PHÚC ĐÍCH THẬT
07 27 X Thứ Hai Tuần X Thường Niên.
Ca vịnh tuần II.
Thánh Giuse Trần Văn Tuấn, Giáo dân (U1862), Tử đạo.
2Cr 1,1-7; Mt 5,1-12.
PHÚC ĐÍCH THẬT
Bất cứ ai sống trên trần gian đều mong ước có hạnh phúc. Đó là điều người ta cũng thường xuyên cầu chúc cho nhau (vào các dịp đại lễ, dịp đầu Năm Mới,…). Đức Kitô đã đến để chỉ cho người ta biết hạnh phúc đích thực nằm ở đâu, ai là những người thật sự hạnh phúc ở đời này. Không phải những người giàu có, nổi tiếng, oai phong hiển hách, mà là những người nghèo, khiêm tốn, ngay thẳng, biết thương người, xây dựng hòa bình, chịu bách hại,… mới hạnh phúc thật. Chẳng phải là Người muốn phá đổ các tiêu chí quen thuộc của loài người để gây chú ý đâu. Người chỉ muốn khẳng định lại cách sống con người phải theo để trở lại đúng với hình ảnh họ đã đánh mất khi phạm tội, để Thiên Chúa lại trở thành tất cả cho con người.
Trình thuật Tin Mừng hôm nay là một bài ca Hạnh Phúc được Đức Giêsu nhấn mạnh như một lẽ sống của những ai mong muốn được hưởng hạnh phúc đích thực. Cụm từ “Phúc cho ai…” được lặp lại tám lần như một điệp ca vang vọng mãi ở trên núi. Tám mối phúc Đức Giêsu đề cập đến như đi ngược lại với quan niệm về hạnh phúc của đám đông dân chúng. Với Đức Giêsu, hạnh phúc không thuộc về những trọc phú, những người có chức tước, có quyền lực trong xã hội mà là người có tinh thần nghèo khó, người hiền lành, người có tâm hồn trong sạch, người bị bách hại vì sống công chính…Họ là những “người nghèo của Thiên Chúa”.
Mỗi Mối Phúc có ba phần. Phần đầu là lời công bố Mối Phúc. Phần hai nói về người được đón nhận Mối Phúc. Và phần ba là nền tảng của Mối Phúc (= Mối Phúc ấy dựa trên điều gì?). Nền tảng này luôn luôn là một hành động của Thiên Chúa, được khẳng định vững vàng và được đoan hứa chắc chắn. Còn người được hưởng Mối Phúc chính là những người thực hiện một cách sống hay một thái độ được quy định trong Mối Phúc. Họ được tuyên bố là “phúc thay”, bởi vì hành động kia của Thiên Chúa chắc chắn được dành cho họ.
Đức Giêsu không diễn tả các Mối Phúc theo kiểu tình cờ. Người trình bày nền tảng cụ thể của mỗi Mối Phúc. Như chúng ta đã nói, phần thứ ba của mỗi Mối Phúc nói về hành động của Thiên Chúa. Mối Phúc đầu tiên và Mối Phúc thứ tám có cùng một nền tảng: “vì Nước Trời là của họ”. Matthew nói về Nước Thiên Chúa chỉ trong một vài đoạn; thông thường tác giả dùng thành ngữ “Nước Trời” là kiểu nói của người Do Thái thời đó. “Nước Thiên Chúa” và “Nước Trời” có ý nghĩa như nhau: không có nghĩa là một lãnh thổ hay một nơi chốn, mà là quyền chúa tể của Thiên Chúa được tỏ bày ra trực tiếp rõ ràng.
Vậy “Nước Trời là của họ” có nghĩa là Thiên Chúa với quyền chúa tể là của họ; đây không phải là quyền thống trị của một bạo chúa, mà là hành động quan phòng nhân hậu của một vị Mục tử. Người sẽ chứng tỏ rằng Vương quyền của Người vượt trên mọi thế lực hiện đang thống trị. Những ai sống theo lời Đức Giêsu dạy sẽ thuộc về Người, còn Người, đầy quyền năng và nhân ái, Người sẽ là của họ. Mối Phúc hoàn toàn dựa trên sự hiện diện trong uy quyền và nhân ái của Thiên Chúa. Chính vì thế thành ngữ “Nước Trời” được nói đến ở Mối Phúc đầu và Mối Phúc cuối như một lời mở và kết luận, và có giá trị cho tất cả các Mối Phúc khác
Một niềm hạnh phúc đích thực được mở ra cho những người cô thế cô thân, những bà góa và những trẻ em mồ côi. Nơi Đức Giêsu, hạnh phúc vượt lên các giá trị trần gian, vượt qua những bãi bờ ghềnh thác của quyền lực và danh vọng. Hạnh phúc đó được ấp ủ và dưỡng nuôi trong hạnh phúc lớn lao của Thiên Chúa là Đấng giàu lòng thương xót. Hạnh phúc ấy được kết tinh trong Người Con duy nhất, nơi chất chứa những điều diệu kỳ nhất mà không một thế lực nào dù mạnh mẽ, ngoạn mục đến đâu cũng không thể phá hủy được.
Giam mình vào ánh vinh quang của vật chất, người ta chìm trong những mong manh vụn vỡ để rồi đánh mất cả thân xác và hồn phách. Những cái lịch sự bóng bẩy của thế gian thường dẫn đến những ảo giác lệch lạc. Có hay chăng một hạnh phúc đong đầy những mất mát, những bắt bớ, những hiểu lầm và nghi kỵ. Người môn đệ của Đức Giêsu là người hạnh phúc trong chân lý sự thật dù phải trải qua những mất mát đớn đau để rồi xác tín như thánh Phaolô“cho thì có phúc hơn là nhận” (Cv 20, 35).
Bài ca Bát Phúc luôn là một lời thách đố hay một tin vui, đón nhận hay không là tự do của mỗi con người. Một khi con người đã xác định cho mình hướng đi, luôn khát khao vươn tới thì dù ở đâu trong hành trình vạn dặm cũng tìm thấy Hạnh phúc.Với con mắt đức tin, chúng ta biết rằng Thiên Chúa hằng tuôn đổ ân phúc của Người ngay cả lúc chúng ta gặp đau khổ thất bại và mang đầy những lầm lỗi.
Vì thế hạnh phúc cũng có thể là nhận ra những giới hạn của thân phận con người trước tình thương vô biên của Thiên Chúa. Như bản tình ca được kết dệt bởi những nốt trầm bổng, hạnh phúc không chỉ là lúc chúng ta nhận được nhiều điều may lành nhưng cũng là lúc chúng ta dám cho đi, dám trao tặng, dám hao mòn vì tình yêu; không chỉ là lúc chúng ta bình an sum họp mà cả những lúc chia xa đổ vỡ.
Tất cả là hồng ân, không có gì của con người nằm ngoài bàn tay yêu thương quan phòng của Thiên Chúa. Bao lâu chúng ta sống xa Chúa đó là chúng ta đang gánh chịu nỗi bất hạnh. Chỉ phút giây nào chúng ta còn sống theo lời dạy của Thiên Chúa đó là chúng ta đang có hạnh phúc thật, ngoài Thiên Chúa ra chúng ta không tìm đâu được hạnh phúc. Nói như thánh Augustinô “Lạy Chúa, Chúa đã dựng nên trái tim con cho Chúa, linh hồn con còn mãi khắc khoải cho đến khi nào được an nghỉ trong Chúa”.