Ơn hoán cải của bác sĩ John Bruchalski sau khi phải lựa chọn giữa cứu và bỏ thai nhi
Ơn hoán cải của bác sĩ John Bruchalski sau khi phải lựa chọn giữa cứu và bỏ thai nhi
Trong thời gian theo học tại trường đại học y khoa, chuyên về sản phụ khoa, bác sĩ John Bruchalski được dạy rằng phá thai là chăm sóc sức khoẻ, và bác sĩ tin như thế. Nhưng điều này đã thay đổi trong một đêm kia khi ông phải làm cả hai việc: cố gắng cứu sự sống của một thai nhi, và kết thúc sự sống của một thai nhi khác.
Năm 1983, khi bắt đầu học tại Đại học Nam Alabama, bác sĩ John Bruchalski cho rằng ngừa thai và phá thai là một cách để thúc đẩy sức khoẻ, hạnh phúc và sự toàn vẹn của phụ nữ trong lĩnh vực sinh sản. Với mục tiêu trở thành bác sĩ phụ khoa giỏi nhất có thể, ông đã học các phương pháp phá thai, triệt sản và sinh nhân tạo và bắt đầu thực hành những điều này.
Sau này, bác sĩ thú nhận rằng khi giúp các phụ nữ phá thai ông tin rằng nỗi đau sẽ nhẹ hơn khi họ phải mang thai ngoài ý muốn. Nhưng rồi ông nhận ra rằng mọi người bị tổn thương nhiều hơn khi tham gia vào việc giết thai nhi. Có thể họ trải nghiệm một thời gian ngắn nghỉ ngơi không bị căng thẳng, nhưng phần lớn các tương quan sau đó của họ đều bị tan vỡ sau khi phá thai.
Bác sĩ kể lại rằng, đêm đó, tại bệnh viện, trong một phòng có một bà mẹ đang chuyển dạ nhưng gặp khó khăn và ông cố gắng để mẹ tròn con vuông. Ở phòng bên cạnh, một phụ nữ khác muốn phá thai, bác sĩ John cũng giúp cô để trục thai nhi. Khi được đưa ra ngoài, thai nhi vẫn còn sống. Lúc đó, trong tâm trí ông có hai điều: một là làm cho em bé chết hoặc bỏ lên bàn cân xem nặng bao nhiêu. Ông đã làm điều thứ hai, em bé nặng hơn 500 gram. Ông gọi bác sĩ chăm sóc đặc biệt cho em. Bác sĩ John khẳng định rằng chính trong giây phút đó ông đã được ơn hoán cải.
Ơn hoán cải của ông còn được củng cố trong một lần hành hương đến đền thánh Đức Mẹ Guadalupe, được các tín hữu tôn kính như Đấng bảo trợ thai nhi. Một người bạn đã cố gắng thuyết phục ông đi đến đó và ông đã nhận lời. Khi đến nơi, ông cảm nhận như Đức Mẹ nói với ông: “Tại sao con làm Mẹ đau khổ nhiều như thế?”, nhưng ông chưa sẵn sàng trả lời câu hỏi này. Hai năm sau đó, mẹ của ông lại thuyết phục ông đến đền thánh Đức Mẹ Mễ Du. Ở đó, tình yêu dành cho Chúa Kitô và Đức Mẹ mà cha mẹ đã nuôi dưỡng nơi tâm hồn bác sĩ đã thức tỉnh trở lại. Cùng lúc đó, bác sĩ gặp được một thiếu nữ cũng đang tham dự cuộc hành hương và chia sẻ với ông về hoạt động bảo vệ sự sống của cô.
Tất cả những điều này đã làm thay đổi con đường mà bác sĩ John Bruchalski đang theo đuổi. Trở về Mỹ, ông nói với đồng nghiệp là ông không thể tiếp tục phạm tội phá thai hoặc triệt sản nữa, mặc dù ông phải mất một năm để thay đổi mọi thủ tục.
Sau vài năm nghiên cứu thần học thân xác của thánh Gioan Phaolô II, bác sĩ John Bruchalski bắt đầu thực hành nghề y của mình theo một cách khác. Năm 1994 cùng với vợ, ông thành lập Trung tâm Gia đình Teyepac, một cơ sở y tế, sản khoa và phụ khoa, cùng với sự cộng tác của một số bác sĩ và y tá. Trung tâm Gia đình Teyepac đặc biệt tập trung vào việc nâng cao kiến thức thần học thân xác của thánh Gioan Phaolô II, điều mà bác sĩ gọi là “cuộc cách mạng cho các mối quan hệ, y học và các gia đình”.
Sau đó, bác sĩ thành lập Divine Mercy Care, một tổ chức phi lợi nhuận với sứ vụ thúc đẩy chăm sóc sức khoẻ vì sự sống qua các chương trình phục vụ những ai đang cần được trợ giúp, đồng thời giáo dục và truyền cảm hứng cho các chuyên gia y tế, với mong muốn đảm bảo các phụ nữ đều được chăm sóc xứng nhân phẩm. Các thành viên của Divine Mercy Care đến gặp trực tiếp tại nơi ở của các phụ nữ gặp khó khăn về thai kỳ cả vật chất lẫn tinh thần, để giúp cả gia đình ý thức xây dựng văn hoá sự sống, và qua hoạt động chăm sóc sức khoẻ hy vọng tâm hồn mọi người thay đổi.
Bác sĩ nói với những ai đã ít nhất một lần từ bỏ con mình bằng hành động phá thai và những người ủng hộ phá thai rằng: “Lòng thương xót Chúa là liều thuốc tuyệt vời nhất cho việc chữa lành tâm hồn. Nếu bạn đau khổ về những gì đã làm, đau khổ giờ đây đã trở thành những vết sẹo trong cuộc đời, thì hãy tin rằng trong cộng đoàn Divine Mercy Care bạn có các bác sĩ chăm sóc bạn, có lòng thương xót Chúa ở đây và Người chỉ muốn yêu thương bạn nhiều hơn những gì bạn biết”.
Ngọc Yến