Quan Tâm Ðến Ðiều Cốt Yếu
17.10
Thánh Inaxiô thành Antiôkia, Gmtđ
Rm 1:16-25; Tv 19:2-3,4-5; Lc 11:37-41
Quan Tâm Ðến Ðiều Cốt Yếu
Người ta nghĩ rằng: Thánh Inhaxiô thành Antiôkia chính là đứa trẻ mà Chúa Giêsu đã ôm vào lòng và đặt giữa các tông đồ để làm gương mẫu về lòng trong trắng và đức khiêm tốn Kitô giáo. Vài tác giả còn quả quyết rằng: ngài là đứa trẻ đưa 5 chiếc bánh và 2 con cá cho Chúa Giêsu làm pháp lạ nuôi 500 người ăn. Điều chắc chắn là ngài đã được đặt làm giám mục thứ nhì kế vị Thánh Phêrô tại Antiôkia khoảng năm 68, sau khi Thánh Giám mục Evôda qua đời. Suốt 40 năm cai quản giáo phận, kể cả những năm bị bách hại dưới triều Domitianô, ngài đã tỏ ra là một giám mục gương mẫu về mọi nhân đức.
15 năm bình lặng sau cái chết của bạo vương Domitianô qua đi, cơn bách hại lại nhen nhúm ở vài tỉnh dưới thời Trajanô. Vị hoàng đế cuồng tín này cho rằng: mình đạt được nhiều chiến thắng là nhờ các thần minh. Ông coi việc bách hại các tín hữu Chúa là một nghĩa cử để tỏ lòng biết ơn các thần minh. Tháng giêng năm 107, ông tới Antiôkia. Được biết tại đây có Giám mục Inhaxiô đã không vâng lệnh thờ cúng tượng thần, lại còn ngăn cản người khác, ông truyền điệu ngài tới để xét hỏi. Sau khi đe doạ và dụ dỗ đủ cách mà vô hiệu, ông kết án vị giám mục thánh thiện này phải điệu về Roma cho thú vật xâu xé.
Cuộc hành trình về Roma mang sắc thái một cuộc khải hoàn. Mỗi khi con tàu dừng bến nào, dân chúng đều tuốn đến chào kính vị tử đạo. Nhân dịp này, Thánh Inhaxiô có dịp tiếp xúc với nhiều giáo đoàn và đã viết 7 bức thư cho các Giáo hội. Tuy vậy, chuyến đi không dễ chịu gì. Bọn lính áp giải đã cố tình hành hạ thánh nhân để mong được các tín hữu ngưỡng mộ ngài đút lót tiền bạc.
Ngày 20 tháng 12 năm 107 là ngày cuối cuộc vui cũng là ngày Thánh Inhaxiô tới Roma. Sau khi đọc bức thư của nhà vua, quan tổng trấn truyền đem thánh nhân đến thẳng hí trường. Dân chúng đang tụ họp đông đảo. Ngài lặp lại câu nói đã viết trong trường hợp gửi dân Roma: “Tôi là hạt lúa mì của Thiên Chúa. Tôi cần được răng thú dữ nghiền nát để trở thánh bánh tinh tuyền của Chúa Kitô”. Hai con sư tử gầm rống và bổ tới thánh nhân mà cắn xé. Người ta kính cẩn thu nhặt những khúc xương còn lại và đưa về Antiôkia. Dưới thời Hêracliô, xương ngài lại được đưa về Roma.
Trong bài Tin mừng hôm nay, một ông Pharisiêu mời Chúa đến nhà dùng bữa. Ông ta ngạc nhiên khi thấy Đức Giêsu, một nhân vật được dân chúng kính trọng như một thầy dạy đầy uy quyền, vậy mà không chịu rửa tay trước khi dùng bữa. Thực ra, Chúa chẳng hề quên rửa tay, nhưng Ngài như thể cố ý làm điều đó để dạy cho những người đạo đức giả một bài học. Điều làm cho người ta nhơ bẩn thật sự chính là lòng tham lam, sự độc ác trong cách ứng xử với người khác, chứ không phải chuyện rửa tay hay chuyện lau chén, đĩa bề ngoài. Phái Pharisiêu vốn dĩ bề ngoài rất bóng bảy, sạch sẽ, nhưng trong lòng họ thường ấp ủ nhưng mưu mô tính toan đầy gian tham, cướp bóc đối với những người thấp cổ bé họng trong xã hội.
Chúa nặng lời với ông Pharisiêu không phải là ghét bỏ, đố kỵ gì với ông, nhưng tất cả là vì Chúa muốn ông được hoán cải để trở nên người trong sạch thật sự. Vì vậy, Chúa nêu ra cho ông ta một phương án để tẩy rửa sự ô uế bấy lâu nay trong lòng ông ta: “Tốt hơn, hãy bố thí những gì ở bên trong, thì bấy giờ mọi sự sẽ trở nên trong sạch cho các người”.
Tin Mừng hôm nay cho thấy nhóm Biệt phái ngạc nhiên vì Chúa Giêsu không rửa tay trước khi dùng bữa. Họ ngạc nhiên không phải vì Chúa Giêsu không giữ phép vệ sinh, nhưng vì Ngài không giữ luật định, theo đó, trước mỗi bữa ăn phải rửa tay bằng nước chứa trong các chum lớn bằng đá, với một số lượng nước được quy định và qua một cách thức được ấn định. Dưới con mắt người Biệt phái, người nào không giữ luật này, đó là người không xử sự đúng đắn: chẳng những không giữ vệ sinh, mà còn nhơ bẩn trước mặt Thiên Chúa; không rửa tay trước khi dùng bữa sẽ trở nên đối tượng tấn công của quỉ dữ, dẫn đến nghèo đói vì bị phá sản; và bánh ăn với bàn tay không sạch thì chẳng khác gì phân bón.
Vì những lý do trên và những lý do khác tương tư, sách các Rabbi có ghi những mẫu truyện như sau: Một Rabbi nọ không giữ luật rửa tay trước khi dùng bữa chỉ có một lần, thế mà đến lúc chết đã bị chôn cất như một người bị dứt phép thông công. Một Rabbi khác bị người Rôma giam giữ, đã dùng nước uống cung cấp rất hạn chế cho việc thi hành nghi thức rửa tay trước và trong khi dùng bữa, vì thế đã gần phải chết khát, bởi lẽ ông nhất định thà chết khát hơn là chểnh mảng giữ luật rửa tay.
Quan niệm và tâm thức của những người Biệt phái thời Chúa Giêsu coi các phong tục, tập quán, luật lệ là cốt tủy của việc thờ phượng Thiên Chúa và có giá trị như trọng tâm của tôn giáo, do đó những ý nghĩa cao thượng khác của niềm tin và tôn giáo cũng như những giá trị luân lý quan trọng hơn hầu như bị chôn vùi dưới lớp bụi dầy đặc của những luật lệ rườm rà tỉ mỉ; tâm thức này đưa họ đến việc giữ đạo vụ hình thức. Câu trả lời của Chúa Giêsu hướng con người vào những giá trị bên trong, quan tâm đến điều cốt yếu là sự trong sạch của lương tâm và tâm hồn.
Chúa nói với ông Pharisiêu trong bài Tin mừng hôm nay cũng như đang nói thẳng với mỗi chúng ta: Hãy có lòng bác ái, vị tha và quảng đại trong tư tưởng, lời nói và hành động thì ta mới có được sự trong sạch đích thực để có thể tiếp rước vị khách cao quý là chính Chúa đến thăm ngôi nhà tâm hồn chúng ta.
Lời Chúa hôm nay mời gọi chúng ta duyệt xét lại cách thức và mức độ giữ đạo và hành đạo của chúng ta. Ước gì chúng ta dần dần từ bỏ những cách thức giữ đạo hình thức, để đi vào chiều sâu của việc sống đạo với một lương tâm trong sạch, một tâm hồn quảng đại và ý hướng ngay lành