Niềm tin đời sau
26.3 Chúa Nhật Chúa Nhật thứ Năm Mùa Chay
Ed 37:12-14; Tv 130:1-2,3-4,5-6,7-8; Rm 8:8-11; Ga 11:1-45; Ga 11:3-7,17,20-27,33-45
Niềm tin đời sau
Càng gần ngày Lễ Lá, phụng vụ như càng muốn giới thiệu cho dân Chúa rõ hơn cây Thập Giá. Thập Giá xem ra chỉ là một cây gỗ bị đóng chéo lại, nhưng thật ra lại bao hàm cả một mầu nhiệm tình thương. Việc Chúa Giêsu làm cho Lazarô sống lại khi ông đã chết chôn được 4 ngày, cho thấy rõ chiều kích thâm sâu của ơn cứu độ. Cũng như trong sách Tiên tri Ezêkiel, tác giả đã cho độc giả thấy rằng cần phải có Thần Khí của Thiên Chúa thì con người mới sống được. Theo Thánh Phaolô tông đồ thì phải có Thánh Thần của Đấng đã làm cho Đức Kitô từ cõi chết sống lại, mới làm cho xác phàm hay chết của chúng ta được sống như Ngài đã khẳng định trong thư gửi Tín hữu Rôma, mà lát nữa chúng ta sẽ nghe. Tất cả đều nói lên tình thương của Thiên Chúa qua công cuộc cứu độ của Đức Kitô.
Cái chết của Lagiarô là một sự kiện tự nhiên. Con người sinh ra rồi chết, đó là chuyện tự nhiên chắc chắn, điều hòa khác nào thời tiết vần xoay. Nhưng trong cái tất định ấy, trong cái tất yếu kia, một người can thiệp vào và chế ngự được chúng. Con người ấy đầy từ bi và quyền năng, Người là Thiên Chúa. Sự can thiệp của Chúa Giêsu chứng tỏ Thiên Chúa không xa xôi, không hờ hững với tạo vật. Chúa đã nhập thể. Người muốn có con tim biết xúc động, xao xuyến. Người bị đánh động bởi số phận con người, bởi tình nghĩa, bởi nỗi buồn phiền của bạn hữu. Bây giờ Người biểu dương quyền năng và cho Lagiarô sống lại. Điều này cho thấy rằng tuy vẫn trung tín với mình trong sự tôn trọng định luật thiên nhiên, nhưng Thiên Chúa có thể lấy quyền năng mình thay đổi chúng để phụng sự những kẻ Người yêu mến.
Qua đoạn Tin Mừng hôm nay, chúng ta thấy được nét đẹp tuyệt vời và đầy cảm động ấy nơi Chúa Giêsu. Chúng ta nhìn thấy Ngài, là Con Thiên Chúa, nhưng đã khóc bên nấm mồ của Ladarô. Từ đó, chúng ta khám phá ra bản tính con người của Ngài. Chính bản tính con người ấy làm cho Ngài trở nên giống chúng ta. Bởi vì Ngài đã từng chịu đói, chịu khát, chịu mệt mỏi, chịu đớn đau, cho nên Ngài sẽ hiểu chúng ta hơn, khi chúng ta lâm vào những cảnh huống như thế, như người xưa đã bảo: Đoạn trường ai có qua cầu mới hay. Và như vậy, Ngài hiểu rõ thân phận chúng ta. Và chính sự hiểu biết này đem lại cho chúng ta hiềm vui mừng và hy vọng.
Tuy nhiên đoạn Tin Mừng còn chuyển đến cho chúng ta một sứ điệp khác cũng không kém phần quan trọng, đó là Chúa Giêsu không phải chỉ khóc thương Ladarô, mà còn làm cho anh ta được sống lại. Điều đó chứng tỏ, Ngài không phải chỉ là một người như mọi người, mà Ngài còn là Con Thiên Chúa, đầy quyền năng. Với bản tính con người, Ngài cảm thông và chia sẻ với chúng ta. Còn với bản tính Thiên Chúa, Ngài nâng đỡ và trợ giúp chúng ta, trao ban cho chúng ta nguồn sức mạnh và thực hiện những điều chúng ta van xin, kêu cầu.
Chúng ta đã biết những gì xảy ra sau lời tuyên xưng đức tin đầy khiêm tốn và can đảm của hai chị em Martha và Maria. Sống mà không có niềm tin thì kể như là đã chết. Trong biến cố mà Phúc Âm thánh Gioan ghi lại cho chúng ta hôm nay, chúng ta thấy Chúa Giêsu làm phép lạ không phải chỉ cho Lagiarô được sống lại mà thôi, mà cho ba người được sống lại, đó là Martha, Maria và Lagiarô.
Sống lại đầu tiên đó là sống lại với niềm tin vào Chúa, có thể nhiều người trong chúng ta cũng đã chết trong niềm tin vào Chúa và không còn tin Chúa nữa. Chúng ta cần Chúa cho chúng ta sống lại, sống lại trong niềm tin vào Ngài như Martha, Maria: “Lạy Thầy, con tin”. Nhờ lời tuyên xưng của Martha và Maria mà tiếp sau đó Chúa Giêsu cho Lagiarô trở lại cuộc sống. Tất cả qui hướng chúng ta về quan điểm cuối cùng, đó là Chúa Giêsu làm Con Thiên Chúa, là Thiên Chúa, Ngài là Chúa, là chủ của sự sống và có quyền năng trao ban sự sống cho con người.
Khi để cho Ladarô chết, Đức Giêsu muốn bảo chúng ta rằng Người không đến để ngăn chặn cái chết thể lý: công việc của Người không phải là phá vỡ dòng lưu chuyển tự nhiên của đời sống con người. Cuộc sống có một điểm chấm dứt, chứ không kéo dài mãi mãi. Người không đến để làm cho cuộc đời này thành vĩnh cửu, nhưng để ban cho chúng ta một đời sống khác không có cùng tận. Nhất là Người đã tuyên bố cho biết đâu là mục tiêu của chứng bệnh của Ladarô: “để anh em tin” (11,15).
Tất cả các hành vi quyền lực của Đức Giêsu đều được thực hiện để Thiên Chúa được rạng rỡ vinh quang, được tỏ mình ra và nên khả thị. Nhờ những hành vi này, chính Thiên Chúa tỏ mình ra, không phải trong bản tính trừu tượng của Ngài, nhưng trong cách cư xử ân cần cụ thể đối với loài người chúng ta. Thiên Chúa tỏ mình ra là “Ta là Đấng Ta là” và cho thấy điều này đúng với chúng ta đến mức độ nào. Trong tư cách là hành vi của Thiên Chúa được Đức Giêsu thực hiện, hành vi quyền lực này cũng mạc khải cho thấy Đức Giêsu là Con Thiên Chúa, là Đấng mà Chúa Cha đã sai phái đến với chúng ta và nhờ Người mà chúng ta có thể biết Thiên Chúa (x. 1,18).
Tương ứng với hành vi tự mạc khải của Đức Giêsu, là hành vi các môn đệ tin vào Người. Hành vi Đức Giêsu làm cho Ladarô phải củng cố các môn đệ trong đức tin và cho họ thấy chính xác hơn họ có thể chờ đợi gì nơi Đấng mà họ đã tin tưởng. Đức Giêsu đã hai lần mời họ đi theo Người về Giuđê (11,7.15). Họ biết điều gì sẽ có thể xảy ra cho Người, và cả cho họ nữa. Họ tín nhiệm nơi Người và trở thành những chứng nhân về cách Đức Giêsu, mặc dù có nguy hiểm đến tính mạng Người, đã làm cho Ladarô đã chết được sống lại.
Là con người, chúng ta sẽ phải chết. Mỗi người, từ thuở bắt đầu cuộc hiện sinh, đều đi về cái chết. Đứng trước cái chết, chúng ta cảm nhận mộtgiới hạn tuyệt đối và mộtsự bất lực hoàn toàn của chúng ta. Chúng ta có thể trì hoãn cái chết, chứ không thể tránh nó được. Và chúng ta không thể nào đưa được mộtngười đã chết trở lại với cuộc sống được. Trái lại, Đức Giêsu đã làm cho cái chết trở thành nhất thời và tạm bợ giống như giấc ngủ. Người sẽ làm cho chúng ta trỗi dậy khỏi cái chết và ban cho chúng ta sự sống đời đời. Muốn thế, chúng ta phải tránh thái độ cứng lòng của người Do Thái, cả thái độ nửa tin nửa ngờ của hai chị em Mácta và Maria, để tin hoàn toàn vào Đức Giêsu.