Những mối phúc hài hước
Những mối phúc hài hước
Trong tác phẩm Thiên Chúa và trần thế, ký giả Peter Seewald đã hỏi Đức Hồng Y Joseph Ratzinger (sau này là ĐGH Bênêđictô XVI) như sau: “Chúa luôn tỏ ra nghiêm nghị, hay Ngài cũng có khi hài hước?
Đức Hồng Y trả lời: “Tôi tin rằng Ngài nhiều hài hước. Đôi khi Ngài đẩy nhẹ ta một cái và nhắc nhở: này con, đừng xem trọng mình! Hài hước thực ra là một thành phần trong bức tranh tươi vui của thụ tạo. Nếu để ý, ta thấy Chúa nhiều lúc trong cuộc sống cũng muốn ta đừng quan trọng hóa vấn đề, hãy hạ mình xuống, hãy nhìn khía cạnh tươi vui và đừng quên khuôn mặt hài hước của cuộc sống”. Và “Ở đâu sự hài hước không còn, thì ở đó chắc chắn cũng không còn tinh thần của Đức Kitô, vì niềm vui là dấu chỉ của ân sủng”. [1]
Đức Giáo hoàng Phanxicô cũng nhấn mạnh đến tầm quan trọng của hài hước trong đời sống của người kitô hữu nơi Tông huấn Gaudete et exsultate – Vui Mừng Hoan Hỷ: “Thánh Nhân là người có khả năng sống với niềm vui và yêu thích sự hài hước […]. Trở thành Kitô hữu có nghĩa là “bình an và hoan lạc trong Thánh Thần” (Rm 14,17), vì “từ Đức Mến thánh thiện sẽ nhất định phải dẫn tới niềm vui”.[2]
Thật vậy, hài hước có một vị trí trong đời sống cá nhân của Kitô hữu. Linh mục Joseph Folliet (1903-1972) – nhà xã hội học, nhà văn người Pháp và là người đồng sáng lập Hội Bằng Hữu thánh Phanxicô – đã nghĩ đến việc dùng tính hài hước để xây dựng “những hạnh phúc nhỏ” dựa trên mô hình của Tin mừng, rất gần gũi với thời đại chúng ta.
Điều đầu tiên có lẽ được biết đến nhiều nhất, nhưng những điều khác cũng đáng được quan tâm:
Phúc cho ai biết cười nhạo bản thân: họ sẽ luôn có lý do để vui đùa.
Phúc cho ai biết phân biệt núi với đồi: họ sẽ chữa được nhiều chứng đau đầu.
Phúc cho ai biết nghỉ ngơi và tĩnh dưỡng mà không cần phải biện minh cho mình: họ sẽ là người khôn ngoan.
Phúc cho ai biết quan sát nơi họ đặt chân đến: họ sẽ tránh được nhiều điều phiền toái.
Phúc cho ai biết im lặng và lắng nghe: họ sẽ học được nhiều điều mới.
Phúc cho ai đủ thông minh để không quá coi trọng bản thân: họ sẽ được những người thân cận đánh giá cao.
Phúc cho những ai biết để ý đến tiếng gọi của tha nhân mà không cho rằng mình là người không thể thiếu: họ sẽ là người gieo vãi niềm vui.
Phúc cho bạn nếu bạn biết nghiêm túc nhìn những điều nhỏ nhặt và bình tĩnh trước những điều nghiêm trọng: bạn sẽ còn tiến xa trong cuộc sống.
Phúc cho bạn nếu bạn biết cảm mộ nụ cười và quên đi vẻ nhăn nhó: cuộc đời bạn sẽ tươi sáng.
Phúc cho bạn nếu bạn luôn có thể giải thích thái độ của người khác với lòng nhân từ, ngay cả khi bề ngoài xem ra trái ngược: họ sẽ coi bạn là người chất phác, nhưng đó là giá trị của lòng bác ái.
Phúc cho ai biết suy nghĩ trước khi hành động và cầu nguyện trước khi suy nghĩ: họ sẽ tránh làm nhiều điều dại dột.
Phúc cho bạn nếu bạn biết cách giữ im lặng và mỉm cười ngay cả khi người khác rời xa bạn, khi họ mâu thuẫn với bạn hoặc chà đạp bạn: Tin Mừng bắt đầu thâm nhập trong tâm hồn bạn.
Phúc đức trên hết là khi bạn biết nhận ra Chúa trong những người mà bạn gặp gỡ: thì bạn đã thấy ánh sáng chân thực và đức khôn ngoan chân thực.
- Võ Tá Hoàng
(gpquinhon.org 20.04.2022)
[1] J. RATZINGER, Thiên Chúa và trần thế, Nhà xuất bản Tôn Giáo, Hà Nội 2011, tr. 15
[2] GIÁO HOÀNG PHANXICÔ, Tông huấn Gaudete et exsultate, số 122