Niềm vui không ai lấy mất được
10.5 Thứ Sáu trong tuần thứ Sáu Mùa Phục Sinh
Cv 18:9-18; Tv 47:2-3,4-5,6-7; Ga 16:20-23
Niềm vui không ai lấy mất được
Các môn đệ được Chúa căn dặn “Thầy ra đi thì ích lợi hơn cho các con” (Ga 16,7). Đó là một cuộc biệt ly. Có cuộc biệt ly nào mà không buồn, không xót, không thương. Cuộc chia ly ở đâu đâu cũng buồn khổ hết. Chia ly ở bên đường, bến đò, ga xe, phi trường, nghĩa địa… đều da diết, đều chết đi trong lòng một ít, và đối với các tông đồ hẳn không phải là ít, vì họ đã từ bỏ tất cả để đi theo Ngài.
Trở đi mắc núi, trở về mắc sông. Giờ đây, Chúa ra đi, đi sang một thế giới khác hẳn. Chúng ta thử tưởng tượng các môn đệ lúc ấy bơ vơ biết như thế nào. Cùng lắm họ mới theo đạo Chúa được ba năm. Với ba năm theo Chúa chập chững, giờ đây mất Chúa. Kẻ âm người dương.
Từ đây một người Do thái với 33 tuổi tên là Giêsu, sẽ biến khỏi sân khấu lịch sử của nhân loại, với không gian, thời gian khí hậu của miền Palestin. Cho nên các tông đồ buồn khổ là phải lẽ. Từ đây, lấy ai làm trụ cột mà dựa dẫm, lấy đâu làm nơi nương tựa cho những ngày mệt mỏi đời tông đồ. Chính Chúa Giêsu đã thấy họ buồn và Chúa xác nhận rằng: “Vì Ta đã nói thế nên ưu phiền tràn ngập lòng các ngươi” (c.6).
Tin Mừng vừa đọc nối tiếp với đoạn suy niệm về mối tương quan mới cần phải có giữa Chúa Giêsu và các môn đệ. Người đồ đệ cần khám phá ra Chúa Giêsu với đôi mắt đức tin và sống kết hiệp khắng khít mỗi ngày một hơn với Người. Sự sống kết hiệp với Chúa là nền tảng vững chắc với niềm vui không bao giờ mất đi nơi tâm hồn người đồ đệ.
Suy niệm bài Tin Mừng vừa đọc lại trên, chúng ta hãy đào sâu thêm về niềm vui mà Chúa muốn trao ban cho mọi đồ đệ của Người. Ðể được hưởng niềm vui của Chúa, người đồ đệ phải thực hiện một điều kiện căn bản, liên kết với cuộc khổ nạn của Chúa để được ân sủng Chúa thanh luyện. Trong khung cảnh những lời tâm sự mạc khải về cuộc ra đi, tức cuộc vượt qua của Người, Chúa Giêsu long trọng loan báo: “Thật, Thầy bảo thật các con, các con sẽ khóc lóc và than van, còn thế gian sẽ vui mừng”.
Khóc lóc và than van là hành động của một người thương khóc cái chết của những người thân yêu nhất. Dùng hai từ này để diễn tả hoàn cảnh các môn đệ sắp trải qua, Chúa Giêsu như muốn mạc khải cho các ông về cái chết sắp đến của Người, vừa đồng thời hé mở cho các ông nhìn thấy mối liên hệ của cuộc đời các ông với cuộc vượt qua của Người.
Ðây là điều mà sau này thánh Phaolô tông đồ dùng một từ ngữ khác để diễn tả, mang lấy cuộc Thương Khó của Chúa nơi mình, hoàn tất nơi mình những gì còn thiếu trong sự Thương Khó của Chúa là chịu đóng đinh vào thập giá làm một với Chúa. “Chúng con sẽ khóc lóc và than van vì Chúa sắp chịu chết trên thập giá tủi hổ”. Trong khi đó thì thế gian, tức những kẻ thù của Chúa Giêsu vui mừng, vì họ nghĩ rằng đã loại trừ được một đối thủ, có những lời nói phơi bày tật xấu của họ và không ngừng quấy rầy lương tâm họ.
“Các con sẽ khóc lóc và than van”, lời cảnh tỉnh này còn nhắc cho các môn đệ sự thử thách họ sẽ trải qua trong cuộc khổ nạn và chịu chết trên thập giá của Chúa Giêsu. Chúa bị bắt, các ông chạy tán loạn. Chúa bị treo chết trên thập giá và an táng trong mồ, các ông lo sợ, ẩn mình trong phòng, đóng kín cửa; vài người khác thất vọng bỏ về quê.
Làm môn đệ của Ðấng chịu đóng đinh không phải là chuyện dễ dàng, êm xuôi: “Ai muốn theo Thầy thì hãy vác lấy thập giá mình hằng ngày mà theo Thầy”; “Các con có uống nổi chén Thầy sắp uống không?” Nhưng cái chết của Chúa Giêsu chỉ là một giai đoạn dù là giai đoạn không thể tránh né được, Chúa chết đi để rồi sống lại, Chúa ra đi để rồi trở lại, Chúa phục sinh trở lại gặp các môn đệ và biến đổi nỗi buồn thành niềm vui: “Thầy sẽ gặp lại các con và lòng các con sẽ vui mừng và niềm vui của các con không ai có thể lấy mất đi được”.
Niềm vui của các môn đệ đến từ Chúa, do Chúa ban cho, chứ không do những nguyên do nào khác. Nền tảng của niềm vui trong cuộc đời của các môn đệ là sự hiện diện của Chúa Giêsu Kitô Phục Sinh trong chính cuộc đời họ. Chúa Phục Sinh đến với các môn đệ phục hồi niềm tin đã bị lung lay chao đảo. Chúng ta cần làm sao để Chúa Phục Sinh có thể đến và hiện diện luôn mãi trong cuộc đời.
Niềm vui mà Chúa Giêsu nói ở đây trước hết là niềm vui Phục Sinh. Các môn đệ đã vui mừng vì thấy Chúa Phục Sinh. Ngày nay chúng ta cũng vui mừng khi ta cùng sống lại với Chúa, niềm vui của kẻ được giải phóng. Niềm vui đó là niềm vui của người đàn bà sắp sinh con; chưa sinh thì đau đớn, nhưng khi đã sinh rồi thì niềm vui nhìn thấy đứa con sẽ làm cho bà quên đi mọi đau đớn. Niềm vui nào cũng được cưu mang trong đau đớn, kể cả niềm vui sống lại của chúng ta. Vì có chết cho tội lỗi, có hy sinh hãm mình đền tội, có can đảm dứt khoát với tội lỗi thì ta mới có niềm vui sống lại. Sự từ bỏ nào cũng đòi hỏi cả, nhất là từ bỏ những đam mê, cái làm cho ta mê say thích thú, lại khó từ bỏ hơn, đòi hỏi nhiều can đảm hơn. Trong đời sống thiêng liêng, con đường sống lại là con đường từ bỏ.
Suy gẫm đến đây, tôi tự hỏi mình: đã bao nhiêu mùa phục sinh qua đi trong đời rồi, vậy tôi đã có niềm vui phục sinh chưa ? Các môn đệ buồn sầu lo lắng vì mất Chúa, còn tôi thì sao? Hay là có Chúa trong đời hay không, thì cũng thế thôi, chẳng có quan trọng gì đối với tôi cả?
Niềm vui chỉ có được khi chúng ta sống trong hy vọng và mong chờ. Tôi có hy vọng, mong chờ gì nơi Chúa không ? Có Chúa là niềm vui vì Chúa có một chỗ đứng quan trọng trong đời sống các Tông Đồ; còn tôi, Chúa có chỗ đứng nào trong đời tôi không ? và biết bao nhiêu câu hỏi ta có thể đặt ra cho chính mình trước niềm vui phục sinh của các Tông Đồ.