Quê Hương Ngược Ðãi Chúa
21.3 Thứ Hai trong tuần thứ Ba Mùa Chay
2 V 5:1-15; Tv 42:2-3; Lc 4:24-30
Quê Hương Ngược Ðãi Chúa
Tin Mừng Thánh Luca miêu tả, hôm nay như thường lệ Chúa Giêsu vào hội đường Do Thái để cầu nguyện và giảng dạy. Não trạng của người Do Thái không chấp nhận hình ảnh về một Đấng Messia như Chúa Giêsu đang khắc họa, một Đấng Messia có nguồn gốc xuất thân từ quê hương của họ. Họ đinh ninh rằng chỉ mình họ là dân riêng của Thiên Chúa, họ không tin nhận ơn cứu độ sẽ dành cho dân ngoại.
Người ta thường nói “Bán anh em xa, mua láng giềng gần”. Một người hàng xóm tốt bụng thì đáng quý như anh em ruột thịt. Thế nhưng trong Tin mừng hôm nay những người láng giềng đồng hương của Chúa Giêsu lại trở thành kẻ đối nghịch.
Thánh Luca thuật lại sau một thời gian giảng dạy ở Caphácnaum, được dân chúng thán phục vì giáo lý mới mẻ kèm theo những phép lạ, Chúa Giêsu trở về thăm Nagiarét nơi Người đã sinh trưởng. Người vào hội đường tiếp tục giảng dạy dân chúng qua đoạn sách của ngôn sứ Isaia. Đoạn sách nói về sứ mạng của Đấng Thiên Sai đến để giải thoát người nghèo khổ bần cùng bị áp bức và công bố cho họ biết năm hồng ân của Chúa. Dân chúng chăm chú lắng nghe và thán phục, nhưng liền sau đó họ phản ứng thách thức và loại trừ Chúa Giêsu.
Với thái độ cứng tin, những người đồng hương coi Chúa Giêsu chỉ là một công dân bình thường xuất thân trong một gia đình lao động tại miền quê nghèo Nagiarét. Đức Giêsu nhắc cho họ biết chuyện xưa ông Êlia không giúp các bà góa ở Israel nhưng đến giúp bà góa sống ở vùng đất của dân ngoại. Cũng vậy ngôn sứ Êlisa chỉ chữa bệnh phong cho ông Naaman xứ Xyria còn các bệnh nhân ở Israel thì không.
Chúa Giêsu nhắc lại số phận của hai vị ngôn sứ quan trọng thời Cựu Ước bị đối xử một cách bất công. Êlia là ngôn sứ lớn nhất trong các ngôn sứ. Chính ông đã xuất hiện cùng Môsê bên cạnh Chúa Giêsu trong lúc Ngài biến hình trên núi Tabo (Lc 9, 28-36). Êlia là người được Thiên Chúa gửi tới phê phán thói hư tật xấu của vua Akháp và vợ là Ideven. Lúc đó vua Akháp đang cai trị vương quốc Israel nhưng vì chiều theo lời vợ, vua đã để bà lộng hành áp đặt dân theo nghi lễ thờ cúng thần Baan (1V 17, 19). Kết cục là Êlia phải chạy trốn vì cơn giận và âm mưu sát hại của bà Ideven. Êlia phải lánh vào sa mạc, Thiên Chúa sai thiên sứ mang bánh và nước tới cho ông. Trải qua rất nhiều thử thách, vâng lời Thiên Chúa, Êlia đã chọn Êlisa làm người kế vị và truyền hết tâm khí cho.
Đến lượt Êlisa cũng chịu một số phận như thầy Êlia. Êlisa xuất hiện như là một ngôn sứ hay làm phép lạ: ông lấy áo đập xuống sông Giođan làm cho nước khô cạn để dân Israel tiến vào Đất Hứa cùng với Hòm Bia Giao Ước. Chính Êlisa đã làm phép lạ hóa bánh ra nhiều từ 20 chiếc bánh lúa mạch và cốm (2V 42-44). Một trong những phép lạ ngoạn mục nhất đó là phép lạ chữa lành bệnh cho ông Naaman, một viên tướng người Xyria (2V 5).
Chúa Giêsu lên tiếng giảng giải cho họ bằng một định đề và hai ví dụ minh họa. Ngài nêu định đề trước : “Không một ngôn sứ nào được chấp nhận tại quê hương mình”. Rồi Ngài lấy hai ví dụ dẫn chứng về hai ngôn sứ lớn Êlia và Êlisa được sai đến với hai người dân ngoại đó là bà góa thành bà goá thành Xarépta miền Xiđon và ông Naaman người xứ Xyria. Định đề và hình ảnh minh họa này đã làm cho đám người Do Thái khó chịu. Họ bực tức vì Chúa Giêsu đã khen dân ngoại ngay trước mặt họ, họ cảm nhận như thể dân ngoại đã được Thiên Chúa ưu đãi hơn chính họ. Họ đã phản ứng, và cách họ phản ứng thật đáng cho chúng ta quan tâm : Họ “đầy phẫn nộ”, “lôi Người ra khỏi thành”, “kéo Người lên tận đỉnh núi”, “để xô Người xuống vực”… Tuy nhiên, Chúa Giêsu đã “băng qua giữa họ mà đi”.
Suy niệm Lời Chúa hôm nay chúng ta dễ dàng nhận ra hai thái độ khi giải quyết một vấn đề cần, mà vấn đề ấy đụng đến một sự thật : – Trước hết là thái độ của đám đông : đám đông đã không chân nhận sự thật, lấy phản ứng của số đông để phủ nhận sự thật và tấn công số ít… Sau là thái độ của Chúa Giêsu : Ngài bình tĩnh bước đi, vượt qua dư luận, mạnh mẽ và tự tin khi sống bằng sự thật.
Thái độ thứ nhất là thái độ của đám đông, một điều hiển nhiên thấy được qua bối cảnh của đoạn Tin Mừng này, rằng “số đông không phải là chân lý”. Những người lãnh đạo tầm thường thì lấy số đông để chứng minh chân lý. Chúa Giêsu đã không làm thế, dọc suốt hành trình sứ vụ công khai, Chúa Giêsu đã nhiều lần chứng minh cho mọi người thấy “số đông không phải là chân lý” : Câu chuyện trong Tin Mừng (Mt 21,12) miêu tả, người ta đem mọi thứ vào đền thờ để bán trong dịp lễ, một mình Chúa Giêsu đã đánh đuổi họ ; Dịp khác, trong Tin Mừng theo thánh Gioan (Ga 8,1-11), khi người ta định ném đá người phụ nữ ngoại tình, một mình Chúa Giêsu bênh vực ; Trước dinh Philatô trong việc xứ án Chúa Giêsu (Ga 18,28-40), một mình Ngài thua thiệt, dùng mạng sống để bảo vệ chân lý toàn vẹn…
Và hôm nay, trước vấn đề Chúa Giêsu trình bày qua định đề : “Không một ngôn sứ nào được chấp nhận tại quê hương mình”, và hai ví dụ dẫn chứng về hai ngôn sứ lớn Êlia và Êlisa được sai đến với hai người dân ngoại ; “số đông không hề có chân lý”, họ nổi đóa và tìm cách xô Chúa xuống vực, họ phản ứng theo cảm xúc bên ngoài mà không dựa vào chân lý. Quả là phi lí khi giải quyết vấn đề dựa vào uy thế, phản ứng, và câu trả lời của “số đông”, trong khi “Số đông không phải là chân lý”.
Thái độ thứ hai là thái độ của Chúa Giêsu, thái độ đáp trả lại đám đông bằng cách “băng qua giữa họ mà đi”. Tin Mừng đã làm cho chúng ta ngạc nhiên, làm sao Chúa Giêsu lại có thể “băng qua giữa họ mà đi” đang khi họ “phẫn nộ”… Chúa Giêsu đã mạnh dạn bước trên dư luận, Ngài không bận tâm phản ứng lại đối phương khi họ đang tức giận. Ngài tự tin vì Ngài giữ bên mình một sự thật toàn vẹn. Ngài không cần phản ứng để bảo vệ sự thật, vì sự thật là chính nó, sự thật tự nó đứng vững và sự thật là toàn vẹn. Nếu mỗi chúng ta sống với sự thật, nếu mỗi chúng ta có sự thật trong lòng, chúng ta có thể như Chúa Giêsu, có thể bước qua bất kỳ đám đông nào và băng qua bất cứ phản ứng thắc mắc nào, để hiên ngang bước đi.
Chúa Giêsu đã đến không phải để lên án loại trừ nhưng để phục vụ, kết nối yêu thương và lấp đầy những hố sâu ngăn cách. Ở một góc phố nào đó, con người vẫn bị bỏ rơi trong nghèo đói cô đơn thì Tin Mừng của Chúa vẫn là lời thúc giục khẩn thiết hãy ra đi trở thành lời yêu thương an ủi và chữa lành cho họ.