Phát hiện thánh tích bên trong nhà thờ cổ Iraq
Phát hiện thánh tích bên trong nhà thờ cổ Iraq
Ðội ngũ trùng tu nhà thờ Thánh Tôma ở Mosul (Iraq) bất ngờ phát hiện nhiều thánh tích cổ và những mảnh giấy da từng thuộc về một số vị thánh Công giáo.
Cũng như TP Mosul, nhà thờ Thánh Tôma trải qua chiến tranh và sự hủy hoại xuyên suốt lịch sử tồn tại. Lần gần nhất, thành phố miền bắc Iraq và ngôi thánh đường đã hứng chịu sự tàn phá là trong giai đoạn tổ chức Nhà nước Hồi giáo tự xưng (IS) chiếm đóng nơi này từ tháng 6.2014 đến tháng 7.2017.
Ngược dòng lịch sử
Có niên đại từ thế kỷ thứ 7, nhà thờ Thánh Tôma được xây dựng để vinh danh thánh Tôma, một trong 12 tông đồ của Chúa Giêsu. Tương truyền, nhà thờ được xây dựng bên trên vị trí ngôi nhà mà thánh nhân đã cư ngụ trong thời gian ở Mosul. Nhà thờ ban đầu đã bị hư hại trong thời gian Hoàng đế Ba Tư Shahanshah Nader Shah chiếm đóng Mosul khi chiến tranh Ottoman – Ba Tư nổ ra từ năm 1743 – 1746. Năm 1744, nhà thờ với cấu trúc như hiện tại đã được chính quyền thời đó của thành phố Mosul xây dựng nhằm tri ân những Kitô hữu đã giúp bảo vệ thành phố này. Nhà thờ một lần nữa được trùng tu vào năm 1848.
Trong quá trình trùng tu năm 1964, các chuyên gia đã tìm thấy một xương ngón tay được cho là thuộc về thánh Tôma. Ngày 23.12.2009, một quả bom rơi xuống phạm vi nhà thờ, khiến 2 người thiệt mạng và làm 5 người khác bị thương. Nhà thờ vẫn tiếp tục hoạt động cho đến năm 2014, thời điểm Mosul thất thủ và rơi vào tay IS. Thánh tích của thánh Tôma được đưa khỏi nơi này và chuyển về tu viện Thánh Mátthêu ở phía bắc Mosul. Còn nhà thờ cổ ở Mosul bị các tay súng IS biến thành nhà tù cho đến khi thành phố một lần nữa được giải phóng năm 2017.
Phát hiện mới trong lúc trùng tu
Theo hãng tin PIME AsiaNews, đội ngũ tham gia quá trình trùng tu đã tìm được 6 cái rương bằng đá, bên trên khắc những ký tự bằng ngôn ngữ Aram và một số bản thảo bằng tiếng Syriac và Aram cũng được tìm thấy. Trong đó, tiếng Aram còn được cho là ngôn ngữ mẹ đẻ của Chúa Giêsu.
Một cái rương có dòng chữ liên quan thánh Theodore, một người lính La Mã sinh ra ở tỉnh Corum (Thổ Nhĩ Kỳ) vào thế kỷ thứ ba và bị hành quyết vì cải đạo. Những cái rương khác có sự liên hệ với thánh tông đồ Simon “Người nhiệt thành”; thánh Gabriel vùng Beth Qustan – Giám mục Tur Abdin, miền đông nam Thổ Nhĩ Kỳ từ năm 593 đến 668; thánh tích được cho của thánh tông đồ Gioan; thánh tích của thánh Simêon “Người công chính” trong thế kỷ thứ nhất, là người đã đón mừng Chúa Hài Đồng khi Chúa Giêsu được Đức Mẹ và thánh Giuse đưa lên đền thờ Giêrusalem.
Những mảnh giấy da viết bằng tiếng Syriac, Armenia và Ả Rập, được bọc lại và bảo vệ bên trong những chai thủy tinh, cũng được tìm thấy bên trong tàn tích của nhà thờ.
Vẫn chưa rõ vị trí khai quật được các thánh tích và những mảnh giấy da, cũng như người đã giấu chúng. Cũng có khả năng trước khi rời đi vào thời điểm các tay súng IS ập đến, các tu sĩ coi sóc nhà thờ đã tìm cách giấu đi những thánh tích để tránh rơi vào tay bọn khủng bố. Trong giai đoạn chiếm đóng, các tay súng IS đã phá hủy vô số di sản văn hóa quý giá và các địa điểm khảo cổ học lâu đời của Iraq. Và Nhà thờ thánh Tôma đã bị phá hoại nghiêm trọng trong cuộc chiến Mosul giai đoạn 2016-2017.
Được khởi động vào năm 2021, dự án trùng tu kéo dài 1 năm và có ngân sách hoạt động 328.000 USD. Tổ chức thực hiện là Liên minh quốc tế bảo vệ di sản trong các khu vực xung đột (ALIPH – trụ sở Geneva, Thụy Sĩ) phối hợp với Cơ quan Cổ vật và Di sản Nhà nước Iraq (SBAH).
Trong một báo cáo, Tổ chức ICC (chuyên ghi nhận về thưc trạng của Kitô giáo trên thế giới, trụ sở Washington D.C, Mỹ) lưu ý rằng những phát hiện mới về các thánh tích được cất giấu lâu nay là một diễn biến đầy khích lệ cho nỗ lực lớn hơn nhằm trùng tu và bảo vệ các di sản văn hóa Kitô giáo ở Iraq sau khi IS gây ra tổn thất nặng nề cho đất nước này.
LING LANG