Phó Tổng thư ký Thượng Hội đồng Giám mục giải thích về “Sinodalità”
Phó Tổng thư ký Thượng Hội đồng Giám mục giải thích về “Sinodalità”
Phó Tổng thư ký Thượng Hội đồng Giám mục thế giới, nữ tu Nathalie Becquart, giải thích rằng “Công nghị tính” – Sinodalità – là chuyển tiếp từ chữ “tôi” đến chữ “chúng ta”.
Sr Nathalie Becquart | Catholic News Service
Nữ tu Becquart diễn tả như trên, trong cuộc hội luận hôm 16/9 vừa qua, với Hội nghị của các Phụ nữ Công giáo và các tín hữu Công giáo, tại Ba Lan về tiến trình Thượng Hội đồng Giám mục, sẽ được Đức Thánh cha Phanxicô khai mạc với thánh lễ vào Chúa nhật 10/10/2021 tới đây tại Vatican, với chủ đề: “Tiến tới một Giáo hội công nghị: hiệp thông, tham gia và sứ mạng”. Tiến trình này sẽ được khai mạc ở các giáo phận, ngày 17/10 sau đó và chuẩn bị cho Thượng Hội đồng Giám mục thế giới sẽ nhóm tại Roma, vào tháng Mười năm 2023.
Đầu cuộc hội thảo dưới dạng trực tuyến, với sự tham dự của hơn 80 người, kể cả các linh mục và nữ tu, nữ tu Becquart đưa ra một thí dụ cụ thể để hiểu công nghị tính mà Đức Thánh cha muốn Giáo hội thi hành: ví dụ trong một giáo phận, công nghị tính hệ tại luôn đồng hành với nhau, và một người không thể tự mình quyết định mà không tham khảo ý kiến người khác, các linh mục phải tham khảo ý kiến giáo dân. Công nghị tính là đi từ chữ “tôi” đến chữ “chúng ta”. “Chúng ta” ở đây là mọi tín hữu đã chịu phép rửa. Đây là định nghĩa ngắn nhất về “Công nghị tính”.
Nữ tu Becquart người Pháp, năm nay 62 tuổi (1958), thuộc dòng Xavie, Thừa sai của Chúa Giêsu Kitô, một dòng được thành lập cách đây 100 năm, theo linh đạo của thánh Ignatio Loyola. Cách đây hai năm (2019), chị được Đức Thánh cha bổ nhiệm làm Phó Tổng thư ký Thượng Hội đồng Giám mục, một chức vụ cho đến nay do một giám mục đảm trách. Cùng giữ chức vụ này với chị Nathalie hiện nay, còn có cha Luis Marín de San Martín, người Tây Ban Nha, nguyên là Tổng cố vấn của dòng thánh Augustinô.
Trong cuộc hội luận, nữ tu Becquart trả lời câu hỏi làm sao để các giám mục nghe tiếng nói của giáo dân, và chị nói rằng quan tâm và lắng nghe tiếng nói của giáo dân là điều rất quan trọng, nhưng đây vẫn còn là con đường mở ngỏ trong Giáo hội. Đối với phần giáo phẩm của Giáo hội, đây là điều mới mẻ và ta không lạ gì khi có những người tỏ ra lo sợ vì điều này. Trong thực tế, cần tìm ra một phương thế, một con đường để chia sẻ kinh nghiệm như vậy. Điều này đòi phải có một kinh nghiệm chung cho cả giáo dân và giáo sĩ, một kinh nghiệm đối thoại và cởi mở. Hàng giáo sĩ phải tiến qua con đường đối thoại và cảm nghiệm nó. Vai trò của linh mục và giáo sĩ sẽ không thay đổi, xét về cơ cấu của Giáo hội nhưng nó phải đổi thay khi họ bắt đầu lắng nghe dân chúng trong Giáo hội. Thách đố mới ngày nay là tái khám phá sự phong phú trọn vẹn của những người họp thành Giáo hội, điều này chỉ có thể có được qua sự lắng nghe nhau và để cho mọi người khác được lắng nghe, cố gắng để được lắng nghe”.
(Kai 15-9-2021)
Trần Đức Anh, O.P.