”.
Về phần Giáo hội ở Ấn Độ, Đức cha cho biết Giáo hội ở vùng đông bắc Ấn đã dành rất nhiều thời gian để phục vụ các cộng đồng bản địa, giúp họ thoát khỏi sự cô lập và cung cấp cho họ một nền giáo dục cho phép họ tìm thấy một vị trí mới trên thế giới nhưng không làm suy yếu bản sắc của họ. Tuy nhiên, thật không may, ngày nay “văn hóa chủ nghĩa cơ hội” đang áp đặt lên họ từ các nhóm thống trị trong một bầu khí không lành mạnh, nhằm làm suy yếu ý thức cộng đồng, liên đới và trách nhiệm xã hội truyền thống của họ. Đó sẽ là một thách đố lớn đối với Giáo hội trong việc thuyết phục các nhà lãnh đạo chống lại mối nguy hiểm này.
Ngọc Yến