Phục vụ chứ không phải quyền bính
8.3 Thứ Tư Thứ Tư trong tuần thứ Hai Mùa Chay
Gr 18:18-20; Tv 31:5-6,14,15-16; Mt 20:17-28
Phục vụ chứ không phải quyền bính
Tham quyền cố vị là khát vọng của rất nhiều người. Kẻ chưa có quyền hành thì khát vọng một ngày nào đó sẽ lên nắm quyền. Kẻ nắm quyền trong tay thì cứ muốn ở lại mãi trong cương vị ấy.
Các môn đệ theo Chúa Giêsu cũng ngấm ngầm mang khát vọng ấy. Trên đường lên Giêrusalem cùng Chúa Giêsu, dường như không thể chờ đợi thêm được nữa. Ở trong Tin Mừng theo thánh Mát-cô miêu tả họ đã bộc lộ khát vọng ấy bằng việc đề nghị Chúa Giêsu một cách thẳng thừng: “Lạy Thầy, chúng con muốn Thầy ban cho chúng con điều chúng con sắp xin Thầy”. Ở đây họ cậy nhờ đến thế lực của người mẹ: Bấy giờ bà mẹ của các con ông Dêbêđê đến gặp Chúa Giêsu, có các con bà đi theo; bà bái lạy và kêu xin Người một điều: “Xin Thầy truyền cho hai con tôi đây, một người ngồi bên hữu, một người bên tả Thầy trong Nước Thầy”.
Chúa Giêsu biết lòng dạ các môn đệ, Ngài bảo: “Các người không biết các người xin gì! Các người có uống nổi chén Thầy sắp uống không?” Giacôbê và Gioan, hai môn đệ được coi là thân tín với Chúa Giêsu đã xin được ngồi hai chỗ cao nhất trong vinh quang Nước Chúa. Được xem là thân tín với Chúa Giêsu, thế mà hai ông vẫn không hiểu được con đường của Chúa đi và Vinh quang của Nước Ngài ở đâu. Huống gì trách làm sao được các môn đệ còn lại kia! Vì thế đã gây ra sự tranh chấp giữa các môn đệ về quyền bính, về vai trò của người lãnh đạo.
Vì quá tham quyền mà các môn đệ đã chậm tin trước lời giáo huấn của Chúa Giêsu về cuộc khổ nạn. Chúa đã nói đến lần thứ 3 nhưng các môn đệ vẫn không hiểu. Con đuờng Chúa đi là con đường khổ nạn và là cái chết đau thương trên thập giá. Uy quyền của Ngài là để phục vụ và phục vụ cho đến chết. Suốt đời của Ngài đã sống như một người phục vụ. Và giờ đây, cái chết của Ngài chính là một việc phục vụ cao nhất. Chúa Giêsu sẽ chết như người Tôi Trung trong ngôn sứ Isaia (Is 52,13-53,12). Thầy phải trả giá bằng mạng sống để cứu chuộc muôn người.
Gần tới lễ Vượt Qua, Chúa Giêsu lên Giêrusalem để mừng lễ và đây là lần sau hết của đời Ngài. Trên đường đi, Chúa giáo huấn các ông, mặc dầu các ông không hiểu. Để giáo dục các ông, Ngài làm hai việc: một là loan báo cho các ông biết Ngài sẽ bị nộp vào tay kẻ thù để hiến thân chuộc tội cho loài người; hai là dạy họ bài học phục vụ: “Ai muốn làm đầu thì hãy làm đầy tớ…” và “Con Người đến không phải để được phục vụ, mà để phục vụ và phó mạng sống làm giá chuộc cho nhiều người”. Đức Giêsu cho chúng ta một mẫu gương là khiêm tốn phục vụ và hy sinh vì người khác.
“Nào chúng ta lên Giêrusalem…” Tâm lý của các môn đệ: mặc dầu đã đi theo Chúa gần ba năm, nhưng các môn đệ cũng chưa lĩnh hội giáo lý của Ngài được bao nhiêu. Ngay sau lần thứ ba Chúa Giêsu loan báo cho các môn đệ sự thương khó của Ngài: “Nào chúng ta lên Giêrusalem… Con người sẽ bị nộp cho các thượng tế. Họ sẽ lên án tử Người. Họ sẽ nhạo báng Người, sẽ khạc nhổ vào Người, sẽ đánh đòn và giết Người” (10,32-34), các ông cũng không quan tâm lời loan báo ấy, có lẽ chẳng hiểu gì; hơn nữa đầu óc các ông còn đang mơ tưởng đến vương quốc Chúa Giêsu sắp lập. Như vậy có nghĩa là vào lúc Chúa Giêsu “chọn chỗ chót” thì các ông lại cố “đua nhau” chiếm chỗ tốt hơn: họ vẫn còn mơ mộng về Đấng Cứu Thế vinh quang của dân tộc. Đấng Cứu Thế đối với họ đó là Đấng chiến thắng hiển hách, sẽ dùng quyền lực của mình điều khiển mọi sự.
“Con người đến không phải để được phục vụ…” Câu Phúc âm này nói lên tất cả cuộc sống của Chúa Giêsu: Ngài đã nhập thể làm người để phục vụ và phục vụ cho đến chết. Chẳng những Ngài đã hy sinh phục vụ, mà còn mời gọi những kẻ tin theo Ngài cũng noi gương sống phục vụ như Ngài.
Trong Tin mừng, đây là lần thứ ba Chúa Giêsu nói đến con đường thập giá mà Ngài sẽ trải qua. Nhưng cứ mỗi lần Ngài loan báo về cuộc khổ nạn của Ngài, các tông đồ đều phản ứng ngược lại: trong lần loan báo đầu tiên, Phêrô đã ngăn cản Ngài; lần thứ hai các ông tranh luận với nhau xem ai là người lớn nhất; và lần này thì Giacôbê và Gioan xin được chức tước cao nhất làm cớ cho những người khác trong nhóm Mười Hai phân bì ghen tị.
Theo lẽ thường, con người thích được người khác phục vụ hơn là phục vụ người khác. Người ta thường quan niệm có tiền là có tất cả. Do đó, danh vọng, tiền tài là những điều mà con người dễ bị cám dỗ nhất.
Khi nghe Chúa Giêsu tiên báo về cuộc thương khó, các môn đệ đáng lý ra phải đồng cảm với Thầy của mình. Trước thái độ của các môn đệ, Chúa Giêsu nói: “Ai muốn làm lớn, phải là người phục vụ”.
Chúa Giêsu vốn dĩ là Thiên Chúa nhưng đã hạ mình xuống thế làm người, chịu đóng đinh, chịu chết để cứu rỗi con người. Noi gương Chúa, chúng ta cũng phải biết phục vụ anh em của mình.
Cám dỗ về uy quyền, danh vọng, sung túc… mà các môn đệ thời Chúa Giêsu mắc phải cũng chính là cám dỗ triền miên của mỗi chúng ta ngày nay!
Mùa Chay là mùa mời gọi chúng ta nhìn thẳng vào Thánh Giá Chúa để thấy được tình thương của Chúa Giêsu, thấy được sứ vụ của cuộc đời chúng ta, khám phá ra ý nghĩa của ơn cứu độ ngang qua đau khổ, nhất là khám phá ra sự vĩ đại, sức mạnh phi thường và ơn giải thoát ở sự phục vụ trong yêu thương.