Sám hối và trở về
22.2 Thứ Tư Thứ Tư Lễ Tro
Ge 2:12-18; 2 Cr 5:20-6; Tv 51:3-4,5-6,12-13,14,17; Mt 6:1-6,16-18
Sám hối và trở về
Mùa Chay được mở đầu bằng nghi thức xức tro và một ngày ăn chay kiêng thịt. Có lẽ có nhiều người thắc mắc tại sao ngày xưa người Do-thái rắc đầy tro trên đầu, ngồi cả trên đống tro, mà ngày nay ta chỉ xức một chút ít tro, và tại sao ngày xưa ăn chay trong bốn mươi ngày, mà ngày nay chỉ còn ăn chay có 2 ngày Thứ Tư lễ Tro và Thứ Sáu Tuần Thánh ? Thưa vì Giáo Hội muốn ta càng ngày càng đi vào tinh thần hơn là chỉ giữ hình thức bên ngoài.
Mục đích của Mùa Chay là giúp ta trở về với Chúa và với anh em bằng sám hối nhìn nhận tội lỗi của chính mình. Việc xức tro, ăn chay, cầu nguyện, làm việc thiện, chỉ là những phương tiện.
Xức tro là để tỏ lòng sám hối. Xức nhiều tro mà trong lòng không thật tình sám hối thì có ích gì. Ngày nay, Giáo Hội chỉ dùng một chút tro tượng trưng để nhắc nhớ ta. Xức tro trên đầu không quan trọng bằng xức tro trong tâm hồn. Hãy xức tro vào tâm hồn để ta thấy tâm hồn mình đã ra hoen ố vì tội lỗi. Hãy xức tro vào tâm hồn để ta thấy rõ ta đã bôi tro trát trấu vào khuôn mặt Thiên Chúa, làm lem luốc khuôn mặt Giáo Hội, làm ô danh cho đạo thánh của Chúa. Hãy xức tro vào tâm hồn để ta thấy rõ ta đã làm cho mối quan hệ với tha nhân bị vẩn đục vì những tham vọng, những ích kỷ, những nhỏ nhen của ta. Hãy xức tro vào tâm hồn để lòng ta xót xa, đau đớn, hối hận vì những tội lỗi đã phạm.
Ngày lễ tro như muốn nhắc nhở về thân phận mỏng dòn của kiếp người. Thân phận tro bụi rồi cũng trở về bụi tro. Kiếm tìm công danh sự nghiệp rồi cũng có ngày buông tay để trở về với bụi đất. Vun quén của cải trần gian rồi cũng ra đi với hai bàn tay trắng. Quá mải miết tìm kiếm danh lợi thú để rồi cũng có ngày nuối tiếc khi phải ra trước tòa án để nói lời sám hối muộn màng. Cuộc đời thật vắn nhưng con người lại chẳng vui hưởng hiện tại mà lao công vất vả tìm kiếm những thứ chẳng trường tồn.
Khi nhìn nhận sự mong manh của kiếp người sẽ giúp chúng ta biết sống thanh thoát với cõi trần. Đừng vì danh lợi thú mà làm điều sai trái. Trái với đạo đức. Trái với lương tâm. Đừng tưởng rằng mình trường sinh nên lao đầu vào đại hội trần thế chỉ để bon chen, vui chơi, trụy lạc ; Đừng gieo vào cuộc đời những ngang trái, bất công và tội lỗi.
Khi nhìn nhận thân phận mỏng dòn của kiếp người cũng mời gọi chúng ta hãy đấm ngực ăn năn về những lạc lối của kiếp người. Hãy nhớ rằng “mọi sự là phù vân”, hãy ăn năn trước khi quá muộn, hãy sám hối và sửa lại hướng đi trước khi trở về với bụi đất. Lời bài hát của cha Kim Long như vẫn tha thiết nhắc nhở chúng ta: “Hỡi người hãy nhớ mình là bụi tro, một mai người sẽ trở về bụi tro”.
Giữa dòng đời trôi nổi ồn ào, chúng ta có nguy cơ bị lạc hướng, để mình trôi theo những tham vọng trần tục. “Mùa thuận tiện” đưa chúng ta trở về với Chúa, với tha nhân và với chính mình. Về với Chúa để nhận ra thân phận hèn yếu lỗi lầm, tái lập mối tương giao cha-con với Ngài; về với tha nhân để nhận ra họ là hồng ân Chúa ban tặng (Sứ điệp Mùa Chay 2017); về với chính mình để nhận ra mình đang ở đâu trong cơn lốc cuộc đời, để không bị đánh mất mình trong biển đời hỗn độn mênh mông.
Lời kêu gọi trở về, được ngôn sứ Giôen diễn tả, vừa đanh thép quyết liệt, vừa tha thiết dịu dàng. Đây là một lời “hiệu triệu” thôi thúc con tim mỗi người hãy gác lại những bận rộn âu lo của cuộc sống để thành tâm trở về với Chúa, như một ưu tiên quan trọng của cuộc đời. Lời kêu gọi sám hối được gửi đến mọi người, già trẻ, gái trai, tân lang tân nương, tư tế phục dịch trong Đền thờ. Mùa Chay là mùa thuận tiện đối với hết mọi người chúng ta.
“Hãy xé lòng, đừng xé áo”. Lời ngôn sứ mời gọi chúng ta hãy sống Mùa Chay cách chân thành và hiệu quả, chứ không dừng lại ở những nghi lễ bên ngoài. Hãy can đảm và trung thực đặt mình trước mặt Chúa, nhận ra những thiếu sót của mình để sám hối canh tâm. Đây là mùa thuận tiện giúp chúng ta đến gần Chúa và đến gần anh chị em mình hơn. Mùa Chay cũng giống như mùa cây thay lá, cởi bỏ những tán lá đã già cỗi để nhường chỗ cho những mầm non sẽ mọc lên. Sau mùa lá rụng là mùa đâm chồi nảy lộc. Màu tím của Mùa Chay không chỉ diễn tả lòng sám hối đau buồn, mà còn mang sứ điệp hy vọng vào tình thương của Chúa, Đấng không vui gì khi con người phải trầm luân, nhưng muốn cho mọi người được ơn cứu độ và được sống muôn đời.
Để có thể canh tân đổi mới đời sống cách hữu hiệu và bền bỉ, phải cầu nguyện rất nhiều như lời Chúa dạy. Cầu nguyện âm thầm kín đáo trong lòng, chứ đọc kinh bên ngoài thôi chưa đủ. Rồi phải ăn chay, nghĩa là phải nhịn, không chỉ nhịn ăn mà thôi, có khi còn phải nhịn nói, nhịn thỏa mãn sở thích của mình, kiềm hãm tình cảm nóng giận. Và cuối cùng hãy tập làm việc lành, tập giúp đỡ những người nghèo khổ hơn mình.
Mùa chay là những ngày thánh, vì là thời thuận tiện, là ngày cứu độ. Thiên Chúa lúc nào cũng sẵn sàng ban ơn cứu độ với điều kiện con người phải chuẩn bị tâm hồn để đón nhận. Cùng với Giáo Hội, chúng ta hãy dâng lời cầu nguyên : “Lạy Chúa, xin ban cho chúng con bắt đầu cuộc chiến thiêng liêng này bằng ngày chay tịnh hôm nay. Ước gì những kiêng khem, hãm mình của chúng con giúp chúng con nên dũng mạnh để chiến đấu với sự dữ.
Bước vào Mùa tập luyện chiến đấu thiếng liêng, ba việc nên làm trong Mùa Chay là : Ăn chay, Cầu nguyện và bố thí. Ba việc ấy diễn tả ba chiều kích, ba mối tương quan giữa đương sự với Thiên Chúa và với anh em. Tương quan với Thiên Chúa là cầu nguyện, với tha nhân là bố thí và với chính mình là ăn chay.