SỐNG HƯỚNG LÒNG VỀ TRỜI
12.5 Chúa Nhật thứ Bảy Mùa Phục Sinh
Cv 1:15-17,20,20-26; Tv 103:1-2,11-12,19-20; 1 Ga 4:11-16; Ga 17:11-19
SỐNG HƯỚNG LÒNG VỀ TRỜI
Giáo hội long trọng cử hành mầu nhiệm vinh quang Chúa lên trời. Thực sự , Chúa đã lên trời vinh quang ngự bên hữu Cha Ngài ngay khi sống lại mà ta không cảm nghiệm được. Ngày lễ hôm nay kết thúc cuộc sống trần gian của Đức Giêsu trước sự chứng kiến của các môn đệ. Đức Giêsu lên trời không có nghĩa là Ngài rời bỏ chúng ta, trái lại, Ngài còn hiện diện hơn lúc nào hết giữa chúng ta ngay từ hôm nay :”Thầy sẽ ở lại với các con mọi ngày cho đến tận thế”.
Chúa về trời nhưng Ngài muốn Giáo hội – là cánh tay nối dài của Ngài – tiếp nối công cuộc cứu chuộc của Ngài cho đến ngày tận thế. Nếu Chúa nói với các môn đệ ngay vào lúc từ giã họ :”Các con hãy là những chứng nhân của Thầy cho toàn thế giới”(Cv 1,8) thì ngày nay Giáo hội cũng phải là chứng nhân trung thành của Ngài trong việc rao giảng Tin mừng, đem Chúa đến cho mọi người mọi nơi.
Ngoài ra, Thánh lễ hôm nay cũng nhắc nhở chúng ta hướng lòng về trời là quê hương của chúng ta, nơi mà Chúa Giêsu đã dọn sẵn và đang đón chờ chúng ta. Nhưng muốn về trời ta phải cố gắng sống đời chứng nhân cho tốt và chu toàn nhiệm vụ của mình theo thánh Chúa.
Chúa Giêsu lên trời, điều đó dạy cho chúng ta biết ngoài cõi đời này còn có một nơi chốn khác. Ngoài cuộc sống này còn có một cuộc sống khác. Ngoài những giá trị đời này còn có những giá trị khác. Con cá sinh ra trong con lạch nhỏ, rồi xuôi dòng nước ra sông lớn, nhưng mùa xuân đến, nó lại về nguồn như là trở về dòng sông quê hương. Con chim làm tổ trên kia, mùa đông nó vỗ cánh bay cả ngàn dặm về phương nam, nhưng khi xuân đến, nó lại tìm về tổ ấm ngày xưa. Làm sao các con vật đó biết đường quay về, trong khi chẳng có bản đồ, không người hướng dẫn? Vì Thiên Chúa đã đặt vào lòng chúng, con đường trở về. Và Ngài cũng không quên đặt vào lòng mỗi người chúng ta con đường cuộc sống và con đường trở về quê trời.
Trời không phải là một nơi chốn xác định, là một không gian vật lý có thể cân đo đong đếm. Nhưng trời là Thiên đàng, là chính sự sống của Thiên Chúa Ba Ngôi, là chính Thiên Chúa Ba Ngôi.Lên trời không phải là bay bổng lên không gian, nhưng là chuyển đổi cấp độ sự sống, là bước vào sự sống siêu nhiên của Thiên Chúa. Lên trời không phải là vắng mặt, là xa cách nhưng lại là một hiện diện vô cùng phong phú, vô cùng mãnh liệt, ở bên cạnh tất cả mọi người, ở mọi nơi và ở mọi thời.
Chúa Giêsu lên trời, một cuộc tạm biệt chứ không ly biệt. Chia tay để rồi sẽ gặp lại nhau trong một tương quan mới.Chúa về trời gợi lên trong tâm hồn chúng ta một khát vọng quy hướng về Người và như thế đối với chúng ta không còn hạnh phúc nào lớn hơn là được ở trong Người, đón nhận sự sống sung mãn Người ban tặng. Nhận thức được niềm hạnh phúc ấy, đời sống cầu nguyện của chúng ta sẽ có một sự thú vị ngọt ngào. Nơi thiên cung, mọi đau khổ, bệnh tật, chiến tranh, khủng bố không còn nữa. Ở đó chỉ có thanh bình, công bằng, và hạnh phúc viên mãn, nhân phẩm và nhân vị con người hoàn toàn được phục hồi trong ánh sáng phục sinh của Chúa Kitô. Từ nay trở đi, Chúa Kitô Phục Sinh sẽ hiện diện trong lòng con người, trong tâm hồn tất cả những ai tin vào Người.
Chúa Giêsu lên trời, đưa mọi người về trời với Người vì chúng ta là những chi thể trong thân thể mầu nhiệm của Người. Thánh Phaolô trong bài đọc (x.Ep 1,17-23) đã nói, Giáo hội là Hiền thê của Chúa Giêsu, Người là đầu và chúng ta là những chi thể. Khi Chúa Giêsu về trời là mỗi người cũng được chia sẻ thần tính của Người, đi vào một tình trạng kết hợp hoàn toàn mới mẻ với Người. Điều này không phải chỉ xảy ra sau khi ta chết, nhưng có thể thực hiện ngay trong đời sống trần thế như đời sống của nhiều tín hữu đã chứng minh: thánh Phaolô được đưa lên tầng trời thứ ba (x. 2Cr 12,2). Nhiều vị thánh như Phanxicô Assidi, Gioan Thánh Giá, Catarina de Sienna… cảm nghiệm trời trong những lần xuất thần; còn thánh Têrêsa Calcutta lại thấy trời giữa lòng xã hội với những con người khốn khổ, bệnh tật.
Tuy nhiên, trời không phải xây dựng trong mây trong gió, nhưng được xây dựng trong cuộc sống trần gian. Trời không phải là cõi mơ mộng viển vông, nhưng đã bắt đầu ngay trong thực tế cuộc đời hiện tại.
Chính vì thế mà hai thiên thần áo trắng đã bảo các môn đệ đừng đứng nhìn trời mãi làm chi, nhưng phải trở về mà lo chu toàn nhiệm vụ.
Chính vì thế mà trước khi lên trời, Chúa căn dặn các môn đệ hãy đi làm việc cho Nước Chúa. Sống và làm việc ở trần gian, đó là một nhiệm vụ phải chu toàn. Hoàn thành nhiệm vụ ở trần gian, đó là điều kiện để đạt tới hạnh phúc nước trời.
Chính Chúa Giêsu cũng đã chu toàn nhiệm vụ ở trần gian rồi mới lên trời. Nhiệm vụ đó là đi gieo Tin Mừng khắp nơi. Đi đến đâu là thi ân giáng phúc đến đó. Đi đến đâu là làm cho hạt yêu thương nảy mầm lên màu xanh sự sống đến đó.
Chúa Giêsu lên trời, mở ra sứ vụ mới cho các Tông đồ. Đó là khai trương công cuộc truyền giáo toàn cầu với lệnh truyền: “Anh em hãy đi khắp tứ phương thiên hạ, loan báo Tin mừng cho mọi loài thọ tạo”. Nội dung của việc truyền giáo được chỉ định rõ ràng: “Làm cho muôn dân trở thành môn đệ của Thầy. Làm phép rửa cho họ.Dạy bảo họ tuân giữ những điều Thầy truyền cho anh em”. Bảo chứng cho sứ vụ truyền giáo là: “Có Chúa cùng hoạt động với các ông, và dùng những dấu lạ kèm theo mà xác nhận lời các ông rao giảng”. Nhờ việc sai đi và uỷ quyền cho các Tông đồ, qua các Tông đồ rồi đến các môn đệ, Chúa Giêsu trở thành người sống đương thời với chúng ta “và đây, Thầy ở cùng anh em mọi ngày cho đến tận thế”.