NIỀM TIN ĐỜI SAU
25.11 Thứ Bảy trong tuần thứ Ba Mươi-Ba Mùa Quanh Năm
1 Mcb 6:1-13; Tv 9:2-3,4,6,16,19; Lc 20:27-40
NIỀM TIN ĐỜI SAU
Dù cho con người ta không tin có Thiên Chúa, không tin có sự sống đời sau nhưng một sự thật vẫn hiển nhiên, bất biến. Đó là: Con người khác con vật, có linh hồn mà linh hồn thì vô hình nhưng bất tử; Điều này, Tin Mừng hôm nay chính Đức Giê-su đã xác nhận để cho mọi người được biết: “ Con cái đời này cưới vợ lấy chồng, chứ những ai được xét là đáng hưởng phúc đời sau và sống lại từ cõi chết, thì không cưới vợ cũng chẳng lấy chồng” (Lc 20, 34). Chính Đức Giê-su đã minh chứng lời Người nói đó bằng biến cố chịu tử nạn và ba ngày sau thì Người đã sống lại. Như vậy chính Đức Giê-su đã làm chứng về sự sống lại và chứng cứ của Người thì rất đáng cậy tin!
Câu Chúa nói: “Những ai xét là đáng hưởng phúc đời sau” khiến cho chúng ta phải suy nghĩ, bởi lẽ, chỉ những người ăn ngay ở lành, sống thi hành những điều Chúa răn dạy thì những người ấy mới là những kẻ được Chúa xét là đáng được hưởng phúc đời sau mà thôi! Còn những ai sống bông thả, chạy theo đam mê xác thịt… kẻ ấy không được dự phần vào phần thưởng sự sống đời sau. Mà sự sống đời sau là thánh thiêng, giống như các thiên thần chứ không như cuộc sống tạm bợ ở trên trần gian này! Nên không có chuyện cưới vợ gả chồng nữa!
Tin Mừng hôm nay thuật lại một số người thuộc nhóm Xa Đốc đến gặp Đức Giêsu để hỏi về vấn đề kẻ chết sống lại. Nhóm Xa Đốc xuất thân từ giai cấp tư tế. Nhóm này được xếp vào hạng người bảo thủ bởi vì trong bộ Kinh Thánh họ chỉ nhìn nhận bộ Ngũ thư gồm: sách Sáng Thế, sách Xuất Hành, sách Lê Vi, sách Dân Số và sách Đệ Nhị Luật. Còn những sách về sau thì nhóm Xa Đốc không chấp nhận. Nhóm Xa Đốc không tin về kẻ chết sống lại, vì họ nghĩ rằng trong bộ Ngũ thư không nói về kẻ chết sống lại, cho nên khi nói về giáo lý người chết sống lại, người Xa Đốc cho rằng đó là ý niệm mơ hồ.
Nhóm luật sĩ và biệt phái tin có sự sống lại, còn nhóm Sađốc thì không. Mặc dầu nhóm Sađốc không tin vào cuộc sống đời sau, nhưng qua lời lẽ của họ, người ta thấy họ có một quan niệm hết sức vật chất về cuộc sống ấy: ở đời sau người ta cũng cưới vợ lấy chồng sinh con và hưởng thụ tất cả những lạc thú như ở đời này. Nhưng Đức Giêsu đã mạc khải cho họ có sự sống lại và cách thức sống cuộc sống đời sau. Ngài cho thấy cuộc sống ấy không còn giống như ở đời này, không còn lệ thuộc vào không gian và thời gian. Trái lại, cuộc sống của người công chính khi phục sinh sẽ được thần thiêng hoá như đời sống của các thiên thần.
Hôm nay, nhóm Sađốc đã đứng lên để bàn mưu tính kế nhằm hại Đức Giêsu. Cái bẫy mà họ đưa ra chính là câu chuyện liên quan đến sự sống lại. Vấn nạn mà họ đặt ra cho Đức Giêsu và yêu cầu Ngài trả lời: theo luật Maisen, nếu người anh lấy vợ, khi chết đi mà chưa có con, thì người em phải lấy vợ của anh mình để có con nối dõi. Vậy cả 7 anh em nhà kia lấy vợ, nhưng chưa có con thì đã chết, sau cùng người đàn bà kia cũng chết. Vấn đề đặt ra là: khi sống lại, người đàn bà kia sẽ là vợ của người nào trong 7 anh em đó?
Để trả lời cho họ, Đức Giêsu trưng dẫn sách Ngũ kinh như ông Maisen đã gọi: “Đức Chúa là Thiên Chúa của tổ phụ Abraham, Thiên Chúa của tổ phụ Isaác và Thiên Chúa của tổ phụ Giacóp. Ngài không phải là Thiên Chúa của kẻ chết, nhưng là Thiên Chúa của kẻ sống, vì đối với Ngài, tất cả đều đang sống”. Thiên Chúa là sự sống. Ngài ban và duy trì sự sống ngay cả sau khi chết.
Đức Giêsu luôn luôn từ chối trả lời theo khôn ngoan thế gian, nhưng người đứng trên phương diện khác để trả lời. Câu chuyện của Sađốc đặt ra là giả tưởng, không có thật. Sự sống đời sau khi sống lại không như nhiều người Do thái tưởng là sự nối tiếp sự sống đời này. Nhưng, “những ai được xét là đáng hưởng hạnh phúc đời sau” và sống lại từ cõi chết, thì không cưới vợ gả chồng, quả thật họ không thể chết nữa, vì họ được sống như thiên thần. Họ là con cái Thiên Chúa.
Xã hội tiến bộ ngày hôm nay cũng lôi kéo rất nhiều tầng lớp người, sống trên trần gian nhưng không nghĩ đến chuyện tương lai cho sự sống mình. Cuộc sống chỉ biết hưởng thụ, tìm khoái lạc, tranh chấp, bóc lột, thù hận. Những người này luôn sống trên mặt đất nhưng không nhìn trời cao, nhìn cuộc sống không phải là tạm bợ nhưng là thời gian sống để hưởng thụ, nhìn kiếp đời chỉ tồn tại trên mặt đất nhưng không nghĩ đến sự sống vĩnh cửu mãi mãi. Vì thế, không gì ngạc nhiên khi người thuộc nhóm Xa Đốc của thời đại hôm nay, họ có những suy nghĩ, lời nói và hành động theo lề thói của thế gian, nhưng không chọn mẫu gương sống của Chúa Giêsu là hành trang cho sự sống tạm bợ tại trần gian.
Đạo Công Giáo dạy ta rằng: Có Thiên Chúa là Đấng toàn năng, hằng hữu. Chính Ngài đã tạo dựng nên vũ trụ và nên con người. Chúa cho ta cuộc sống trần gian này để ta “sự đầu tư” cho cuộc sống vĩnh cửu đời sau. Do vậy chúng ta phải kiên trì, nỗ lực làm sao để có thể chiếm cứ được sự sống đó bằng cách sống sao cho đẹp lòng Chúa; sống yêu thương, bác ái phục vụ anh em và luôn tôn thờ Chúa hết dạ hết tình. Dù rằng cuộc sống ở đời này có biết bao cám dỗ và cạm bẫy, nhưng ta phải luôn biết bám vào Chúa, vì chính từ Người sẽ phát suốt ra sức mạnh để nhờ đó chúng ta sẽ chiến thắng và đạt được sự sống đời sau.
Mỗi khi suy ngẫm cái chết, chính là dịp để mỗi người sống tỉnh thức để khỏi phải lo lắng hoang mang. Suy ngẫm về cái chết sẽ giúp cho cá nhân mỗi người sống có ích hơn cho đời, sống tích cực hơn cho chính bản thân mình.