Sáu ý tưởng khích lệ người cao tuổi của Đức Thánh Cha Phanxicô
Sáu ý tưởng khích lệ người cao tuổi của Đức Thánh Cha Phanxicô
Trong suốt triều đại giáo hoàng, Đức Thánh Cha Phanxicô thường nhắc đến vai trò quan trọng của người cao tuổi trong xã hội của chúng ta. Đối với ngài, tuổi già là một chủ đề thiết yếu nên vào tháng 01. 2021, ngài đã thiết lập Ngày Thế giới dành cho Ông bà và Người cao tuổi, được cử hành hàng năm vào Chúa nhật thứ tư của tháng Bảy. Khi đó, Đức Thánh Cha giải thích rằng ngày này được cử hành “gần với lễ Thánh Gioankim và Anna, ông bà của Chúa Giêsu” mừng kính vào ngày 26.07.
Năm nay, Ngày Thế giới dành cho Ông bà và Người cao tuổi lần thứ III sẽ được cử hành vào Chúa nhật ngày 23.07. Nhân dịp này, trang mạng Aleteia tóm tắt một vài ý tưởng đầy sức thuyết phục của Đức Thánh Cha Phanxicô về người cao tuổi.
1. Ông bà và người cao tuổi là nguồn lực phong phú đối với người trẻ
Trong một sứ điệp video được công bố hôm mồng 04.05.2023 dành cho người trẻ chuẩn bị cho Đại hội Giới trẻ Thế giới năm nay tại Lisbon, Đức Thánh Cha Phanxicô đã đề cao người cao tuổi: “Để chuẩn bị tốt, các con hãy hướng về cội nguồn của mình. Hãy cố gắng dành thời gian cho những người cao niên […] Nói chuyện một chút với ông bà. Ông bà sẽ cho các con sự khôn ngoan”.
Sự tương tác giữa các thế hệ là một cách thế để người trẻ bảo tồn cội nguồn là một ý tưởng chủ đạo của Đức Thánh Cha về người cao niên. Trong sứ điệp nhân Ngày Thế giới dành cho Ông bà và Người cao tuổi lần thứ I, Đức Thánh Cha nói: “Ơn gọi của chúng ta ngày nay, ở tuổi của chúng ta là gì? Gìn giữ cội nguồn của mình, trao truyền niềm tin cho lớp trẻ và chăm sóc các trẻ nhỏ. Đừng bao giờ quên điều này”.
Ơn gọi này bao gồm nhiều trách nhiệm khác nhau liên quan đến người trẻ, kể cả việc chia sẻ với người trẻ những ký ức không vui, chẳng hạn như “ký ức đau thương của chiến tranh” để đảm bảo rằng họ có thể ghi nhớ những bi kịch của lịch sử nhằm “xây dựng một thế giới nhân văn và hiếu khách hơn”.
Ngoài ra, với bề dày kinh nghiệm, những người cao niên có thể giúp người trẻ tìm được hướng đi đúng đắn trong cuộc đời.
Trong buổi tiếp kiến chung ngày 16.03.2022, Đức Thánh Cha nói:
“Các thế hệ mới mong đợi nơi những người cao niên chúng ta một lời ngôn sứ, mở ra những cánh cửa cho những quan điểm mới bên ngoài thế giới vô tâm của tham nhũng, của thói quen của những thứ đồi bại. […] Ý nghĩa là thế này: trở thành một ngôn sứ về sự thối nát và nói với những người khác: ‘Hãy dừng lại, tôi đã đi theo con đường này và nó không dẫn bạn đến đâu cả! Bây giờ tôi sẽ kể cho các bạn nghe về kinh nghiệm của tôi’. Chúng ta, những người cao tuổi, hãy là những ngôn sứ chống lại tham nhũng”.
“Không có tuổi nghỉ hưu đối với việc loan báo Tin Mừng và truyền lại các truyền thống cho con cháu của anh chị em”.
2. Người trẻ, hãy hướng về những người cao tuổi
Không chỉ người cao tuổi mới có thể là nguồn lực phong phú đối với người trẻ, mà người trẻ cũng có thể là như vậy đối với người cao niên. Đức Thánh Cha nhấn mạnh rằng, cầu nối giữa người trẻ và người già “sẽ là sự chuyển giao sự khôn ngoan trong nhân loại”.
Trong sứ điệp cho Ngày Thế giới Ông bà và Người cao tuổi năm nay Đức Thánh Cha khẳng định “Như Đức Maria đã làm cho bà Elizabeth, Thiên Chúa muốn những người trẻ mang lại niềm vui cho tâm hồn của những người cao tuổi, và rút ra sự khôn ngoan từ những trải nghiệm của họ”.
Trước đó, trong sứ điệp cho Ngày Thế giới Ông bà và Người cao tuổi lần thứ I, Đức Thánh Cha nêu lên vấn đề:
“Ai có thể chắp cánh ước mơ của người già và biến chúng thành hiện thực, nếu không phải là người trẻ? Tuy nhiên, để có được điều này, chúng ta cần phải tiếp tục ước mơ. Ước mơ của chúng ta về công lý, về hòa bình, về tình liên đới có thể giúp những người trẻ chúng ta có những cái nhìn mới; bằng cách này, chúng ta có thể cùng nhau xây dựng tương lai”.
Ngoài ra, những người trẻ cần nhớ rằng nhiều người cao tuổi đang ở một mình và cần sự đồng hành. Trong Ngày Thế giới dành cho Ông bà và Người cao tuổi năm 2021, khi nhiều quốc gia vẫn đang phải trải qua đại dịch COVID-19, Đức Thánh Cha nhắc nhớ những người cao tuổi về những người đã đến thăm họ trong những thời điểm khó khăn này như những “thiên thần” được Chúa sai đến. Ngài “mong sao mọi bậc ông bà và người lớn tuổi, đặc biệt những người lẻ loi nhất trong chúng ta, được một thiên thần thăm viếng!”
Trong một buổi tiếp kiến chung, Đức Thánh Cha cũng khuyến khích các bậc cha mẹ “hãy vui lòng mang con cái của mình” đến với những người cao tuổi.
3. Trong tuổi già, vẫn sinh hoa kết trái
Khi trích dẫn Thánh vịnh: “Trong tuổi già, vẫn sinh hoa kết trái” (92, 15) trong sứ điệp nhân Ngày Thế giới dành cho Ông bà và Người cao tuổi lần thứ II, Đức Thánh Cha Phanxicô nhằm khuyến khích người cao niên tái khám phá vẻ đẹp của tuổi tác. Ngài giải thích: “Chúng ta bị cám dỗ xua đuổi tuổi già bằng cách che giấu các nếp nhăn và giả bộ luôn trẻ trung, mặt khác, dường như chúng ta không thể làm gì hơn ngoài việc sống trong tình trạng vỡ mộng, cam chịu vì không còn ‘trổ sinh hoa trái’”.
Tuy nhiên, Đức Thánh Cha nhấn mạnh rằng tuổi già là thời điểm hoàn hảo để làm chứng cho đức tin, nhất là cho các thế hệ trẻ. Trong một buổi tiếp kiến chung, Đức Thánh Cha nhấn mạnh:
Tuổi già là giai đoạn thích hợp nhất trong cuộc đời để truyền bá niềm vui rằng cuộc sống là bước khởi đầu cho một sự viên mãn cuối cùng. Người cao tuổi là một lời hứa, một chứng nhân của lời hứa. Điều tốt đẹp nhất vẫn chưa tới. Điều tốt nhất vẫn chưa đến: Đây chính là sứ điệp của những tín hữu cao niên.
Đức Thánh Cha gợi ý rằng người cao tuổi có thể làm chứng thông qua sự trợ giúp thực tế hoặc qua lời cầu nguyện, điều mà ngài định nghĩa là “khí cụ có giá trị nhất” mà người cao tuổi có thể sử dụng và “phù hợp nhất” với độ tuổi của họ.
“Tuổi già phải làm chứng cho con cháu rằng chúng là phúc lành. Chứng tá này bao gồm sự khởi đầu của họ – cả tốt đẹp lẫn khó khăn – vào trong mầu nhiệm về đích đến của cuộc đời chúng ta mà chẳng gì có thể tiêu diệt được, kể cả cái chết”.
Đức Thánh Cha đã giải thích như một lời khích lệ rằng,
Được kêu gọi trở thành Giám mục Rôma khi đã đến tuổi nghỉ hưu, tôi có thể nói và nghĩ rằng mình sẽ không làm bất cứ điều gì mới. Như anh chị em biết đó, Chúa là Đấng hằng hữu, Ngài không bao giờ nghỉ hưu.
4. Chấm dứt tình trạng cái chết êm dịu dành cho người cao tuổi và chống lại văn hóa “vứt bỏ”
Khi nói với các nhân viên y tế, Đức Thánh Cha đã mạnh mẽ bảo vệ quyền được sống đối với người già và tố cáo “cái chết êm dịu ngấm ngầm và tiệm tiến”, bao gồm việc tước bỏ sự điều trị y tế thích hợp của họ để “tiết kiệm kinh phí”. Hiện tượng này phản ánh một não trạng phổ quát hơn mà ngài gọi là “văn hóa vứt bỏ”, xem người già như những thành viên không mang lại lợi của xã hội và do đó có thể bị loại bỏ.
Trong buổi tiếp kiến chung ngày mồng 04.03.2015 về gia đình Đức Thánh Cha nói rõ:
“Một nền văn hóa vụ lợi khăng khăng coi người già như một gánh nặng, một “sự phiền toái”. Nền văn hóa này nghĩ rằng người già không những không sản xuất mà còn là một gánh nặng: tóm lại, kết quả của lối suy nghĩ như vậy là gì? Người già phải bị loại bỏ. Thật tồi tệ khi chứng kiến cảnh những người già bị bỏ rơi, đó là một điều xấu xa, đó là một tội lỗi! Không ai dám nói công khai nhưng người ta đã làm điều đó! Thói quen của văn hóa vứt bỏ này là điều thật thấp hèn. Nhưng chúng ta đã quen với việc loại bỏ con người. Chúng ta muốn xoá bỏ nỗi sợ hãi ngày càng tăng về sự yếu đuối và dễ bị tổn thương; nhưng khi hành động như vậy, chúng ta làm tăng thêm nơi người già nỗi lo lắng vì bị đối xử tệ bạc và bị bỏ rơi”.
Đức Thánh Cha cũng đã nhấn mạnh rằng xã hội cung cấp cho người cao tuổi “những kế hoạch chăm sóc, nhưng không phải những kế hoạch của sự hiện hữu” để cho phép họ “sống sung mãn”.
Với Đức Thánh Cha, “Tuổi già quan trọng — và sự xinh đẹp — cũng quan trọng không kém tuổi trẻ”, khi ngài nêu ra rằng tuổi già chiếm 1/3 toàn bộ cuộc đời khi con người ngày càng sống lâu hơn.
5. Tuổi già được dự kiến hướng tới sự viên mãn và cuộc đời không kết thúc bằng cái chết
Trong buổi tiếp kiến chung ngày 10.08.2022, Đức Thánh Cha nhấn mạnh rằng người cao niên có đặc ân được nhìn thấy một cách rõ ràng và đầy niềm vui về đâu là đích đến thực sự của cuộc đời.
“Trong tuổi già, những việc thực hành đức tin, là những điều có thể đưa chúng ta và những người khác đến gần với nước Thiên Chúa, giờ đây đã vượt quá sức lực, lời nói, cũng như sự nhiệt thành của tuổi trẻ và sự trưởng thành. Nhưng chính trong tình trạng ấy, chúng ta có thể cảm nghiệm rõ hơn lời hứa về đích đến chân thật của cuộc đời. Đâu là đích đến chân thật của cuộc đời? Đó là một chỗ trong bàn tiệc với Thiên Chúa, trong thế giới của Thiên Chúa”.
Đức Thánh Cha cũng nhắc nhở những người cao tuổi rằng cái chết không phải là điều đáng sợ.
“Cuộc sống của chúng ta không được tạo nên chỉ để đóng kín trong chính mình, trong một ảo tưởng thành toàn bản thân dưới thế này. Cuộc sống ấy có một đích đến xa hơn, vượt lên trên khỏi cái chết. Quả vậy, nơi chốn bền vững của chúng ta, nơi đến của chúng ta, không ở chốn này, nhưng ở gần Thiên Chúa, ở nơi mà Thiên Chúa cư ngụ vĩnh viễn”.
Mô tả về hành trình đi tới Nước Thiên Chúa, Đức Thánh Cha giải thích:
“Khi nào thì Chúa của tôi đến? Khi nào thì tôi có thể đến đó”? Một chút sợ hãi, bởi vì tôi không biết bước này có ý nghĩa gì, và việc đi qua cánh cửa đó khiến tôi có một chút sợ hãi. Nhưng luôn có bàn tay của Chúa đưa chúng ta tiến về phía trước, và bên kia cánh cửa là bữa tiệc”.
“Sống tuổi già mà Thiên Chúa ban tặng cho chúng ta tự nó đã là một trong những công trình ‘cao cả hơn’ mà Chúa Giêsu nói đến. Thực ra, đây là một nhiệm vụ không được trao cho Chúa Giêsu để hoàn thành: cái chết, sự phục sinh và lên trời của Người đã giúp chúng ta có thể thực hiện được điều đó!”
6. Có rất nhiều mẫu gương trong Kinh thánh truyền cảm hứng cho người cao tuổi!
Trong loạt bài giáo lý về tuổi già từ tháng 02 đến 08.2022, Đức Thánh Cha đã trích dẫn một số nhân vật trong Kinh thánh như là những hình mẫu đầy cảm hứng cho người cao tuổi. Chẳng hạn, Đức Thánh Cha kể lại câu chuyện của bà Naomi và bà Ruth, một bà mẹ chồng lớn tuổi và cô con dâu trẻ của bà, cả hai đều là góa phụ, nhưng nhờ mối tương quan của mình, họ đã giúp nhau vượt qua khó khăn. Cũng vậy, trong sứ điệp nhân Ngày Thế giới dành cho Ông bà và Người cao tuổi năm nay, Đức Thánh Cha đề cập đến chuyến viếng thăm của Đức Maria đến với bà Elizabeth như một ví dụ về “mối dây liên kết người già và người trẻ”.
Một ví dụ khác là Elada, một cụ ông 90 tuổi, đã từ chối giả vờ làm theo sắc lệnh của nhà vua để cứu mạng mình.
“Điểm trọng tâm ở đây là: việc làm ô danh đức tin khi về già, để sống thêm được vài ngày, không thể so sánh với di sản mà người ta phải để lại cho lớp trẻ, cho các thế hệ mai sau. Nhưng ông Elada đã hành xử thật tuyệt vời!”
Hoặc Giuđitha, “một nữ anh hùng trong Kinh thánh” đã đánh bại một kẻ độc tài và sống đến 105 tuổi.
“Giuđitha sớm trở thành góa phụ và không có con cái, nhưng như một phụ nữ lớn tuổi, bà có thể sống một mùa tràn đầy và thanh thản, với ý thức mình đã sống trọn vẹn sứ mạng mà Chúa đã giao phó cho bà […] Khi còn trẻ, bà đã giành được sự kính trọng của cộng đồng bằng lòng dũng cảm của mình. Khi cao niên, bà xứng đáng nhận điều đó bởi sự dịu dàng vốn làm phong phú thêm cho sự tự do và tình cảm của bà”.
Hãy nhớ để cầm lấy Kinh Thánh và mở sách Giu-đi-tha: nó nhỏ, anh chị em có thể đọc nó… khoảng 10 trang, không hơn.
Nt. Anna Ngọc Diệp, OP
Dòng Đa Minh Thánh Tâm