Niềm tin Phục Sinh
17.4 Chúa Nhật Lễ Phục Sinh
St 10:34,37-43; Tv 118:1-2,16-17,22-23; Cl 3:1-4; 1 Cr 5:6-8; Ga 20:1-9
Niềm tin Phục Sinh
Khi còn sinh thời, Chúa Giêsu đã nhiều lần loan báo trước Ngài sẽ bị bắt, đánh đòn, giết chết và sau ba ngày thì sống lại. Sự kiện tiên tri Giona nằm trong bụng cá ba ngày và việc xây thành Giêrusalem trong ba ngày đã là những hình ảnh báo trước việc Chúa Giêsu sống lại sau ba ngày đã chết. Trên dương gian này, những ai đã chết là chết luôn, chỉ có Chúa Giêsu mới có thể dùng quyền năng của mình mà tự sống lại
Giáo hội chính thống có một tục lệ hay về lễ Phục sinh. Sau các nghi lễ về Chúa nhật Phục sinh này, người ta làm phép trứng và chia cho mỗi người trong Giáo hội, để chỉ rằng: mọi người được chia sẻ phúc lành của ngày lễ trọng đại này. Rồi mọi người chúc mừng nhau và cùng nhau đập trái trứng. Khi trứng bể, người kêu lên: “Đức Kitô đã Phục sinh”. Những người khác đáp lại “Người đã sống lại thật”.
Đập bể trái trứng ám chỉ việc mở cửa mồ của Đức Kitô. Trái trứng chỉ sự sống mới. Trong trái trứng có chất liệu làm nên con gà nhỏ tí, mới mẻ. Sự sống mới đó tỏ hiện khi con gà con phá bể chui ra.
Việc Đức Kitô ra khỏi mồ cũng tương tự, Đức Kitô đã chết thật trước khi sống lại. Trái trứng xem như chết, trước khi đem lại sự sống. Trái trứng nhắc chúng ta nấm mồ, trong đó đức Kitô được mai táng, còn gà con ra khỏi vỏ trứng nhắc chúng ta ra khỏi mồ. Chúng ta vui mừng ngày lễ Phục sinh, vì đức Giêsu đã sống lại từ cõi chết. Vì đã hứa cho chúng ta sống lại, một ngày kia từ cõi chết. Nhưng niềm vui của chúng ta còn lớn lao hơn khi ý thức rằng: Hôm nay chúng ta có thể ra khỏi mồ. Có nhiều loại mồ và nhiều cách sống lại. Mỗi người chúng ta có thể ra khỏi mồ hôm nay. Vì hôm nay mỗi người chúng ta có thể trở nên tốt hơn, cuộc sống khá hơn.
Sự kiện ngôi mộ trống chưa có thể xác quyết được sự kiện Chúa sống lại. Chúng ta còn phải nhờ Kinh thánh và với đức tin chân thật thì mới có thể tin Chúa đã sống lại. Chính người Do thái không tin vào sự kiện đó và cho rằng xác Đức Giêsu đã bị lấy trộm đi. Việc Chúa sống lại chỉ là tin vịt do các môn đệ dựng nên. Tuy thế, đối với ông Gioan thì không còn nghi ngờ gì nữa: “Ông đã thấy và ông đã tin” (Ga 20, 9).
Những điều vừa được kể ở đây đã được kiểm chứng vào “lúc tảng sáng” (Ga 20,1). Trong Tin Mừng thứ IV, giờ và các biến cố tương ứng với nhau. Vào lúc tảng sáng, có nhiều điều tiên báo một sự thay đổi tận căn: đêm đang qua đi, chân trời rạng sáng dần, các sự vật rõ nét thêm. Ai chưa bao giờ thấy mặt trời, thì không thể biết điều gì đã gần kề. Mặt trời lên soi sáng tất cả và làm cho mọi điều đã được tiên báo nên sáng tỏ. Các môn đệ còn đang ở trong tình trạng tranh tối tranh sáng, ở trong tình trạng gồm những dấu chỉ tiên báo và chờ đợi. Chỉ khi họ gặp Đấng Phục Sinh, mặt trời mới mọc lên cho họ, mọi sự mới nên sáng tỏ. Đêm đen và bóng tối, cái chết và niềm đau, sự bần khốn và yếu đuối đều được ánh sáng của Đấng Phục Sinh, được vinh quang của sự sống vĩnh cửu của Người, chiếu rọi.
Không còn thi hài của Chúa Giêsu trong mộ nữa. Điều này rất quan trọng đối với sự Phục Sinh: Bởi vì người ta không thể tìm ra xác ướp của Chúa Giêsu hay một vài vết tích, vài mảnh rơi rớt của thi hài, mà lại khẳng định về sự Phục Sinh được. Bởi vì Phục Sinh không phải là một hiện tượng thiêng liêng nào đó chỉ liên hệ tới phần hồn, nhưng sự Phục Sinh đặt dấu ấn lên trên toàn thể con người: thân xác và linh hồn, và biến đổi cách vĩnh viễn toàn thể con người. Vậy không bao giờ được hiểu Phục Sinh chỉ là sự hồi sinh của một người chết, chẳng hạn như trường hợp Lazarus, vì sau này ông cũng lại đã chết. Sự Phục Sinh là việc chuyển sang một cuộc sống bên kia cái chết, sang một cuộc sống không cùng, nghĩa là một đời sống vĩnh cửu.
Các môn đệ biết rằng, Chúa Giêsu đã chết và đã được mai táng. Ngôi mộ và thi hài là dấu vết cuối cùng của Chúa Giêsu trần thế. Tất cả những gì tác giả Tin Mừng thứ IV quy chiếu đến ở đây, đều tiến đi từ ngôi mộ này và liên hệ đến thi hài của Chúa Giêsu. Đối với các môn đệ, chặng cuối cùng của Chúa Giêsu là ngôi mộ; các phụ nữ cũng như các ông đều không hề quay hướng về cuộc Phục Sinh của Người: chẳng hạn phản ứng của Maria Magdalene ở đây chứng tỏ bà nghĩ rằng, Chúa Giêsu đã chết thật. Họ không hề hiểu những loan báo Người đã cung cấp, cũng chẳng hiểu những gì được viết trong Kinh Thánh. Ở đây, tác giả cho thấy những bước đầu đưa các môn đệ đi từ ý thức là Đức Giêsu đã chết đến hiểu biết là Người đã sống lại. Con đường đi từ nỗi kinh ngạc này đến nỗi kinh ngạc khác, và không phải tất cả các môn đệ đều đạt tới mục tiêu cùng một lúc.
Trong Tin Mừng hôm nay, thánh Gioan nhắc đến Maria, người tội lỗi, mà Chúa đã trừ cho khỏi bảy quỷ. Bà rất yêu mến Chúa. Ngay sáng sớm ngày thứ nhất trong tuần bà đã ra mộ viếng Chúa, nhưng thấy mộ trống. Bà tức tốc chạy về báo tin cho ông Phêrô và các Tông đồ biết: người ta đã lấy trộm xác Chúa. Ông Phêrô và Gioan đã ra mộ và thấy sự kiện ấy: ngôi mộ trống. Phêrô tỏ ra không hoảng hốt, ông bình tĩnh, xem ra ông đã tin Thầy mình phục sinh rồi.
Tin vào Chúa Kitô phục sinh là một điều kiện tiên quyết phải có, vì nếu Chúa không sống lại thì niềm tin của ta trở nên trống rỗng. Sự phục sinh của Chúa chính là trung tâm của lịch sử nhân loại, là nền tảng cho niềm tin Kitô giáo.
Sự chết và Phục Sinh của Chúa Giêsu đều nằm trong kế hoạch cứu độ của Thiên Chúa. Kinh Thánh đã tiên báo về Ngài. Chúa Giêsu chết để nhân loại chôn vùi tội lỗi cùng với cái chết của Ngài. Chúa Giêsu Phục Sinh để sự sống Thần Linh của Chúa Giêsu sống động trong tâm hồn mọi người. Chúa Giêsu Phục Sinh đã tái lập sự sống mới trên trần gian. Sự sống mới là sự sống chan hòa yêu thương. Vì tình yêu đã chiến thắng hận thù. Sự đen tối của màn đêm phải lui xa, nhường lại thế giới cho ánh bình minh tươi sáng. Khởi đầu một ngày mới, một trời mới đất mới xuất hiện. Trong niềm hân hoan chúng ta reo vui. Alleluia.