“Phép lạ Argentina đầu tiên”, chìa khóa để tiến hành việc phong chân phước cho Đức Gioan-Phaolô I
“Phép lạ Argentina đầu tiên”, chìa khóa để tiến hành việc phong chân phước cho Đức Gioan-Phaolô I
“Giáo hoàng mỉm cười” tại chức 33 ngày năm 1978, sẽ được Đức Phanxicô phong chân phước ở Vatican; nhờ lời cầu bàu với ngài, năm 2011 em bé Candela Giarda ở Argentina đã được chữa lành một cách không thể giải thích được
Ngày chúa nhật 4 tháng 9, Đức Phanxicô sẽ phong chân phước cho Đức Gioan-Phaolô I, “giáo hoàng mỉm cười” hay còn được gọi là “giáo hoàng 33 ngày”. Giáo hoàng cuối cùng người Ý tại chức từ ngày 26 tháng 8 năm 1978 khi ngài được bầu để kế vị Đức Phaolô VI, đến ngày 28 tháng 9 năm 1978, khi ngài qua đời vì cơn đau tim đột ngột.
Trên thực tế, ngài chết tự nhiên, không bị ám sát hoặc nạn nhân của bất kỳ âm mưu nào, vì trí tưởng tượng tập thể tiếp tục nghĩ theo quyển sách bán chạy Nhân danh Chúa, một cuộc điều tra về vụ ám sát giáo hoàng Gioan-Phaolô I của tác giả người Anh Savid Yallop (Au nom de Dieu, une enquête sur l’assassinat du pape John Paul I), bị bà Stefania Falasca, nhà báo và là phó cáo thỉnh viên án phong thánh của ngài cho là “rác” và “tin giả”.
Giáo hoàng Gioan-Phaolô I sẽ được phong chân phước nhờ một phép lạ ở Argentina: tháng 7 năm 2011, em bé Candela Giarda 11 tuổi ở Paraná cận kề cái chết do “chứng viêm não”, căn bệnh động kinh cấp tính, ác tính và sốc nhiễm trùng, em được lành một cách không giải thích được. Bây giờ Candela đã 21 tuổi, là sinh viên đại học và có cuộc sống hoàn toàn bình thường. Cô không thể đến Rôma dự lễ phong chân phước vì bị tai nạn ở chân trong phòng tập thể dục, cô kể lại trong đoạn video cô gởi đến một cuộc họp báo ở Vatican.
Linh mục José Dabusti, người Argentina nói với nhật báo La Nación: “Chỉ vài ngày trước, một sức nặng rơi xuống chân cô, họ nghĩ cô có thể đi giày chỉnh hình, nhưng bác sĩ không cho phép cô đứng và đi lại. Cô không thể đến Rôma trong sự kiện trọng đại này, phép lạ của cô là chìa khóa để việc phong chân phước được tiến hành.
Chính linh mục Dabusti đề nghị với bà Roxana Sosa, mẹ của Candela cầu nguyện Đức Gioan-Phaolô I. Linh mục nhớ lại và phát biểu trong một cuộc họp báo ở Vatican: “Đó là trưa ngày 22 tháng 7 năm 2011, bà Roxana đến nói với tôi, Candela bị nhiễm vi-rút nosocomial, bị sưng phổi và bác sĩ nghĩ Candela sẽ không qua khỏi đêm nay, Roxana xin tôi đi theo bà cầu nguyện với Đức Gioan-Phaolô I thêm một lần nữa ở nhà thờ Giáo xứ Đức Mẹ Rábida. Chúng tôi đến Hiệp hội Favaloro. Chúng tôi đi xin chữa lành như những lần khác. Tôi không nhớ lúc đó có bao nhiêu nhân viên y tế ở bên giường Candela. Tôi nhớ hình ảnh một cô y tá rất xúc động, và chúng tôi đến gần Candela, em chỉ nặng không quá 19 kílô… Làm sao tôi có thể đề nghị Roxana cầu nguyện với Đức Gioan-Phaolô I để xin cho em Candela hồi sức lại? Về mặt con người, tôi không hiểu được nhưng về mặt thiêng liêng thì tôi chắc chắn chỉ có ba chữ “Chúa Thánh Thần.”
Linh mục giải thích: “Với linh mục chúng tôi, chúng tôi đã quen chứng kiến giáo dân trong tình huống cuối đời của họ. Vì lý do này, tôi tin chắc Chúa Thánh Thần đã thúc đẩy để tôi có lời cầu nguyện với Đức Gioan-Phaolô I. Bà Roxana không biết gì về giáo hoàng Luciani. Vì chúng tôi đang ở phòng chăm sóc đặc biệt, nên tôi giải thích lý do vì sao phải cầu nguyện cho Candela và xin cầu bàu để cứu sống Candela, xin cho Candela được hồi phục nhanh chóng. Vì thế, Roxana, tôi và hai y tá có mặt, chúng tôi đặt tay lên cơ thể của Candela và tôi cầu nguyện tự phát. Tôi không nhớ chính xác những lời tôi đã cầu nguyện. Tôi xin Chúa qua lời cầu bàu của Đức Gioan-Phaolô I chữa lành cho Candela.”
Ngày hôm sau, Roxana đến giáo xứ để nói với tôi, không những Candela đã qua đêm mà còn khỏe hơn. Linh mục kể tiếp: “Ngày và tuần trôi qua, Candela tiếp tục hồi phục. Cho đến khi tôi không còn liên lạc với gia đình vì gia đình đã về Paraná. Mọi thứ vẫn trong im lặng cho đến cuối năm 2014 khi tôi gặp lại Roxana và Candela ở giáo xứ La Rábida. Một niềm vui lớn khi tôi gặp lại bà Roxana và cô bé Candela 15 tuổi, tôi nhận không ra. Hai mẹ con đến chào tôi. Roxana muốn Candela gặp tôi để tôi xem cô được hồi phục như thế nào. Chiều hôm đó, tôi hỏi Roxana xem bà còn nhớ người mà chúng tôi đã cầu nguyện hay không, rồi tôi nói thêm: “Tôi nghĩ một ngày nào đó chúng ta sẽ nhắc lại chuyện kỳ lạ này.”
Chính vì vậy, qua những lần tiếp xúc, Đức Gioan-Phaolô I đã có mặt trong câu chuyện kỳ diệu này trong tiến trình phong chân phước cho ngài.
Năm 2018 tại giáo xứ Nuestra Seđor de las Mercedes trong khu phố Belgrano, linh mục Dabusti giải thích lý do cho lòng kính mến của ngài với Đức Gioan-Phaolô I, tháng 8 năm 1978, lúc đó linh mục chỉ là một thiếu niên 13 tuổi đã xúc động với con người này: “Hai đặc điểm thu hút sự chú ý mạnh mẽ và khơi dậy lòng ngưỡng mộ của tôi và trên tất cả là tình cảm tự phát của tôi dành cho ngài: niềm vui của ngài qua nụ cười bất tử, qua đức khiêm tốn của ngài đã làm tôi vô cùng kinh ngạc.”
Lúc đó, linh mục còn dán tấm tấm áp phích hình của ngài lên cửa tủ quần áo trong phòng ngủ, ngài kể: “Nhiều lần, khi nhìn chân dung ngài, tôi đã cầu nguyện với ngài. Và khi ngài đột ngột qua đời, tôi bị chấn động.” Năm tháng qua đi, linh mục tiếp tục cầu nguyện với Đức Gioan-Phaolô I để nhận định ơn gọi. Linh mục kể một giai thoại: “Khi có ai đi Rôma, tôi xin họ đến trước mộ Đức Gioan-Phaolô I ở vương cung thánh đường Thánh Phêrô và đọc một lời cầu nguyện cho tôi, để tôi là một linh mục tốt lành và trung thành ”.
Xúc động
Vào đêm trước lễ phong chân phước cho giáo hoàng được nhiều người kính mến và ít biết đến này, linh mục Dabusti cho biết, trong buổi lễ trọng thể này cha sẽ mang di tích của tân chân phước, một bản viết tay của ngài, linh mục không giấu được niềm xúc động lớn lao của ngài, ngài nói với nhật báo La Nación: “Trong những ngày này tôi thật chấn động. Thêm nữa Candela không phải là phép lạ duy nhất của ngài của “giáo hoàng mỉm cười”. Ngài nhiệt tình kể: “Ngày phép lạ được chấp thuận tại Vatican, 13 tháng 10 vừa qua, một người bạn gọi điện thoại báo cho tôi: ‘Đây không phải phép lạ đầu tiên được biết đến, nhưng chúng tôi báo cho cha biết chúng tôi đã có con’. Tôi đã tặng cho cặp vợ chồng hiếm muộn này bức hình của Đức Gioan-Phaolô I và bây giờ họ đã có ba người con.” Và còn thêm nữa: “Có một người bạn của gia đình linh mục Dabusti sống ở Tây Ban Nha, họ sẽ có mặt ở Quảng trường Thánh Phêrô chúa nhật này, người con trai út của họ bị ung thư rất nặng… linh mục cũng nói họ cầu nguyện đặc biệt với Đức Gioan-Phaolô II và bây giờ chẩn đoán đã thay đổi, chúng tôi đã giao phó cháu cho ngài.”
Marta An Nguyễn dịch