NIỀM VUI DÂNG HIẾN
Ngày 29 tháng 12
Màu trắng. Thứ 6. Ngày 5 Tuần Bát Nhật Giáng Sinh. Các bài đọc: 1Ga 2,3-11; Lc 2,22-35. Thánh Tôma Beckét, Giám mục, tử đạo.
NIỀM VUI DÂNG HIẾN
Đến ngày theo luật định, thánh Giuse và Đức Maria bồng Chúa Hài Nhi đến đền thờ Giêrusalem để dâng cho Đức Chúa Cha. Ở đó có ông Simêon là người công chính. Ông được Chúa Thánh Thần soi sáng nên nhận biết Chúa Giêsu và cất tiếng khen ngợi Chúa, vì Chúa đã thương cho Đấng Cứu Thế đến cứu chuộc dân Người; đồng thời ông cũng cho Đức Maria biết: Mẹ phải chịu nhiều đau khổ vì Chúa Hài Nhi.
Mẹ Maria và thánh Giuse dâng Chúa Hài nhi trong đền thánh để tuân giữ luật thời đó. Và việc dâng hiến này báo trước Chúa Giêsu tự dâng hiến đời Người chịu chết trên khổ giá để cứu độ loài người.
Đức Giêsu là “con trai đầu lòng” (x. Lc 2,7), theo luật Maisen: “Mọi con trai đầu lòng phải được dâng hiến lên Thiên Chúa”, như chúng ta đọc thấy trong Cựu ước: “Đức Chúa phán với Maisen: “Hãy thánh hiến cho Ta mọi con so, mọi con đầu lòng trong số con cái Israel, dù là người hay là thú vật: nó thuộc về Ta” (Xh 13,1-2). Vì thế, Đức Mẹ và thánh Giuse dâng hiến Hài nhi Giêsu cho Thiên Chúa trong Đền thờ.
Từ nay cuộc đời Hài nhi hoàn toàn thuộc về Thiên Chúa. Ngài đã được dâng và cũng tự hiến dâng, để Thiên Chúa toàn quyền sử dụng trên Ngài trong sứ mạng nhập thể cứu độ: Dâng trọn vẹn trên đỉnh cao Thập tự.
Chúng ta nhận thấy: hai ông bà đang được diễm phúc làm mẹ Thiên Chúa và làm cha nuôi Đức Giêsu, nhưng không tìm đặc ân riêng cho mình, vẫn khiêm nhường tuân giữ lề luật: thanh tẩy và dâng con vào Đền thờ. Noi gương hai Đấng: người Kitô hữu không nên tìm đặc ân gì, để miễn chước cho mình những bổn phận đối với xã hội, cộng đoàn, gia đình và tha nhân, nhưng phải khiêm nhường đơn sơ và nhiệt tình tuân giữ mọi lề luật chính đáng.
Đối với các bậc cha mẹ Kitô hữu, con cái là quà tặng của Thiên Chúa. Để bày tỏ lòng trân trọng quà tặng quý báu đó, các bậc cha mẹ tiến dâng con cái của mình cho Thiên Chúa. Tiến dâng bằng cách nuôi dạy con cái theo ý Chúa; giúp con cái đón nhận và nuôi dưỡng đức tin, giúp con cái hướng tình yêu về Thiên Chúa.
Trang Tin Mừng hôm nay gồm 2 phần:
Phần thứ nhất nói về nghi lễ thanh tẩy và phần thứ hai là lời tiên tri của ông Simêon.
Thánh Giuse, Đức Maria và Chúa Giêsu lên Đền thờ Giêrusalem để chu toàn 2 bổn phận của lề luật: Thanh tẩy cho Đức Maria sau khi sinh con; dâng Chúa Giêsu là con trai đầu lòng cho Thiên Chúa. Câu chuyện cho thấy các Ngài tuân giữ lề luật rất chu đáo; đồng thời những lễ vật các Ngài dâng chứng tỏ các Ngài thuộc gia đình nghèo khó.
Trong dịp này Thánh Gia đã gặp được cụ Simêon. Cụ được Thánh Thần soi sáng cho biết trẻ Giêsu chính là Đấng Messia, cho nên toại nguyện vì gặp được Ngài. Lời tiên tri của Simêon gồm 2 phần:
Phần đầu nói về Chúa Giêsu là Đấng Thiên Sai và là Đấng Cứu Thế. Lời tiên tri của cụ già Simêon khiến Đức Maria và Thánh Giuse ngỡ ngàng và kinh ngạc. Như thế, Mẹ Maria dần dần đi vào toàn thể mầu nhiệm cứu chuôc.
Phần thứ hai cụ già Simêon đặc biệt nói với Mẹ Maria, mẹ của Hài Nhi, vì số phận của mẹ và con liên kết mật thiết đặc biệt. Lời tiên tri cho Mẹ biết trước: Con Mẹ là Đấng Thiên Sai, là Đấng Cứu Thế nhưng không được mọi người tin nhận. Do đó, Hài Nhi là dấu hiệu mâu thuẫn, là đá vấp ngã (Is 8,14). Con Mẹ sẽ phải khổ nhục do sự mâu thuẫn đó.
Việc dâng Đức Giêsu vào Đền thờ mang ý nghĩa: Đức Giêsu là Đấng Cứu Thế, lần đầu tiên đi vào nhà của Ngài, thế nhưng, không một ai thuộc giới lãnh đạo Giêrusalem, không một ai trong hàng tư tế, luật sĩ ra đón chào. Ngược lại, kẻ chào đón Vua của mình chỉ là ông Simêon, bà Anna, những kẻ thuộc nhóm “những người nghèo của Giavê”. Ngày diễm phúc vĩ đại đến với thành thánh, thì chỉ có hai con người thấp kém, tầm thường, bị quên lãng trước mặt xã hội được ơn nhận biết diễm phúc đó.
Chỉ những ai có tâm hồn đơn sơ nghèo khó, khiêm nhường và thanh thoát mới dễ đón nhận ơn soi sáng của Chúa để thực thi ý Ngài và nhận ra diễm phúc của mình.
Người Kitô hữu được dâng cho Thiên Chúa qua bí tích Rửa tội để trở thành con cái Thiên Chúa. Là Kitô hữu, chúng ta ý thức được diễm phúc làm con Thiên Chúa, để cảm tạ bằng cách thờ phượng Thiên Chúa hết mình, và sống xứng đáng với phẩm giá đó bằng cách thánh hóa bản thân mỗi ngày.