Ở Mông Cổ, Đức Phanxico thúc đẩy sự hòa hợp và tự do tôn giáo
Lấy cảm hứng từ di sản khôn ngoan qua nhiều thiên niên kỷ của các truyền thống tôn giáo Mông Cổ, Đức Phanxicô đã đưa ra lời kêu gọi bảo vệ sự siêu việt trong một thế giới quá tập trung vào các thực tại trần thế và bảo vệ sự hòa hợp với người khác. Ngài đã gặp các nhà lãnh đạo tôn giáo của đất nước tại Nhà hát Hun ở Oulan Bator vào Chúa nhật 3/9/2023.
Nhà hát Oulan Bator dưới hình dạng chiếc lều đã trở thành một bức tranh khảm liên tôn với sự xuất hiện của Đức Giáo hoàng. Trong ngôi nhà tròn truyền thống này, một ẩn dụ về sự khôn ngoan và hòa hợp trong chuyến tông du này, khoảng mười nhà lãnh đạo tôn giáo địa phương đã làm chứng trước vị Giáo hoàng đầu tiên đặt chân lên vùng đất của họ. Trong số đó có đại diện của Phật tử, Saman, Hồi giáo, Giáo hội Tin Lành Phúc Âm, Chính thống giáo Nga, Cơ đốc Phục Lâm, Móc Môn, Ấn giáo, người Do Thái và người theo đạo Thần đạo.
Lãnh đạo Phật giáo, ngài Khamba Lama, trụ trì cao cấp của tu viện Zuun Khuree Dashichoiling, đã nói về tầm quan trọng của sự bình an nội tâm và sự hòa hợp bên ngoài, là “những điều kiện tích cực giúp cho tâm trí có thể được chữa lành”. Linh mục quản xứ của Giáo hội Chính thống Nga Oulan Bator – Chúa Ba Ngôi, giáo xứ duy nhất của Tòa Thượng phụ Moscow ở Mông Cổ -, linh mục Antoine Goussev, đã nêu bật nhiều vị thánh người Nga gốc Mông Cổ và mối liên kết lịch sử của Giáo hội giữa hai nước. Về phần đại diện đạo Saman, Dorjgotov Jargalsaikhan, chủ tịch Liên minh Saman Mông Cổ, đã lấy làm tiếc về sự suy tàn của truyền thống vật linh này, bị đàn áp và hạn chế.
Các tín hữu phải làm việc cho sự hòa hợp
Sau phần giới thiệu của người đứng đầu trung tâm Phật giáo Mông Cổ, Đức Thánh Cha Phanxicô đã khai triển tầm quan trọng của việc hướng cái nhìn lên trời, đề nghị một bài phát biểu gợi lên hai chiều kích cơ bản của đời sống con người: trần thế, được tạo thành từ các mối quan hệ, và thiên đàng, được hình thành từ sự tìm kiếm và siêu việt. “Sự kiện ở cùng với nhau trong cùng một nơi đã là một thông điệp”, Đức Thánh Cha tuyên bố và đồng thời ca ngợi lịch sử chung sống tôn giáo của “dân tộc Mông Cổ yêu quý”.
Đức Thánh Cha nhấn mạnh đến sự hòa hợp, “mối quan hệ đặc biệt này được tạo ra giữa các thực tại khác nhau, không áp đặt hay đồng nhất hóa chúng, nhưng tôn trọng những khác biệt và vì lợi ích của cuộc sống chung”. Ngài chất vấn : “Ai, hơn là những người tin, được kêu gọi làm việc vì sự hòa hợp của tất cả mọi người?”
Phê phán chủ nghĩa chính thống bảo thủ quá khích
Theo ngài, giá trị xã hội của tôn giáo được đo lường bằng cách lan tỏa sự hòa hợp, “không phải ở lòng vị tha trừu tượng mà là cụ thể, được thể hiện bằng việc tìm kiếm và sự cộng tác quảng đại với người khác”. Liên kết lòng vị tha với sự hòa hợp, hiểu biết, thịnh vượng và vẻ đẹp, ngược lại, Đức Thánh Cha phê phán “sự khép kín, áp đặt đơn phương, chủ nghĩa chính thống bảo thủ quá khích và cưỡng ép về ý thức hệ” đang hủy hoại tình huynh đệ, nuôi dưỡng sự căng thẳng và gây tổn hại cho hòa bình.
Tuy nhiên, Đức Thánh Cha nhắc lại rằng các tôn giáo được mời gọi cống hiến cho thế giới sự hòa hợp này, điều mà “chỉ có tiến bộ kỹ thuật thôi thì không thể đảm bảo được”, bởi vì, khi nhắm vào chiều kích trần thế, chiều ngang của con người, “nó có nguy cơ quên mất trời cao mà chúng ta đã được tạo dựng nên”, “lẫn lộn sự tiến bộ và thoái trào, được thể hiện qua quá nhiều bất công, quá nhiều xung đột, quá nhiều sự tàn phá môi trường, quá nhiều sự bách hại, quá nhiều sự từ chối sự sống con người”.
Sau đó, Đức Thánh Cha mời gọi đánh giá cao mười khía cạnh của di sản khôn ngoan Mông Cổ được tích lũy qua hàng thiên niên kỷ lịch sử: mối quan hệ tốt đẹp với truyền thống, tôn trọng người xưa và tổ tiên, tôn trọng môi trường, giá trị của sự im lặng và đời sống nội tâm như một liều thuốc giải độc tinh thần cho những tệ nạn của thế giới, một ý thức lành mạnh về sự điều độ, giá trị của sự đón tiếp, khả năng kháng cự lại sự dính bén với vật chất, tình liên đới, đánh giá cao sự đơn sơ, và một tính thực tiễn hiện sinh nào đó.
Một sự chung sống hài hòa mở ra cho sự siêu việt
Khai triển hình ảnh chiếc lều (ger), “nhân loại được hòa giải và thịnh vượng được thể hiện một cách tượng trưng bằng sự chung sống hài hòa hướng tới siêu việt, nơi mà sự dấn thân cho công lý và hòa bình tìm thấy nguồn cảm hứng và nền tảng trong mối quan hệ với thần linh,” Đức Phanxicô lưu ý và đồng thời kêu gọi trách nhiệm của các nhà lãnh đạo tôn giáo. “Do đó không có sự lẫn lộn giữa niềm tin và bạo lực, giữa sự linh thánh và sự áp đặt, giữa con đường tôn giáo và chủ nghĩa bè phái.” Đức Thánh Cha đề cập đến những đau khổ trong quá khứ mà các Phật tử phải chịu đựng, đồng thời nhắc lại tầm quan trọng của “các xã hội đa nguyên tin vào các giá trị dân chủ”, chẳng hạn như Mông Cổ.
Đức Thánh Cha cũng khuyến khích mạnh mẽ quyền tự do tôn giáo: “Mọi tổ chức tôn giáo, được chính quyền dân sự công nhận hợp lệ, đều có nghĩa vụ và trước hết có quyền cống hiến những gì mình có và những gì mình tin tưởng, trong sự tôn trọng lương tâm của người khác và với mục tiêu mang lại lợi ích lớn nhất cho tất cả mọi người”. Vì vậy, theo nghĩa này, Đức Phanxicô bảo đảm rằng Giáo hội Công giáo vẫn giữ thái độ cởi mở và lắng nghe các truyền thống tôn giáo. Ngài nói: “Đối thoại không đi ngược lại với việc loan báo: nó không san bằng những khác biệt, nhưng giúp hiểu chúng, bảo tồn chúng trong tính độc đáo của chúng và cho phép chúng đối chất với nhau để làm phong phú một cách chân thành và hỗ tương”.
Tý Linh
(theo Delphine Allaire, Vatican News