QUAN TÂM NGƯỜI KHÁC
Thứ Năm trong tuần thứ Hai Mùa Chay
29.2 Gr 17:5-10; Tv 1:1-2,3,4,6; Lc 16:19-31
QUAN TÂM NGƯỜI KHÁC
Chúa Giêsu đã từng nói với các môn đệ của Người: “Thầy bảo thật anh em, người giàu có khó vào Nước Trời” (Mt 19, 23). Nghe lời này của Chúa và nhìn vào cuộc đời của ông nhà giàu được Thánh Mátthêu thuật lại trong bài Tin Mừng hôm nay, chúng ta thấy lời của Người được ứng nghiệm.
Chúa Giêsu đã dùng một câu chuyện dài để minh họa mối tương quan đảo ngược giữa cuộc sống đời này với cuộc sống đời sau, nhằm mục đích kêu gọi người Do Thái sống theo lời của tổ phụ và các ngôn sứ được ghi lại trong sách Thánh để được hưởng hạnh phúc mai sau. Khi nghe phần đầu của câu chuyện về ông nhà giàu và anh Lazarô nghèo khó trên đây, chắc chắn người Do Thái sẽ nhớ đến lời Chúa Giêsu dạy trong bài giảng về các Mối Phúc Thật, cụ thể là những mối phúc dành cho kẻ nghèo khó, đói khát và khóc lóc. Từ hình ảnh của ông nhà giàu trong âm phủ và anh Lazarô trong lòng tổ phụ Abraham, Chúa Giêsu đưa các thính giả trở về với cuộc sống thực tại ấy. Mượn lời ông Abraham, Chúa Giêsu trách cứ lối sống ương ngạnh của của họ, vì họ không chịu tin vào giáo huấn của ông Môsê và các tiên tri. Họ cứng đầu như thế, thì cho dù người chết sống lại thuyết phục họ, họ cũng sẽ bỏ ngoài tai.
Hạnh phúc đời sau thì ai cũng muốn được hưởng, nhưng gian khổ đời này thì chẳng ai muốn trải qua. Bởi thế, chúng ta thường tìm giải pháp có lợi cho chúng ta hơn hết, chúng ta tìm cách sống như thế nào để được cả đôi đàng, chúng ta trở thành người quá khôn ngoan và cũng quá tham lam, muốn được hưởng hạnh phúc tạm bợ đời này lẫn hạnh phúc đời sau. Lối sống bắt cá hai tay như thế dần dần dẫn chúng ta tới chỗ nhượng bộ hoặc thỏa hiệp với các nhu cầu vật chất của mình, mà coi nhẹ các nhu cầu tâm tình sâu thẳm, đáng ra phải được đáp ứng trước tiên.
Cuộc sống thiêng liêng của chúng ta vì thế mà nghèo nàn đi khi đời sống vật chất của chúng ta có thể dư dật ra. Các giá trị Tin Mừng dần dà bị chúng ta coi nhẹ trong khi những giá trị trần tục lại được chúng ta càng lúc càng tôn vinh.
Cán cân các giá trị cứ thế mà lệch dần đi. Chúng ta trở nên như người giàu có trong dụ ngôn trên đây, chúng ta yên tâm với những gì mình tích góp được, những gì mình sở hữu trong tay. Mãi lo lắng cho mình, lòng chúng ta đông đặc lại, chúng ta không còn quan tâm đến người chung quanh, chúng ta tự thỏa mãn với thế giới khép kín của mình. Thế rồi, có những lúc nào đó, khi lâm bịnh tật, khi gặp tai ương, chúng ta hốt hoảng nhận ra rằng cuộc đời trần thế chỉ là phù vân, chúng ta hối hận ăn năn, chúng ta hứa với Chúa là nếu Chúa giúp chúng ta ra khỏi nguy nan, chúng ta sẽ làm lại tất cả. Thế nhưng ai trong chúng ta đã giữ trọn lời hứa với Chúa? Hết tai ương hoạn nạn, chúng ta có thể quay về với nếp sống cũ. Qua cơn khốn đốn, chúng ta lại chễm chệ leo lên chiếc ghế trang trọng của mình.
Mẹ Têrêxa Calcutta kể lại một câu chuyện thật ấn tượng rằng: có hai bạn trẻ nghe biết các sơ trong dòng của mẹ hàng ngày nấu ăn cho 7 ngàn người, và cung cấp thực thẩm cho khoảng 9 ngàn người. Vì thế, họ đã tặng cho mẹ một số tiền lớn để giúp người nghèo. Khi được hỏi về nguồn gốc số tiền lớn mà các em dâng tặng, các em trả lời:
“Chúng con vừa cưới nhau được hai ngày. Trước ngày cưới, chúng con đã suy nghĩ nhiều. Sau cùng, chúng con quyết định không may đồ cưới, cũng không tổ chức yến tiệc linh đình, và chúng con muốn dùng khoản tiền chi phí cho đám cưới và mua tặng phẩm để cho những người không được may mắn như chúng con”. Khi thấy thế, mẹ phân vân! Hai bạn nói tiếp:
“Vì chúng con yêu nhau, chúng con muốn có cái gì đặc biệt, đẹp đẽ cho nhau. Vì thế, chúng con muốn tặng cho nhau một món quà cưới thật đặc biệt. Chúng con muốn khởi đầu cuộc chung sống của mình bằng một hy sinh mà cả hai đều dự phần vào”.
Ôi một nghĩa cử anh hùng! Vì ở bên Ấn Độ, đám cưới mà không có quần áo cưới cũng như tiệc cưới là một điều nhục nhã và gây tủi hổ cho cả hai gia đình, đàng trai cũng như đàng gái.
Câu chuyện trên đây ngược hẳn với câu chuyện của nhà phú hộ giàu có và Lazarô nghèo khổ!
Nhưng chúng ta cũng thử suy nghĩ xem liệu một cuộc sống giàu có phải chăng là điều không tốt? Ai trong chúng ta lại không muốn được ăn ngon, mặc đẹp và có một đời sống sung túc? Có lẽ chẳng ai muốn sống nghèo khổ, đói rách và bệnh tật như anh Ladarô được thánh Matthêu nhắc đến trong Tin Mừng. Vậy đâu là nguyên nhân khiến ông nhà giàu sau khi chết phải chịu cực hình ở dưới “âm phủ”, nơi mà bị ngăn cách với chốn hạnh phúc bên cạnh tổ phụ Ápraham bởi một vực thẳm lớn.
Câu trả lời chính là cuộc sống của ông khi còn ở trần gian. Ông là người giàu có, sống một cuộc sống xa hoa, yến tiệc linh đình nhưng ông chỉ biết hưởng thụ cho bản thân mà không mở lòng để nhìn đến những người nghèo khổ bên ngoài, cách đặc biệt là anh Ladarô khó nghèo đang nằm ngay trước cửa nhà ông. Có lẽ ông chưa bao giờ bước chân ra khỏi cửa và nếu như ông có đi ra, thì ông cũng không thèm để ý đến anh người nghèo kia. Hoặc giả như ông có để ý tới anh ta, thì ông cũng chưa hề động lòng xót thương anh. Như thế, một lối sống ích kỷ, thờ ơ, lãnh đạm, thiếu tình người đã khiến ông phải chịu cảnh khổ cực sau này.
Chúa sẽ xét xử chúng ta dựa trên cách chúng ta đối xử với anh em đồng loại (x. Mt 25, 31-46). Có thể chúng ta chưa có một cuộc sống xa hoa như ông nhà giàu trong dụ ngôn, nhưng chúng ta cũng đang hưởng một cuộc sống đầy đủ hơn nhiều người xung quanh. “Làm phúc bố thí” là một trong những điều mà Giáo Hội mời gọi tất cả mọi người thực hiện cách đặc biệt trong mùa Chay thánh. Chúng ta hãy chia sẻ và cho đi với tình yêu thương để làm cho những người anh chị em bất hạnh cũng được sưởi ấm tình người, qua đó họ nhận ra Chúa nơi chính chúng ta.
Tin Mừng hôm nay cho chúng ta thấy: giàu không phải là tội, nhưng nó chỉ là cạm bẫy nguy hiểm dễ dẫn đến tội nếu không có lòng bác ái. Ông nhà giàu trong bài Tin Mừng hôm nay đã rơi vào tình trạng tội khi ông vô cảm với người nghèo ngay ở cổng nhà ông. Vì thế, ông đáng phải sa hỏa ngục vì tiền bạc và sự sung túc đã làm cho mắt ông mù lòa, trái tim se thắt, tấm lòng trai cứng và sự dửng dưng đã trở thành tội ác và mất hạnh phúc đời đời…
Lời Chúa hôm nay mời gọi chúng ta hãy có trách nhiệm liên đới với nhau, nhất là với người nghèo, người cô thế, cô thân, không nơi nương tựa… Không bao giờ chúng ta được để cho chủ trương: “Sống chết mặc bay” thường trực trong tâm hồn của mình.