Ơn cứu độ đại đồng
- 2 Thứ Năm Thánh Scholastica, Đt
1 V 11:4-13; Tv 106:3-4,35-3,37,40; Mc 7:24-30
Ơn cứu độ đại đồng
Thánh Scolastica và thánh Bênêđitô là hai anh em sinh đôi. Người là em ruột của thánh Biển Đức (Bênêđitô). Hai anh em thánh Scolastica được sinh ra trong một gia đình thánh thiện, quảng đại và bác ái, giàu sang miền Norcia. Hai anh em vừa mở mắt chào đời được mấy tháng đã vội mồ côi mẹ. Hai anh em chỉ biết sống nương nhờ vào tình thương ấp ủ của người cha hiền từ, đạo đức. Trong cảnh gà trống nuôi con, ông Eurôpiô càng tỏ ra là người cha nhân từ, luôn yêu thương con cái với một tấm lòng rộng mở bao la để bù đắp những thiếu thốn của tình mẫu tử.
Lớn lên, hai anh em thánh Scolastica và Biển Đức được cha yêu thương cho đến trường học . Hai thánh nhân đã hết mực yêu thương nhau, khuyên nhủ nhau học hành đến nơi đến chốn để không phụ lòng người cha đã hết mình yêu thương các ngài. Hai thánh nhân luôn bắt chước gương nhân đức của cha mình, lòng yêu mến Chúa Thánh Thần, Đấng soi sáng tâm trí của các ngài. Khi thành đạt, hai anh em lại chung một chí hướng tận hiến mình cho Chúa để phụng sự Chúa và phục vụ các linh hồn.
Thánh Biển Đức (Bênêđitô) đã lập Dòng, em của Ngài là thánh nữ Scolastica cũng sáng lập Dòng nữ tu ở Ý gần rặng Cassino, thuộc Plombariola, cách tu viện của anh ngài chỉ có năm dặm.
Mỗi năm hai anh em chỉ gặp nhau có một lần, trong một nông trại, vì Scholastica không được phép vào tu viện. Cả hai dành thời giờ để thảo luận về các vấn đề tinh thần.
Theo cuốn Ðối Thoại của thánh Grêgôriô Cả, trong lần sau cùng hai anh em gặp nhau để cầu nguyện và truyện trò, thánh Scholastica cảm thấy cái chết của mình gần kề nên nài xin anh Bênêđitô ở với ngài cho đến ngày hôm sau.
Thánh Bênêđitô từ chối lời yêu cầu ấy vì ngài không muốn ở đêm bên ngoài tu viện, vì như thế chính ngài sẽ phá vỡ quy luật do ngài đặt ra. Thánh Scholastica xin Thiên Chúa cho phép anh mình ở lại, và một trận mưa lớn đổ xuống như thác khiến Bênêđitô và các tu sĩ đi theo ngài không thể trở về tu viện.
Thánh Bênêđitô kêu lên, “Xin Chúa tha tội cho em. Em làm cái gì vậy?” Thánh Scholastica trả lời, “Em xin anh một ơn huệ và anh từ chối. Em xin Chúa, và Chúa nhận lời.”
Ba ngày sau, khi thánh Bênêđitô cầu nguyện trong tu viện thì ngài nhìn thấy linh hồn của em mình bay lên trời trong dạng chim bồ câu trắng. Thánh Bênêđitô sai các tu sĩ đem xác của em mình về dòng và chôn trong chính ngôi mộ mà thánh nhân đã chuẩn bị cho mình.
Thánh Scholastica từ trần vào khoảng năm 543, và sau đó không lâu thánh Bênêđitô cũng từ giã cõi đời.
Thánh Scholastica và Bênêđitô đã hiến mình trọn vẹn cho Thiên Chúa, và coi trọng việc kết giao bằng hữu với Chúa qua sự cầu nguyện. Các ngài đã hy sinh một số cơ hội sẵn có để cùng nhau thực hiện ơn gọi tu trì. Tuy nhiên, khi càng gần gũi với Ðức Kitô bao nhiêu, họ càng cảm thấy gần nhau hơn. Khi gia nhập cộng đồng tu sĩ, họ đã không quên và cũng không bỏ rơi gia đình mà trái lại họ có thêm các anh chị em mới.
Trong 3 năm rao giảng của Chúa Giêsu, Ngài rất ít đi ra ngoài lãnh thổ của Do-thái. Lý do không phải vì Ngài không muốn Tin Mừng của Ngài được lan rộng đến Dân Ngoại; nhưng vì Ngài đã có kế hoạch rõ ràng. Bổn phận của Ngài là loan báo Tin Mừng cho các chiên lạc của nhà Israel. Tuy nhiên hôm nay Ngài cũng dành một khoảng thời gian đi ra khỏi biên giới để đến vùng đất dân ngoại. Trang Tin mừng kể: “Đức Giê-su đứng dậy, rời nơi đó, đến địa hạt Tia”. Mặc dù Ngài đến cách âm thầm kín đáo, thế nhưng vẫn bị dân ngoại phát hiện. Chi tiết thánh sử Marcô nhấn mạnh: “Bà đó là dân ngoại, dòng giống Syrophenixi”. Vào lúc Marcô biên soạn Tin mừng, thì Rôma, giữa lòng dân ngoại, chi tiết này không kém phần quan trọng. Ông muốn minh chứng rằng, Đức Giêsu thật sự là Đấng sáng lập Công cuộc truyền giáo cho dân ngoại.
Hơn nữa ngang qua cuộc đối thoại: “Phải để cho con cái ăn no trước đã, vì không được lấy bánh dành cho con cái mà ném cho chó con.”28 Bà ấy đáp: “Thưa Ngài, đúng thế, nhưng chó con ở dưới gầm bàn lại được ăn những mảnh vụn của đám trẻ con.” Chúa Giêsu đã chấp nhận chia sớt ân phúc cho dân ngoại, qua việc ban cho bà theo ý thỉnh cầu.
Sứ điệp lời Chúa cho cộng đoàn là: Củng cố cộng đoàn để ra đi truyền giáo, hay củng cố, xây dựng vững mạnh để khoe mầu cờ sắc áo cho hơn các hội đoàn khác?
Chúa Giêsu không bao giờ tỏ ra kỳ thị con người như thế. Tin Mừng hôm nay là một bằng chứng. Cũng như các tác giả Tin Mừng khác, thánh sử Marcô cho thấy phần lớn hoạt động và thời giờ của Chúa Giêsu được dành cho người Do thái; chỉ sau khi sống lại, Ngài mới chính thức sai các Tông đồ truyền giảng Tin Mừng cho mọi người, bất luận là Do thái hay không Do thái.
Thật ra ngay những năm rao giảng Tin Mừng, Chúa Giêsu đã hé mở cho thấy chiều kích phổ quát của giáo lý và của ơn cứu độ mà Ngài mang lại. Ngoài những giáo huấn về tình huynh đệ đại đồng và thái độ không bài ngoại của Chúa Giêsu, Tin Mừng còn thuật lại các chuyến đi của Ngài tới vùng đất ngoại giáo, tại đây, Ngài cũng đã làm nhiều phép lạ, như trừ quỷ cho một thanh niên ở Gêrasa, cho một người câm ở miền Thập tỉnh nói được, và lần này trừ quỷ cho con gái của một phụ nữ Hy lạp gốc Phênixi.
Dựa vào những yếu tố trên, câu nói của Chúa Giêsu: “Không được lấy bánh dành cho con cái mà ném cho chó con” không thể giải thích đó là dấu biểu thi sự khinh miệt của Ngài đối với người khác đạo và khác tổ quốc; đúng hơn, Chúa muốn mọi người đừng quên ưu thế của người Do thái trong việc thừa hưởng ơn cứu độ, bởi vì Thiên Chúa đã chọn cha ông họ và muốn tỏ lòng trung thành với cha ông họ. Người Do thái được ưu tiên, chứ không phải là những người duy nhất được hưởng ơn cứu độ; vì thế, dù quan tâm săn sóc người Do thái nhiều đến đâu, Chúa Giêsu cũng không để trở thành vật sở hữu độc quyền của họ, Ngài vẫn có tự do bày tỏ tình thương đối với người khác.
Chúng ta chấp nhận sự tự do của Thiên Chúa trong việc ban phát ơn huệ và tình thương của Ngài. Dù ý thức mình chẳng là gì, chúng ta hãy tin rằng mình luôn là đối tượng yêu thương của Thiên Chúa. Với một Ðấng vô biên như Thiên Chúa, thì bất cứ hành vi nào của Ngài cũng có chiều kích vô hạn và quà tặng của Ngài cũng tràn trề sung mãn. Xin cho chúng ta cảm nhận được rằng Chúa đang yêu thương chúng ta và như thế là đủ cho chúng ta.
Lòng thương xót của Đức Giêsu không biên giới, không phân biệt, không loại trừ. Người đến để thực hiện sứ mạng quy tụ các con chiên tản mát ở khắp nơi về hợp một đoàn. Người đến không phải để phá hủy nhưng để kiện toàn, không phải để chia cách nhưng để nối lại những tương giao, tìm kiếm những gì đã hư mất, băng bó những vết thương.
Tin Mừng hôm nay khơi lên trong chúng ta thái độ phải có khi loan báo Tin Mừng. Đừng khép mình trong tháp ngà của sự an toàn tiện nghi nơi gia đình hay giáo xứ. Hãy ra khỏi biên giới của sự hẹp hòi ích kỷ để đến với con người, đặc biệt những ai bé nhỏ nghèo hèn. Hãy chìm sâu trong cầu nguyện để cảm nhận lòng bao dung độ lượng của Thiên Chúa.
Hãy cám ơn Chúa vì qua những thử thách gian nan để chúng ta có cơ hội luyện tập đức kiên nhẫn như lời thánh Giacôbê khẳng định: “… đức tin có vượt qua thử thách mới sinh ra lòng kiên nhẫn. Chớ gì anh em chứng tỏ lòng kiên nhẫn đó ra bằng những việc hoàn hảo để anh em nên hoàn hảo…Phúc thay người biết kiên trì chịu đựng cơn thử thách, vì một khi đã được tôi luyện, họ sẽ lãnh phần thưởng là sự sống Chúa đã hứa ban cho những ai yêu mến Người” (Gc 1, 3-4.12).