Sinh Nhật Của Gioan Tẩy Giả
23 20 Tm Thứ Năm Tuần IV Mùa Vọng.
(Tr) Thánh Gio-an thành Ken-ty (Kęty), Linh mục.
Lc 1, 57-66
Sinh Nhật Của Gioan Tẩy Giả
Chúng ta biết đến thánh Gioan Kenty như là một con người thánh thiện và học thức, Ngài vừa là một giáo sư đại học lừng danh, vừa là một ân nhân của người nghèo.
Có một truyền thuyết rất đẹp về lòng bác ái của thánh nhân. Một người nghèo ăn xin ở cửa phòng ăn. Mỗi người có đúng phần mình, nhưng Gioan đã lấy trọn phần mình cho người bất hạnh. Từ đó, phần của người ăn xin được dành riêng. Công thức “người nghèo đến” được đáp ứng lại bằng “Chúa Kitô đến”. Gioan Kenty còn đưa chính áo choàng của mình cho người bị lạnh lẽo.
Là bậc thầy về đức ái, Ngài cũng rất vui tươi. Một lần, được những người quí phái mời, Ngài đến với y phục rất khiêm tốn của mình và bị đầy tớ chủ nhà xua đuổi. Thay bộ đồ khiêm tốn ấy đi Ngài được mời vào tiệc. Chẳng may, một người giúp việc vụng về làm rớt đồ ăn vào đó. Ngài nói : – “Này, chính nhờ bộ áo mà tôi được ở đây, thế là nó cũng được quyền nếm nước chấm nữa”.
Tinh thần và bác ái đi đôi quá chân thật có một không hai. Ngày kia, khi đi Roma, Ngài bị bọn cướp bóc lột, Ngài nói với họ là không còn gì nữa. Nhưng sau đó Ngài thấy tiền trong áo kép. Ngài vội đuổi theo họ, thú nhận mình ăn cắp và đưa cho họ số tiền này. Lịch sử kể lại rằng, bon cướp đã hối cải ngay.
Kenty, quê hương của Gioan gần Cracovia, là nơi Ngài theo học và đạt bằng tiến sĩ triết học lẫn thần học, Ngài thụ phong linh mục. Giữ ghế tại đại học, Ngài nói tiếng Latinh và tiếng Balan.
Khi cần thiết, Ngài chỉ tranh luận trong tinh thần bác ái bao dung. Trả lời cho những nhục mạ của đối phương, Ngài chỉ biết nói: “Tạ ơn Chúa”. Để vượt qua mọi cực nhọc, thử thách, Ngài tự nhủ: “ráng lên”. Ngài thường nói với học trò của mình : – “Hãy lấy nhẫn nại, dịu dàng và tình yêu làm khí giới để chống lại những quan điểm sai lầm. Thô bạo chỉ hại cho linh hồn và làm hư chính nghĩa”.
Những ghen tương đố kỵ đã làm cho Ngài mất chức đại học và đẩy Ngài vào công việc nặng nhọc tại giáo xứ. Thời gian làm cha sở tại Gracôvia, Ngài đã tỏ ra có một đức bác ái vô bờ, nhưng đại học lại đòi Ngài phải trở về, Ngài lãnh trách nhiệm dạy kinh thánh và tôn giáo cho các công tử Balan. Ngài hành hương Giêrusalem và lắng nghe các lương dân. Khi qua đời vào tuổi rất thọ, sự thánh thiện của Ngài đã lừng khắp nơi Ngài đã đi qua. Thánh Gioan Kenty đã để lại lời kinh rất đẹp này.
“Xin hãy cho chúng con yêu Chúa trên hết mọi sự và yêu mọi người vì Chúa và làm đẹp lòng Chúa trong tâm hồn và trong hành động của chúng con”.
Nhiều người khóc thương Ngài và Ngài được kể như người làm nhiều phép lạ. Nhưng mãi tới năm 1767, Ngài mới được tuyên thánh.
Trong bài đọc của phần Phụng Vụ hôm nay, ngôn sứ Malakia đã tiên báo về một sứ giả có nhiệm vụ dọn đường cho vị Vua trên hết các vua đến thăm Ngài. Sứ giả ấy là Elia: “Này đây, Ta sai tiên tri Elia đến cùng các ngươi trước ngày trọng đại kinh khủng của Ta, người sẽ hoán cải lòng cha ông về lại với con cháu và lòng con cháu trở về cùng cha ông”. Về sau Chúa Giêsu sẽ tỏ lộ cho các môn đệ Ngài biết: “Elia chính là Gioan Tẩy Giả”, và trong bài Tin Mừng thánh sử Luca đã nói gì với sứ giả Gioan này?
Gio-an là một tên bình thường của người Do-thái. Tương tự như những tên Thiên Ân, Thiên Phúc của người Việt, tên Gio-an có nghĩa là ‘Thiên Chúa thi ân’ – ‘Gia vê có lòng tốt, từ bi, nhân từ, độ lượng’. Tuy nhiên, sự kiện khác thường trong việc đặt tên cho Gio-an là vì trong dòng tộc của hai ông bà không ai có tên như thế, mà theo tục lệ người ta sẽ lấy tên ông nội đặt cho đứa trẻ, nhưng vì Da-ca-ri-a đã cao niên và người ta cũng kính trọng ông nên người ta muốn lấy tên ông để đặt cho con, và điều gây ngạc nhiên ở đây là cả hai ông bà đều nhất trí “Tên cháu là Gio-an”. Tại sao? Bởi vì Gio-an chính là tên Chúa đặt cho, mà theo truyền thống Kinh Thánh thì Thiên Chúa đặt tên cho ai thì người ấy thuộc về Thiên Chúa – người được Thiên Chúa chọn.
Tên Gio-an nói lên con người và sứ mạng của ông; bởi chính bản thân Gio-an đã là một quà tặng mà Thiên Chúa ban cách chung cho nhân loại và cách riêng cho ‘đôi bạn già’ Za-ca-ria và Ê-i-sa-bét. Quả thật, Thiên Chúa đã tỏ lòng thương xót với những kẻ có lòng kính sợ người. Người biểu lộ lòng thương xót với Ê-li-sa-bét, giải thoát bà khỏi nỗi tủi nhục không con, vì theo quan niệm Do-thái, người phụ nữ không con là người vô phúc, không đẹp lòng Thiên Chúa, thì nay lòng dạ son sẻ của bà đã được Chúa chúc phúc để từ đây bà có thể ‘ngẩng mặt’ trước hàng xóm láng giềng.
Và cách đặc biệt, Gio-an là người đầu tiên (sau Đức Mẹ) được Chúa thi ân viếng thăm ban ơn cứu độ nên đã “nhảy lên vui sướng trong lòng mẹ” (Lc 1, 44). Gio-an có sứ mạng loan báo lòng thương xót Chúa thi ân cho gian trần, là đã ban chính con của người làm vị Cứu thế đến để giải thoát nhân loại khỏi xích xiềng và bóng đêm tội lỗi – Ông là vị tiền hô dọn đường cho Đấng Cứu tinh và rất xứng đáng với lời ngợi khen của Đức Giê-su: “Trong số phàm nhân đã lọt lòng mẹ, không có ai cao trọng hơn ông Gio-an” (Lc 7, 28).
Gio-an đã sống trọn vẹn và hoàn tất sứ mạng Thiên Chúa trao cho ông. Ông đóng vai trò của một ‘tiếng kêu’ để giúp nhân loại đón nhận Lời của Thiên Chúa. Ông mời gọi con người tỏ lòng sám hối, từ bỏ nếp sống tội lỗi cũ đầy những gian tham, mưu mô, gồ ghề, lươn lẹo để sống công bình, chính trực, bác ái, yêu thương (Lc 3, 4 – 14). Ông giới thiệu Đấng Mê-si-a cho con người và tự mình rút lui vào bóng tối; Ông đáp lại với những người đối chất và thắc mắc xem ông có phải là Đấng Mê-si-a hay không: “Có Đấng đến sau tôi nhưng trổi vượt hơn tôi, tôi không xứng đáng xách dép cho người” (Lc 3, 15 – 16)….
Mỗi người chúng ta đều có sứ mạng để hoàn thành trong cuộc đời. Cái tên đẹp chỉ có ý nghĩa khi người ta sống đẹp. Tên bạn là Bảo Ngọc ư? Bạn hãy sống sao cho tha nhân có thể cảm nghiệm bạn là viên ngọc quí. Bạn là Hương Lan ư? Bạn hãy sống sao để hương thơm đức độ được lan tỏa…. Ngày nay nếu theo dõi tin tức trên báo chí hay mạng truyền thông, chúng ta có thể thấy có những tội phạm hình sự có những tên rất hay, như tên giết người Thanh Bình, tên cướp Đức Độ…. Chắc hẳn khi đặt tên cho con cha mẹ không bao giờ muốn con mình trở nên những con người như thế. Tuy nhiên, mong ước vẫn là mong ước, nhưng nếu cha mẹ không quan tâm giáo dục con cái trở nên những con người tài đức mà chỉ nuông chiều quá độ, không biết dạy con sống theo lương tâm ngay chính hay thậm chí làm gương xấu cho con thì chính cha mẹ đã không hoàn thành sứ mạng của mình, đồng thời cũng không thể cho con mình một tương lai tốt đẹp được.
Chẳng khác gì người Việt Nam chúng ta, người Do Thái cũng sống tình bà con láng giềng rất thắm thiết. Nghe Elizabeth sinh hạ con trai, bà con láng giềng liền đến giúp đỡ và chia sẻ niềm vui cùng với gia đình Zacharia. Ðến ngày thứ tám, lúc làm lễ cắt bì và đặt tên cho con trẻ cũng có sự hiện diện của họ. Họ muốn lấy tên Zacharia mà đặt tên cho con trẻ chứ không phải là Gioan. Gioan hay Giokhanan tiếng Do Thái có nghĩa là “Thiên Chúa thương xót”.
Vì sự chào đời của Gioan là một biểu lộ lòng thương xót của Thiên Chúa, cách riêng cho Zacharia và Elizabeth, vì Thiên Chúa đã cất đi sự tủi nhục bấy lâu đè nặng trên người đàn bà son sẻ và cách chung cho toàn thể gia đình nhân loại. Vì hôm nay đã xuất hiện vị sứ giả để dọn đường cho vị Vua trên hết các vua đến thăm dân Ngài, một niềm vui mà đã mấy ngàn năm gia đình nhân loại ngóng chờ. Chắc chắn những người hiện diện đều biết chữ Gioan hay Giokhanan có nghĩa là “Thiên Chúa thương xót”.
Tuy nhiên, họ lại không hiểu được lòng thương xót của Thiên Chúa nên đã từ chối không chịu nhận tên Gioan cho con trẻ. Họ không hiểu vì tâm trí của họ đang bị ràng buộc bởi những suy nghĩ của trần thế, quá lệ thuộc vào các tập quán cổ xưa. Vì thế, họ không còn cảm nhận được giá trị của lòng thương xót Thiên Chúa ban xuống cho con trẻ và gia đình: “Không ai trong họ hàng bà có tên này”.
Con người cứ nhắm mắt đưa chân theo những vết xưa cũ ấy nên họ chẳng nhận ra được những thực tại trước mắt, không biểu lộ được ý nghĩa của công việc họ đang tham dự. Ðến chung vui vì Thiên Chúa đã xót thương, thế mà họ lại không chịu tuyên xưng lòng thương xót của Ngài.
Với Zacharia cũng thế, lý luận mang tính cách trần thế đã khiến ông không tin nhận lòng thương xót của Thiên Chúa đang được ban xuống cho gia đình ông. Vì thế mà ông đã phải lãnh nhận hình phạt là bị câm. Chỉ khi ông đã quyết định đặt tên cho con trẻ là Gioan, tức là khi ông tuyên xưng lòng thương xót của Thiên Chúa thì lúc đó ông mới được tha khỏi hình phạt, và cũng là lúc ông chúc tụng ngợi khen lòng thương xót của Thiên Chúa.
Thật thế, trong cuộc đời có lẽ không có gì làm buồn lòng con người cho bằng đi làm ơn mà chỉ được lãnh nhận thái độ lãnh đạm, thờ ơ và cũng chẳng có gì đáng trách cho bằng thái độ vô ơn. Nếu trong dân gian có những câu nói diễn tả lòng dạ ác độc như cầm thú thì về phương diện biết ơn, thú vật đôi lúc lại được xếp hạng trên con người: “Cứu vật vật trả ơn. Cứu nhân nhân trả oán”.
Trong những ngày cuối cùng của Mùa Vọng để chuẩn bị mừng kính mầu nhiệm Ngôi Hai xuống thế làm người, một mầu nhiệm diễn tả lòng thương xót vô biên của Thiên Chúa đối với gia đình nhân loại.
Ước mong rằng mỗi người trong chúng ta kiểm điểm lại tâm tình biết ơn của mình. Có thể chúng ta không cố tình quên ơn nhưng trong thực tế chúng ta lại sống như những người vô ơn. Tuy nhiên, như những người láng giềng của gia đình Zacharia, thì qua cách suy nghĩ trần tục, các thành kiến hẹp hòi, các thói quen ích kỷ đã vây phủ lấy chúng ta, làm cho chúng ta bị mờ tối nên chẳng nhận ra lòng thương xót của Thiên Chúa hằng bao bọc chúng ta cũng như tình thương của người anh em đang tặng ban cho chúng ta. Nhưng khi nhận ra lòng thương xót ấy thì chúng ta cũng như Zacharia là thốt lên lời chúc tụng và ngợi khen.